Bức bình phong này có tên "Nhật nguyệt ngũ phong đồ (日月五峰圖)", là bức tranh phác họa hình ảnh mặt trời, mặt trăng và năm ngọn núi thiêng liêng ở Hàn Quốc.
Thực ra, nếu để ý kỹ bạn sẽ nhận ra bức tranh này đã "góp mặt" trong rất nhiều bộ phim cổ trang Hàn Quốc lấy bối cảnh triều đại Joseon, nhưng ít được chú ý bởi người xem chỉ tập trung vào câu chuyện và các nhân vật trong phim.
Vì vậy, ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu vài nét về "Nhật nguyệt phong đồ" - tác phẩm được đặt tại phòng tiếp khách của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Phía sau Ngọc tọa (옥좌,玉座) của Đại vương hay đúng hơn là sau lưng Đại vương trong mọi nghi thức dù cho đang ngủ hay làm việc luôn xuất hiện một bình phong phía sau. Bức bình phong đó được vẽ mặt trời, mặt trăng cùng với năm ngọn núi thiêng liêng ở bán đảo Triều Tiên. Vì vậy nó được gọi là Nhật nguyệt ngũ phong đồ hay Nhật nguyệt ngũ nhạc đồ.
Theo quyển Vua của Triều Tiên của tác giả Shin Myung Ho thì cho rằng mặt trời có thể hiểu là Đại vương tượng trưng cho dương và mặt trăng là Vương phi tượng trưng cho âm. Còn năm ngọn núi thì lại không biết cụ thể tượng trưng cho gì. Nhưng nếu mặt trời và mặt trăng là tượng trưng cho âm dương thì có thể năm ngọn núi đó tượng trưng cho ngũ hành. Hoặc có thể mặt trời và mặt trăng cùng với năm ngọn núi là tượng trưng cho Phúc lạc (복락,福樂) vô biên của Đại vương.
Một số nguồn khác lại chỉ ra một số điểm kì lạ như tại sao trong một khung cảnh lại xuất hiện cả mặt trời và mặt trăng. Chẳng lẽ ban ngày và ban đêm có thể cùng tồn tại. Việc mặt trời và mặt trăng cùng xuất hiện ý nói không phân biệt ngày hay đêm mà soi sáng vạn vật. Tượng trưng cho Đại vương vì bách tính mà ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ để xử lý chính vụ.
Ngũ phong trong bức tranh tượng trưng cho năm ngọn núi bảo vệ bán đảo Triều Tiên. Phía đông là Kim Cương sơn (금강산,金剛山), phía Tây là Diệu Hương sơn (묘향산,妙香山), phía Nam là Trí Dị sơn (지리산,智異山), phía Bắc là Bạch Đầu sơn (백두산,白頭山) và ở giữa là Tam Giác sơn (삼각산,三角山). Cũng giống việc năm ngọn núi trên tạo nên tường thành vững chắc bảo vệ Triều Tiên thì Đại vương cũng phải trở thành tường thành vững chắc bảo vệ được đất nước.
Năm ngọn núi trên ứng với năm vị trí Đông – Tây – Nam – Bắc và trung ương nên giống với tác giả Shin Myung Ho nói là năm ngọn núi này tượng trưng cho ngũ hành. Ngoài ra thác nước trong bức tranh đổ xuống dưới làm ướt núi non, cây cối và đất đai. Nước ở đây tượng trưng cho tình yêu của Đại vương dành cho bách tính mong mỏi con dân được ấm no đủ đầy.
Bức tranh này hội đủ vạn vật trên thế gian nhưng lại là bức tranh chưa hoàn chỉnh. Tại sao lại nói thế vì vũ trụ hoàn chỉnh phải có Thiên – Địa – Nhân thì mới được xem là hoàn chỉnh được mà trong bức tranh lại không có Nhân chính là con người. Vì thế mà bức tranh này phải đặt sau lưng một vị Đại vương vì nước vì dân thì mới thật sự là bức tranh hoàn chỉnh. Do đó bức tranh này còn có ý nghĩa luôn nhắc nhở Đại vương biết "Cần chính yêu dân" giống như mặt trăng và mặt trời không ngừng soi sáng vạn vật, giống như năm ngọn núi bảo vệ cương thổ của quốc gia và hãy như nước của ngọn thác kia tưới tiêu mọi sự sống trên mặt đất. Vì lẽ đó mà Ngũ phong nhật nguyệt đồ không phải tượng trưng cho quyền uy của Đại vương mà là một lời nhắc nhở vì nước vì dân.
Hiện chưa rõ tác giả của Nhật nguyệt ngũ phong đồ là ai, chỉ biết hình tượng của bức tranh được bắt nguồn từ phần thơ Thiên bảo (천보,天保) trong Tiểu nhã (소아,小雅) của Thi kinh. Hội tụ đủ chín yếu tố (천보구여,天保九如) gồm các yếu tố sơn (山), phụ (阜), cương (岡), lăng (陵), Nam sơn (南山), xuyên (川), nguyệt (月), nhật (日), tùng bách (松柏). Những bức Nhật nguyệt ngũ phong đồ được bảo tồn hiện nay phần lớn đều được vẽ vào thế kỉ 19, 20. Tùy theo công dụng của bình phong mà bức tranh này có nhiều kích thước khác nhau.
Tham khảo: Hán Thành Phủ - 한성부 - 漢城府