Cố họa sĩ Lê Mai Khanh trên hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong tranh Múa rối nước

Nghệ thuật tranh khắc và rối nước dân gian, gần gũi rất thực song cũng rất ảo – thực thực, hư hư, thật thú vị, một danh họa Phương Đông từng nói:

“Vẽ giống là nịnh đời, vẽ không giống là dối đời”

Cái giống mà không giống, không sao chép, không nhại lại, không bắt chước.

Suốt ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt đã trải qua bao thăng trầm, bao ách đô hộ, thống trị cả về văn hóa, tôn giáo và kinh tế, nhưng người dân Việt chưa bao giờ để mất tâm hồn người Việt trong mỗi người.

 Múa rối nước - Hình tượng nghệ thuật dân gian và ngôn ngữ tạo hình hiện đại

Bên cạnh sự phát triển của các loại hình nghệ thuật kiến trúc cung đình: kiến trúc đình, chùa, điêu khắc tôn giáo, hát nhạc cung đình…Thì sự sáng tạo của dòng nghệ thuật dân gian cũng tham gia vào việc tạo dựng và làm giàu cho kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Trong đó, cùng với nền văn minh lúa nước, nghệ thuật dân gian rối nước cũng tồn tại trong đời sống người Việt như một phần tất yếu của đời sống văn hóa tinh thần người Việt.

Cố họa sĩ Lê Mai Khanh – người có công trong việc xây dựng hình tượng rối nước trong tranh đã trở thành họa sĩ tiên phong – số ít trong những họa sĩ Việt còn kiên trì lưu giữ lại những nét đẹp dân gian trong tranh. Tài năng và khiêm nhường, song cũng đầy cảm xúc và lý trí, đó là những cảm nhận của người xem khi cảm nhận về những tác phẩm của cố nữ họa sĩ Lê Mai Khanh, người đã từng tham gia giảng dạy, đào tạo các họa sĩ Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sinh năm 1952, mất năm 2017, cố họa sĩ Lê Mai Khanh đã để lại nhiều tác phẩm ấn tượng, thể hiện một tâm hồn phụ nữ yêu thương khá rõ ràng, hồn hậu mà đầy thông thái. Chỉ là những tác phẩm nhỏ về kích cỡ, không quá lớn, nhưng gói trọn trong đó những ý tưởng sáng tạo, không ngừng tìm tòi, khám phá với nét vẽ dứt khoát, tự tin và nhiệt huyết, biểu đạt góc nhìn về đời sống và con người trong những sinh hoạt rất đời thường. Nữ họa sĩ đã đưa vào trong tranh những hình tượng gần gũi, thân quen của đồng quê, nông thôn Việt Nam một cách tự nhiên như các bức Thổi sáo, Chăn trâu, Bé Phương… Màu sắc, đường nét của tác phẩm luôn cho thấy sự bay bổng trong một không gian hòa quyện giữa siêu thực và hiện tại.

Hình tượng nhân vật dân gian rối nước được chế tạo bằng gỗ bởi những nét tạo hình thô mộc, hồn nhiên có thể cử động được linh hoạt, ngộ nghĩnh để diễn các trò sinh động, vui tươi, bất ngờ và hóm hỉnh.Tùy theo các tích trò diễn, mỗi con rối được tạo hình riêng, trang phục riêng, vẻ mặt riêng, trang trí riêng. Tất cả đều toát lên vẻ hồn nhiên của những đứa trẻ thôn quê nhanh nhẹn hoạt bát, thông minh và hóm hỉnh.

Với mong muốn nghiên cứu, chắt lọc để tạo điều kiện cho việc chuyển giao từ một loại hình nghệ thuật truyền thống sang ngôn ngữ đồ họa hiện đại. Từ việc nghiên cứu tạo hình rối nước, họa sĩ Lê Như Mai đã ghi tên tuổi của mình, trở thành người tiên phong khai thác những thành tựu nghệ thuật dân gian từ đó có thể ứng dụng trong việc giảng dạy, sáng tác và gợi mở cho các nghệ sỹ tạo hình đương đại.

           

Tất cả đều toát lên sức sống của nền văn minh lúa nước - văn hóa Kinh Bắc đậm chất làng quê trung du đồng bằng Bắc Bộ - Tác phẩm "Múa rối nước" (Ảnh: Họa sĩ Lê Mai Khanh)

Nụ cười đặc trưng – Tính trào lộng tự nhiên

Chúng ta tìm thấy ở nghệ thuật dân gian, từ những nhân vật rối nước đến các nhân vật khắc gỗ dân gian, cái chung đó vừa ngẫu nhiên vừa căn bản, chắt lọc của tự nhiên, chứa đầy tính ẩn dụ: đó là nụ cười, nụ cười của chú tễu, nụ cười của vinh hoa, phú quý,  nụ cười của Thất đồng, hay dù giay cần nhưng trong đánh ghen vẫn có nụ cười, Thi tài, thi khỏe thì nhân vật đô vật vẫn có miệng cười hồ hởi… Nụ cười như biểu hiện của tâm hồn người Việt: nụ cười hồn nhiên, nụ cười nhân ái, nụ cười lạc quan hi vọng. Những người ngoại quốc có nhận xét: “Gặp người Việt Nam thường thấy hầu như trên gương mặt ai cũng có nụ cười’. Đời sống nông nghiệp lúa nước, với khó khăn vất vả nhưng tâm hồn rộng mở, thân tình, trọng khách, đó là nụ cười phản ánh tâm hồn thuần phác đậm đặc chất nông thôn.

 

Nụ cười của chú tễu, nụ cười tiếu lâm, nụ cười hề chèo, phải chăng đó là nét đẹp điển hình của người Việt? - Tác phẩm "Làng rối" (Ảnh: Họa sĩ Lê Mai Khanh)

Do mục đích của các phường rối nước xưa là không vụ lợi vật chất, chỉ có khát vọng thuần túy làm vui cho bà con làng xóm dịp lễ hội, hội hè, lễ tết.. như một phần thưởng tinh thần mà dân gian truyền cho nhau, động viên nhau để vượt qua những gian khó trong lao động. Sự tán thưởng, lòng hâm mộ cũng thuần khiết, đạm bạc và hồn hậu của cộng đồng dành cho những người nghệ nhân, là những phần thưởng và giá trị cuộc sống của họ. Nó tạo nên không gian nghệ thuật gần gũi và đầy hi vọng về cuộc sống tươi đẹp. Cộng đồng người Việt tìm thấy hạnh phúc trong lao động và trong chia sẻ với cộng đồng làng xã.

Thị hiếu thẩm mỹ dân gian đến tầm nghệ thuật

Ở trong nghệ thuật rối nước, tài năng và trí tuệ của các nghệ nhân tạo hình cùng với nghệ nhân biểu diễn đã đạt đến tầm nghệ thuật.

Với những quân rối nước sau khi tạo tượng, là sơn thếp, tô màu, vẽ nét để toát lên cái thần thái dân gian, gần gũi. Giá trị truyền thống được chắt lọc, phát huy, sáng tạo đem lại át tươi mát, đôn hậu, hiền dịu, niềm lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người.. qua cái bình dị đơn sơ của hình khối, đường nét, màu sắc làm ta liên tưởng đến những bức tranh quê hương bằng mực phẩm in trên giấy dó.

Những màu sắc lung linh chỉ với những gam màu cơ bản. Chính từ những cái thông minh, tài năng của người Việt “cái khó ló cái khôn”, mà người nghệ nhân dân gian đã sáng tạo những nét độc đáo, bằng tình yêu và tài năng đã thổi hồn vào các nhân vật rối nước.

Như các quy luật xã hội được các nhà triết học, nghệ thuật học đã đúc kết: “Tính dân tộc trong nghệ thuật là một thuộc tính sẵn có trong hiện thực khách quan, luôn được bắt nguồn từ cuộc sống và được chi phối, hình thành, phát triển theo những quy luật đặc thù mang đậm dấu ấn của xứ sở, dân tộc”. Thuộc tính sẵn có này được hình thành do đặc điểm sinh hoạt trong cộng đồng, xã hội. Tâm lý dân tộc có tính phản xạ tự hiện, hội tụ vào và tạo nên thị hiếu thẩm mỹ và vun đắp cho tâm hồn nghệ thuật dân gian được bảo tồn và không ngừng phát triển trong bản thể mỗi người.

 

Tác phẩm tranh múa rối "Tát nước" - Họa sĩ Lê Mai Khanh (Ảnh: Họa sĩ)

Tính hiện thực đa chiều và yếu tố ngôn ngữ tạo hình truyền cảm, sinh động

Trong các loại hình nghệ thuật dân gian, rối nước cũng đi thẳng đến cảm nhận của người xem, nó vừa hiện thực vừa chứa định tính tâm linh, vừa độc đáo quý hiếm lại vừa gần gũi diễn cảm. Mỗi hình tượng rối nước ở những tích truyện khác nhau, lại phản ánh những khía cạnh, những mặt của đời sống xã hội khác nhau vừa đa dạng phong phú lại vừa tinh tế và chắt lọc. Hình tượng chú tễu được tạo hình đa dạng, phong phú nhưng nó như một giá trị mỹ học được dân gian đón nhận không xa vời, không khó hiểu.

Người ta nói rằng trong mỹ thuật, màu sắc là yếu tố nhận diện một cách rõ ràng, nhận diện từ vùng miền, xứ sở , văn hóa dân tộc, đến nhận diện cá nhân nghệ sĩ. Bởi màu sắc và hình khối có sức truyền cảm mạnh mẽ.

Từ hội họa Bắc Âu: với các gam màu trầm, màu đơn giản, nặng về phân tích sắc độ đậm nhạt.

Đến mỹ thuật Nam mỹ: màu sắc rực rỡ, hòa sắc sinh động, màu sắc nhảu nhót, chói chang, ừa dùng các gam màu tương phản hơn là phân tích sự chuyển sắc độ.

Ở nước ta, nghệ nhân chế rối nước và làm tranh khắc gỗ thường sử dụng các màu rực, nguyên chất hay các cặp màu tương phản nhưng không quá nhiều màu. Với những gam màu: hồng cánh sen cạnh xanh lơ, xanh lục, vang vam cạnh tím hoa cà,  vàng tươi cạnh màu chàm, lam. Những đường nét viền đậm tạo nên đời sống trong các hình thượng mang tính tưởng tượng thô mộc, hồn hậu.

Xem rối nước làm cho ta hòa vào một vũ trụ vô tận có thực, lạc vào không gian tưởng tượng thần tiên chỉ tồn tại ở nơi mà nước và lửa hòa vào nhau, vừa chói lọi, ngây thơ và tinh tế - Tác phẩm "Vũ điệu sinh" (Ảnh: Họa sĩ)

Người nghệ nhân tạo hình chế tác một quân rối đẹp, sinh động, có hồn phải trải qua nhiều công đoạn từ khối sang nét. Phần tạo hình thô là những nét khắc thô mộc từ cưa, đục, đẽo… những thao tác này càng thuần thục thì càng tạo nên nét sinh động. Các tương quan về hình khối, to – nhỏ theo tỷ lệ phóng tác, mang tính mô phỏng, cách điệu không gò bó nhưng khá hoàn hảo về tỷ lệ tạo hình hàn lâm. Sau khi tạo khối, người nghệ nhân dùng tài nghệ và sự khéo léo để tạo nét, nét sinh động hay thô mộc phụ thuộc và tích truyện hay ý tưởng của người tạo hình. Khi hoàn thiện là lúc toát lên vẻ đẹp tinh thần của nhân vật tạo hình.

Tính đương đại trong nghệ thuật tạo hình rối nước

Nhìn lại những hình thái nghệ thuật dân gian, một hiện thực tâm tưởng bằng phương pháp sắp đặt?

Gần đây một số họa sĩ trẻ đang tìm đến mối tương quan giữa cái tĩnh và cái động để tạo ra không gian tạo hình. Họ đi tìm cái mới, tư duy về tổ chức một cuộc trình diễn sắp đặt. Tuy nhiên họa sĩ ta cũng dễ dàng tìm thấy một hình thái rối nước, với tổ hợp những ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình phong phú và sự kết hợp trong một không gian trình diễn sắp đặt đầy yếu tố động – yếu tố sáng tạo.

Chúng ta tìm thấy giá trị nghệ thuật tạo hình đầy tính hàn lâm trong tạo hình nhân vật dân gian như rối nước và nghệ thuật biểu diễn rối nước cũng đầy tính đương đại, hiện đại và phát triển - Tác phẩm "Đu xuân - Đi cà kheo" (Ảnh: Họa sĩ)

Nhìn chung, trong rối nước và tranh in gỗ ván còn giữ được đến ngày nay là món ăn tinh thần đặc sắc, bồi đắp sức sống văn hóa tinh thần và nghệ thuật của dân tộc. Nó thấm sâu, bám rễ vào tiềm thức, đời sống tinh thần và tình cảm của người Việt nói chung và của nghệ sĩ tạo hình nói riêng./.