Màu sắc và Hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran

Với mong muốn giới thiệu nghệ thuật Iran đến công chúng Việt Nam và nhân dịp kỷ niệm 51 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Iran – Việt Nam, Đại sứ quán Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm giới thiệu Nghệ thuật Iran với chủ đề “Màu sắc và Hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran” tại Bảo tàng Hà Nội.

Thông tin từ ban tổ chức:

Khai mạc: 10:30, thứ Sáu, 23/08/2024

Triển lãm: 08:30 – 11:30 & 13:30 – 17:00, thứ Ba – Chủ nhật, 23/08 – 08/09/2024

Địa điểm: Bảo tàng Hà Nội, Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

__________

Với hàng nghìn năm lịch sử, nghệ thuật truyền thống Iran (Ba Tư) phản ánh tâm hồn của một nền văn minh cổ đại. Các loại hình nghệ thuật truyền thống này không chỉ thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc của các nghệ nhân Ba Tư mà còn kể những câu chuyện về di sản và sự phát triển của văn hóa Iran.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật truyền thống Iran là sự kết hợp vô cùng điêu luyện giữa các hoa văn, họa tiết và màu sắc với nhau. Điều này được thể hiện hoàn mỹ qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của quốc gia này.

Với mong muốn giới thiệu nghệ thuật Iran đến công chúng Việt Nam và nhân dịp kỷ niệm 51 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Iran – Việt Nam, Đại sứ quán Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm giới thiệu Nghệ thuật Iran với chủ đề “Màu sắc và Hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran” tại Bảo tàng Hà Nội.

Hy vọng rằng công chúng Việt Nam thông qua triển lãm này sẽ tích lũy thêm được các thông tin, kiến thức về di sản nghệ thuật của Iran, để từ đó mở ra cơ hội giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa nhân dân hai nước, góp phần thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia.

Triển lãm gồm 02 khu trưng bày:

Trưng bày ảnh:

– Họa tiết hoa sen tại Quần thể Cung điện Persepolis được xây dựng theo lệnh của Darius Đại Đế (518 – 465 TCN) và tiếp tục được hoàn thiện với Hoàng đế Xerxes I (550 – 486 TCN)

– Tranh và ảnh về tranh thư pháp

– Các Tác phẩm tranh tiểu họa của Họa sĩ bậc thầy tranh tiểu họa đương đại Iran, Mahmoud Farshchian

Khu trưng bày khoảng 100 tác phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện cho khoảng 10 loại hình nghệ thuật của Iran bao gồm:

– Chạm khắc đồng (Qalam-zani): Qalam-zani là một trong những kỹ thuật trang trí kim loại, trong đó họa tiết được tạo ra bằng cách sử dụng búa và nhiều loại đục khác nhau chạm lên bề mặt kim loại (được hỗ trợ bởi một lớp hắc ín dày).

– Pháp lam hay nghệ thuật tráng men (Minakari): Pháp lam là nghệ thuật trang trí trên những vật dụng cốt vàng, bạc hoặc đồng. Những đồ vật này được tráng men, vẽ hoa văn, họa tiết rồi được nung với nhiệt độ cao.

– Dệt thảm (Qali bafi): Từ xa xưa, thảm Iran (Ba Tư) luôn nổi tiếng với thiết kế đa dạng, tinh xảo. Các tấm thảm dệt tay của Iran được dệt bằng các loại sợi và thuốc nhuộm tự nhiên. Cấu trúc cơ bản của một tấm thảm dệt tay gồm ba phần. Sợi cotton được kéo căng trên một khung cửi thẳng đứng, tạo thành “sợi dọc” của tấm thảm. Sợi len sau đó được thắt nút vào sợi dọc để tạo thành lớp lông của tấm thảm. Cuối cùng, lớp lông được cố định tại chỗ bằng sợi cotton dệt theo chiều ngang qua sợi dọc để tạo thành “sợi ngang”. Các nút thắt trong thảm dệt tay Iran là nút bất đối xứng được gọi là “Senneh”. Ở loại nút thắt này, một nửa sợi được buộc chặt quanh sợi dọc trong khi nửa còn lại được để lỏng. Kiểu dệt này giúp tạo ra những tấm thảm có hoa văn chi tiết và phức tạp.

– Khảm Ba Tư (Khatam-kari): Đây là một hình thức khảm phức tạp, bao gồm việc khảm các mảnh gỗ, kim loại và xương một cách tinh xảo lên bên bề mặt vật thể cần trang trí. Hình thức nghệ thuật này được sử dụng để tạo ra các vật trang trí đẹp mắt như hộp, khung ảnh và đồ nội thất. Các họa tiết hình học và phương thức khảm cầu kỳ của Khatamkari giúp cho nghệ thuật này trở thành một bộ môn nghệ thuật Ba Tư đặc biệt và được đánh giá cao.

– Khảm đá ngọc lam trên đồng (Firouze-kubi): Nghệ thuật khảm ngọc lam, là một hình thức nghệ thuật độc đáo liên quan đến việc khảm các miếng đá ngọc lam đã được cắt nhỏ lên bề mặt kim loại cần trang trí. Sau đó, một lớp bột đã được nung nóng sẽ được phủ lên trên, đợi nó cứng lại rồi đem đi đánh bóng. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp của ngọc lam với nghệ thuật tạo hình kim loại sẽ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thực sự.

– In họa tiết trên vải (Qalam-kari): Đây là kỹ thuật in khối chi tiết trên vải, là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của Iran vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Các họa tiết phức tạp và màu nhuộm tự nhiên rực rỡ được sử dụng trong Qalam-kari, phản ánh một góc di sản văn hóa phong phú của Iran.

– Thêu đính đá (Sermeh-doozi): Đây là 01 trong những phong cách thêu cổ xưa của người Iran, có khoảng từ thế kỷ VI TCN và đạt đến đỉnh cao vào thời Safavid (khoảng thế kỷ XVII SCN). Trước đây người Iran thường sử dụng các sợi chỉ vàng bạc để tạo ra các họa tiết trên bề mặt vải Termeh (một loại vải dệt truyền thống, đắt đỏ của Iran). Ngày nay, các sợi chỉ vàng bạc này được thay thế bằng sợi kim loại.

– Dệt vải thủ công (Termeh-bafi): Đây là một nghệ thuật dệt xa xỉ nổi tiếng với các họa tiết phức tạp và màu sắc phong phú. Theo truyền thống, vải Termeh được dệt bằng lụa và len, để tạo ra những tấm khăn trải bàn thanh lịch, vỏ đệm và các vật dụng trang trí khác. Mỗi tác phẩm dệt Termeh phản ánh kỹ năng và sự sáng tạo của những người thợ dệt Ba Tư.

– Vẽ trang trí trên đồng (Mes-o-pardaz): Người thợ thủ công sẽ sơn và vẽ các họa tiết, thường là các họa tiết hoa, chim trực tiếp lên trên đồ vật bằng đồng. Sau khi hoàn thiện, họ sẽ đánh bóng và phủ nhiều lớp polyester lên bề mặt đồ giúp các hình vẽ này đạt được vẻ đẹp hoàn hảo và lưu giữ lâu hơn.

Ngoài ra khách thăm quan còn được trải nghiệm hoạt động viết chữ thư pháp Ba Tư tại Bảo tàng.

(Nguồn Hanoi grapvive)