Trong phần tiếp theo của chuỗi “80 ngày vòng quanh thế giới: Artist Films / Moving Image“, chúng tôi hân hạnh giới thiệu buổi chiếu phim “Điện ảnh Thứ Năm” (Nguyễn Trinh Thi, 2018, 56 phút) và trò chuyện sau chiếu phim với tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu.
Thời gian: 19:00, thứ năm 11/04/2019
Địa điểm: DOCLAB, Số 11, ngách 12, ngõ 378 Thụy Khuê, Hà nội
“Điện ảnh thứ Năm” bắt đầu bằng một tuyên bố thầm lặng “Tôi là một nhà làm phim, như bạn cũng biết.” Văn bản tiếp tục theo suốt cả phim, có nguồn gốc do nhà làm phim Barry Barclay người Maori viết, người đã đặt ra thuật ngữ ‘điện ảnh thứ tư’ để phân biệt điện ảnh bản địa với khuôn khổ đã được xác lập của các nền điện ảnh “Thứ nhất, Thứ hai, và Thứ ba”. Văn bản này đã tạo ra cấu trúc cho bộ phim tiểu luận của Nguyễn Trinh Thi và cho phép bộ phim di chuyển xuyên qua nhiều lớp địa hình khác nhau cả trên phương diện điện ảnh lẫn chủ đề. Sử dụng lời văn thay vì giọng đọc và với việc đặt các hình ảnh con gái của mình bên cạnh các hình ảnh lưu trữ về phụ nữ Việt Nam được nhìn như thế nào qua lăng kính của “các sĩ quan con tàu”, bộ phim từ từ dẫn dắt người xem qua một câu chuyện kể về chủ nghĩa thực dân, vấn đề bản địa, và các hạn chế trong khả năng đại diện của điện ảnh.
Tác phẩm hiện đang được triển lãm tại Triennale Nghệ thuật đương đại châu Á Thái Bình Dương lần thứ 9 (APT9) tại Brisbane, Australia (24 tháng 11 năm 2018 tới 28 tháng 4 năm 2019)
Trong trò chuyện sau khi chiếu phim, Trần Ngọc Hiếu sẽ thảo luận về một số chủ đề có thể được gợi ra từ “Điện ảnh thứ Năm” và một số phim khác của Nguyễn Trinh Thi như “Những lá thư Panduranga” (2015), trong đó có các yếu tố sinh thái và neo-colonialism (chủ nghĩa tân-thuộc địa).
Về nghệ sĩ và diễn giả:
Nguyễn Trinh Thi là nghệ sỹ làm phim và video art độc lập tại Hà Nội. Pha trộn các yếu tố của điện ảnh, tài liệu và trình diễn, thực hành nghệ thuật đa dạng của chị thường quan tâm khám phá kí ức và lịch sử. Các triển lãm nghệ thuật chị tham gia gần đây bao gồm Asia Pacific Triennial (Brisbane, 2018), Sydney Biennale 2018, Jeu de Paume, Paris; Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux (CAPC); Lyon Biennale 2015; Asian Art Biennial 2015, Đài Loan; Fukuoka Asian Art Triennial 2014; Singapore Biennale 2013; và Liên hoan phim quốc tế Rotterdam.
Trần Ngọc Hiếu là Tiến sĩ văn học, chuyên ngành Lí luận văn học. Các hướng nghiên cứu chính của anh bao gồm: lý thuyết văn học, văn học Việt Nam đương đại & văn học so sánh. Hiếu đã có bài viết công bố trên các sách: Văn học so sánh – Nghiên cứu và triển vọng (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005), Tự sự học tập II (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội 2005), Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (NXB Giáo dục, 2006), Nghiên cứu văn học Việt Nam – Những khả năng và thách thức (NXB Thế giới, 2009), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam (NXB Tri thức, 2013). Ngoài ra, anh còn công bố bài nghiên cứu trên các tạp chí Nghiên cứu văn học, Văn hóa nghệ thuật, Văn nghệ quân đội, Sông Hương và Tia Sáng.
Trần Ngọc Hiếu cũng là đồng tác giả của chương “Lắng nghe thiên nhiên, suy nghĩ lại về quá khứ: Một cách đọc các đại diện của rừng và sông trong văn học Việt Nam hậu chiến” trong cuốn “Sinh thái phê bình Đông Nam Á: Lý thuyết, thực tiễn, triển vọng” do John Charles Ryan biên tập.
Về chương trình:
Buổi chiếu phim / moving image của nghệ sĩ thuộc dự án “ImageLab 2018” của Hà Nội DocLab được hỗ trợ bởi Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF).
*Ảnh cover: từ “Điện ảnh thứ năm”, ảnh chụp bởi Jamie Maxtone-Graham
Vào cửa tự do
Theo dõi thêm thông tin tại trang sự kiện