Hà Nội không chỉ là quê hương của người Hà Nội mà có lẽ còn là quê hương của mỗi người Việt Nam dù sống nơi bản làng heo hút, nơi chốt mũi Cà Mau tận cùng đất nước hay lưu lạc nơi chân trời góc biển xa xôi nào.

 

Khó có nơi nào có hai hồ Hoàn Kiếm và có nơi nào có mùa thu kỳ lạ đến mức huyển ảo như ở Hà Nội. Từ cái thời Hà Nội còn là tòa thành Đại La đến khi trở thành kinh đô Thăng Long và nay mang tên thành phố Trong sông, Hà Nội luôn luôn tỏa sáng, mà nếu chỉ dùng lý trí để phân tích thì không hiểu nổi, không lý giải dễ dàng như đi tìm một ẩn số của phương trình toán học.

Phải có những sáng mùa thu đi dạo một vòng hồ, thấy sóng lăn tăn đầy mắt, thẩm thấu cái se lạnh của mùa chuyển êm đềm vào cái lồng nan ngực. Cũng lại phải có những đêm đi trong hương hoàng lan phố Phan Đình Phùng làm hồn mình muốn bay theo những làn hương như giăng tơ, như âm thanh tiếng đàn bầu thực mà không thực.. hoặc đi trong hương sữa của phố Nguyễn Du khiến mình bềnh bồng trong thứ men say chỉ riêng Hà Nội có… Có lẽ cũng phải trải nghiệm đi trên những đường phố tấp nập, nhỏ nhoi, ngắn thôi nhưng tràn ngập gương mặt thanh niên tú nữ Hà thành. Cũng nên thưởng thức một bát phở gánh bán khuya, mùi hạt tiêu bắc trên phố Hàng Chiếu.


"Bước chân em chưa mòn lối..." (Ảnh: Pinterest)

 

Phải ngồi trong cái căn gác màu nâu ám khói hít hà hương chả cá đậm đặc căn phòng và bao phủ khắp mọi giác quan của cơ thể… mới cảm nhận được Hà Nội là gì, ngay giữa lúc mình trong lòng Hà Nội.

Hà Nội là có thế chăng khi trong khuya vắng mưa thưa, một nhịp rao hàng vang vọng và nẻo ngõ mờ đục ánh đèn như đã trăm năm thao thức, nơi ấy từng rộn lên tiếng sênh phách ca nhi, từng u huyền nhang khói một ngôi chùa cổ, từng chập chờn một mái tóc người yêu mà thời gian nhuộm thành tóc cố nhân, còn chập chờn lúc chia tay đến suốt bao năm… từng sóng sánh giọt cà phê vào lòng trai mới lớn, từng rộn bước chân giao thừa đi hái lộc, cầu may trong phút trời đất giao hoan… Hà Nội là tình yêu trai gái băng trinh, là tình bạn nồng hậu chân thành, cũng là tình mẹ ân cần cao cả cho con.

Có một thứ thật đặc biệt mà mỗi người Hà Nội khi đi xa khó có thể nào quên. Nó không hiển hiện để nhìn được, ngắm được như Văn Miếu, Tháp Rùa, như tranh Hàng Trống hay cầm nắm được như Lụa Vạn Phúc, Đồng Ngũ Xã, nó cứ vương vất trong tâm khảm khi nhớ về Thủ đô, đó là giọng nói người Hà Nội. Giọng nói Hà Nội không thể trộn lẫn dù được cất lên ở bất cứ đâu. Ta giật mình thảng thốt, không phải là tiếng “dạ” dịu mềm của tím Huế, tiếng chắc nịch của miền Trung gian khó, tiếng mặn mòi của vùng biển sóng gió, tiếng chân chất nơi miền Nam nắng nôi…Tiếng Hà Nội là hơi suối trong ngàn róc rách, là hương hoa nhài đầu đêm càng khuya càng ngát, càng nghe lâu càng mê. Là sợi dây đàn ngân nga thánh thót cái buông ngón út độc huyền…  

"Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình..."(Ảnh: Pinterest)

Nó cũng là tiếng gió đưa qua ngọn liễu mềm, tiếng hạt cốm lịm đi trong vị hồng ngọt sắc…nó đánh thức trong sâu thẳm lòng ta cái Đẹp, cái tốt, vốn dĩ tiềm tàng trong mỗi con người.

Có những người đi xa Hà Nội, không chịu được nổi nỗi nhớ hồ Gươm, nỗi thiếu làn gió heo may lạnh, đêm đắp chăn đơn nghe gió thu rì rầm trên cành hoàng lan, rưng rưng khi về gặp lại bầu trời xanh ngắt Hồ Tây. Nơi ấy có cây bàng cổ thụ vườn hoa Chí Linh, có một trời hoa đỏ nơi đường Cổ Ngư, có con đê lồng lộng gió sông Hồng. Nơi ấy có phố Hàng Đào, hàng Ngang, hàng Bạc, hàng Bông, có chợ Đồng Xuân với món bún thang tuyệt vời dậy mùi qua mấy nhà lồng chợ, có món xôi chè mới nhìn đã muốn sà vào. Có những con phố ngập tràn sắc hoa lấp lánh sương đêm của chợ hoa Ngọc Hà họp lúc gần sáng trong tiếng chân đi âm thầm, trong ánh đèn mờ tỏ, chỉ có hương hoa là rõ từ ngõ nhỏ này sang ngõ nhỏ kia, hương mách ta là có người đang đi tới, dù chưa có một âm thanh nào của người trồng hoa cất lên, của người mua hoa chào gọi… Hoa sẽ nói hộ người, những người Hà Nội yêu nhau, nó là màu tình yêu, là tiếng thơm thảo, là ân tình gửi trao son sắt…

Hà Nội bây giờ bốn mùa có hoa bán trên khắp nẻo đường, không chỉ có cô gái mặc áo dài đồng lầm rao bán, mà hoa được thồ trên xe đạp, hoa đứng ở các ngã ba ngã tư, mọi ước muốn của mọi lớp người, hoa đều có mặt. Cái đẹp đã được tôn trọng, đã có vị trí hơn trong lòng người, được trả về như bao trăm năm cũ chăng?

"Truyền thống cha ông gìn giữ non sông, từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng, Hà Nội ơi..." (Ảnh: Pinterest))

Có người Hà Nội xa Hà Nội lâu ngày, vẫn còn nhớ tiếng chuông tàu điện leng keng khuya sớm, hơi ấm bắp ngô nướng trên chậu than đỏ hồng bập bùng nơi chân cột đèn một ngã tư đầu phố, nhớ đĩa rau luộc xanh rờn mềm mại đựng trong lòng đĩa sứ tráng men trắng tinh thanh khiết, ngọn rau muống chấm vào bát nước mắm giầm sấu chua, chua thanh một vị chua đầu hè gợi nhớ, một vị chua riêng biệt của Hà Nội xanh um những hàng cây xanh um những hàng cây tròn xoe, đẹp như tranh vẽ… Nhớ con đường Bờ Hồ, từ tháp Hòa Phong đến cửa đền Ngọc Sơn, mùa thu hoa cúc trắng ngần được trồng một cách lung linh, nhớ Nhà hát Lớn vào mùa kịch, chợt một ngày về gặp lại, Hà Nội hiện ra như một giấc mơ táo bạo mà bàng hoàng.


Đặc trưng bát nước mắm sấu dầm của mùa hạ, mùa thu Hà Nội (Ảnh: Pinterest)

Cầu Thăng Long cao vợi, cầu Chương Dương rộng dài bên cạnh con rồng già Long Biên bị bom vặn vẹo nhưng vẫn chống đỡ mặt sông cho người đi bộ thảnh thơi sang vùng Kinh bắc. Sao vẫn nhớ về ngôi chùa trong ngõ Tràng An nghi ngút hương khói tịch mịch, nhớ về ngõ Phất Lộc chữ chi ngoắt ngoéo, nhớ phố Hàng Buồm có những hàng tám giò chả, tiết canh chói đỏ, ngọn rau húng quế chỉ biết thơm lừng giữa hai hàm răng… tất cả đều ở trong những căn nhà hình ống, hẹp lòng, phải lách chân nghiêng người mới vào được bàn ăn… Nhớ ngọn núi Sư Sơn trong vườn Bách Thảo, ngai ngái hương cỏ, rờn rợn bóng râm, lung linh hương sắc của cô gái làng hoa Ngọc Hà, toòng teng đôi gánh vào thành phố bán hoa.

Gánh hàng hoa vẫn tồn tại trong ký ức của người dân Hà Nội như một biểu tượng của kinh thành văn hóa (Ảnh: Pinterest)

Xa lắc Thanh Xuân, gập ghềnh Bạch Mai, hun hút Thủ Lệ, tít tắp Nhật Tân, Quảng Bá… tất cả đã xích lại, san sát như nội thành, nhà cao đèn sáng, xe cộ rần rần. Chợ búa cũng đã khác xưa, người Hà Nội không chỉ được ăn con cá thu tươi nướng kẹp giữa hai thanh trẻ đã tái, đi tàu nhanh về, mỗi khúc phải buộc sợi lạt, kho trong cái nồi toàn nước chè tươi, tươi rói vị biển thơm hương khơi xa. Người Hà Nội không phải lúc nào cũng giàu và có thể chưa sang bằng người như ở những xứ xa xôi thừa tiền xanh tiền đỏ… Thế nhưng Hà Nội trong lòng người đi xa về vẫn là một Hà Nội bao dung, tân kỳ mà không lòe loẹt, hấp dẫn mà vẫn thanh lịch, tần tảo mà đầy vị tha, biết ăn chơi mà không hãnh tiến, hào phóng mà không rởm đời… Hà Nội đón những người con lưu lạc trở về bằng trái tim ân tình, vỗ về, an ủi mà không đòi hỏi tra vấn một nửa lời. Giọt nước mắt nào đã trào mà khi gặp lại Hà Nội của mình sau bấy năm đằng đẵng? Gặp lại món bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang như tấm kính mờ, mát rượi trên đầu vị giác, gặp lại tấm áo phin nõn, hằn một màu hồng da thịt kín đáo, gặp lại cả tấm áo dài tha thướt như cánh bướm chao đảo cả giấc mơ chàng thư sinh trong Liêu Trai của họ Bồ văn sĩ... gặp lại đôi má hồng trên khuôn mặt phù dung duyên dáng, kín đáo mà hớp hồn kẻ tái hồi…

Lá vàng và mùa thu Hà Nội (Ảnh: Pinterest)

Hà Nội đã hàng vạn tuổi, có những con hồ của lịch sử, của tình yêu, kỷ niệm, hay nói đúng hơn, của Hà Nội, của lòng người Hà Nội, lòng người Việt Nam, dù người ấy ở bất cứ một nơi nào trên hành tinh này. Hà Nội vốn êm đềm, nay vần vũ hơn để bắt kịp với nếp sống toàn nhân loại, nhưng Hà Nội vẫn không thể mất đi sự trong trẻo, vẻ hồn nhiên, niềm bình yên của ngàn năm văn hiến, nghìn năm thanh lịch./.