1. BELOVED (YÊU DẤU) – TONI MORRISON
Tiểu thuyết Beloved (Yêu dấu) của nhà văn Toni Morrison đã đoạt giải Pulitzer vào năm 1988. Người ta nói rằng cuốn sách này “đã được định đoạt để trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ”.
Yêu dấu là một cuốn sách hay với cốt truyện cảm động, sâu sắc về Sethe – người phụ nữ với thân phận nô lệ đã trốn đến Ohio. Sethe luôn bị ám ảnh bởi những ký ức thời trẻ và đứa con không tên của cô, trên mộ đứa bé chỉ đề mấy chữ “người yêu dấu”. Cuộc đời Sethe đã khắc họa những vết thương tâm lý, tinh thần kiên cường và niềm hy vọng vượt lên trên cả nỗi đau của con người.
Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng - khát vọng sống và tự do - mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.
2. LITTLE WOMEN (NHỮNG CÔ GÁI NHỎ) – LOUISA MAY ALCOTT
Little Women (Những cô gái nhỏ) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1869, dựa trên cuộc sống thời trẻ của tác giả Louisa May Alcott bên gia đình. Cuốn tiểu thuyết kể về Jo, Beth, Meg và Amy – bốn chị em gái phải nương tựa vào nhau để tồn tại ở New England giữa Nội chiến Hoa Kỳ. Họ không quan tâm gì khác ngoài sự an toàn của cha và nỗi vất vả của mẹ.
Những cô gái nhỏ là một tựa sách hay nói về tình yêu thương, tình chị em, chiến tranh và danh tính. Độc giả yêu thích cuốn tiểu thuyết này vì sự giản dị của nó, vì nó chứa đựng những bài học cuộc sống vượt thời gian và vì vẻ đẹp của sự độc lập ở từng cô gái.
3. THE COLOR PURPLE (MÀU TÍM) – ALICE WALKER
The Color Purple (Màu tím) đã chiến thắng Giải thưởng Pulitzer vào năm 1983. Cũng trong năm ấy, cuốn sách tiếp tục thắng Giải Sách Quốc gia Mỹ vì nó “chứa đựng đầy đam mê, cảm hứng và tình yêu cuộc sống bất khuất”.
Tác phẩm kể về Celie và Nettie – hai chị em đã bị chia cắt kể từ khi chào đời và chỉ liên lạc với nhau thông qua những lá thư. Màu tím là một cuốn sách hay và chân thực đến mức đau lòng. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên phơi bày tình trạng lạm dụng tình dục và ngược đãi gia đình mà phụ nữ da màu phải chịu đựng, nhưng cũng là thông điệp mạnh mẽ về lòng dũng cảm và sự cứu chuộc.
4. PRIDE AND PREJUDICE (KIÊU HÃNH VÀ ĐỊNH KIẾN) – JANE AUSTEN
Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) ra mắt độc giả vào năm 1813. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh chuyện tình lãng mạn, hài hước giữa Elizabeth Bennet và ngài Darcy – hai con người không cùng tầng lớp. Elizabeth độc lập và cứng đầu, còn ngài Darcy thì cao ngạo và tự phụ. Cả hai nhân vật đều không có thiện cảm với đối phương từ lần gặp mặt đầu. Thế nhưng, từ những lời nhận xét mỉa mai và giễu cợt hóm hỉnh, tình yêu nảy nở giữa họ. Kiêu hãnh và định kiến không chỉ là một tựa sách hay về tình yêu mà còn xoáy sâu vào các chủ đề giai cấp, hôn nhân và định kiến từ cái nhìn đầu tiên.
Suốt hơn 200 năm qua, Kiêu hãnh và Định kiến luôn nằm trong số những tiểu thuyết tiếng Anh được yêu mến nhất. Chính Jane Austen cũng coi tác phẩm xuất sắc này là "đứa con cưng" của bà. Tài năng của Austen quả thực đã biến câu chuyện tình sôi nổi nơi miền quê nước Anh thành một bản châm biếm sắc sảo hóm hỉnh và một viên ngọc quý trong kho tàng Anh ngữ.
5. TO KILL A MOCKINGBIRD (GIẾT CON CHIM NHẠI) – HARPER LEE
Được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ, To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) lấy bối cảnh trong thời kỳ hỗn loạn của nạn phân biệt chủng tộc và định kiến tại miền Nam nước Mỹ. Đặt dưới góc nhìn của cô bé Scout Finch, một phần câu chuyện kể về tuổi thơ của cô, một phần xoay quanh quá trình cha cô biện hộ cho một người đàn ông da đen vô tội. Cuộc đấu tranh chống lại lòng hận thù mù quáng và quá trình nhận thức về đạo đức trong cuốn tiểu thuyết này sẽ khiến tim bạn quặn thắt.
Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.