Tết Dương lịch, hay Tết Tây (tiếng Anh: New Year's Day, New Year's hoặc New Year) là một ngày lễ diễn ra vào ngày 1 tháng 1, ngày đầu tiên trong năm theo lịch Gregorius cũng như lịch Julius, là dịp lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc và nền văn hóa trên thế giới. Ở mỗi nước, mỗi nền văn hóa khác nhau lại có phong tục đón tết khác nhau. Hãy cùng Ticketgo.vn khám phá các quốc gia châu Âu tiêu biểu để xem phong tục đón Tết dương lịch độc đáo của họ khác nhau như nào nhé.
1. Anh
Ở Anh, bài hát được bật lên vào thời khắc giao thừa không phải là "Happy New Year" mà là "Auld Lang Syne" (nghĩa là thời gian trôi qua). Bài hát vốn dĩ là một bài thơ, được nhà thơ Robert Burns viết vào năm 1788. "Auld Lang Syne" mang thông điệp nhắc nhở mọi người hãy yêu thương, quý trọng gia đình, người thân xung quanh mình, hãy luôn để những người thân yêu ấy trong tim cho dù họ có ra đi mãi mãi.
Ở Anh, vào đêm giao thừa, mọi người thường tập trung ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus hoặc ở những nơi mà nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben. Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục "lấy nước đầu năm mới". Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc được gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.
Vào đêm giao thừa, người Anh có tục lệ The First Footing - “Bước chân đầu tiên”, cũng gần giống với tục xông nhà của người Việt, tục lệ này xuất phát từ xứ Scotland ở thời Trung Cổ. Vào đêm giao thừa mừng năm mới, gia đình Anh sẽ chọn lựa một chào trai đẹp, cao lớn và mời sắm vai người đặt chân đầu tiên để xông nhà đầu năm. Anh chàng đó sẽ xuất hiện trước cửa và bước vào nhà vào đúng nửa đêm mang theo một cục than, một ổ bánh mì và một chai rượu mạnh. Sau khi bước vào nhà, anh ta tiến thẳng đến lò sưởi bỏ cục than vào, tiếp tục đặt ổ bánh mì lên bàn và rót rượu đổ lên đầu chủ nhà. Làm xong những hành động đó anh ta mới được phép chúc mừng năm mới các thành viên trong gia đình và họ sẽ cùng nhau hô “Happy New Year”. Sau khi chúc xong, anh chàng này sẽ phải ra về bằng cửa sau và không được gây ra tiếng động lớn. Điều này sẽ mang đến hạnh phúc, cuộc sống đầm ấm, yêu thương cho gia đình đó trong năm mới.
Theo tục lễ “The First Foot” của người Anh, không bao giờ chọn những vị khách có tóc đỏ hay vàng để xông nhà cho mình. Vì họ quan niệm những người có mái tóc vàng và đỏ nếu đến chúc Tết vào ngày đầu tiên của năm mới thì cả năm đó gia đình chủ nhà sẽ gặp những điều không may mắn.
Giống như như các nước đón Tết âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc…, người Anh cũng có phong tục kiêng quét nhà cửa vào những ngày đầu năm mới vì họ cho rằng, nếu quét nhà dọn nhà cửa vào những ngày này thì những may mắn, tốt lành sẽ bay đi. Và trong dịp năm mới, người Anh có tục lệ tặng nhau những cành tầm gửi nhỏ để chúc nhau sự thành công và may mắn vì họ quan niệm rằng những nhánh tầm gửi mang lại sự thịnh vượng và những điều may mắn, tốt lành.
2. Pháp
Có câu nói: "người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới". Tại sao lại nói như vậy? Vì người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc. Người Pháp quan niệm, vào ngày tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý. Nếu như uống rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi. Ngoài ra, trong ngày đầu năm mới người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, đây sẽ là một năm bình an và thời tiết thì nóng bức. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát.
3. Đức
Khi đồng hồ điểm 0h đêm giao thừa cũng là lúc mà người dân ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành bằng câu nói “Gutes Nue Jahr” hoặc “Happy New Year”. Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Người Đức quan niệm nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính.
Ở Đức còn có phong tục thú vị khác là trước giao thừa 15 phút, mọi người sẽ ngồi yên trên ghế. Khi chuông đồng hồ vang lên, họ sẽ nhảy xuống ghế và ném một đồ vật nặng ra phía sau. Phong tục này có ý nghĩa là vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để tiến tới một năm mới hạnh phúc, bình an. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn Harmonica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát đón chào năm mới. Ở nông thôn Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là “thi leo cây”. Các chàng trai thi nhau treo lên nhưng cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là “anh hùng năm mới”.
Đêm giao thừa tại Đức, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm. Ở các vùng nông thôn Đông Đức cũ, người dân còn có tục lệ đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném xuống nước, sau đó vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng màu chì người ta tiên đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại.
4. Ý
Ở Ý, trong đêm giao thừa, không một ai ra đường vì có lệ, hễ chuông đồng hồ đánh xong 12 tiếng, mọi người sẽ vứt hết ra đường phố mọi đồ cũ, bàn ghế hỏng, thậm chí cả giường hỏng. Theo tập tục cũ: nếu nửa đêm giao thừa vứt hết đồ cũ, thì trong năm mới, người ta sẽ tậu được những đồ vật đó còn mới tinh. Trẻ con trước khi đi ngủ để đôi tất ở lò sưởi. Đêm đến, nàng tiên Bêphane bay qua ống khói, mang tặng phẩm tới. Khi bọn trẻ thức dậy, chúng tìm thấy quà tiên cho trong bít tất. Những bé không ngoan trong năm cũ, mỗi lần, nàng tiên không cho kẹo, mà cho một hòn than củi nhỏ xíu. Như vậy là có túi chứa nhiều, túi chứa ít cục than hơn, không có túi quà nào có kẹo mà không có than.
Ở Ý có một phong tục thú vị xuất phát từ thời Trung Cổ. Người Ý cho rằng mặc đồ lót màu đỏ vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ đem lại may mắn trong cả năm.
5. Nga
Trước đây, ngày Tết ở Nga diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Từ năm 1700 đã chuyển sang ngày 1/1 đầu năm theo lệnh của Nga hoàng Pie I.
Vào ngày này, mọi nhà đều bày những cây thông năm mới tuyệt đẹp và làm món bánh nướng cổ truyền (Kulebeak). Suốt đêm giao thừa, người dân ăn uống, múa hát, chúc sức khỏe và tặng quà cho nhau.
Theo phong tục, một cây thông to sẽ được đặt ở quảng trường cung điện Kremli (Moscow). Đây là “cây thông năm mới số 1” của nước Nga và trở thành địa điểm vui chơi của thiếu nhi khắp cả nước.
Đến 12h đêm giao thừa, ông già Noel sẽ xuất hiện bên cạnh nàng công chúa tóc vàng, vai mang theo túi quà để phân phát cho trẻ em và cùng nhau nhảy múa dưới cành thông (đặc trưng nữa trong ngày Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em).
Bên cạnh đó, người Nga cũng đón năm mới trong màn trình diễn pháo hoa và những buổi tiệc linh đình, gồm: thịt, đậu xanh, dưa chua, hành, sốt mayonnaise, cà rốt và khoai tây. Đầu năm mới, người dân Nga có phong tục tặng bánh mì và muối cho khách quý.
6. Scotland
Đêm trước ngày tết dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy. Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc, ý nghĩa là "nhìn thấy phát tài".
Vào đêm giao thừa, người Scotland tổ chức ngày hội Hogmanay, những người đàn ông diễu hành trên phố và mang theo ngọn đuốc lớn, tung qua hai tay rồi thổi mạnh. Theo quan niệm, những ngọn lửa này sẽ mang lại ánh sáng và sự trong sạch cho năm mới.
7. Séc
Đêm giao thừa ở Séc gọi là ngày lễ Sylvesterova theo tên của Thánh Sylvester, người đã có công diệt con rắn Leviathan đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới.
Vào buổi tối cuối cùng của năm, trên bàn tiệc của các gia đình người Séc không thể thiếu món cháo tấm. Người ta tin rằng cháo tấm sẽ mang lại cơ hội “tiền vào như nước”. Thịt chim và thịt thỏ là hai món kiêng kỵ nếu không muốn sang năm mới điều may mắn sẽ “bay vọt như chim và lủi nhanh như thỏ”.
Tại thủ đô Praha người dân đón năm mới rất náo nhiệt. Mọi người đổ đến các quảng trường lớn để đốt pháo hoa và dạo chơi.
Du khách thường tập trung rất đông ở quảng trường Staromestske, chờ cho chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng ở đây đổ chuông báo năm cũ đã kết thúc. Họ hò reo chào đón năm mới rồi kéo nhau về phía cầu Karl bắc qua sông Vltava (người Việt gọi là Cầu Tình) rồi từ đó tiến về Lâu đài Praha nằm trên đồi cao ở bờ sông bên kia.
Vào đêm đầu tiên của năm mới sẽ có màn trình diễn pháo hoa hoành tráng ở trung tâm Praha, bên bờ sông Vltava - đây chính là đỉnh của lễ hội Năm mới ở CH Séc. Màn trình diễn này không chỉ đẹp nhất ở Séc mà có thể là đẹp nhất châu Âu. Một số du khách phương xa đến Praha chỉ với mục đích ngắm pháo hoa.
8. Bulgari
Sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới. Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu măm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.
9. Hungary
Năm mới an lành tại Hungari. Trong ngày này, bạn bè thân thiết thường họp mặt và tặng cho nhau một chú heo con và bức tượng bằng sứ hình người lao công dọn ống khói để biểu thị lời chúc phúc tốt đẹp.
Trong bữa ăn đầu năm của người Hungari, nhất thiết phải có món súp cá chép và thịt thỏ hoặc hươu cao cổ. Theo phong tục của người Hungari thì năm mới ăn canh cá mọi buồn phiền sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước, còn thịt thỏ và thịt hươu cao cổ sẽ mang lại một sức khỏe. Dịp tết họ kiêng ăn thịt gà, thịt vịt hay ngan ngỗng cùng các loại chim khác vì sợ chúng mang hạnh phúc của mình bay đi mất.
10. Đan Mạch
Theo quan niệm của người Đan Mạch thì bát đĩa vỡ trước cửa nhà vào đầu năm mới sẽ là điều rất may mắn. Những chiếc đĩa cũ được giữ lại trong năm cũ sẽ được người Đan Mạch ném vào nhà những người bạn của họ vào đêm giao thừa. Càng nhiều bát đĩa vỡ chứng tỏ họ càng có nhiều bạn. Đêm giao thừa được đánh dấu bằng hai tin quan trọng trên radio và truyền hình, Hoàng gia Đan Mạch sẽ phát biểu chúc mừng toàn dân nhân dịp năm mới trên các phương tiện truyền thông vào 6h chiều và âm thanh của chiếc đồng hồ Tòa thị chính lúc nửa đêm tại Copenhagen. Thực đơn trong bữa tiệc đêm giao thừa sẽ gồm các món ăn như cá tuyết hấp, cải bắp xoăn hầm và đùi lợn quay hoặc rán.
11. Ba Lan
Tại Ba Lan , đêm 31-12 rạng sáng 1-1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hóa trang. Dịp này, thanh niên Ba Lan thường tụ tập thành hội, kéo đến từng nhà hát vang bài Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn, những người theo sau thì hoá trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ! Nhiều nơi còn giữ tục lệ: các cô gái cầm gậy gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro.
Trước giao thừa, người ta thường đếm ngược thời gian. Những giây cuối cùng mọi người đều nâng ly sâm-banh, đồng thanh đếm: "Mười, chín, tám..." Ðúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.
12. Áo
Tại Áo, đêm giao thừa được gọi là Sylvesterabend – Đêm của thánh Saint Sylvester. Người dân Áo thường pha rượu đỏ trộn với bạc hà và đường để dâng lễ thánh. Các quán xá và nhà hàng được trang trí với nhiều vòng hoa xanh ngắt lá. Hò hét, nhảy múa, bắn hoa giấy, sâm banh, những nụ hôn, lời chúc tụng, pháo hoa là những thứ không thể thiếu của đêm giao thừa.
Món ăn truyền thống của người áo trong năm mới là món lợn sữa – con vật tượng trưng cho mọi điều tốt lành. Ngoài ra còn có các món làm từ đậu xanh để cầu năm sau tiền bạc dồi dào, sức khỏe viên đầy. Theo phong tục, người Áo kiêng ăn tôm hùm và cua biển trong ngày Tết vì họ sợ sự xui xẻo, tai ương đeo bám họ trong năm mới.
13. Tây Ban Nha
Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng lẫn nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu nửa đêm, cũng là thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Nếu có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, bạn sẽ là người may mắn vì suốt 12 tháng trong năm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn. ở Tây Ban Nha, điều cấm kỵ nhất đối với trẻ con trong ngày tết dương lịch là không được mắng chửi người khác, đánh nhau và khóc lóc. Người Tây Ban Nha cho rằng, đây là điềm báo hiệu những chuyện không tốt lành. Cho nên, trong ngày này, người lớn luôn đáp ứng yêu cầu của trẻ nhỏ để chúng được hài lòng và luôn vui vẻ. Ngoài ra, người Tây Ban Nha trong ngày tết dương lịch đều đeo một đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng để biểu thị cho sự may mắn, cát tường.
14. Hy Lạp
Ở Hy Lạp, lúc giao thừa, người mẹ trong gia đình bước ra sân lấy quả lựu đập mạnh vào tường nhà. Năm mới, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc nếu hạt lựu văng tung toé khắp sân. Một trong những phong tục khác nữa trong dịp năm mới của người Hy Lạp là mọi người ôm đá qua cửa nhà mình cầu cho sang năm mới được mùa, cầu cho cuộc sống năm mới hạnh phúc.
Năm mới của người Hy Lạp sẽ mất đi những bản sắc vốn có của mình nếu thiếu đi phong tục làm bánh mỳ với đồng tiền mừng xuân. Trong những ổ bánh mỳ của người Hy Lạp sẽ có đồng tiền xu trong một số bánh. Nếu ai vô tình ăn phải ổ mỳ có đồng tiền thì người đó sẽ cả năm may mắn.
15. Bỉ
Đêm giao thừa tại Bỉ được gọi là Sint Sylvester Vooranvond hay đêm Saint Sylvester. Người dân Bỉ tổ chức những bữa tiệc gia đình đêm giao thừa. Lúc nửa đêm, mọi người sẽ hôn nhau, trao cho nhau những tấm thiệp chúc may mắn, riêng trẻ con, chúng mua những tấm giấy đủ màu sắc để viết lời chúc mừng năm mới cho bố mẹ đẻ và bố mẹ đỡ đầu rồi đọc lên vào sáng mùng một Tết. Đặc biệt, vùng nông thôn ở Bỉ vẫn còn giữ một phong tục rất thú vị là “chúc tết vật nuôi”. Vào buổi sáng sớm ngày tết dương lịch, việc làm đầu tiên là mọi người đi đến bên các con vật nuôi như bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo… và giả vờ như đang muốn thông báo đến chúng: “Năm mới đến rồi, chúc vui vẻ”.