Chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam ― Thế giới của hài kịch Kyogen

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tổ chức chương trình hài kịch truyền thống Kyogen tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bên cạnh đó, triển lãm 20 tác phẩm mặt nạ Nohgaku do nghệ sĩ Kyogen OGASAWARA Tadashi chế tác sẽ được trưng bày tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong cùng thời gian.

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: Từ 19:00 ~ , ngày 10 ~ 12/5/2023 (Thứ 4 ~ Thứ 6)

Địa điểm: Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Cơ quan tổ chức: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Cơ quan đồng tổ chức: Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản

Cơ quan phối hợp: Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Nội dung chương trình:

– Giới thiệu khái quát về hài kịch truyền thống Kyogen

– Vở diễn “Bonsan”

Do số lượng vé trực tuyến đã hết, Ban tổ chức xin thông báo dừng tiếp nhận đơn đăng ký vé xem chương trình biểu diễn hài kịch truyền thống Kyogen kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Xin cảm ơn đông đảo quý vị đã quan tâm và đăng ký.

Thông tin và hình ảnh của chương trình biểu diễn sẽ tiếp tục được giới thiệu trên trang web của Đại sứ quán Nhật Bản trong thời gian tới.

------------------------------

Du khách đến di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể tự do tham quan triển lãm mặt nạ Nohgaku từ 15:00 ~ 17:00 trong các ngày diễn ra chương trình. Khán giả đến thưởng thức hài kịch Kyogen cũng có thể xem triển lãm trước và sau buổi diễn.

***

Kyogen là thể loại hài kịch đầu tiên ra đời tại Nhật Bản với bề dày truyền thống 650 năm lịch sử. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống mà Nhật Bản tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tổ chức biểu diễn kịch Kyogen lần này là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội và là một địa điểm quan trọng với mỗi người dân Việt Nam. Đây cũng là địa điểm có ý nghĩa sâu sắc với người Nhật Bản, là một trong những nơi Nhật hoàng và Hoàng hậu (hiện nay là Thượng hoàng và Hoàng Thái hậu Nhật Bản) đã viếng thăm trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 2 năm 2017.

Hài kịch truyền thống Kyogen trình diễn tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sự kết hợp này sẽ tạo ra thế giới nghệ thuật như thế nào? Mời quý vị cùng đón xem!

Giới thiệu về nghệ sĩ Kyogen

Ông sinh năm 1965, bước lên sân khấu lần đầu tiên năm 1986. Ông theo học các bậc thầy như nghệ sĩ NOMURA Man thế hệ thứ nhất (người được phong tặng danh hiệu “Quốc bảo sống” của Nhật Bản), cố nghệ sĩ NOMURA Manzo thế hệ thứ 8, nghệ sĩ NOMURA Manzo thế hệ thứ 9. (*)

Ông được công nhận danh hiệu là “Người bảo tồn tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng” và là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu hài kịch Kyogen. Ông hoạt động trong nhiều vai trò khác nhau như chỉ đạo diễn xuất nghệ thuật trong các chương trình truyền hình của đài NHK, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Chiba.

Ông nỗ lực giới thiệu hài kịch Kyogen thông qua các buổi biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Pháp, Ý, Đức, Áo, Brazil, Algeria. Bên cạnh đó, ông mở rộng khuôn khổ của nghệ thuật truyền thống bằng nhiều hình thức như biểu diễn kết hợp cùng các đoàn kịch ngoài nước.

(*) Tại Nhật Bản, trong các môn nghệ thuật truyền thống hay nghề nghiệp cần những kĩ thuật truyền thống đặc biệt, nghệ nhân thường kế thừa nghệ danh từ các bậc tiền bối (tổ tiên hoặc thầy) của họ. “NOMURA Manzo thế hệ thứ 8” được hiểu là nghệ sĩ thứ 8 kế thừa nghệ danh của NOMURA Manzo.

OGASAWARA Hiroaki

Anh sinh năm 2001, bước lên sân khấu lần đầu tiên năm 2004 khi mới 3 tuổi. Kể từ đó, anh duy trì đều đặn các hoạt động biểu diễn sân khấu trong và cả ngoài nước. Anh theo học các bậc thầy như nghệ sĩ NOMURA Man thế hệ thứ nhất (người được phong tặng danh hiệu “Quốc bảo sống” của Nhật Bản), nghệ sĩ NOMURA Manzo thế hệ thứ 9 và cha mình là nghệ sĩ OGASAWARA Tadashi. Anh từng tham gia diễn xuất trong phim truyền hình và phim điện ảnh. Hiện, anh đang du học tại Pháp.

Giới thiệu về vở kịch “Bonsan”

Bối cảnh của vở kịch là thời buổi thịnh hành thú chơi cây cảnh Bonsai. Người đàn ông nọ quen biết một người giàu có sưu tầm cây cảnh Bonsai. Ông ta tức giận vì đã nài nỉ nhưng người này nhất quyết không cho dù chỉ một chậu cây. Một đêm nọ, ông ta quyết định đến dinh thự của người này lấy trộm. Người đàn ông lẻn vào từ cửa sau và trong lúc đang đắn đo chọn lựa cây bonsai thì chủ nhà phát hiện, ập đến hô hoán. Người đàn ông luống cuống, nhanh nhảu thu mình trốn trong BÓNG của chậu cây Bonsai…

Về triển lãm mặt nạ kịch nghệ truyền thống Nohgaku

Nohgaku là tên gọi của nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản bao gồm kịch Noh và Kyogen. Noh và Kyogen là thể loại ca vũ kịch sử dụng đa dạng các loại mặt nạ. Triển lãm lần này giới thiệu tới khán giả 20 tác phẩm mặt nạ Nohgaku do nghệ sĩ hài kịch Kyogen OGASAWARA Tadashi sáng tác, đã và đang được sử dụng để biểu diễn trên sân khấu. Buổi giao lưu và trò chuyện thân mật cùng nghệ sĩ OGASAWARA Tadashi cũng sẽ là một điểm nhấn đặc biệt trong triển lãm lần này.

Thời gian: Từ 15:00 ~17:00 , ngày 10 ~ 12/5/2023 (Thứ 4 ~ Thứ 6)

Địa điểm: Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

(Khán giả đến thưởng thức hài kịch Kyogen cũng có thể xem triển lãm trước và sau buổi diễn.)

Buổi giao lưu và trò chuyện thân mật cùng nghệ sĩ OGASAWARA Tadashi sẽ diễn ra tại phòng trưng bày Mặt nạ Nohgaku từ 15:00 ngày 12 tháng 5 (Thứ 6)

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện.