Vào ngày 18 tháng 12 tới đây, Hoà nhạc kết nối di sản Đông Nam Á: "Phong Nhiêu Xanh" sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội, trân trọng kính mời các quý vị khán giả đến tham dự chương trình.
1. Thời gian: 20h00 - 22h00, Thứ ba, ngày 18/12/2018
2. Địa điểm: L'Espace, 24-26 Tràng Tiền, Hà Nội
3. Cách thức tham dự:
>> Vui lòng đăng ký thẻ vào cửa tại: bit.ly/hnmf-register-concert-pass
4. Nội dung chương trình:
Trích lời giám tuyển:
"Mặc dù mỗi quốc gia Đông Nam Á có những đặc thù riêng về chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta lại chia sẻ không ít điểm chung, mà một trong đó là lịch sử thực dân kéo dài. Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy nối dài dài vào tận trong lòng thời đại ngày nay, khi các quốc gia đều loay hoay với việc làm thế nào để "cái cây" văn hoá đương đại "mọc" được từ chính gốc rễ văn hoá và truyền thống. Vấn đề di sản bị đánh mất (hay bỏ quên), hay vấn đề đứt gãy với cội rễ văn hoá bản địa như một vết thương chưa lành mà người ta cũng chưa thực sự tìm ra được cách nào thoả đáng để xử lý. Toàn bộ cơ thể văn hoá của các nước Đông Nam Á như vừa phải tiêu hoá những văn hoá ngoại lai (phần nào đã ăn vào máu, trở thành một phần của mình), vừa phải tìm cách kết nối lại, nghiên cứu, cải biến và sử dụng văn hoá bản địa không chỉ như một thành tố mà còn như một cội rễ căn tính, để nó tiếp tục sống trong thời nay; cũng để tìm ra giọng nói của riêng mình trên bản đồ nghệ thuật thế giới."
Với 4 tác phẩm khai thác chất liệu di sản trong âm nhạc truyền thống ở một số quốc gia Đông Nam Á, liệu đây có thể được xem như là một đề xuất, một gợi ý đối với quang cảnh đang loay hoay thể nghiệm với di sản của Việt Nam và của khu vực này?
a, Tác phẩm "Những Chiếc Lá" viết cho độc tấu piano:
Sáng tác và biểu diễn bởi Ne Myo Aung - Myanmar.
Về tác phẩm: "Có một câu nói nổi tiếng ở Myanmar", "Đừng để lá che mất gốc".
Khi nói về âm nhạc hay văn hoá truyền thống, người Myanmar thường dùng câu nói này để nhắc nhở người ta đừng phá hỏng mất văn hoá của họ bởi những sáng tạo mới, những gì không phù hợp với văn hoá gốc. Tuy nhiên, phần lớn người Myanmar, bao gồm cả tôi, mắc kẹt với câu nói đó mà không dám làm gì cả. Nỗi sợ bị gọi là người phá huỷ âm nhạc truyền thống đã làm suy giảm khả năng khám phá những khả thể mới để tạo ra các ý tưởng và khí quyển âm nhạc mới. Tạo ra âm nhạc mới có thể cũng không được tốt như âm nhạc cũ: "Nó có thể không mượt và có thể không gon gàng; nó có thể nghe quen tai hoặc không. Tuy nhiên, nó là một trong các quá trình của việc làm nghệ thuật. Với những người học nhạc khá muộn, họ có thể không giỏi như những người nghệ sĩ lớn lên cùng với âm nhạc. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng thể hiện mình thông qua âm nhạc mà chúng tôi thấy gần gũi nhất. Hãy để cho lá che mất gốc để khám phá những khả năng âm nhạc mới, dù chúng có thể tốt hơn âm nhạc cũ hoặc không. Tuy nhiên, lá cây không thể sống thiếu gốc, nên chúng rồi sẽ quay về với cội nguồn âm nhạc cũ."
b, Tác phẩm "Bông Cúc Trắng":
Viết cho sáo trúc, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, và bộ gõ (sáng tác bởi Trần Mạnh Hùng).
Về tác phẩm: "Bông cúc trắng" là tiểu phẩm viết cho 5 nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, lấy cảm hứng từ sự tích bông cúc trắng, truyện kể về tấm lòng hiếu thảo của một cô bé dành cho mẹ của mình. Tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên năm 2013 tại TPHCM.
c, Dự án "Những Biến Đổi: Nhóm The Six Tones (Nguyễn Thanh Thủy, Ngo Tra My, Stefan Ostersjo) và các nghệ nhân từ miền Nam đàn Vọng Cổ".
Biểu diễn: Phạm Văn Môn/ đàn ghita phím lõm, Út Tỵ/đàn gáo, đàn cò, Huỳnh Tuấn/ đàn kìm, Stefan Ostersjo/ đàn tỳ bà, Nguyễn Thanh Thủy/ đàn tranh, Ngô Trà My/ đàn bầu, Lương Huệ Trinh/ điện tử.
Về dự án: "Nhóm The Six Tones đang làm việc để ra một đĩa CD kép, khám phá truyền thống âm nhạc Tài Tử thông qua hợp tác và thử nghiệm lâu dài cùng với các nghệ sĩ gạo cội từ miền Nam Việt Nam. Buổi hoà nhạc này giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong sự biến đổi, với niềm tin rằng việc bảo tồn truyền thống chỉ có thể đạt được thông qua sự thay đổi liên tục."
d, Tác phẩm "Hurl and Curl" viết cho băng âm, đàn bầu, và sáo trúc:
+ Sáng tác: Hoh Chung Shih, Alicia da Silvia, Joyce Beetuan Koh (Singapore).
+ Biểu diễn: Nguyễn Thuỳ Linh/ đàn bầu, Lê Duy/ đàn môi (Thuy Linh Nguyen, Duy Rùa).
Về tác phẩm: "Hurl and Curl (tạm dịch: Ném và Uốn)" là tác phẩm cộng tác đa phương tiện bởi các nhà soạn nhạc Alicia de Silva, Hoh Chung Shih và Joyce Beetuan Koh. Tác phẩm xem xét không gian vật lý bằng cách ném và uốn các "tế bào âm nhạc" trong không gian với tốc độ khác nhau và mật độ đa dạng.
Các "tế bào âm nhạc" được cấu thành bởi những âm thanh ghi lại và thu thập từ môi trường và không gian xung quanh của Singapore, và được chồng lớp lên nhau để tạo một trải nghiệm sống động cho người nghe khi họ đi qua một kết cấu xen kẽ, điểm hoạ theo sự dẫn dắt bởi các âm vực của đàn viola.
Đăng ký thẻ ra vào hoà nhạc tại đây: bit.ly/hnmf-register-concert-pass
Kết thúc Hoà nhạc "Phong Nhiêu Xanh" (cách chỉ 5 số nhà, trong khoảng cách đi bộ) sẽ là sự bắt đầu của một chương trình nữa với tinh thần và không gian khác biệt hoàn toàn: Night Club Experimental (CLB Đêm Thể nghiệm). Diễn ra liền kề ngay sau đó.