Triển lãm: Đây là ngày …thời gian lặp lại?

Manzi Art Space và Viện Goethe trân trọng giới thiệu “Đây là ngày …thời gian lặp lại?” – một triển lãm của 5 nghệ sĩ đương đại Việt Nam: Võ Trân Châu, Nguyễn Huy An, Phan Thảo Nguyên, Nguyễn Trinh Thi và Trương Công Tùng.

>>>Xem thêm: Giải trí với Ticketgo Youtube channel

 

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 10:00 – 19:00, 04 – 25/09/2020 (trừ Thứ hai)

Địa điểm: Manzi Exhibition Space, số 2 Ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội

-----------

Như tên gọi, chủ đề xuyên suốt của cả triển lãm là THỜI GIAN bởi mọi tác phẩm trong triển lãm này đều là những cách ‘đo’, ‘tìm’, ‘tạo lập’, ‘thu thập’ thời gian/lịch sử và ký ức khác nhau của các nghệ sĩ, dù vô tình hay có chủ ý, từ việc tạo dựng một cách kể mới, một cái nhìn đa chiều về những bi kịch con người qua tác phẩm sắp đặt mang tính phù du ‘Tơ giáp hạt’ của Phan Thảo Nguyên tới quá trình dệt lại ký ức – một nỗ lực nhằm tiếp cận các phần lịch sử còn mơ hồ với loạt tranh thêu và cắt ghép mosaic của Võ Trân Châu;

Thời gian cũng hiện diện trong tác phẩm Bài tập số 2 của Nguyễn Huy An như một vế của phương trình toán học – thể hiện mối tương quan giữa bóng của một tượng đài và mặt trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày mà anh đề nghị người xem lập để chiêm nghiệm sự tương tác giữa tự nhiên và phi tự nhiên, và bằng cách đó, trao họ cơ hội suy ngẫm về con người, xã hội và thiên nhiên.

Ở loạt tranh ‘Khi thời gian trôi qua những cái bóng (1 2 3 4 …)’ của Trương Công Tùng, thời gian, ánh sáng, bóng tối lại được dùng làm chất liệu. Với series tác phẩm khá mạnh về mặt thị giác này, Tùng đã thiết lập một lớp trần thuật mạch lạc về thời gian nhưng lại ngầm gây bối rối với những hình ảnh, thông tin đan xen giữa sự thật và hư cấu.

Tác phẩm ‘Mười một người đàn ông’ của Nguyễn Trinh Thi có lẽ là tác phẩm duy nhất trong triển lãm không chủ ý làm về lịch sử hay một tuyến tính thời gian cố định nào, nhưng Thi lại sử dụng các phim ít nhiều theo thứ tự thời gian, và vì vậy, một cách tự nhiên, tác phẩm của cô đã mở cho người xem cơ hội chiêm nghiệm và kết nối với các thời kỳ và mốc thời gian khác nhau của lịch sử Việt Nam.

“Đây là ngày ….thời gian lặp lại?” sẽ mở cửa từ ngày 04 tới hết 26 tháng 9 năm 2020 tại không gian triển lãm của Manzi, số 2 Ngõ Hàng Bún. Vào cửa tự do.

Lưu ý: Để đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho cộng đồng trong thời điểm này, triển lãm giới hạn 10 người xem/ một lượt. Khán giả nên đeo khẩu trang và rửa tay trước khi vào triển lãm.

Sự kiện thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi do Viện Goethe hỗ trợ

Thông tin về các nghệ sĩ:

Võ Trân Châu

Võ Trân Châu là nghệ sĩ thị giác tại TP. Hồ Chí Minh. Châu quan tâm tìm hiểu xã hội đương đại thông qua sự tương tác trong các mối quan hệ giữa con người với nhau và với tập thể. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về nghề thêu, cô trân trọng ngôn ngữ của chỉ và vải, cô chọn chúng cùng quần áo cũ – những đồ vật lưu giữ lịch sử cá nhân – làm chất liệu cho thực hành nghệ thuật của mình.
Khi sử dụng vải đã qua sử dụng – một chất liệu chứa đựng những câu chuyện cá nhân, Châu phản ánh mối liên hệ mật thiết giữa vi sử và chính sử của quốc gia, xã hội. Cô đào sâu vào lịch sử văn hoá và xã hội của Việt Nam để làm nổi bật các vấn đề như sức lao động, tiêu thụ và chất thải.

Các triển lãm tiêu biểu bao gồm: “Nhặt lá Rừng xưa” (The Factory Contemporary Arts Center, HCMC, 2020); “Nơi Biển Nhớ” (The Mistake Room, Los Angeles, CA, Mỹ, 2019); “Unfolding: Fabric of Our Life” (Centre for Heritage, Art & Textile (CHAT)/MILL6, Hồng Kông, 2019); “Người (được) ngắm” (Sàn Art, TP. HCM, Việt Nam, 2018); “Neo Lại Kỳ Lâu” (Manzi Art Space, Hà Nội & Salon Saigon, TP. HCM, Việt Nam, 2017); “Toả” (VCCA, Hà Nội, Việt Nam, 2017); “Still (the) Barbarians” (EVA International: Triển lãm Nghệ thuật Lưỡng Niên Ireland, Limerick, Ireland, 2016); “Suzhou Documents” (Bảo tàng Nghệ thuật Tô Châu, Tô Châu, Trung Quốc, 2016).

Nguyễn Huy An

Nguyễn Huy An sinh năm 1982 tại Hà Nội và tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2008. Được coi là một trong ‘những nghệ sĩ cá tính và mạnh mẽ nhất trong thế hệ của mình’, các tác phẩm của An gồm tranh, trình diễn, sắp đặt đều là quá trình cố gắng đào sâu vào những mảng tối của tâm thức. Anh được các curator và nhà phê bình nghệ thuật quốc tế đánh giá cao bởi sự tối giản về hình thức, mạnh mẽ về nội tâm, và giàu ý niệm trong các tác phẩm.

An tham gia nhiều triển lãm và festival nghệ thuật trình diễn, gồm triển lãm cá nhân Âm sáng, Gallerie Quỳnh, Vietnam (2019), Canh Sáu, Manzi Art Space, Vietnam (2018); 78 Nhịp, Galerie Quynh, Việt Nam (2014);

Các triển lãm nhóm tiêu biểu gồm: Disrupted Choreographies, Carré d’Art – Musée d’Art Contemporain, Nimes, France (2014); Nếu Thế giới Đổi thay, Singapore Biennale (2013); Âm bụi (somniloquy), 943 Studio Kunming, China (2011)…

Nguyễn Trinh Thi

Nguyễn Trinh Thi là nghệ sỹ làm phim và video art độc lập tại Hà Nội. Pha trộn các yếu tố của điện ảnh, tài liệu và trình diễn, thực hành nghệ thuật đa dạng của Thi thường là những quan tâm khám phá kí ức và lịch sử.

Các triển lãm nghệ thuật Trinh Thi tham gia gần đây bao gồm Asia Pacific Triennial (Brisbane, 2018), Sydney Biennale 2018, Jeu de Paume, Paris; Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux (CAPC); Lyon Biennale 2015; Asian Art Biennial 2015, Đài Loan; Fukuoka Asian Art Triennial 2014; Singapore Biennale 2013; và Liên hoan phim quốc tế Rotterdam.

Phan Thảo Nguyên

Phan Thảo Nguyên sinh năm 1987 tại Sài Gòn, cô được biết tới như một nghệ sĩ đa phương tiện thực hành trên nhiều chất liệu: video, hội hoạ và sắp đặt. Thông qua văn chương, triết học và cuộc sống thường nhật, Nguyên quan sát và tìm hiểu những mơ hồ trong truyền thống, lịch sử và phong tục xã hội.

Phan Thảo Nguyên thực hiện nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tại WIELS (Brussels, 2020), Bảo tàng Nghệ thuật Rockbund (Thượng Hải, 2019); Lyon Biennale (Lyon, 2019); Sharjah Biennial (Sharjah Art Foundation, 2019); Gemäldegalerie (Berlin, 2018); Dhaka Art Summit (2018); Para Site (Hong Kong, 2018); Factory Contemporary Art Centre (TP. Hồ Chí Minh, 2017); Nhà Sàn Collective (Hà Nội, 2017); và Bétonsalon (Paris, 2016).

Năm 2016, Thảo Nguyên nhận giải thưởng của chương trình The Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative với sự hỗ trợ chuyên môn của Joan Jonas – nghệ sĩ trình diễn và video lừng danh thế giới. Năm 2019, cô được chọn vào chung kết Giải thưởng Nghệ thuật Hugo Boss Asia.
Thảo Nguyên còn là đồng sáng lập nhóm Lao động Nghệ thuật (Art Labor), thực hiện các dự án nghệ thuật liên ngành đi đôi với việc hỗ trợ công đồng địa phương.

Trương Công Tùng

Sinh năm 1986, Trương Công Tùng lớn lên ở Đăk Lăk và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh năm 2010, chuyên ngành sơn mài. Với quan tâm nghiên cứu về khoa học, vũ trụ học và triết học, Trương Công Tùng thực hành đa phương tiện với video, sắp đặt, hội hoạ, phản ánh suy nghĩ và băn khoăn cá nhân về những biến thiên văn hoá và địa chính trị trong tiến trình hiện đại hóa, thường nằm ẩn trong thay đổi của hệ sinh thái, niềm tin hay thần thoại của một miền đất. Anh cũng là thành viên của nhóm Art Labor (thành lập năm 2012), một collective hoạt động liên ngành – nghệ thuật thị giác và khoa học xã hội/đời sống nhằm tạo kiến thức thay thế và phi chính thống qua hoạt động nghệ thuật-văn hóa trong những bối cảnh công cộng và địa phương đa dạng.

Trương Công Tùng đã triển lãm rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế với tư cách cá nhân cũng như tham gia triển lãm nhóm cùng Art Labor Collective. Một số triển lãm gần đây của anh bao gồm Bangkok Biennale (2018), “Between Fragmentation and Wholeness” (“Giữa Phân Mảnh và Toàn Thể”) tại Galerie Quỳnh, Thành phố Hồ Chí Minh (2018), “A Beast, a God, and a Line” (“Một Thú, Một Thánh, Một Đường Kẻ”) tại Para Site, Hong Kong (2018) và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Warsaw (2018), Dhaka Art Summit, tại Dhaka (2018), Carnegie International phiên bản thứ 57 tại Bảo tàng nghệ thuật Carnegie (2018), Hội chợ nghệ thuật Cosmopolis tại Trung tâm Pompidou, Paris (2017)

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.