Chỉ cần loáng thoáng thấy bóng dáng gánh hàng hoa gói, những người yêu mến nét đẹp văn hóa truyền thống chợt mừng thầm cho một tục lệ tuy đã mai một nhưng vẫn còn đâu đó chút hy vọng le lói trong đặc trưng văn hóa của thủ đô
Mỗi lần bước qua những con phố cổ Hà Nội, tôi lại bồi hồi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Vân Long:
“Yêu sao Hà Nội
sương bay trắng
Buổi chợ hoa đêm
đất Ngọc Hà”
“Ngày Rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ đến gánh Ngọc Hà mới mua”
Hoa gói dưới bàn tay của các nghệ nhân Ngọc Hà ngày xưa (Nguồn: Internet)
Giờ Hà Nội thay da đổi thịt, kể từ khi Đổi mới, xã hội văn minh hơn, hiện đại hơn, cùng với đó, những giá trị truyền thống xưa cũ cũng dần dần biến mất, phai nhạt và mai một...Cũng chẳng trách ai, chỉ trách...Cái ồn ào, bụi bặm, phồn hoa của nơi phố thị...
Không chỉ không nhớ, nhiều người dân Hà thành, nhất là thế hệ trẻ, còn chưa hề từng biết đến sự tồn tại của đĩa hoa cúng. Nó là một khái niệm xa lạ, mới mẻ, dường như chỉ còn tồn tại trong sách vở, hay trong vài đoạn sử cũ nhuốm màu thời gian. Ít ai biết rằng, từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khác hẳn với một Hà Nội bụi bặm, phồn hoa của thời đại 4.0 bây giờ, truyền thống của ông bà ta là bên cạnh mâm cơm cúng có con gà luộc, đĩa xôi, trầu cau, nải chuối, thì còn có cả những đĩa hoa tươi dâng cúng thơm ngát trang trọng bày lên ban thờ Phật, thờ gia tiên vào những ngày âm lịch quan trọng. Tuy đĩa hoa chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh nhưng tươi tắn đủ màu sắc, đủ hương thơm, nhiều ý nghĩa và quan trọng nhất là gói cái tình, tấm lòng thành kính của hậu thế lên tiền nhân. Việc dâng hoa gói cúng có một ý nghĩa đặc biệt trong nghi thức cúng lễ tổ tiên bởi nó là sự hội tụ đầy đủ của năng lượng âm dương đất trời, của hương thơm bốn phương.
Hoa đĩa thời bao cấp hiện hữu trong đời sống hiện đại như một sự nhắc nhở về những giá trị văn hóa truyền thống xưa cũ cần được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trân trọng (Nguồn: Tác giả)
Trong cuộc sống hiện đại bây giờ, ít ai có đủ kiên nhẫn để đi tìm hơn 10 loại hoa mà kết thành một gói hoa cúng, giờ đây nó lại được thay thế bằng lọ hoa với dăm bông cúc, hồng, thược dược, huệ, ly...khi nào tàn thì bỏ đi. Vì thế giờ đây khi trên đường phố Hà Nội xuất hiện những gói hoa cúng lá dong, lá chuối thấp thoáng ở giỏ xách, túi làn của các bà, các mẹ, các chị, và khi đi qua những sạp hoa mà phát hiện ra thứ hương thơm dịu dàng vẫn còn quyến luyến không rời từ những người bán hoa gói thì điều đó quả thực vô cùng hiếm và đáng quý.
Nhớ sao những phiên chợ hoa đêm với những loài hoa dân dã của làng hoa Ngọc Hà họp bên hồ Tây mênh mang sóng nước. Nhớ dáng người gánh hoa bước nhẹ thênh thênh trên con đường mỗi sớm tinh sương. Ngày Rằm hay mùng một hàng tháng khói hương nghi ngút ở Đền Quán Thánh, chùa Ngọc Sơn, ở thủ đô ngàn năm văn hiến – nơi hội tụ những nét đẹp tinh hoa truyền thống của đất kinh kì, mảnh đất địa linh nhân kiệt, mỗi người con của Hà Nội đều thổn thức với những niềm nhớ về hoa gói – một miền ký ức xưa cũ đậm màu hoài cổ đã nhuốm màu thời gian như một thước phim quay chậm lùi về quá khứ của một miền ký ức vàng son, của một thời vang bóng ...
Nghệ nhân gói hoa phải khéo léo, tỉ mỉ bởi mỗi gói hoa cúng đúng là một hình mẫu nghệ thuật mà tài năng của người nghệ sĩ được hiển bày trong đó: lá dùng cho hoa gói chuẩn nhất phải là lá dong Bồ Tát, là loại lá dong nếp, nhỏ, dài, bóng đẹp. Nếu hết mùa thì có thể thay thế bằng lá chuối, tuyệt nhiên không dùng bất kỳ loại lá nào khác. Sau đó, lá được cắt góc vuông rồi gập 1/3 lá lại theo hình củ ấu, rồi được nghệ nhân khéo léo gói chặt lại bằng những sợi dây lạt mềm, mỏng.
Gói hoa cúng phải vuông vuông như tấm bánh chưng cua có thêm sợi lạt luồn qua làm dây treo và phải được treo riêng trên xe hoặc làn đi chợ (Nguồn: Tác giả)
Gấp tấm lá dong hoặc lá chuối xanh non khum khum, người bán nhặt hoa, chọn hoa như người ta khéo kéo bốc từng thang thuốc bắc. Gói hoa cúng thường có mấy loại hoa chủ đạo chính như hồng, cúc, mẫu đơn, mào gà, cúc vạn thọ vì đây là những loại hoa mùa nào cũng có, còn lại là theo mùa.
Như nhà văn Nguyễn Khải từng nói, những nghệ nhân bán hoa gói như những
hạt bụi vàng của Hà Nội (Nguồn: Internet)
Về cơ bản, hoa gói phải đáp ứng đủ hai loại là hoa ngát và hoa sắc. Ngày Rằm hay mùng một thì có thêm quả cau, lá trầu phục vụ những Phật tử đi lễ chùa, lễ Phật. Theo thông lệ, số lượng hoa trên đĩa tùy từng mùa, giống như quả, mùa nào thức đó. Tuy nhiên vì để dâng cúng với ý nghĩa tâm linh, số lượng hoa bao giờ cũng là số lẻ, cầu kỳ hơn cả, hoa phải đủ từ 13 đến 15 loại. Quý nhất là hoa hồng lam, hồng quế, hoàng lan, ngọc lan, rồi tới hoa ngâu, thiên lý, hoa sói, hoa móng rồng, hoa trứng gà, hoa bưởi...Đó là những loại hoa ngát được người Hà Nội xưa rất coi trọng và ưa chuộng.
Mùa xuân, Tết đến, có hoa bưởi, hoa lay ơn, thược dược. Mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 7, có hoa móng rồng, hoàng lan (lan tây), ngọc lan (lan ta), mẫu đơn trắng, đỏ. Các loại hoa đầy đủ trong một đĩa cúng xinh xinh mà phong phú chủng loại, loài nào cũng có, đứng đầu là hai loại hoa hiếm có như hoa lan tây, lan ta, hoa bưởi, hoa móng rồng, hoa trứng gà. Kế đến là các hoa dễ tìm hơn như hoa cau, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mẫu đơn, hoa huệ, hoa sói, hoa mào gà, hoa phù dung, hoa láng, hoa thiên lý, hoa lay ơn, hoa thược dược, hoa dơn, hoa bánh hỏi, hoa cúc, hoa cúc vạn thọ, cúc bán khai, cúc bách nhật. Tuy nhiên, đĩa hoa cúng chỉ bao gồm những loại kể trên chứ không dung nạp thêm những hoa hiện đại kiểu bây giờ bởi tập tục xưa đã ghi nhận đó là những loài hoa đặc thù, có vị trí quan trọng trong việc dâng cúng tâm linh.
Hoa đĩa cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ ( Nguồn: Tác giả)
Mùa hạ, mùa thu, hoa nở nhiều nên màu sắc trong gói hoa cũng phong phú theo. Hoa ngọc lan trắng muốt, thơm mát. Hoa ngâu, hoa sói nhỏ li ti nhưng vàng xuộm như hạt nắng vàng dìu dịu hương thơm một cách kín đáo. Lá ngâu xanh mướt và chỉ nhãng đi vài ngày nụ đã đơm đặc li ti đầy cành rồi chín vàng từ kẽ lá, rợp cả một khoảng không gian đất trời.
Mùa thu, nhất là từ Rằm tháng 7, tháng mưa ngâu và lễ Vu lan báo hiếu đến Rằm tháng Tám (Tết Trung thu), gói hoa cúng bao giờ cũng được đất trời ưu ái ban cho hương thơm trân quý nhất, đó là hoa hoàng lan hay còn gọi là hoa lan tây. Mùa này bên cạnh hương thơm mát ngọt của ngọc lan trắng còn có hương thơm sang trọng, tinh khiết, quý phái bậc nhất không bút nào tả xiết. Trong văn của nhà văn Thạch Lam, hoa hoàng lan có một vị trí đặc biệt khi ông miêu tả hương hoa hoàng lan quyến rũ, có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa mọi ngóc ngách, tràn ngập trong tâm hồn các nhân vật trong câu chuyện “Dưới bóng hoàng lan”. Bông hoàng lan mềm mại, cánh thon dài như ngón tay Phật, tự cổ xưa, hoàng lan là loài hoa tài lộc nên được người Hà Nội đặc biệt ưa chuộng.
Đĩa hoa cúng không thể thiếu được hoa hoàng lan… (Nguồn: Tác giả)
Làng hoa Ngọc Hà vốn nổi tiếng với những cây hoa còn sót lại và được coi là “quý tử” như hoa trứng gà, hoàng lan, ngọc lan… Những gốc hoàng lan cổ thụ sừng sững trong vườn, mỗi khi nắng thu rót mật, hoa lại ngả màu vàng ươm. Hương hoa thơm lừng, thấm đượm ướp trọn cả không gian, không tan trong gió. Hương hoa tan chảy trên mái tóc, vương trong nếp khăn nhung của bà. Người dân làng Ngọc Hà thường lấy sào trẩy hoa, nâng niu như đám mây vàng bồng bềnh trong chiếc thau đồng. Sắc thị chín vàng ươm cùng chiếc bánh Trung thu được bày biện trên ban thờ cùng với nải chuối trứng quốc và cốm xanh non, quyện hòa với đĩa hoa cúng nồng nàn tạo nên một đặc trưng rất riêng của mùa thu.
Đĩa hoa cúng mùa thu bao giờ cũng không thiếu được mùi huệ thơm nồng và cả cúc bách nhật tím sáng, tròn xoe như chiếc khuy cài áo. Quả móng rồng đúng như tên gọi nở ra những chùm quả xanh mướt bóng bẩy như móng vuốt của chú rồng, đơm ra những bông hoa vàng rực, thơm nồng nàn như mùi mít chín. Khi tiết trời se se lạnh cuối thu đầu đông, đĩa hoa cúng được gài thêm những chùm hoa láng rung rinh, hoa bánh hỏi trắng muốt e ấp nở như đôi môi thiếu nữ còn chúm chím cười nụ.
Xuân về có hoa bưởi ngan ngát dịu ngọt như mái tóc thiếu nữ Hà thành thập kỷ xưa thoảng về được đặt gọn gàng trên chiếc nong tre (Nguồn: Internet)
Hương hoa bưởi dễ chịu, tinh khiết và nồng nàn dễ dàng mê đắm bất cứ người con Hà thành nào mỗi độ Tết đến xuân về. Mùi hương ấy, thấm đượm cả không gian đất trời, lan tỏa và hòa tan cùng với nồi bánh chưng tràn khắp ngõ phố Hà Nội, cùng với mùi nước lá bưởi, lá mùi xông ngày cuối năm như bao trọn khoảnh khắc thiêng liêng của tiết trời chuyển giao trong những ngày cuối cùng của năm cũ để đón chào năm mới, khiến đất trời mỗi độ xuân về như được sống dậy một niềm vui và cảm xúc khó tả.
Cách cúng dường hoa gói lên ban thờ Phật, ban thờ gia tiên sao cho đạt được lợi lạc thù thắng nhất, tích tập được nhiều công đức cũng là một việc làm đáng quan tâm, ý nghĩa và cần sự chú tâm một cách cẩn thận. Vì hoa gói cũng là một cách cúng dường hương thơm lên bề trên. Mở gói hoa rồi thả từng bông vào bát nước mưa trong cho sạch bụi trần rồi xếp lên chiếc đĩa men lam, hoa đủ màu sắc được bày tròn như mâm xôi trên chiếc đĩa. Ngày xưa, thắp hương ngày tuần chỉ có đĩa hoa, cốc nước mưa trong, nhà nào sang thì có thêm đĩa xôi hoa cau với dăm ba thếp oản và quả Phật thủ. Hương hoa quyện với khói hương trầm tạo thành mùi hương linh thiêng, đặc biệt, khó phai mờ giống như sợi dây kết nối ta về với miền ký ức xa xưa nơi có tổ tiên, ông bà với niềm thành kính, biết ơn vô bờ bến. Năm tháng trôi qua, xã hội trải qua biết bao thay đổi, mọi thứ cũng được giản tiện hơn trước.
Đĩa hoa cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính vừa phải có hương vừa phải có sắc như một nét đặc trưng của văn hóa Kinh Bắc (Nguồn: Tác giả)
Thế hệ trẻ, nhất là những cô gái Hà Nội mới về nhà chồng mà mang được đĩa hoa gói cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên thì quả là một điều đáng quý. Giờ đây, kể cả vào dịp lễ Tết, cũng hiếm lắm mới thấy những đĩa hoa cúng được bày biện trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Thế nhưng, vẫn không gì có thể thay thế hoa đĩa cúng, xét về cả khía cạnh giá trị tinh thần, tâm linh lẫn vẻ đẹp. Vì vẻ đẹp và nét đặc trưng văn hóa ở đĩa hoa cúng đã in sâu trong tiềm thức của bao thế hệ người Hà Nội xưa, từ ngàn năm văn hiến, ngàn đời nay của mảnh đất kinh kì sẽ không bao giờ có thể dễ dàng được thay thế và chen ngang bởi những giá trị tạp nham, xô bồ được, tuy giờ đây đĩa hoa cúng thơm sắc hương dường như chỉ còn tồn tại vương sót lại trong một miền ký ức.
Qua thời gian, qua sự sàng lọc khắc nghiệt của kinh tế thị trường, những phong tục, tập quán khó níu giữ này dần trở nên mai một. Xã hội hiện đại kéo theo những xô bồ, bận bịu, lo toan của đời sống thường nhật khiến con người, nhất là giới trẻ không hề biết đến sự tồn tại của những đĩa hoa cúng là một sự nuối tiếc vô cùng lớn.
Phải khó khăn lắm, người ta mới thấy những gánh hoa, những sàng hoa gói trên hè, bởi vì người biết đến nó còn ít, thì người hiểu về nó lại càng hiếm (Nguồn: Tác giả)
Những người tìm về hoa gói, cũng chỉ là những người hoài cổ, những người vẫn quyết giữ lại cái đặc sản, nét đẹp tinh thần riêng, độc đáo, không thể trộn lẫn của người Hà Nội xưa...Nhưng không phải vì thế mà hoa gói cúng dễ dàng bị lãng quên, dù trong xã hội hiện đại bây giờ, một xã hội vẫn còn chất chứa những hỗn mang vui lắm buồn nhiều và sự tổn thương vẫn còn thường trực và hiện hữu./.