Họa sĩ Trịnh Quốc Chiến là nghệ sĩ số ít ỏi trong làng hội họa Việt Nam đam mê những bức tranh thể hiện tinh thần Phật giáo một cách nghiêm túc và cầu thị. Những bức tranh của anh chỉ cần nhìn thoáng qua sẽ thấy được triết lý vô ngã vị tha, thế giới siêu thực của cõi mộng như muốn thoát ly hiện thực và mong muốn hòa nhập với Đại Niết Bàn trong một khuôn khổ rộng lớn của sáng tạo nghệ thuật.
Tiểu sử họa sĩ Trịnh Quốc Chiến
Các triển lãm tiêu biểu
Trịnh Quốc Chiến tại triển lãm riêng của bản thân (Ảnh: Họa sĩ)
Sơn mài Trịnh Quốc Chiến – “Bản đồ hành đạo Phật”
Hội họa khó diễn đạt được thành lời. Có ngôn ngữ riêng bằng hình ảnh, nó là chuỗi cảm thức về không gian, thời gian và thái độ của mỗi tác giả. Ngôn ngữ tranh sơn mài Trịnh Quốc Chiến rất kỳ lạ. Bởi rất hiếm bức tranh nào có một hình ảnh cụ thể, chắt lọc tự nhiên. Mà là hàng loạt những hình ảnh biểu tượng, ký tự bí mật… vẽ, khắc thành chuỗi, thành chùm tượng hình liền lạc, làm ta liên tưởng đến các văn bản tượng hình tối cổ…
Nghệ sĩ đôi khi không lý giải được trọn vẹn tại sao lại có được những hình ảnh đó, đường nét đó. Mà anh chỉ trung thành với những biến động, những thôi thúc từ chính các giác quan tự thân hé mở mà thôi. Nhìn tưởng như không liên quan đến nhau và người xem cũng khó lòng giải thích được sự cuốn hút kỳ lạ từ mỗi bức tranh khó mà hiểu ngay khi được nhìn thấy…
Bức Yin & Yang - Đôi mắt âm dương (Ảnh: Họa sĩ)
Là bậc thầy cự phách của nghệ thuật sơn mài truyền thống, Trịnh Quốc Chiến thể nghiệm hàng loạt tranh trừu tượng có tính bí ẩn và huyền học. Mỗi bức tranh của anh dường như luôn ẩn chứa một bí mật riêng. Say mê phương Đông, nhiều mảng phẳng tranh sơn mài của anh luôn khắc họa những cảm xúc trước ngoại cảnh theo xu hướng sơn thủy. Chi tiết cái chuông là một hình ảnh đậm chất tâm linh và huyền bí, nó gợi sự liên tưởng đến những âm thanh của đền, chùa, không gian văn hóa và tâm linh của Phật giáo. Đối với Phật giáo, chuông là một pháp khí phát ra âm thanh với những tần số rung động đặc biệt, có thể hàng phục yêu ma tứ chướng. Từ đó, Trịnh Quốc Chiến luôn muốn thu vào tranh của mình những vẻ đẹp đặc biệt nhất, nổi bật nhất của không gian tâm linh đất trời, với những tông màu hội tụ đầy đủ nét đẹp vàng son của văn hóa đền chùa và Phật giáo.
Trịnh Quốc Chiến tại xưởng tranh của bản thân (Ảnh: Họa sĩ)
Cầu nguyện là một công việc quen thuộc đối với những Phật tử thuần thành. Họ có niềm tin vững chắc và tuyệt đối vào tôn giáo mà họ sùng mộ. Vì thế những họa sĩ có một cảm hứng mãnh liệt với đạo Phật đã đưa hình ảnh cao đẹp này vào tranh của anh như một sự ngợi ca về niềm tin và tôn giáo của loài người. Vẫn là chất liệu sơn mài quen thuộc nhưng người xem cảm nhận bức tranh của anh hiện lên một vẻ đẹp độc đáo, hình ảnh con người cầu nguyện với những điều tâm sự thầm kín như một sự nhắc nhở về khát vọng mưu cầu hạnh phúc giản dị. Với tác phẩm này, bằng những cách tạo hình độc đáo, Trịnh Quốc Chiến đã chạm đến tận đáy sâu tâm hồn mỗi con người Á Đông những rung động mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa đạo và đời.
Ngoài các biểu tượng đậm tính phương Đông, tranh của họa sĩ tài hoa Trịnh Quốc Chiến đề cập nhiều đến Phật (bàn tay Phật, bàn chân Phật, không gian Phật). Phật giáo là một nguồn cảm hứng trong các sáng tác nghệ thuật của anh. Ở các tranh vẽ đề tài Phật giáo, Trịnh Quốc Chiến không quan tâm nhiều đến tính linh thiêng mà thường đặt hình tượng Phật trong không gian của hoa lá, cây cỏ với những hoa văn, họa tiết đậm chất phương Đông với tất cả sự ngẫu nhiên hứng thú.
Bức "Quyền năng của Đức Phật" không chỉ gợi lên một không gian đậm chất Phật giáo, giàu tính trí tuệ mà còn thể hiện sự tôn trọng, kính ngưỡng tuyệt đối của họa sĩ với đạo Phật (Ảnh: Họa sĩ)
Đức Phật hiện lên như một đấng chiến thắng vĩ đại, một bậc thầy giác ngộ hoàn hảo và toàn giác, trong tranh của Trịnh Quốc Chiến, anh đã sáng tạo một cách toàn mỹ phương diện này. Tháo dỡ những ký hiệu truyền thống ra khỏi khung cảnh của nó, rồi tổ hợp lại theo một phương thức riêng khác, từng bức tranh của Trịnh Quốc Chiến như một hành trình đơn độc, một sự tự vấn, một ý thức để tìm lại chính mình trong hồn phách xưa cũ ở những miền tâm thức xa xôi nhất.
Bức tranh "Phật A Di Đà" thể hiện tinh thần tan nhập vào cảnh giới Cực Lạc (Ảnh: Họa sĩ)
Là một bậc thầy cự phách của chất liệu sơn mài truyền thống, chuộng vẻ đẹp vàng son lộng lẫy, tranh của họa sĩ Trịnh Quốc Chiến là những tác phẩm sang trọng, có một vẻ đẹp lôi cuốn rất riêng. Những bức tranh lột tả vẻ đẹp của đạo Phật là một đề tài xuyên suốt trong sự nghiệp cầm cọ của anh. Bức tranh vẽ Phật A Di Đà nghìn tay từ bi cứu độ chúng sinh là một trong số những tác phẩm đặc biệt của anh vì vị Phật gần gũi với nhiều Phật tử Á Đông nhất có lẽ là Phật A Di Đà, vì thế anh đã thể hiện trọn vẹn những tâm ý của những người yêu Phật bằng việc xây dựng nên những hình ảnh đậm màu Phật giáo với những họa tiết độc đáo, đầy màu sắc tâm linh. Hiếm có một phong cách sơn màu sang trọng mà lại tế vi, hùng hồn trong sự trầm mặc, hấp dẫn bí ẩn như tranh của anh.
Chất dị biệt làm nên phong cách tranh đặc trưng không thể trộn lẫn trong tranh của Trịnh Quốc Chiến đó là chất liệu, đề tài, màu sắc và cách biểu hiện. Sự sang trọng đến lạ thường chính là những cảm xúc ban đầu khi người xem thưởng ngoạn những bức kiệt tác của anh. Anh chọn sơn mài làm chất liệu chủ yếu để giãi bày những tâm tư, tình cảm và thông điệp nghệ thuật đầy tính nhân văn của mình. Hình ảnh Đức Phật luôn hiện diện trong tranh của anh như một lẽ dĩ ngẫu, một tự tính Tam Bảo đã hình thành trong trái tim của anh như một sự bám rễ, một cội nguồn anh không bao giờ quên. Bên cạnh việc thể hiện những chủ đề tâm linh độc đáo, anh còn đưa những cách thức tạo hình mới lạ vào tranh, chưa kể đến bố cục, cách anh tôn thờ màu vàng kim trong một nền đỏ sang trọng đã chinh phục người xem một cách tuyệt đối khi thể hiện những vấn đề tâm linh trong một khuôn khổ khung tranh nhỏ hẹp.
"Chuông" - Một tác phẩm sơn mài của tác giả Trịnh Quốc Chiến, thể hiện ám dụ nghệ thuật trong mảng đề tài về đạo Phật (Ảnh: Họa sĩ)
Thấm nhuần âm hưởng văn hóa dân gian đậm chất Á Đông, những tác phẩm của một trong những họa sĩ sơn mài cự phách nhất nhì Việt Nam - Trịnh Quốc Chiến đã vượt xa khỏi những điều chúng ta biết, anh thoát ra khỏi những ảnh hưởng của các thế hệ họa sĩ tiền bối để cất lên tiếng nói trầm mặc và bình thản của riêng mình. Trong văn hóa Á Đông, yếu tố “Yin and Yang” – âm và dương luôn là hai mặt trái ngược nhưng bổ khuyết cho nhau một cách toàn vẹn trong quy luật vận hành, tuần hoàn của trời đất, vũ trụ. Dường như những tác phẩm của Trịnh Quốc Chiến luôn ẩn chứa những bí mật riêng, không đơn giản là thể hiện tranh trên một mặt phẳng, không gian của bức tranh được chia cắt, phân mảnh, cô lập thành những vùng khác biệt. Ta thấy một vài hình vẽ, motif, họa tiết thường có mặt trong những tác phẩm của anh như: Phật, bàn tay, thủ ấn, hoa sen, chuông, hạt châu, mặt người được cách điệu hóa, chuỗi hình kỷ hả như nét khắc trống Đông Sơn...tập hợp lại, những yếu tố này trở nên bí hiểm và phức tạp như một hệ thống ký hiệu chưa được giải mã, một thể bản đồ của miền không tên, mà cô đọng cả tính trí thức khả dĩ biểu đạt và chưa biểu đạt một cách mạch lạc.
Sự hòa hợp về hai nguồn năng lượng khởi tạo nên sự sống - Âm và Dương trong đôi mắt của người họa sĩ đa tài này (Ảnh: Họa sĩ)
Lạ lùng nhất là ngay chính họa sỹ tác giả khẳng định rằng anh không theo đuổi nghệ thuật Phật giáo. Bởi anh cho rằng đạo Phật – một cống hiến vĩ đại của loài người để lý giải những thứ trừu tượng khó định hình trong cuộc sống. Phật giáo là một vùng trời, cõi sống cho hằng hà sa số ngành, thể, mà nghệ thuật chỉ là một con thuyền, một thể thức – nhánh cành mà thôi. Đối với tác giả, những hình thù tượng hình bí ẩn đó chỉ là thứ ngôn ngữ tự thân của riêng nghệ sĩ. Một thứ ngôn ngữ không phải ai cũng hiểu được. Nhưng nhờ có nó, anh có thể trải nghiệm một cách siêu việt nhất, chân thực nhất những rung cảm của con người bên trong mình. Còn ai thấy khoái thú thưởng ngoạn, cảm nhận và cho rằng những “bản đồ hình bí mật” ấy nó hướng đạo nào, tín ngưỡng sao, thì đó là việc tự do, tự tại của người xem thôi. Tuy nhiên suy cho cùng, cái đích lớn nhất trong tranh anh trên hết vẫn mong muốn thể hiện sự tan hòa giữa đạo, giáo, tín ngưỡng và đời sống.
Cùng ngắm lại loạt series tranh theo dòng thời gian thể hiện rõ rệt phong cách độc đáo hiếm gặp của họa sĩ Trịnh Quốc Chiến
Quá khứ, Hiện tại và Tương lai - Sơn mài (135cmx157cm) - 2013
Mẹ và con - Sơn mài (90cmx90cm) - 2010
Không gian của Phật - Sơn mài (90cmx100cm) - 2004
Bàn tay Phật - Sơn mài (90cm x 90cm)
Bàn chân Phật - Sơn mài (90cm x 90cm)
Không gian mới - Sơn mài (100cm x 90cm)
Cá dưới trăng 1 - Sơn mài (90cm x 90cm) - 2006
Khỏa thân bạc - Sơn mài trên gỗ (2009)
Nhạc xuân - Acrylic, bột màu, tempera trên giấy (2010)