Thông tin từ ban tổ chức:
Thời gian: 18:30 | Thứ 5, 15.05.2025
Địa điểm: Phòng Đa năng, Goethe-Institut Hà Nội, 56-60 Nguyễn Thái Học
Ngôn ngữ: Tiếng Việt và tiếng Anh (có phiên dịch đồng thời)
Cùng diễn giả: iola Lenzi & Trần Lương
Điều phối: Lê Thuận Uyên
ĐĂNG KÍ THAM GIA TẠI: https://www.goethe.de/ins/vn/vi/ver.cfm?event_id=26615588
_____________________
Trong những thập niên vừa qua, nghệ thuật Đông Nam Á đã dần khẳng định tiếng nói mạnh mẽ trong bối cảnh nghệ thuật toàn cầu. Tuy vậy, chỉ rất gần đây mới xuất hiện những ấn phẩm cung cấp cái nhìn toàn diện về tiến trình phát triển đầy hấp dẫn này. Buổi thảo luận sẽ tập trung vào lịch sử và thực hành nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á, với sự chú trọng đặc biệt tới Việt Nam.
Sử gia và giám tuyển nghệ thuật iola Lenzi giới thiệu cuốn sách mới "Power, Politics and the Street: Contemporary Art in Southeast Asia after 1970" (TD: Quyền lực, chính trị và đường phố: Nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á sau 1970) (Lund Humphries, 2024). Phần thuyết trình sẽ khám phá việc vì sao, khi nào, và bằng cách nào nghệ thuật đương đại Đông Nam Á ra đời, cùng với các đặc điểm của nó, đồng thời lập luận về vị thế của tiếng nói của khu vực này trong bối cảnh thực hành toàn cầu. Sự hình thành của nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ được làm nổi bật, đặt trong vùng lịch sử lớn hơn của toàn khu vực, với điểm nhấn là những tác phẩm trình diễn thời đầu của nghệ sĩ/giám tuyển Trần Lương - người sống và làm việc tại Hà Nội - vốn mang tính đột phá lịch sử bởi phương pháp mang tính vị tập thể.
Ở phần thứ hai của chương trình, Trần Lương giới thiệu một tuyển tập mới về thực hành nghệ thuật và giám tuyển của ông "Trần Lương Soaked in the Long Rain" (Trần Lương - Tầm tã), do Biljana Ciric biên tập (Milan: Mousse Publishing, 2024). Sau đó, ông sẽ tham gia vào một cuộc trò chuyện cởi mở, sinh động cùng iola Lenzi về nghệ thuật đương đại - chủ yếu tại Việt Nam - với sự điều phối của giám tuyển độc lập Lê Thuận Uyên và mở rộng cho công chúng cùng tham gia vào một trao đổi sôi nổi. Cuộc thảo luận này sẽ đề cập tới nghệ thuật trình diễn, các phương pháp và lịch sử giám tuyển, các hệ sinh thái nghệ thuật của hiện tại và tương lai, và sự tiếp nhận trên bình diện quốc tế đối với nghệ thuật đương đại Việt Nam.
IOLA LENZI là một sử gia và giám tuyển người Singapore về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á. Bà có bằng Cử nhân Luật (LBB) và bằng tiến sĩ về lịch sử nghệ thuật Hiện đại châu Á, hiện đang giảng dạy Lịch sử Nghệ thuật Đương Đại Đông Nam Á và phương pháp giám tuyển ở Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và trong chương trình Thạc sĩ Lịch sử Nghệ thuật Châu Á tại Đại học Nghệ thuật Siganpore (UAS).
iola Lenzi đã xuất bản nhiều nghiên cứu về nghệ thuật đương đại Việt Nam, tập trung vào giai đoạn đầu của các thực hành đương đại tại Hà Nội những năm 1990-2000. Bà từng làm giám tuyển độc lập hoặc giám tuyển chính cho khoảng 40 triển lãm tại châu Á và châu Âu, biên tập sáu tuyển tập nghiên cứu đa ngôn ngữ, và là tác giả của cuốn "Museums of Southeast Asia" (2004) (TD: Các bảo tàng tại Đông Nam Á). Chuyên luận mới nhất của bà là "Power, Politics and the Street: Contemporary Art in Southeast Asia after 1970" (Lund Humphries, 2024).
TRẦN LƯƠNG, một nghệ sĩ thị giác, curator độc lập, và một người tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam. Là một người cố vấn luôn sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ, Trần Lương vượt lên khỏi những ý niệm định khuôn về thực hành giám tuyển; khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác; tạo ra những cơ hội trao đổi giữa ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trần Lương hiện là đồng sáng lập Trung tâm APD và thành viên Hội đồng Cố vấn Nghệ thuật – Hội đồng Văn hóa Châu Á New York từ năm 2019. Ông cũng đã tham gia nhiều hội đồng nghệ thuật quốc tế uy tín như Mạng lưới Nghệ thuật Châu Á (ANA) (2003 – 2009), Ban giám khảo Quốc tế của Liên hoan phim Quốc tế Oberhausen lần thứ 59 tại Đức (2013). Các giải thưởng nghệ thuật danh giá thế giới: Giải thưởng Prince Claus của Hà Lan (2014), Giải thưởng Quỹ Andy Warhol về Nghệ thuật Thị giác (1999).
LÊ THUẬN UYÊN là giám tuyển sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Cô hiện là Giám tuyển chuyên trách (Curator at Large) tại The Outpost - bộ sưu tập và tổ chức hướng tới việc sưu tầm và trưng bày nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Thực hành của cô rọi vào tác động của bối cảnh xã hội cũng như mạch ngầm bản địa tới sự thay đổi của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cô cũng chú trọng tới việc tích hợp trải nghiệm nghệ thuật vào môi trường giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật.
Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện.