Trầu têm cánh phượng vốn là hình ảnh đẹp và đặc trưng nhất cho nét đẹp của văn hóa Kinh Bắc. Tuy nhiên do đời sống công nghệ phát triển, văn hóa hiện đại cùng thời đại cơ khí hóa đã vô tình làm phai nhạt những giá trị văn hóa xưa cũ, trong đó trầu têm cánh phượng cũng đã dần trở nên mai một trong cuộc sống hiện đại.
"Miếng trầu là đầu câu chuyện", câu nói thể hiện văn hóa mời trầu trong đời sống tinh thần của các tỉnh vùng Kinh Bắc (Ảnh: Pinterest)
Trầu cau gợi về câu chuyện cổ tích Tấm Cám và tục ăn trầu đã trở thành tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, vì thế hình ảnh trầu têm cánh phượng đã trở thành một hình ảnh kinh điển, gắn liền với văn hóa đặc trưng của các tỉnh vùng Kinh Bắc nói riêng và tiềm thức người Việt nói chung. Tục ăn trầu cũng khá phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên văn hóa của mỗi dân tộc có nét khác nhau. Với người Việt, trầu cau là biểu tượng của tình người – vợ chồng chung thủy và “Sự tích trầu cau” đã đi vào lòng người Việt đẹp như thế.
Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối. Trong lễ tơ hồng, cúng ông Tơ bà Nguyệt, khi nào cũng phải có buồng cau và lá trầu:
Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm
Miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: Cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Dây trầu mọc từ đất, quấn quýt thân cây cau, biểu tượng cho sự trung gia.
Thông thường miếng trầu bao gồm lá trầu xanh được têm sẵn có quệt chút vôi trắng cùng với miếng cau vàng. Sự kết hợp này mang lại vị ngọt của cau; vị cay, thơm của tinh dầu từ lá trầu; vị chát của vỏ và hạt. Sự hòa quện này khi ăn làm cơ thể ấm lên bởi sinh khí từ vôi và cảm giác hơi chếnh choáng men say được tạo ra từ chất arécoline trong hạt cau.
Nét đẹp của trầu têm cánh phượng được bao thế hệ người Việt lưu giữ qua nhiều thế kỷ
(Ảnh: Pinterest)
Các nghiên cứu khoa học cho thấy chất polyphenol trong lá trầu có tác dụng kháng khuẩn, chất arécoline trong hạt cau bị chất vôi trung hòa, làm cho miếng trầu có sắc đỏ tươi giúp người ăn thắm môi, hồng má, kích thích hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, giúp tăng sinh lực. Vì thế mà khi ăn trầu xong câu chuyện cũng được cởi mở hơn. Ngày nay thay vì dùng trầu thì bia rượu được dùng phổ biến để mở đầu câu chuyện, không chỉ lãng phí tiền của mà còn mang lại rất nhiều tệ nạn xã hội, cũng không thể nào thay thế được nét độc đáo của phong tục ăn trầu.
Vị thơm đắng của trà, màu đỏ, vị cay của trầu cau góp thêm hương sắc cho cuộc sống, mang ý nghĩa cầu mong đôi uyên ương có sự bền chặt dài lâu. Người vợ vun vén gia đình, người đàn ông làm trụ cột chở tre cho người thân đi qua muôn vàn sóng gió.
Hương vị thơm nồng cay xè đầu lưỡi của trầu cau khiến ai ai cũng phải đắm say và ngưỡng mộ nét đẹp của "biểu tượng văn hóa" đất Kinh Bắc và sự phồn hoa nơi phố thị (Ảnh: Pinterest)
Giờ đây để tìm hình ảnh của những miếng trầu têm cánh phượng đẹp, chuẩn mực và cầu kỳ về mặt thẩm mỹ thì không phải dễ. Những nơi bán trầu têm cánh phượng được tìm thấy ở tỉnh thành phía Bắc, vùng Kinh Bắc mà đặc trưng là Bắc Ninh – nơi khởi nguồn là vùng đất Kinh Bắc nổi tiếng từ xa xưa với những điệu hát quan họ mang đậm tính dân tộc. Giá trị của trầu têm cánh phượng được khẳng định thêm ở mảnh đất kinh kỳ Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Trầu têm cánh phượng (hay còn gọi là trầu cô Tấm) là một tục lệ truyền thống từ lâu đời, nơi có những chuẩn mực nhất định, từ lá trầu, quả cau cho đến cách bổ cau, cách têm trầu cũng thật cầu kỳ, cẩn thân. Sự kỳ công khi têm trầu cánh phượng được những nghệ nhân Hà thành miệt mài lưu giữ nhằm tôn vinh và bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa vô cùng đáng quý của dân tộc ta.
Miếng trầu têm cánh phượng thể hiện chiều sâu văn hóa và sự tinh tế của người Tràng An (Ảnh: Pinterest)
Tục ăn trầu cau từ bao đời nay đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa phong tục của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Với người dân xứ Kinh Bắc, miếng trầu têm cánh phượng còn biểu đạt cách đối nhân xử thế trọn nghĩa vẹn tình giữa người với người, nhất là trong các canh hát giao duyên hay sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “đầu trò tiếp khách”, lại là biểu tượng tượng trưng cho sự tôn kính được dùng phổ biến trong các lễ tế thần linh, lễ gia tiên, lễ cưới… Trong chuyện cưới hỏi ngày xưa cho tới thời nay, những quả cau, miếng trầu luôn chiếm vị trí rất quan trọng, nó như sợi dây gắn kết nối chặt mối lương duyên cho nhưng đôi trai gái thành vợ thành chồng. Lễ cưới là vậy, còn khi tế gia tiên thì có trầu têm, lễ tế gia tiên thì phải có 3 lá trầu, cùng một chút vôi quẹt lên ngọn lá và quả cau để nguyên.
Dùng vôi quẹt lên lá trầu để ăn kèm với quả cau làm tăng thêm hương vị cay nồng, đậm đà cho người dùng (Ảnh: Pinterest)
Chợ Cầu Đông vốn được biết đến là khu chợ nổi tiếng của Hà Nội với những mặt hàng phong phú, dồi dào. Đến chợ Cầu Đông, không khó để bắt gặp những hình ảnh những cô bác quyết tâm lưu giữ vẻ đẹp của trầu têm cánh phượng – nét “đặc sản” tưởng như đã lụi tàn theo thời gian và năm tháng.
Cô Trần Thị Huyền, 52 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội, cho biết đã theo đuổi công việc bán trầu têm cánh phượng được hơn 30 năm ở chợ Cầu Đông. Ban đầu cô học kỹ thuật têm cánh trầu từ mẹ, công việc gia truyền khiến cô cảm thấy muốn gắn bó với công việc này một cách lâu dài và nghiêm túc. Từ đó, cô được thôi thúc trong việc duy trì nghề têm trầu cánh phượng và bán ở chợ đã được mấy chục năm. Khách hàng của cô là khách quen ở khu vực phố cổ. Họ thường tìm đến sạp hàng của cô như để tìm lại một ký ức Hà Nội xưa cũ – những thước phim màu đã nhuốm màu thời gian về một thời Hà Nội vàng son những hồi ức về các giá trị vang bóng. Cô Huyền cho biết kỹ thuật têm trầu cánh phượng phải được thực hiện một cách vô cùng khéo léo, cẩn thận, cầu kỳ và tỉ mỉ. Phải đặt cái tâm huyết mình vào trong đó như một cách để cho ra đời những miếng trầu têm khéo léo nhất. Cô chia sẻ cách lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu sao cho thật hiệu quả. Cô luôn lựa chọn những quả cau tươi, lá trầu to, xanh bánh tẻ, miếng trầu được gài thêm cánh hoa hồng cũng phải là bông hồng đỏ son, rực rỡ.
Cô Trần Thị Huyền là một nghệ nhân têm trầu cánh phượng bán lâu năm ở sạp hàng chợ Cầu Đông (Ảnh: Tác giả)
Cô Huyền chia sẻ thêm, miếng trầu têm cánh phượng thường được đặt hàng bởi các đám cưới hỏi, những nhà đền, nhà phủ có nhu cầu dâng cúng lên Phật Thánh. Cô cho biết miếng trầu têm cánh phượng đẹp nhất phải được têm bằng những quả cau tươi ngon nhất, gọi là cau tiện chũm lòng đào. Cách têm này cũng đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ năng điêu luyện, kỹ thuật khéo léo, điệu nghệ, cộng thêm cả sự tinh tế từ người têm. Từ việc chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn khúc vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi.
Muốn cho miếng trầu thêm đẹp, người ta thường cài thêm vào cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng, tạo thành đuôi phượng, khiến miếng trầu thêm phần lộng lẫy với màu sắc sặc sỡ, tươi tắn
(Ảnh: Pinterest)
Hình ảnh nghệ nhân Trần Thị Huyền ngồi têm trầu cánh phượng tại chợ Cầu Đông với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ bổ cau, tạo hình cánh phượng ở lá trầu mới thấy, nét đẹp văn hóa này thật đáng quý. Văn hóa Kinh Bắc thể hiện nét đẹp trong từng khâu đoạn nhỏ bé, tỉ mỉ nhất trong đời sống hàng ngày. Cô chia sẻ vì thế mà việc lựa chọn quả cau non hay già nhất thiết phải được xem xét kỹ lưỡng. Với lá trầu cũng vậy, phải là lá bánh tẻ, vì lá trầu quá già khi cuộn gập sẽ dễ gãy, non thì mềm khó têm. Chọn vỏ cũng phải chọn khúc to, màu cánh sen để có thể phức hợp tạo ra một miếng trầu cánh phượng với sự hài hòa về màu sắc, tôn lên vẻ đẹp của “Trầu xanh – Cau trắng – Vỏ hồng”.
Kỹ thuật têm trầu cần được thực hiện một cách khéo léo và thuần thục dưới bàn tay điệu nghệ của người nghệ nhân (Ảnh: Pinterest)
Sở dĩ nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cô Huyền cũng cho biết thêm, cũng vẫn nguyên liệu ấy nhưng cách têm đẹp, kiểu cách đã thể hiện sự khéo léo của những người liền anh, liền chị nơi quê hương Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn vô cùng đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.
Ngày nay, mặc dù trong đời sống hiện đại ngày nay, chúng ta thấy ít xuất hiện hình ảnh tục ăn trầu nữa mà thay vào đó là những đồ ăn thức uống của thời hiện đại, tuy nhiên tục lệ ăn trầu cùng trầu têm cánh phượng sẽ mãi mang đậm nét bản sắc dân tộc và tính nhân văn trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến. Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực, mà miếng trầu đã bước từ trang cổ tích ra ngoài đời sống. Rất bình dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần cao sang, quyến rũ, vẫn tồn tại qua thời gian để phản ánh nhiều nét đẹp văn hóa, thăng hoa tình cảm, tình yêu thương con người, hình thành văn hóa vùng rõ rệt.
Nguyên liệu để têm trầu cánh phượng phải là những quả cau, lá trầu tươi ngon
(Ảnh: Pinterest)
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thật sự còn rất ít ỏi của những người nhai trầu, những cụ già mái tóc bạc nhai trầu. Song chút hương xưa, chút duyên thầm của nét văn hóa này vẫn mãi còn đó, vẫn còn một mạch ngầm lan tỏa trong dòng máu của người Việt Nam không dễ gì mai một. Tục ăn trầu vẫn sẽ là nét phong tục đẹp còn tồn tại và gắn bó trong tâm thức của người Việt Nam hôm nay và mãi về sau, bởi trong tiềm thức của người Việt Nam ngàn đời nay, trầu cau đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa dân tộc, luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy trọn vẹn giá trị văn hóa độc đáo và đẹp đẽ vốn có./.