Sơn ta - Sơn mài – Vẻ đẹp xưa nhưng không cũ

Xu hướng nghệ thuật, hội họa năm 2022 là từ hiện đại quay về truyền thống, khẳng định vị trí vững chắc của chất liệu sơn ta trong đời sống hội họa. Những bức tranh treo tường phục vụ đời sống đậm chất nghệ thuật đem lại những giá trị thẩm mỹ cao và không thể đong đếm, hãy cùng ticketgo.vn điểm lại những giá trị nghệ thuật đắt giá mà chất liệu sơn ta - sơn mài đem lại trong việc đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật nước nhà cũng như khẳng định vị trí vững chắc của chất liệu thuần Việt này trong đời sống và bản sắc văn hóa dân tộc. 

Danh từ “sơn mài” (lacquer) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta nhưng sau đó nó đa biến hóa hẳn do nghệ thuật sơn mài. 

Tranh sơn mài là một trong những di sản nghệ thuật và văn hóa quý của Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này đã tồn tại và duy trì thông qua các biến động xung đột và chính trị. Không có gì là ngạc nhiên khi nói những bức tranh sơn mài mang đến cho hội họa đương đại của Việt Nam một bản sắc riêng biệt và được các nghệ sĩ lựa chọn.

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam là một nghề thủ công cổ - sự kết hợp thiên tài sáng tạo của người nghệ sĩ với kỹ năng nghiêm ngặt của một thợ thủ công. Trong xã hội cổ điển, một loại nhựa được chiết xuất từ ​​cây sơn mài đã được sử dụng cho trang trí nội thất trong các cung điện, đền chùa. Kỹ thuật lâu đời này có thể phải mất nhiều tháng để hoàn thành, thường là một quá trình mất nhiều thời gian đòi hỏi kiên nhẫn và khả năng kỹ thuật tinh tế.

Sơn mài truyền thống có ba màu: nâu, đen và đỏ son. Kỹ thuật sơn ta cũng tương tự như sơn Tàu, xuất phát từ đời nhà Hán. Sử dụng cùng với sơn ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn xuất khẩu sang các nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản.

Cây chiết xuất sơn ta ở Phú Thọ vẫn được các nghệ sĩ đau đáu một niềm hy vọng phát huy rực rỡ tinh thần và sức sống bền bỉ trường tồn của chất liệu này (Ảnh: Internet)

Giai đoạn từ năm 1931 trở về trước, công dụng của sơn ta cũng như sơn Tàu ở Tàu và sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm tôn vinh vẻ đẹp vốn có của nó, làm nó tôn thêm vẻ lộng lẫy hơn, lên những vật dụng thường dùng như cái khay, cái tráp, đôi guốc mộc, nón quai thao, đồ thờ trong hoàng cung như hương án dài, bát đĩa, đồ trang trí như hoành phi, câu đối, bình phong…màu sắc đại để có: đỏ son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, sơn ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Song, từ năm 1931 trở đi, nhờ sự nghiên cứu tìm tòi miệt màu của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, sơn ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên khẳng định sức sông trên con đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ, mà tiến từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở thành một trong những phương tiện độc đáo nhất diễn đạt nội tâm và vẻ đẹp tâm hồn người nghệ sĩ, trở thành một phương tiện lấn át cả sơn dầu.

Hiếm họa sĩ Việt Nam dám theo đuổi chất liệu sơn ta trong sáng tác, dù đó là chất liệu thuần Việt. Các họa sĩ chủ yếu sử dụng sơn Nhật hoặc sơn polymer, bởi họ giải thích sơn ta là một chất liệu khó chiều, thậm chí là đỏng đảnh, chỉ thích hợp với khí hậu có độ ẩm cao như Việt Nam. Vì thế, họa sĩ nào có thể kiên nhẫn theo đuổi chất liệu này đến cùng thì họa sĩ đó có được vị trí rất vững chắc trong làng hội họa. Tranh sơn ta khô rất chậm vì có hàm lương keo cao, vì vậy, chỉ cần họa sĩ sơ suất, không chú ý đến thời tiết, không ủ đúng lúc thì tranh sẽ bị hỏng, nhòe, không đạt hiệu quả mỹ thuật.

Đến năm 1930, nghệ sĩ bắt đầu sử dụng một kỹ thuật mới cho phép kết hợp phong phú hơn về màu sắc. Qua nhiều năm kinh nghiệm và thử nghiệm, các nghệ sĩ sử dụng thêm các chất liệu khác nhau như tro, vỏ trứng nghiền, vàng và bạc để tôn tạo thêm cho vẻ đẹp công trình sáng tạo. Những nguyên liệu này giúp các nghệ sĩ hiện đại thể hiện được đầy đủ hơn, sáng tạo hơn và đầy cá tính trong các tác phẩm nghệ thuật. Các sản phẩm sơn mài đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ xưa ở Việt Nam. Qua nhiều thế kỷ, thợ thủ công bậc thầy của Việt Nam và các nghệ sĩ đã làm chủ các kỹ thuật sử dụng sơn mài với mục đích trang trí và bảo quản. Bức tranh sơn mài có thể cạnh tranh với lụa và sơn dầu với đặc trưng độc đáo.

Một trong những nghệ sĩ tái tạo thành công nhất ở mảng sơn mài ở Việt Nam phải kể đến có lẽ là họa sĩ Bùi Hữu Hùng. Ông nổi tiếng với các tác phẩm vẽ trên chất liệu sơn mài theo kỹ thuật cổ điển và sơn bản địa. Tranh của họa sĩ là một thế giới cô độc với những khối hình đơn giản và màu sắc thiên về tông sẫm tối. Đôi khi, chủ thể không nằm ở trung tâm bức tranh mà trôi nổi, bất định.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1975, Bũi Hữu Hùng học vẽ tại xưởng sơn mài và bây giờ là giám đốc của Xưởng vẽ Sơn mài Nghệ thuật Nha San Studio ở Hà Nội. Trong các bức tranh sơn mài truyền thống, ông đã pha trộn sự kết hợp tinh tế màu sắc theo cách cổ điển để tạo ra một hình ảnh tinh tế hơn, sâu hơn nhằm tạo ra những bức tranh đặc biệt của mình. Đề tài trong tranh của Bùi Hữu Hùng chủ yếu tái hiện cuộc sống hoàng cung, vua quan, hoàng hậu, hoàng tử, thiếu nữ với các trang phục truyền thống, thể hiện tinh thần dân tộc ở một thời kỳ lịch sử.

 

Hoàng hậu – Tranh sơn mài của “ông vua sơn mài” trong làng hội họa Việt Nam -

Bùi Hữu Hùng (Ảnh: Họa sĩ)

Người xem có thể cảm nhận thế giới cô đọc trong tranh của Bùi Hữu Hùng với các mảng hình đơn giản và các tông màu tối, từ đó liên tưởng tới sự bí hiểm, sâu sắc về sự sống và cái chết, tạo hóa và phá hủy.

“Quên dĩ vàng, sơn ta đổi tên nhũn nhặn là sơn mài”. (Tô Ngọc Vân)

“Từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nỗi tâm hồn người nghệ sĩ” – Dưới góc nhìn hội họa, sơn mài được xem như một trong các chất liệu của hội họa.

Đây không chỉ sự phát triển sáng tạo của những họa sĩ Việt Nam, không chỉ là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài điêu luyện trong hội họa mà giờ đây Sơn ta đã trở thành một thuật ngữ thuần Việt gần gũi với nền mỹ thuật Việt Nam.

Một bức tranh sơn ta của họa sĩ Phùng Dzi Thuần (Ảnh: Họa sĩ)

Điểm khác lạ giữa việc vẽ tranh sơn mài và tranh sơn dầu là ở chỗ: Ở sơn dầu, nghệ sĩ đắp phủ sơn lên, hình thể hiện rõ trước mắt để biết ngay hiệu quả cuối cùng, tuy nhiên ở sơn mài lại là một quá trình ngược lại. Họa sĩ vẽ tranh sơn mài phủ lớp sơn kín tất cả hình thể, đường nét, màu sắc cùng các chất biểu cảm đặt trên nền vóc nhưng quá trình mài bỏ lớp sơn phủ mới là quá trình làm hiện lên hình tượng nghệ thuật cuối cùng. Chất liệu còn nhiều khả năng tiềm ẩn để ngỏ nhiều con đường cho những khám phá sáng tạo mới – ngoài then, son, vàng kim theo truyền thống. Ở Việt Nam trước đây, tranh sơn ta được sử dụng nhiều trong nghệ thuật sơn màu cũng bởi màng sơn mềm, họa sĩ có thể màu, đánh giấy ráp để lộ ra những lớp màu sơn bên trong rất hiệu quả,  bên cạnh đó họa sĩ còn tạo hình bằng việc sáng tạo và làm mới bằng các chất liệu khác nhau, như tạo hình bằng gắn vỏ trứng, vỏ trai, khảm vàng, xà cừ và nhiều chất liệu khác theo mục đích sáng tác. Chất liệu dù có vai trò rất quan trọng nhưng tự nó sẽ trở nên vô hồn nếu không có nghệ sĩ làm chủ được loại chất liệu đỏng đảnh khó tính và thổi vào nó nguồn sinh khí làm rung động người xem.

Chân dung tự họa – Tranh sơn mài của Thành Chương (Ảnh: Họa sĩ)

Phố Hà Nội – Tranh sơn mài của Thành Chương (Ảnh: Họa sĩ)

Sơn mài không chỉ thể hiện dưới góc nhìn kỹ thuật hội họa thông thường như: Bố cục và màu sắc, kỹ năng và cảm xúc, sáng tạo và chuẩn mực; mà trên chất liệu Sơn ta, với kỹ năng thuần thục, điêu luyện, trong quá trình sáng tác, mỗi tác phẩm nghệ thuật được hình thành bằng sự sáng tạo của người họa sĩ, bằng cảm xúc thăng hoa của nghệ thuật.

Những tác phẩm hội họa sơn mài đã làm điêu đứng trái tim của cộng đồng yêu nghệ thuật. Hơn thế nữa, chất liệu sơn mài dễ dàng đi vào tâm trí, cảm niệm của những người dân bình dị, bởi nó gần gũi với đời sống người Việt, người Phương Đông, nó là chất liệu đi từ nền văn minh nông lâm nghiệp bởi vậy nó truyền tải văn hóa, nghệ thuật đến với cộng đồng một cách gần gũi, dễ dàng.

Một trong những điểm kỳ diệu mà không phải bất kỳ một chất liệu hội họa nào có thể so được với Sơn mài, đó là sự duy trì cảm xúc trong một thời gian dài. Mỗi tác phẩm có thể không được hoàn thiện ngay trong thời gian ngắn, mà để hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật trên chất liệu sơn mài đòi hỏi một thời gian rất dài, trải qua rất nhiều công đoạn. Sự thách thức đối với người họa sĩ là phải sáng tạo trong sử dụng chất liệu mà vẫn duy trì cảm xúc cho đến khi tác phẩm hoàn thiện. Khi đó tác phẩm sơn mài mới thực sự là một tác phẩm nghệ thuật./.