Thông tin từ ban tổ chức:
Thời gian: 20:00, Chủ nhật 14/08/2022
Địa điểm: Nhà hát Thành phố, 07 Công Trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, TP HCM
---------------------------
Camille Saint-Saens, nhà soạn nhạc danh tiếng người Pháp, người có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Ông đến thăm Việt Nam vào năm 1895 và ở lại ba tháng tại Côn Đảo, nơi mà ông coi là thiên đường. Tại đây, ông đã viết nửa sau của vở nhạc kịch chưa hoàn chỉnh, Fredegonde. Vở nhạc kịch này đã được HBSO biểu diễn vào năm 2017, dưới sự chỉ huy của chỉ huy người Pháp Patrick Souillot.
Trong chương trình lần này, tác phẩm mở đầu sẽ là Tổ khúc số 1 L’Arlesienne của nhà soạn nhạc người Pháp lừng danh Georges Bizet. Bizet đã viết phần nhạc cho vở kịch sân khấu L’Arlesienne của Daudet (cô gái đến từ Arles – một thị trấn ở Pháp) và sau đó ông viết tổ khúc dàn nhạc cho phần âm nhạc này.
Tổ khúc bao gồm 22 mục với một số đoạn cực kì ngắn. Trong buổi công diễn, Bizet đã tự mình chơi harmonium ở hậu trường.
Tiếp theo là Carnival of Animals của Camille Saint-Saens, có lẽ đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Nó được viết cho dàn nhạc thính phòng và hai đàn piano, với 14 chương.
Chương nổi tiếng nhất của tác phẩm này có đoạn cello độc tấu và được gọi là “Thiên nga”. Trong tác phẩm này, mỗi chương tượng trưng cho một loài động vật khác nhau, chẳng hạn như rùa, voi, chuột túi và chim cu gáy.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ độc tấu piano tham gia trong tác phẩm này sẽ là hai nghệ sĩ Nguyễn Thùy Yên và Phạm Nguyễn Anh Vũ.
Sau giải lao, buổi diễn sẽ tiếp tục với thêm ba sáng tác: Pavane giọng Fa thăng thứ của Fauré; Dance Macabre của Saint-Saens và Boléro của Ravel.
Tác phẩm ngắn của Fauré – chỉ kéo dài tám phút – rất được yêu thích. Pavane là một điệu múa cung đình trang nghiêm của Tây Ban Nha. Fauré đã được thuyết phục để viết các phiên bản cho hợp xướng và đoàn múa.
Dance Macabre của Saint-Saen là một khúc “vũ điệu của thần chết” được sáng tác để chơi tại Halloween. Tác phẩm được mở đầu với đàn harp thể hiện 12 giờ và kết thúc bằng tiếng gà gáy thể hiện bởi oboe, tượng trưng cho bình minh. Nhạc cụ xylophone được dùng để tượng trưng cho tiếng va chạm lọc cọc của bộ xương.
Cuối cùng là bản nhạc nổi tiếng của Maurice Ravel, tác phẩm Boléro.
Tác phẩm đã thành công vang dội ngay từ lần công diễn đầu tiên. Toscanini đã chỉ huy buổi công diễn tại Mỹ vào năm 1929 trong những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Đêm nhạc cổ điển Pháp đánh dấu sự trở lại của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi, người đã có những chương trình hòa nhạc chất lượng rất cao với HBSO. Đặc biệt, nhạc trưởng Lê Phi Phi chính là người dàn dựng những chuỗi chương trình mới mẻ được yêu thích nhất của HBSO hiện nay như: Nhạc Phim, Rock Symphony. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky ở Moscow, anh trở thành chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng Macedonian, đồng thời chỉ huy khắp Châu Âu cũng như ở quê nhà Việt Nam.
Giá vé cho chương trình là 400.000, 550.000, 650.000, và 750.000, với giá 80.000 cho SV-HS.
Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện