Buổi chiếu giới thiệu hai bộ phim tài liệu được quay cách nhau khoảng 60 năm tại Hà Nội. Phim "Phong Cảnh Hà Nội" của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Nguyễn Đăng Bẩy thực hiện năm 1958. Phim "Đường Bưởi" của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, quay từ năm 2016 tới 2018.
* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH
1. Thời gian: Thứ bảy, ngày 18.03.2022
18h30 – Đón khách
19h00 – Chiếu phim
20h30 – Trò chuyện với đạo diễn Trần Phương Thảo; điều phối: nghệ sĩ/giám tuyển Nguyễn Quốc Thành
2. Địa điểm: L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội
3. Giới thiệu phim:
PHONG CẢNH HÀ NỘI, phim tài liệu đen trắng, 1958, 13’42
+ Đạo diễn: Bùi Đình Hạc, Nguyễn Đăng Bẩy
+ Kịch bản: Bùi Đình Hạc
+ Quay phim: Nguyễn Đăng Bẩy, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Khánh Dư
+ Âm nhạc: Nguyễn Đình Phúc
+ Thu thanh: Mai Thế Hồng
ĐƯỜNG BƯỞI, phim tài liệu màu, 2019, 76’
+ Đạo diễn: Trần Phương Thảo, Swann Dubus
+ Quay phim: Swann Dubus
+ Âm thanh: Trần Phương Thảo
+ Biên tập âm thanh: Arnaud Soulier, Hoàng Thu Thủy
+ Dựng phim: Christine Bouteiller
+ Âm nhạc: Đàm Quang Minh
4. Cách thức tham gia: Vào cửa tự do!
Đăng ký trước tại: https://bit.ly/pchn-dk
Lưu ý:
* Khi tham dự sự kiện, bạn vui lòng mang theo xác nhận đã tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng Covid-19.
* Phim chiếu kèm phụ đề tiếng Anh
* Bản phim Phong Cảnh Hà Nội của Xưởng Phim Việt Nam được Viện Phim số hoá và cung cấp. Bản phim trình chiếu là bản phim không âm thanh, theo đúng hiện trạng đang được lưu trữ.
Cự li nào để ghi hình thành phố? Cảnh quan và con người? Hà Nội của Bùi Đình Hạc và Nguyễn Đăng Bẩy là một lời hẹn, Hà Nội sau sự kiện Điện Biên Phủ. Dưới "bầu trời của tự do" như được viết trong lời bình, những cảnh toàn các thắng cảnh thủ đô lần lượt hiện ra tựa các bưu thiếp. Đấy là một thế giới hài hoà, giữa thiên nhiên, các di sản trước và nay. Trong tầm nhìn từ xa, ở những tỉ lệ nhỏ, con người ăn vận duyên dáng, lao động và vui chơi hân hoan. Hy vọng là một lựa chọn rõ ràng. Một cảm giác về tương lai từ sự thoáng đãng, nhiều khoảng hở.
Gần 60 năm sau, phim đen trắng đã chuyển phim màu. Trong Đường Bưởi, tương lai cũng từ những lỗ hổng. Và các chỗ hổng này, chúng có mặt để một công trình mới được dựng lên. Chúng là sự đổ xuống của những ngôi nhà. Một bề mặt đô thị dày vô tận, thủng để lại đầy. Trong sự tái thiết lập ấy là thế giới của những người phá dỡ và dọn phế liệu đến từ phương xa. Bàn tay lao động và xà bần.
Trong phim Giấc Mơ Là Công Nhân của Trần Phương Thảo làm năm 2006 có một tình huống trò chuyện thân mật: một nữ công nhân vùng ngoại vi, dạy cho nhà làm phim tài liệu đang làm bộ phim đầu tay của mình, như thế nào là làm phim*. Trong Đường Bưởi, bằng những cảnh thường nhật, những cô đồng nát, các anh phu dỡ nhà đã làm cho nhà làm phim hiểu, thế nào là sống trong thành phố này. Máy quay của người làm phim sau 10 năm kinh nghiệm, giờ không phải sự xông xáo của một cự li rút ngắn. Mối quan hệ với nhân vật cũng đã khác trước, không vồn vã ngay cả trong cảnh cận. Đấy là máy quay của sự đã biết không thể tham phần thay đổi, mà đi tìm chỗ ở một điểm độ cao không trên, không dưới, không quá gần, không quá xa. Một thế giới tối, vật liệu bao vây. Nhưng cái khắc nghiệt không vì thế mà triệt tiêu được sự dịu dàng và hài hước. Đấy là cách mà những con người trong phim tồn tại bên nhau trong sự sụp xuống này.
Trước khi vào tiếng ồn thường trực của Đường Bưởi, Phong Cảnh Hà Nội được trình chiếu trong hiện trạng đang được lưu trữ: không có âm thanh. Quá khứ bây giờ không nói, nó chỉ cho ta thấy. Nó là như vậy. Đủ vì thiếu. Giữa một hiện tại thiếu vì thừa. Trong Đường Bưởi, cũng có một lời hẹn. Công trình mới sẽ là một cây cầu vượt. Cũng chính vì nó mà đã có cả một bộ phim.
- Trương Quế Chi
* Nếu như dòng phim tài liệu Việt Nam có những bước ngoặt, thì đây là một bước ngoặt.
** Chùm phim là mối nối với buổi trình chiếu hai tác phẩm điện ảnh của chương trình NHƯ TRĂNG TRONG ĐÊM 1&2: phim tài liệu Tháng Năm, Những Gương Mặt (1975) của đạo diễn Đặng Nhật Minh và phim truyện Chung Cư(1999) của đạo diễn Việt Linh.
----------------------------------------------------------------
Buổi chiếu thuộc chương trình NHƯ TRĂNG TRONG ĐÊM, chuỗi sự kiện xung quanh điện ảnh Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai, tựa những ngõ đi vào di sản phim từ góc nhìn của hôm nay.
NHƯ TRĂNG TRONG ĐÊM 3 diễn ra từ 09.03 – 03.04 được Trung tâm hỗ trợ tài năng Điện ảnh TPD tổ chức, với sự đồng hành của Viện Pháp tại Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Purin Pictures, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (thông qua dự án #hanoirethink), Viện Phim Việt Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam (thông qua dự án Digital Arts Showcasing), COMPLEX 01, Union Hub, Tách Spaces.
Fanpage: facebook.com/nhutrangtrongdem
nttd.info (website sẽ ra mắt vào ngày 09.03.2022)