Hòa nhạc A Folksy evening with Glanz - Xưởng Văn Hóa

Với các bản nhạc soạn cho tứ tấu dây của A. Dvořák và B. Bartók cùng nhóm GLANZ STRING QUARTET, buổi hòa nhạc nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Xưởng Văn Hóa.

* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ BUỔI HÒA NHẠC

1. Thời gian: 20h00 Thứ hai, ngày 31.8.2020

2. Địa điểm: Phòng đa năng, Viện Goethe Hà Nội, 56-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội

3. Cách thức để tham dự:

Quý vị vui lòng điền vào đơn đăng ký tại đây: bit.ly/2DISI0Y

Lưu ý:

+ Vì tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, chương trình sẽ giới hạn số người tham gia không quá 30 người tham dự sự kiện.

+ Mỗi người chỉ được đăng kí 01 vé.

+ Mỗi bản đăng kí chỉ có giá trị cho một người. Viện Goethe rất tiếc phải từ chối các khán giả đi cùng nhưng chưa đăng kí.

Hòa nhạc A Folksy evening with Glanz - Xưởng Văn Hóa

Trong chương trình hoà nhạc tứ tấu này, nhóm Glanz String Quartet sẽ giới thiệu tới các thính giả hai thế giới âm thanh khác biệt: Cảnh đồng quê của Mỹ cuối thế kỷ 19 qua nét phác họa bằng âm nhạc của nhạc sĩ người cộng hoà Séc, Antonin Dvořák; và một bức tranh hiện đại đầu thế kỷ 20, có sự trộn lẫn giữa các yếu tố dân gian của Hungary và các kỹ thuật sáng tác mới – gợi ý một sự phá rào các khuôn khổ sáng tác cổ điển truyền thống.

Tứ tấu "American" đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà soạn nhạc người Séc Antonin Dvořák. Trong nhiều thập kỷ trước khi sáng tác bản tứ tấu này, Dvořak từng trăn trở về việc trộn lẫn rất nhiều những giai điệu vào một kiến trúc tổng thể rõ ràng, chắc chắn và cuối cùng cũng thành công với tác phẩm này.

Bản tứ tấu gồm bốn chương, mỗi chương có những âm hưởng riêng lấy từ âm nhạc dân gian và thiên nhiên Mỹ. Chương một có hai chủ đề chính, cùng được xây dựng trên gam ngũ cung – hệ thống phổ biến của âm nhạc dân gian, trên nền hoà thanh khá mở và đơn giản, góp phần tạo ra sự mộc mạc của âm nhạc dân gian mà Dvořák muốn. Giai điệu chủ đề của chương hai gợi nhớ tới những giai điệu dân ca tôn giáo (Negro Spirituals) hay dân ca của cư dân bản địa Mỹ (American Indian). Chương ba được dựng trên cấu trúc của một chương Scherzo truyền thống, nếu nghe kỹ, khán giả sẽ nghe thấy tiếng hót của loài chim scarlet tanager, loài chim bản địa Mỹ. Chương cuối khá đơn giản và vui tươi, được dựng trên gam ngũ cung với tiết tấu khơi gợi một chút âm thanh của những chiếc tàu hoả - thứ mà Dvořák khá yêu thích.

16 năm sau khi Dvořák sáng tác bản tứ tấu "American", Bartók sáng tác bản tứ tấu dây đầu tiên năm 1909. Đó là một năm khá đặc biệt với nhiều tác phẩm âm nhạc quan trọng: Bản concerto số 3 cho piano của Rachmaninov, bản opera "Elektra" của Strauss, giao hưởng số 9 của Mahler, Klavierstucke Op. 19 và Erwartung của Schoenberg, và tứ tấu dây đầu tiên của Kodaly và Bartok. Có thể nói, đây là năm bắt đầu của những phong cách sáng tác mới: Phi điệu tính (Atonality) của Schoenberg, và những sáng tác hiện đại sử dụng những yếu tố dân ca Hungary.

Hugo Leichentritt, một nhà sử gia về Bartók, nhận xét về bản Bagatelles (1908): "Nó không hướng tới một sự trau chuốt, mà là một cái gì đó khá đơn sơ, bản năng, nhưng rất mạnh mẽ và đầy màu sắc. Âm nhạc của Bartók mang đậm tính dân tộc Hungary, nhưng tính dân tộc này lại rất khác so với những định kiến phổ biến về âm nhạc Hungary, từ những tác phẩm của Liszt (Hungarian Rhapsodies) hay của Brahms (Hungarian Dances)". Tính riêng biệt này của âm nhạc Bartók đến từ việc ông đào sâu hơn nhiều, thay vì chỉ sử dụng những giai điệu pop hay gypsy phổ biến. Ngay từ khi còn trẻ, cả ông và đồng nghiệp Zoltán Kodály đã cùng nhau đi về những vùng quê của Hungary, mang theo máy thu âm để sưu tầm, ghi chép, và sau này xuất bản những giai điệu dân gian. Người nghe sẽ thấy rất rõ những yếu tố dân gian này trong tứ tấu đầu tay của Bartók .

Halsey Stevens, một học giả và nhà sử học về Bartók, nói về tứ tấu số 1: "Có một sự mềm dẻo và linh hoạt hết sức trong tác phẩm này, các dòng giai điệu độc lập liên tục tương tác, di chuyển, khi đối đầu, khi kết hợp lại… Mỗi thành viên trong tứ tấu đều có một sự độc lập, như một mảng riêng biệt trên tấm vải lớn. Chính sự độc lập này tạo nên một sự giàu có về màu sắc và kết cấu của tác phẩm, có thể được so sánh với những tứ tấu cuối đời của Beethoven…" Trong chương 1, Bartók tạo nên sự liên tưởng về phần mở đầu của tứ tấu Op. 131 của Beethoven. Sự căng đến cực điểm trong sự pha trộn các âm hình tiết tấu, và sự tự do trong điệu tính (free tonality) được pha trộn với Chromaticism truyền thống. Chương cuối có nhiều những motif lặp lại, như motif nốt đơn liên tục chuyển động luân hồi, hay một câu nhạc trích dẫn từ một ca khúc dân ca "Fly, Peacock, Fly". Ca khúc dân ca này nói đến sự giải phóng của tâm hồn, chắc cũng không quá nếu ta liên tưởng tính giải phóng và tự do này tượng trưng cho cả tác phẩm.

Tứ tấu dây Glanz String Quartet do bốn nghệ sỹ Hojin Kim, Nguyễn Mỹ Hương, Patcharaphan (Jubjib) và Phan Đỗ Phúc thành lập vào mùa xuân năm 2020.

* Xem thêm thông tin tại: https://www.goethe.de/ins/vn/vi/ver.cfm?fuseaction=events.detail&event_id=21951133