MAP 2022 – Artist’s Talk 04 | Mình nói gì khi nói về chiến tranh

Sự kiện tháng 11/2022: MAP 2022 – Artist’s Talk 04 | Mình nói gì khi nói về chiến tranh

Thông tin từ ban tổ chức:

15:00 – 17:00, Thứ bảy 19/11/2022

ZOOM

Không gian nhiếp ảnh Matca

48 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội

Link đăng ký

Tháng thực hành Nghệ thuật được xây dựng dựa trên ý tưởng “trường học cho nghệ thuật đương đại”. MAP thường có hai giai đoạn: Thực hành và Trao đổi. Các nghệ sĩ tới lưu trú tại Hà Nội, cùng thảo luận và thực hành xoay quanh chủ đề của MAP. Tham gia Buổi trò chuyện với nghệ sĩ, khán giả sẽ cùng lắng nghe chia sẻ từ các nghệ sĩ về công việc của họ – những dự án từng thực hiện, những ý tưởng và thực hành nghệ thuật khi làm việc với chủ đề CHIẾN TRANH. Và không thể thiếu, phần thảo luận mở và hỏi đáp giữa khán giả và nghệ sĩ được dẫn dắt bởi người điều phối – cũng là những khách mời đặc biệt của MAP.

Khép lại chuỗi sự kiện Trò chuyện với nghệ sĩ thuộc Tháng thực hành nghệ thuật MAP 2022 sẽ là chia sẻ, trình bày của các nghệ sĩ: Ryusuke Ito (Nhật Bản), Lê Tú Anh (Việt Nam) và Nguyễn Minh Hoàng (Việt Nam) dưới sự điều phối của giám tuyển Vân Đỗ (Việt Nam)

Ngôn ngữ: Song ngữ Anh – Việt

Số người tham dự: tối đa 40 người (tại Matca) và 100 người (trên ZOOM)

Một sự kiện thuộc Tháng thực hành nghệ thuật MAP 2022.

Về nghệ sĩ:

Ito Ryusuke

Ito Ryusuke, còn được biết đến với tên gọi Kenji Murasame, là một nghệ sĩ thị giác, nhà làm phim và nhà phê bình văn hóa đại chúng người Nhật Bản. Ông sinh năm 1963 tại Hokkaido. Ito Ryusuke tốt nghiệp cử nhân Nghệ thuật ngành Thiết kế Đồ họa ở Đại học Zokei Tokyo năm 1988 và Thạc sĩ Nghệ thuật của Học viện Nghệ thuật Chicago, chuyên ngành làm phim vào năm 1992. Các tác phẩm của ông là sự kết hợp của công nghệ video và nghệ thuật sắp đặt, tập trung vào các chủ đề về ký ức xưa và nhận thức hình ảnh thông qua phương tiện truyền thông thị giác hiện nay. Ông đã có rất nhiều triển lãm tại các bảo tàng và phòng triển lãm trên khắp Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Ito Ryusuke hiện sống ở thành phố Sapporo, Nhật Bản và giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hokkaido.

Lê Tú Anh

Lê Tú Anh tốt nghiệp khoa Hội họa, Trường Đại học Nữ sinh Ewha Hàn Quốc (2019). Hiện nay, cô sống và làm việc tại Hà Nội. Tú Anh từng tham gia một số triển lãm nhóm tại Hàn Quốc và Việt Nam. Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của cá nhân và tập thể, các thực hành của cô vừa mang chất liệu hiện thực nhưng cũng pha trộn yếu tố không tưởng, nhằm tìm các cách diễn giải/ kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Bên cạnh hoạt động sáng tác, Tú Anh tích cực tham gia các dự án nghệ thuật với nhiều vai trò khác nhau.

Nguyễn Minh Hoàng

Nguyễn Minh Hoàng chọn cho mình cách tiếp cận nhiếp ảnh hàm chứa cả hiện thực và ý niệm. Anh dùng chân dung tự họa để kết nối bản thân với thế giới bên ngoài, để tiếp cận và tìm hiểu những người, những vật, những sự kiện lịch sử hay đương thời, và những ý tưởng siêu thực. Những khi không tự chụp mình, anh chụp những khung cảnh tiệm cận li kì trong cuộc sống đời thường xung quanh.

Hoàng nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật về nghệ thuật phóng sự thể nghiệm ở trường đại học Duke, Hoa Kỳ. Trong thời gian ở trường anh thực hiện Title Wanted, một bộ tác phẩm về câu chuyện của chiến tranh Việt Nam, và Crimson Heart, một bộ ảnh về tình yêu qua một đóa hoa cúc. Anh thực hiện bộ ảnh You Are Here vào năm 2017, một bộ ảnh về kiếm tìm một nơi anh thuộc về. My Dear Solitude là một bộ ảnh đường phố dài hạn về cảm giác anh luôn không thuộc về nơi nào, luôn nằm giữa sự thân mật và sự xa lánh người khác.

Về người điều phối:

Vân Đỗ

Vân Đỗ là một giám tuyển và người viết hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam. Từ năm 2019 đến 2021, Vân làm việc trong đội ngũ giám tuyển của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, Sài Gòn. Từ năm 2022, Vân điều hành Á Space, một không gian độc lập dành cho các thử nghiệm nghệ thuật ở Hà Nội. Các dự án tiêu biểu của Vân bao gồm: Hà Ninh Pham: Recursive Fables (A+ Works of Art, Kuala Lumpur, 2022), IN:ACT 2022 (Nhà Sàn Collective & Á Space, Hà Nội & Kassel, 2022), Hẹn thư sau (Á Space, Hà Nội, 2022), Cõi riêng ảo (Manzi Art Space, Hà Nội, 2021), Tò he tập bơi (Bình Quới, Sài Gòn, 2021), Ca tụng (cõi) vi sinh (Dcine, Sài Gòn, 2020), Lặng yên san sát (The Factory, Sài Gòn, 2019).

Chủ đề của MAP 2022 là “Chiến tranh” – nhằm khơi gợi những suy tư và dự cảm về những cuộc chiến trong quá khứ, thực tại, những uẩn khúc chưa biết tới, sự thật chưa được gọi tên và tương lai bất định. MAP 2022 có sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cùng với một số nhà nghiên cứu, giám tuyển khách mời. Dự án bao gồm giai đoạn trao đổi và lưu trú trong tháng 10-11/2022, sau đó là một triển lãm vào cuối tháng 11 tại Hà Nội.

Cập nhật thêm thông tin từ trang sự kiện.