Đình – đền – chùa cổ Việt Nam trong con mắt của họa sĩ Lê Như Hà

Trong khi hàng chục ngàn người đổ xô đi chùa với tâm thế dâng sao giải hạn, cầu mong sự bình yên và an lành thì lại có người lẳng lặng tìm đến phòng tranh nơi có những bức tranh vẽ chùa với sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối…

    Trong khi hội họa đương đại Việt Nam đang phát triển với xu hướng của hiện đại hóa, cách tân cả về đề tài lẫn hình thức thể hiện như ngày nay, thì họa sĩ Lê Như Hà lại nổi lên như một hiện tượng độc đáo đến hiếm gặp trong nền mỹ thuật hiện đại của nước nhà khi ông tìm về lối vẽ ưa chuộng không gian văn hóa nghệ thuật đậm chất Á Đông cổ điển được tái hiện đặc sắc trong thế giới của những ngôi đình, đền, chùa cổ. Ông được xem như một tài năng hiếm có và đột xuất – là một trong những viên kim cương sáng lấp lánh của hội họa Việt Nam đương đại.

    Họa sĩ Lê Như Hà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong thập kỷ 40, thuộc thế hệ các gia đình sống lâu đời ở Hà Nội là những người ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp, ưa tìm về phong cách lãng mạn, nuôi dưỡng ước mơ nghệ sĩ và có khát vọng sáng tạo. Nhiều người thời kỳ này chuyên tâm vào học âm nhạc, hội họa, văn chương từ khi còn nhỏ. Cách mạng thành công, xã hội có nhiều thay đổi, đời sống kinh tế chuyển sang một hình thái mới nhưng ước mơ của lớp người cũ thì vẫn y nguyên, vẫn giản dị và đau đáu một nỗi niềm tìm về với nguồn cội, gìn giữ những kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.

     Những cú sốc về cuộc sống, thực tại và nội tâm đã “kéo” họa sĩ Lê Như Hà quay trở về tìm lại tiếng gọi và bản ngã bên trong của chính mình, ông chia sẻ từng có khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý mạnh mẽ, và điều đó tưởng chừng như đã đánh gục người họa sĩ tài năng này. Vì lẽ đó ông tìm đến chốn bồng lai tiên cảnh nơi cửa thiền để tìm lại về sự bình yên. Họa sĩ cũng từng đặt chân đến nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S cùng một người bạn chuyên nghiên cứu về kiến trúc của đình, đền, chùa ở Việt Nam. Chuyến đi không chỉ giúp ông tìm lại sự cân bằng, tĩnh tại trong nội tâm mà còn giúp ông tìm lại điểm tựa niềm tin ở chốn tâm linh trong những sáng tác về đề tài tín ngưỡng. Kể từ đó, ta thấy hình ảnh các ngôi chùa cổ tràn ngập trong các sáng tác của Lê Như Hà, ông chuyên vẽ những ngôi chùa bởi độ thâm sâu, trầm lắng và cần tới sự tĩnh tâm rất lớn.

Trong ngôi chùa cũBức vẽ một ngôi chùa cũ trong loạt tranh "Những ngôi chùa cổ" của họa sĩ Lê Như Hà (Nguồn: Họa sĩ)

     Kiên định với những bức vẽ hoài cổ, Lê Như Hà sử dụng chất liệu sơn dầu làm bệ phóng vững chắc để khai thác tối đa sức sáng tạo của mình. Giống như Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung, như con chim phượng hoàng bay cao trên đôi cánh rộng, họa sĩ càng được dịp phô diễn tài năng và sức sáng tạo vốn có. Với cách thể hiện khác lạ ở mảng đề tài không hẳn mới, các tác phẩm của Lê Như Hà như dẫn người đọc vào một thế giới mới, có chiều sâu, và đầy chất hoài cổ. Các bức vẽ đền chùa của ông thường tập trung vào mảng thời gian đã từng thuộc về quá khứ, tái hiện khung cảnh những ngôi chùa cổ ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đó là dấu vết của văn hóa Đông (tỉnh Bắc Ninh và vùng châu thổ sông Hồng) và Đoài (vùng Sơn Tây, Hòa Bình). Họa sĩ không quên gửi gắm tình cảm hội họa của riêng mình vào những không gian nghệ thuật kỳ tài đã trở thành biểu tượng mang tính phổ biến và quen thuộc trong tâm trí người Việt như Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Cổ Loa, chùa Mía, chùa Dâu, chùa Trăm Gian… Hơn 20 bức vẽ về những ngôi chùa Việt Nam ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện trong những sáng tác của Lê Như Hà như một ám dụ nghệ thuật ám ảnh trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông, giúp ông chuyên tâm vào một góc hẹp trong các sáng tác của mình.

      Nếu các họa sĩ trẻ đua nhau trên đường đương đại phá cách về hình, làm xiếc với màu thì Lê Như Hà vẫn miệt mài cổ điển nắn nót hình và tôn trọng ánh sáng thiên nhiên theo lối nhìn của nhiếp ảnh, cách nhìn màu vì thế của họa sĩ cũng tinh vi và sắc sảo hơn người. Lê Như Hà chuộng sắc thái và cách thể hiện tối giản trong những bức họa của mình, tuy không quá cầu kỳ nhưng hiệu ứng ánh sáng được phát huy tối đa và biến hóa khá đa nhiệm. Ta tìm thấy cái tĩnh lặng, rêu phong, sự chuyển động, vận động ngược chiều của thời gian và ánh sáng trong khoảng không gian nhất định. Hay ở một khía cạnh khác là sự chảy trôi, lưu vết của thời gian như kết đọng lại trên mái ngói rêu phong, hoặc trên những bức tường ngả vàng đã nhuốm màu thời gian, đầy suy tư và tĩnh lặng. Tất cả được thể hiện bằng nét cọ đầy kỹ thuật, các chi tiết chính xác trong sự rung cảm mãnh liệt của cảm xúc, mảng khối hài hòa, màu chuyển động bằng chất lượn, một hiện thực nâng đỡ cảm xúc.

Biệt tài tả "nắng" trong tranh của ông (Nguồn: Họa sĩ)

     Cách thể hiện nghệ thuật của Lê Như Hà được đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ và cách đổi mới hình thức thể hiện. Nếu các họa sĩ đương đại có xu hướng gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ lên người xem bằng các cấp độ khác nhau thì Lê Như Hà lại tập trung cầu kỳ và chau chuốt bằng các chi tiết ở chốn thờ tự. Các bức vẽ của ông tuy vắng bóng người nhưng linh hồn của tranh lại thường đọng lại chủ yếu ở ánh sáng. Ánh sáng từ chói chang đến êm dịu, được tinh lọc bằng một đôi mắt giàu cảm xúc và đầy tính mỹ cảm. Họa sĩ say sưa diễn tả ánh sáng và phần lớn các bức tranh ông đều xử lý ánh sáng nổi bật không gian sâu thẳm và tĩnh lặng, thể hiện ước vọng về cách biểu đạt những bước chân của thời gian ngưng tụ lại trên từng viên ngói, mảng tường…

Không gian kiến trúc linh thiêng được tái hiện trong những "thước phim nổi" tại nơi chốn thờ tự (Nguồn: Họa sĩ)

     Kiên định với lối vẽ cổ điển, những bức tranh được trưng bày tại triển lãm “Một lối đi riêng” như càng khẳng định tên tuổi và vị trí của họa sĩ Lê Như Hà trong làng hội họa Việt Nam đương đại. Với một lối đi riêng biệt, độc đáo, không lặp lại ai, họa sĩ lão thành đã ngoài 70 mùa xuân vẫn âm thầm miệt mài sáng tạo, tìm lại chút tàn dư của thời gian vang bóng trên những trang vẽ, để như thấy mình trong đó. Họa sĩ cũng là nghệ sĩ số ít có thể níu lại chút tinh hoa của di sản Việt, trước khi chúng trở thành những tàn tích trước tàn dư và sự hủy hoại âm thầm mà mãnh liệt của thời gian. Có lẽ vì lý do đó mà hơn 100 bức tranh khác nhau với chủ đề “Trong ngôi chùa cũ” vẽ trong 25 năm qua của Lê Như Hà đều thuộc quyền sở hữu của những người hâm mộ từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau trong nước và ở một vài quốc gia khác.

     Sử dụng hội họa như một thứ khí giới thanh tao và đắc lực mà chúng ta có, họa sĩ như muốn vỗ về và nâng giấc chúng sinh trong thế giới còn chất chứa những hỗn mang vui lắm buồn nhiều và sự tổn thương dường như vẫn còn luôn hiện hữu…