82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Di sản Tư liệu Thế giới và Niềm tự hào của dân tộc

 Ngày 9/3/2010, UNESCO đã ghi danh 82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê – Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2011, 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu thời Lê – Mạc được chính thức công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê – Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội khắc các bài văn bia đề danh cùng thứ bậc và quê quán của 1304 vị tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời Lê sơn, thời Mạc và thời Lê trung hung (1442 – 1779). 82 bia đá này là những tấm bia tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm mà còn ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài.

Tượng rùa đá nổi tiếng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là kho tư liệu đồ sộ về văn hóa - lịch sử của dân tộc ta (Ảnh: Pinterest)

 

82 bia Tiến sĩ là những tư liệu phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Với những giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt quan trọng như vậy, 82 bia Tiến sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới và được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam coi là bảo vật quốc gia.

Pho sử đá đồ sộ

Bia đá đặt tại khi di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bày ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi được tổ chức từ năm 1442 – 1779. Văn Miếu có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.

Có thể tìm thấy ở đây tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc nhiều trong các sách sử Việt Nam như nhà sử học Ngô Sĩ Liên – tiến sĩ năm 1442, người được vinh danh khi soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn – tác giả của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Văn dài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ tiến sĩ khoa 1775 đã giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử.

 

Các hạng mục công trình kiến trúc cổ độc đáo của Văn Miếu có thâm niên hàng ngàn năm tuổi là niềm tự hào của Thủ đô và của cả dân tộc (Ảnh: Pinterest)

 

Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê – Mạc, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442) đã chỉ rõ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”. Nhiều tấm bias au cũng nhấn mạnh nhấn lại ý “nhân tài là nguyên khí quốc gia”; bia các năm 1556, 1604, 1703, 1763, 1772 nhấn mạnh thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”.

 

Truyền thống sờ đầu rùa trước mỗi kỳ thi để lấy may của các sĩ tử (Ảnh: Pinterest)

 

Từ những tấm bia tiến sĩ, người đời sau lĩnh hội được nguồn tư liệu có giá trị để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các sử thần Việt Nam, cùng mối quan hệ bang giao giữa các nước vùng Đông Bắc Á. Trong số 1.304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh (1368 – 1644), triều Thanh (1644 – 1911).

Bên cạnh đó, trong các nước có ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam thì chỉ có Việt Nam có bia tiến sĩ mang nội dung phản ánh tư tưởng chính trị, triết học, giáo dục khoa cử của triều đại, nhờ đó có thể nghiên cứu sự phát triển, thay đổi của Nho giáo trong việc quản lý đất nước của các triều đại ở khu vực thông qua bài văn khắc trên bia.

Xứng tầm di sản thế giới

Giá trị và nét độc đáo của 82 bia tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới nhiều nước dựng bia, tuy vậy chỉ duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Những bài ký trên bia tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp.

Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản là những tác phẩm vô giá, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Có thể kể đến bài kỳ đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung (từng giữ chức thượng thư bộ lại, Đông các đại học sĩ kiêm tế tửu Quốc Tử Giám soạn). Trong đó có đoạn: “Kinh nghĩ: Việc dựng bia đá là cốt để làm cho thịnh ý mưu trị cầu hiền của các bậc thánh để thần tông được lưu truyền mãi mãi. Đó chính là phép lớn để rèn giũa người đời và là điều rất may cho Nho học”. Đoạn khác lại nêu luận điểm: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, rồi lại đặt câu hỏi: “Kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, danh phận thật là nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế thì người mang danh kẻ sĩ phải trọng thân tình mà lo báo đáp, đáng phải như thế nào?”

 

Biểu tượng rùa đá tượng trưng cho tinh thần hiếu học của những người trí thức Đại Việt

(Ảnh: Pinterest)

 

Mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết tinh trí tuệ, bàn tay của những nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam các thời kỳ và là loại hình văn bản đặc biệt của di sản tư liệu, làm phong phú thêm cho thể loại của ký ức thế giới. Tất cả 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia đẹp, trần cong, hình vòm. Các tấm bia được đặt cầu kỳ và trân trọng trên lưng rùa, rùa cũng được tạo dáng theo một phong cách chung là dáng to, người đậm và chắc khỏe. Tuy nhiên, mỗi một chú rùa đá đều có phong thái, sắc thái và tâm trạng khác nhau, không con nào giống con nào, mỗi con một vẻ. Đó cũng là điểm đặc sắc, độc đáo và có một không hai khi đến thăm bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám. Trang trí trên bia đá của mai rùa cũng rất đa dạng, phản ánh sự phát triển hình tượng nghệ thuật theo thời gian, nhờ đó thế hệ con cháu sau này có thể hiểu được lịch sử phát triển mỹ thuật của Việt Nam từ thế kỷ 15 – 18. Đây được xem là những bằng chứng sống động của trí tuệ và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Việt Nam.

 

Kỹ thuật khắc chữ tinh xảo trên tấm bia rùa ở Văn Miếu (Ảnh: Pinterest)

Cho đến nay bia tiến sĩ ở Văn Miếu vẫn là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi được dựng, phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, có khả năng đọc được. Các bài văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu – những tiêu chí quan trọng mà chương trình “Ký ức thế giới” đặt ra.

 

Khuê Văn Các - Biểu tượng hiếu học của cả nước và tượng trưng cho hình ảnh của Hà Nội trong con mắt của bạn bè quốc tế (Ảnh: Pinterest)

 

Ngày nay, bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mãnh liệt và mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước. Hàng ngày có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về chế độ tuyển chọn và đào tạo nhân tài, sử dụng hiền tài, quan điểm về giáo dục của người Việt Nam xưa. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách quan trọng của các nước trên thế giới đặt chân đến Văn Miếu để thưởng lãm, chiêm ngưỡng công trình cổ có giá trị lịch sử - văn hóa vô cùng đồ sộ này và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa trường tồn của những tấm bia đá./.