Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với hình tượng dân tộc tiết kiệm nhất nhì thế giới. Sự tiết kiệm đó không chỉ đến từ tài nguyên thiên nhiên mà còn cả về tiền bạc. Hãy cũng tìm hiểu 4 cách "đối xử" với tiền bạc của người Nhật qua bài viết dưới đây nhé.
1. Tờ tiền rách vẫn dùng được
Bạ đã bao giờ chẳng may làm rách tiền hoặc nhận phải tờ tiền bị rách ở Nhật chưa?
Những lúc như vậy thì bạn cũng đừng hoang mang vì ngân hàng nhà nước Nhật Bản đã có những quy định rất rõ ràng về việc đổi tiền. Do đó bạn chỉ cần chạy thẳng ra ngân hàng gần nhất và đổi lấy tiền mới nếu như phần còn lại của tờ tiền trong tay bạn đảm bảo chiếm hơn 2/3 tờ tiền nguyên vẹn nhé. Đặc biệt việc đổi tiền này không cần giấy tờ và thủ tục đổi tiền chỉ mất chừng 5 phút mà thôi.
Thế nhưng, nếu như phần bị rách trên tờ tiền của bạn lại chiếm đến hơn 2/3 thì thủ tục đổi tiền sẽ rắc rối hơn và mất nhiều công sức hơn một chút.
Trường hợp nếu tiền của bạn bị rách như ví dụ trong khung màu hồng của hình minh họa trên thì chia buồn với bạn, tờ tiền đó đã không còn giá trị nữa rồi.
Ngoài ra, khi đổi tiền ở ngân hàng các bạn cũng cần lưu ý mang theo đủ các phần rách và nếu được thì bạn nên dán lại cho gọn và phải đảm bảo các phần rách ấy đúng với tờ tiền của nó nhé.
2. Sử dụng ví tiền
Ở Nhật, người ta rất trân trọng giá trị và thành quả lao động, đó là lý do mà ngay từ khi còn nhỏ người Nhật đã giáo dục con cái cách tiêu tiền sao cho không phí phạm. Trước khi mua một món đồ nào đó thì cũng nên tự hỏi lại bản thân rằng món đồ đó có thực sự cần thiết hay không. Thậm chí về khoản tiền tiêu vặt, người Nhật cũng cố gắng giáo dục con cái theo hướng cần làm việc vặt mới có được tiền tiêu vặt. Chỉ có như vậy con cái mới biết giá trị của đồng tiền, giá trị của sức lao động.
Cũng từ đó mà người Nhật hình thành thói quen sắp xếp ví tiền một cách cẩn thận. Ngay cả nam giới cũng ưa chuộng sử dụng kiểu ví dài hơn là ví gập bởi ví dài sẽ giữ cho tờ tiền được thẳng và tinh tươm hơn. Ngoài ra một số người cẩn thận hơn còn sắp xếp tiền trong ví theo một chiều nhất định thay vì nhé lộn xộn chúng.
Tuy nhiên do kích thước ví dài hơn so với độ sâu của túi quần nên nhiều nam giới ở Nhật Bản có kiểu nhét ví "hờ hững". Nếu là ở Việt Nam thì hành động này trông có vẻ khá nguy hiểm và dễ thu hút những tay trộm nhỉ?
Bên cạnh đó, nhiều người Nhật còn mang theo cả ví đựng tiền xu riêng để dễ phân loại.
3. Không có chuyện chê hay thái độ với khách vì tiền quá to
Hẳn không ít bạn đã từng đi mua đồ hoặc lên xe buýt mà trong ví lại không có tiền lẻ.
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp bạn có thể sẽ bị nhân viên tại đó "thái độ", nhất là khi sự việc xảy ra vào lúc sáng sớm bởi với người bán, họ cho rằng đó là điều không may, hoặc đơn giản chỉ là người bán không có nhiều tiền lẻ dự trữ nên họ sẽ khó chịu khi bạn đưa tờ tiền trị giá quá to so với chi phí bạn cần thanh toán.
Tuy nhiên ở Nhật, gần như không bao giờ có chuyện cửa hàng thiếu tiền lẻ đổi cho khách, hoặc sử dụng tiền lẻ để đổi lấy vài cái kẹo đâu.
Đối với người Nhật, mọi đồng tiền đều có giá trị của riêng nó, cho dù mệnh giá lớn hay nhỏ. Đồng 1 yên cũng là tiền mà tờ 1 man cũng là tiền. Cũng vì lý do đó mà chỉ cần thiếu 1 yên bạn cũng có thể không mua được món hàng mà bạn mong muốn đâu.
4. Cách trả tiền của người Nhật
Nếu bạn đã từng làm công việc tính tiền ở quán hay hay các siêu thị Nhật Bản thì có lẽ bạn sẽ nhận ra thói quen thường gặp trong cách trả tiền của người Nhật.
Do người Nhật không thích mang quá nhiều tiền xu nên hầu như họ sẽ muốn tránh được thối các đồng lẻ như 1 yên, 5 yên hay 10 yên nếu có thể. Vì vậy mà với những hóa đơn lẻ kiểu như 640 yên thì người Nhật thường sẽ đưa bạn 1140 yên để được thối lại 500 yên.
Ngoài ra, tuy trình tự đưa tiền của người Nhật không thể ai cũng giống ai nhưng bình thường mọi người hầu như sẽ từ tiền giấy trước rồi mới đến tiền xu. Và khi bạn đưa tiền thối có nhiều tờ 1000 yên cho khách thì bạn cũng phải đếm to cho họ, đó là nguyên tắc.
Nếu bạn đang có ý định làm công việc thu ngân tại Nhật thì nhất định phải lưu ý đến những điều này để có thể thối tiền nhanh cho khách, bởi bạn biết đó người Nhật bận rộn và kỹ tính trong vấn đề tiền bạc lắm.