Lưu diễn âm nhạc MAI - MARAI

Sự kiện lưu diễn âm nhạc tháng 7 tại Nha Trang - Lâm Đồng: “MAI - MARAI”...

Thông tin từ ban tổ chức:

Tại Nha Trang (giới hạn 50 khách tham gia): 19:00 15/07/2024

Địa điểm: Khán phòng Nhà Hát Đó, Vega City, Bãi Tiên, đại lộ Phạm Văn Đồng, P.Vĩnh Hải, Nha Trang

Tại Đà Lạt: 19:00 22/07/2024 |

Địa điểm: Phố Bên Đồi (10 Đường Lý Tự Trọng, Phường 2, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng)

LINK ĐĂNG KÝ: TẠI ĐÂY

“MAI - MARAI”

“Mai - Marai” trong tiếng Chăm có nghĩa là “Về” - “Đến”. Vậy…

Ai “về”?

Đó là những bạn trẻ người Chăm, bản thân họ là mỗi chủ thể văn hoá đã ý thức được việc quay về với nguồn cội, văn hoá của mình trên hành trình làm nghệ thuật.

Ai “đến”?

Là những Nghệ sĩ khách mời, những bạn trẻ đến từ khắp mọi miền với những “xuất phát điểm” khác nhau, cùng nhau xây nên một môi trường kết nối, thấu hiểu và chia sẻ văn hoá thông qua ngôn ngữ âm nhạc.

Theo một cách chơi chữ khác, "Mai" còn có thể hiểu là “Ngày mai” - như một lời hứa hẹn hoặc cũng là lời mời: “Ngày mai - đến nhé”, thể hiện khao khát của thế hệ trẻ Chăm mong muốn kế thừa, tiếp nối văn hoá thông qua sự gặp gỡ trong tương lai.

Dù hiểu theo ngữ cảnh nào, song các yếu tố về nguồn cội, sự kế thừa văn hoá, sự kết nối thông qua ngôn ngữ âm nhạc đều là những giá trị thông điệp mà chương trình muốn truyền tải...

Hagait Ni trân trọng giới thiệu chuyến lưu diễn Âm nhạc - Múa Chăm “Mai - Marai”, sự kiện viết tiếp cho giai đoạn trước trong chuỗi dự án lưu trữ và phát triển Âm nhạc Chăm Hagait Ni!? (Gì đây!?), với sự tham gia và ứng tác của các nghệ sỹ, nghệ nhân Chăm và các nghệ sỹ khách mời.

Nếu ở giai đoạn trước, các nghệ nhân Chăm tập trung vào các tác phẩm truyền thống trước khi ứng tác với nghệ sĩ khách mời, thì ở vở diễn lần này, dự án sẽ có sự thay đổi về phương pháp tập luyện. Các nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ Chăm sẽ chia từng cụm ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để ứng tác với từng cụm khí nhạc của các nghệ sĩ khách mời.

“Mai - Marai” hứa hẹn sẽ mang đến cuộc đối thoại không chỉ dừng lại trong khuôn khổ chương trình mà còn về các khả năng khác trong lưu trữ và phát triển văn hoá truyền thống, đó là tiếng lòng của thế hệ trẻ Chăm trong ý thức bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt là âm nhạc Chăm trong xã hội hiện đại ngày nay.

Giai đoạn 03 của chương trình hiện đang nhận sự hỗ trợ của Hội Đồng Anh - dự án Di sản kết nối và đồng hành bởi Nhà Hát Đó.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện.