Midnight Talks Số 24: Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên - Từ Đâu Mà Có?

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 21 - 23h, thứ 7 ngày 29/01/2022

Trong “Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo Người Việt”, Léopold Cadière cho rằng con người sống được nhờ có hồn và vía… Vì thế, mỗi gia đình, họ tộc đều thờ các hồn ấy. Paul Giran trong “Phù thuật và tín ngưỡng An Nam” nhận xét: kể cả các nhà nghèo nhất, luôn có một không gian thờ cúng tổ tiên. Đặng Nghiêm Vạn gọi tín ngưỡng này là “đạo thờ tổ tiên” như một tôn giáo quốc gia nội sinh của người Việt. Vậy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì?

Trong Nhân học tôn giáo, thờ cúng tổ tiên liên quan chặt chẽ đến các quan niệm về linh hồn, hồn ma và cái chết, biểu hiện qua tang ma và mai táng. Đây là 1 trong 10 loại tín ngưỡng phổ biến nhất ở Việt Nam bao gồm: 1. Kiêng kỵ; 2. Thần thoại; 3. Lễ, hội; 4. Trấn yểm, hiến sinh; 5. Tín ngưỡng vật linh; 6. Ma thuật, phù thủy; 7. Bùa, chú; 8. Nghi lễ vòng đời người; 9. Tín ngưỡng bái vật; 10. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Trong Midnight Talks số 24, chúng ta sẽ đặt tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt dưới góc nhìn đối sánh qua không gian và thời gian với các nền văn hóa khác để làm rõ những tương đồng và dị biệt cùng những sự pha trộn và nhầm lẫn đối với tín ngưỡng này trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, trả lời các câu hỏi: Vì sao có tục thờ cúng tổ tiên? Tín ngưỡng này có từ bao giờ? Thờ cúng tổ tiên thuần Việt hay du nhập? Những đặc trưng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt? Các vấn đề bất cập hiện nay là gì?

-------------------

Diễn giả tham dự chương trình:

Diễn giả - PGS. TS. Đinh Hồng Hải

Tác giả bộ sách Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Tập 1: Các bộ trang trí điển hình; Tập 2: Các vị thần;

Tập 3: Các con vật linh; Tập 4: Các vị tổ).

Một số công bố gần đây:

Thiên đường và địa ngục: Ghi chép trong đại dịch Coronavirus, 2020; Đồng tác giả sách Animism in the arts of Southeast Asia, SPAFA-publication, 2020 và Vietnam at the Vanguard, Springer, 2021.

Hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học văn hóa; Giảng dạy Nhân học tôn giáo, Văn hóa và biểu tượng, Nghệ thuật và nhân văn, Nhân học nghệ thuật, Nghiên cứu hành vi & xã hội tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Host - PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thơ.

Tác giả của các sách Nghi lễ và biểu tượng trong nghi lễ (2021), Người Hoa người Minh Hương với văn hóa Hội An (2019), Tín ngưỡng Thiên Hậu vùng Tây Nam Bộ (2017), Hình tượng Rồng trong văn hóa phương Đông (2016), đồng chủ biên cuốn Confucianism in Vietnam, số đặc biệt Tạp chí Asian Studies (2020) và nhiều công trình, bài viết khác.

Hiện là Trưởng Khoa Khoa Văn hóa học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM; giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực Nghiên cứu Nghi lễ, Ký hiệu học (Biểu tượng học), Nho giáo Việt Nam và Đông Á, văn hóa dân gian vùng Nam Bộ, văn hóa Việt Nam trong phối cảnh Đông Á.

Quý khán giả quan tâm, xin kính mời đặt câu hỏi cho diễn giả tại: ĐÂY

Chương trình được phát trực tiếp trên kênh Facebook Fanpage và Youtube Channel của Midnight Talks.

____________________

Midnight Talks là chuỗi hoạt động được diễn ra tối thứ 7 hàng tuần, với mong muốn tạo ra không gian để cùng bàn luận, chia sẻ về những câu chuyện lịch sử, chính trị xã hội, những vấn đề "cực nóng" đã và đang diễn ra trong và ngoài nước. Chuỗi sự kiện do anh Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty CP Sách Alpha, Chủ tịch Công ty Omega+ và là Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG khởi xướng.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện