Được ra mắt vào năm 2007, "Atonement" (Chuộc Lại Lỗi Lầm) đã nhận được vô số những đánh giá rất tích cực từ giới phê bình, được đề cử giải Oscar cho phim xuất sắc nhất. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ian McEwan, Atonement đã tái hiện câu chuyện đầy bi kịch giữa ba nhân vật Briony Tallis - Cecillia Tallis – Robbie Turner.

Khi ra mắt năm 2007, Atonement nhận vô số lời khen và giành Quả Cầu Vàng cho "Phim tâm lý hay nhất". Tại Oscar, phim cũng nhận được một tượng vàng dành cho "Nhạc phim hay nhất". Sau 7 năm, Atonement vẫn được coi là một trong những bộ phim tâm lý chuyển thể từ tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại.

"Những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và sẽ chỉ còn lại mãi mãi tấm lòng dịu dàng và êm ái của em." (Alexei Tolstoy)

Chiếu phim Oscar - Atonement

* ATONEMENT (CHUỘC LẠI LỖI LẦM), OSCAR 2008

1. Thời gian: 14h30 Thứ Bảy, Ngày 26/06/2021

Thời lượng: 130 Phút, FULL HD 1080, Phụ Đề Tiếng Việt

2. Địa điểm: Tầng 2, Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, Số 91 Phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội

(Đường rộng có chỗ để ô tô miễn phí.)

3. Cách thức tham dự: Sự kiện không thu vé!

Phim chiếu phục vụ nhiều quý khách hàng cùng xem.

Quý khách vui lòng gọi đồ uống tại quầy tầng 1 trước khi xem phim.

Khách hàng của Vincent vui lòng đến đúng giờ để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh nhé.

4. Giới thiệu nội dung phim Atonement:

Đó là câu chuyện về một mùa hè nóng nực trong quá khứ, khi Briony Tallis còn là cô bé 13 tuổi, say mê văn chương và ôm ấp những giấc mộng của riêng mình. Mùa hè năm ấy, Briony Tallis nhìn qua khung cửa sổ và thấy chị gái mình – Cecillia Tallis (Keira Knightley), sinh viên mới tốt nghiệp ở Cambridge, đang bước ra khỏi bồn nước ở sân, quần áo dính chặt và trở nên gần như trong suốt, với cái nhìn thất thần của Robbie Turner (James McAvoy) – người bạn của Cecillia, cũng đang học đại học Cambrigde. Briony lúc đó đã lờ mờ cảm nhận được Robbie đang có tình cảm với chị gái mình. Robbie, trong lúc đầu óc ngập tràn hình ảnh của Cecillia, đã viết ra một lá thư ngắn với lời lẽ gợi tình, nhưng lại không may để nhầm lá thư đó vào phong bì để gửi đến nhà Tallis, thay vì để một lá thư khác đã được soạn với ý tứ phù hợp hơn.

Như một trò đùa của số phận, lá thư ấy lại vào tay của Briony, và cô bé sau khi đọc được đã gọi Robbie là kẻ biến thái, và kể với Lola – chị họ của mình về điều đó. Buổi tiệc định mệnh diễn ra, Briony tình cờ bước vào thư viện đúng lúc Robbie và Cecillia đang thổ lộ tình cảm với nhau. Sau đó, Lola bị một người đàn ông cưỡng bức. Và Briony đã lên tiếng tố cáo Robbie chính là kẻ gây tội, với từng chữ rành rọt: "I saw him with my own eyes!" (Chính mắt tôi nhìn thấy anh ta). Lola, do không thấy rõ mặt của kẻ cưỡng bức mình, cũng cho là chính Robbie làm điều đó, với ấn tượng rằng anh là kẻ biến thái kể từ sau bức thư gửi nhầm đến nhà Tallis. Robbie trở về nhà Tallis sau khi đi tìm giúp hai đứa em song sinh của Lola, và ngay lập tức anh bị cảnh sát bắt đi trong cái nhìn chết lặng của Cecillia. Về sau, để chuộc lại lỗi lầm với chị gái và Robbie, Briony đã đi làm y tá phục vụ quân đội thay vì vào đại học Cambridge. Briony còn viết một cuốn sách có tên Atonement (Chuộc tội) trong đó Cecillia và Robbie được sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng tất cả đã quá muộn rồi.

Từ thời điểm Briony lên tiếng tố cáo Robbie cho một tội lỗi anh không hề phạm phải, cô đã đẩy cuộc đời của chị gái mình, Robbie và chính mình vào một bánh xe trượt mãi, trượt mãi trên triền dốc cho đến khi vỡ tan tành ở đáy vực, không cách nào quay trở về điểm xuất phát. Từ một sinh viên đầy triển vọng, Robbie phải mang tội và chấp nhận đi lính, mãi rời xa người yêu cùng những ước mơ đầu đời. Cecillia mất đi niềm tin vào gia đình, cô không bao giờ nói chuyện với em gái mình nữa, và cũng tham gia làm y tá phục vụ quân đội. Briony đã hủy hoại tương lai và hạnh phúc của chị gái mình và người yêu chị, và cô cũng đánh mất luôn sự ngây thơ cuối cùng còn sót lại.

Tên của bộ phim là Chuộc Lại Lỗi Lầm, nhưng thật ra những gì Briony đã làm đều đã là quá muộn. Không có gì có thể chuộc lại lỗi lầm đã gây ra của cô ngày xưa, kể cả một cái kết hạnh phúc mà cô dựng nên cho Robbie và Cecillia ở trong cuốn truyện của mình. Robbie và Cecillia đã không còn có cơ hội gặp nhau nữa, khi mà anh chết trong khi tìm đến đồng đội của mình ở Dunkirk, còn chị cũng qua đời bởi chiến tranh. Giá mà Briony thú nhận là mình đã sai với Tòa án, nhưng cô đã không làm, bởi Lola đã kết hôn với chính người đã từng cưỡng bức mình. Briony đã hèn nhát bỏ qua cơ hội để cứu vãn cuộc đời Robbie và Cecillia, để rồi sống trong dằn vặt, trống rỗng và cô đơn cho đến chết.

Đạo diễn Joe Wright quả thực đã sáng suốt khi chọn được bộ ba diễn viên với ánh mắt u uẩn, trống trải đến vô hồn hoá thân vào vai Briony ở các chặng khác nhau trong đời: Saoirse Ronan, Romola Garai, Vanessa Redgrave. Ngoài sự tương đồng về ngoại hình với nét trong lành ẩn chứa những bí mật chôn giấu, mỗi Briony đều thể hiện tốt những bước tiến triển trong tâm lý, tính cách của nhân vật từ khi là một cô bé nông nổi, mù quáng đến một thiếu nữ chín chắn, cô độc và cuối cùng là một bà lão từng trải, bình thản đứng giữa cuộc đời.

Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả có lẽ phải kể đến Saoirse Ronan – cô bé với mái tóc ngắn cá tính, cử chỉ dứt khoát, lanh lẹ trong chiếc váy trắng vào vai Briony 13 tuổi. Ở cô, người xem nhìn thấy một tham vọng, một ngọn lửa mãnh liệt không thôi nung nấu trong ánh mắt lạnh lùng, tàn nhẫn khi kết tội Robbie.

"Bông hồng nước Anh" Keira Knightney cũng tỏ ra không kém phần gai góc và sắc nét. Cô quyết định chọn vai Cecilia thay vì vai nhiều đất diễn hơn – Briony - như phân công lúc đầu vì muốn thử sức với một nhân vật trưởng thành, một người đàn bà nồng nàn, dạn dĩ trong tình yêu. Và một lần nữa, "người đàn bà yêu" với ánh mắt nồng nàn, đôi môi cháy bỏng đã chinh phục trái tim khán giả.

Bên cạnh diễn xuất xuất sắc của các diễn viên, việc lựa chọn phục trang cũng là một điểm nhấn quan trọng về mặt tạo hình của Atonement. Bộ váy trắng thanh thoát, xinh xắn cho kẻ nói dối Briony, hay chiếc váy xanh mềm mại, quý phái khoe lưng trần gợi cảm của Cecilia đã trở thành những biểu tượng điện ảnh khó quên trong lòng người hâm mộ.

Đặc biệt, chiếc váy xanh duyên dáng của Keira Knightley trong bộ phim đã lọt vào top "Trang phục đẹp nhất mọi thời đại" do tạp chí InStyle bình chọn, cùng với chiếc váy đen của Audrey Hepburn trong Breakfast at Tiffany’s, chiếc váy trắng của Marilyn Monroe trong The Seven Year Itch và chiếc váy đỏ của Vivien Leigh trong Gone With The Wind.

Người xem cũng sẽ dễ dàng nhận ra những thước phim mang đậm tinh thần duy mỹ của Joe Wright. Không chỉ là sự tỉ mỉ đến từng chi tiết như giấy dán tường, rèm cửa, ly, tách, khuôn viên vườn hoa, những lối đi dưới vòm cây xanh mướt mang đậm chất "quý tộc Anh", kỹ thuật xử lý ánh sáng tinh tế còn khiến cho từng khuôn hình của Atonement như căng tràn khí trời và tưới đẫm ánh sáng.

Joe Wright đã dùng chính cái đẹp để nói về tội lỗi và những vết thương đầy nhân bản của con người theo cách ấy. Cũng như trong tối tăm và khốc liệt của chiến tranh, ánh sáng của tình yêu vẫn soi lối, chỉ đường cho ta đi và sống đến tận cùng hy vọng. Đó là khi, mọi khổ đau trên đời, kể cả cái chết, cũng chẳng còn nghĩa lý gì, huống chi là những lầm lỗi và những lời nói dối.