Ngày Của Mẹ ở các quốc gia trên thế giới khác nhau như nào?

Ngày hiền Mẫu hay Ngày của Mẹ (Tiếng Anh: Mother's Day) là một ngày thiêng liêng để những đứa con thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với người mẹ của mình. Trên thế giới có hơn 40 quốc gia có tổ chức kỉ niệm Ngày của mẹ, tiêu biểu là ở Anh, Mỹ, Nhật bản, Australia, Pháp, Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ý, ... Tuy nhiên, mỗi quốc gia với truyền thống lịch sử và phong tục tập quán riêng biệt lại kỉ niệm Ngày của mẹ theo nhiều cách rất khác nhau và vào những ngày cũng rất khác nhau. Chúng ta hãy cùng Ticketgo tìm hiểu những điểm khác nhau đặc biệt này nhé.

Ngày của mẹ ở Anh

Có tài liệu cho rằng Ngày của Mẹ có nguồn gốc ở Anh Quốc, xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII và được gọi là Mothering Sunday. Lễ được tổ chức vào Chủ Nhật thứ tư trong mùa Chay (trước lễ Phục Sinh 40 ngày) để tri ân các bà mẹ. Vào Ngày của mẹ, mọi người thường tới nhà thờ làm lễ, sau đó mới trở về nhà của mình. Các thành viên trong gia đình dù ở xa cũng sẽ cố gắng họp mặt đông đủ  trong ngôi nhà của cha mẹ. Họ thường tổ chức một buổi tiệc có thiệp mừng, bánh gato, hoa quả, rượu và tặng quà cho những người mẹ. Các em nhỏ sẽ mang bánh Simnel (bánh hạnh nhân trái cây) để tặng cho mẹ của mình.

Nhưng không hiểu sao tới thế kỷ XIX thì phong tục này gần như đã bị quên lãng và phải đến sau thế chiến thứ II thì nó mới dần được khôi phục lại.

Ngày của mẹ ở Mỹ

Ngày hiền Mẫu hay Ngày của Mẹ (Mother's Day) ở Mỹ được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis (1864-1948) là tại thành phố Grafton, tiểu bang Tây Virginia, Hoa Kỳ vào năm 1908, để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình. Năm đó, Anna Marie Jarvis đã mang 500 đóa hoa Cẩm chướng đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Andrew, nơi mà mẹ cô từng dạy học khi xưa với mong muốn tri ân mẹ của mình và những bà mẹ có con hi sinh trong cuộc Nội chiến.

Năm 1910, Thống đốc bang West Virginia, William E. Glasscock là người đầu tiên công bố ngày của mẹ. Cô Anna Marie tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi.

Và sau 6 năm bền bỉ đấu tranh, năm 1914, bản nghị quyết do Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua và được Tổng thống Woodrow Wilson ký đã chính thức thành lập Ngày Hiền Mẫu vào ngày chủ nhật thứ hai trong tháng 5. Từ đó, lễ vinh danh người hiền mẫu đã lan rộng và đã được thông qua bởi các quốc gia khác và hiện nay được tổ chức trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, Ngày của Mẹ vẫn là một trong những ngày có doanh số lớn nhất về bán hoa, thiệp chúc mừng, và cho các cuộc gọi điện thoại đường dài, và cũng là ngày có nhiều người đi nhà thờ nhất sau lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Một số tín hữu đi lễ vẫn kỷ niệm ngày này với hoa cẩm chướng, màu đỏ nếu người mẹ họ đang còn sống và màu trắng nếu mẹ của họ đã qua đời.

Chính sự thương mại hóa và sự lạm dụng ngày lễ cho những mục đích thương mại trong Ngày của Mẹ mà Anna Jarvis đã phải lên tiếng chỉ trích vì ý tưởng của bà là tạo một ngày để vinh danh người mẹ riêng của mỗi người chứ không phải là cơ hội khai thác lợi nhuận. Thay vì dành thời gian để viết một bức thư tay thì mọi người lại mua quà và thiệp chúc mừng được làm sẵn, điều đó khiến bà rất buồn.

Ngày của mẹ ở Nhật Bản

Nhật Bản cũng tổ chức Ngày của Mẹ vào Ngày chủ nhật tuần thứ 2 của tháng năm. Ngày của mẹ ở Nhật Bản được gọi là "haha no hi". Vào ngày này, trẻ con sẽ tặng mẹ những bông hoa cẩm chướng như một cách nói lời cảm ơn tới người đã nuôi dưỡng chúng bằng tình yêu nồng ấm.

Những sự kiện đặc biệt thường được tổ chức tại các cửa hàng bách hóa và khu phố mua sắm, tại một số trường tiểu học, trẻ con sẽ tự tay làm quà tặng mẹ hoặc vẽ chân dung mẹ mình trên lớp và tập hợp những bức ảnh đó thành một cuộc triển lãm nhỏ nói với chủ đề tình cảm mẹ con và sự hi sinh thầm lặng của các bà mẹ.


“Haha no hi” có thể được tổ chức tại nhà hàng hoặc tại nhà. Lựa chọn “tổ chức tại nhà” vẫn rất được ưa chuộng vì vào ngày này, mọi người trong nhà sẽ cùng giúp mẹ hoàn thành bữa cơm, và sẽ lại được thưởng thức hương vị những món ăn của mẹ vào ngày đặc biệt này. Đồ ăn mẹ nấu bao giờ cũng là tuyệt nhất, chẳng phải vậy sao? Ở Nhật Bản, người ta gọi đó là ofukuro-no-aji, nghĩa là Hương vị của mẹ đó, thật đáng yêu nhỉ.

Trong tiếng Nhật có một câu nói liên quan đến Haha no hi, mà đảm bảo các bạn sẽ phải rất vất vả mới có thể đọc được câu nói này. Đó là câu “haha no hi ni hana no haha no hana ni hana wo katteagemashita”, có nghĩa là “tôi mua hoa cho mũi của mẹ Hana vào Ngày của mẹ”.

Ngày của mẹ ở Ấn Độ

Cũng giống như ở phương Tây, Ấn Độ coi Ngày của mẹ là dịp để họ suy nghĩ về tầm quan trọng của các bà mẹ trong cuộc sống của họ. Người Ấn Độ gọi ngày của mẹ là Durga Puja, trong đó "Durga" là tên của một nữ thần bảo vệ cho người dân Ấn Độ khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống. Họ tổ chức Ngày của mẹ như một lễ hội lớn vào tháng Mười, trong vòng mười ngày. Đồng thời, với những người mẹ thật sự trong cuộc sống, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày cũng sẽ được người con vào bếp trổ tài nấu ăn và tặng quà cho mẹ.

Ngày của mẹ ở Tây Ban Nha

Ngày của Mẹ được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng năm ở Tây Ban Nha. Người lớn thường tặng mẹ socola, thiệp chúc mừng hay một số món quà ý nghĩa khác. Còn trẻ em thì tự tay làm tặng mẹ những tấm thiệp hoặc làm món quà đơn giản.

Ngày của mẹ ở New Zealand

Ở New Zealand, ngày của mẹ được tổ chức vào ngày chủ Nhật thứ hai trong tháng Năm. Những đứa con sẽ nói lời cảm ơn về công lao của mẹ đã yêu thương và chăm sóc mình trưởng thành. Mọi người trong gia đình thường đi dã ngoại trong Ngày của mẹ và sau đó kết thúc bằng bữa ăn tối tại nhà. Trong bữa tối đó, họ còn mời cả những người bạn thân thiết của mẹ mình đến chung vui.

Ngày của mẹ Mexico

Người Mexico tổ chức Ngày của mẹ vào ngày 10 tháng 5 hàng năm. Đây được coi là một sự kiện lớn của cả nước, có sự trài trợ của trường học, nhà thờ và các chính quyền địa phương. Tờ Washington Post đã trích lời của ông Manuel Gutierrez - Chủ tịch Hiệp hội các nhà hàng Mexico: Ngày của Mẹ thường là ngày bận rộn nhất trong năm của các nhà hàng. Ngày này nhất định phải có hoa, âm nhạc và thức ăn ngon.

Vào ngày này, các bà mẹ sẽ được tặng bài hát “Las Mananitas”, đây là bài hát thuộc một loại hình âm nhạc dân gian truyền thống của Mexico, thường được các ca sỹ mariachi biểu diễn. Những đứa con đã trường thành sẽ đến thăm nhà của mẹ mình vào đêm ngày mùng 9 để tặng mẹ những món quà do tự tay mình làm ra. Ngoài ra họ cũng tặng mẹ hoa và thiệp mừng.

Ngày của mẹ ở Pháp

Ở Pháp, “Ngày của Mẹ” là ngày để toàn thể người dân nhắc tới thiên chức sinh con của người mẹ vì các bà mẹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “vực dậy” dân số Pháp sau Thế chiến thứ II (Pháp là một trong những nước chịu sự giảm dân số mạnh). “Ngày của Mẹ” đầu tiên của Pháp được kỷ niệm tại Lyon, và ở đó những bà mẹ đông con được trao huân chương.

Ngày của Mẹ ở Pháp được tổ chức vào chủ nhật cuối cùng của tháng Năm (Nếu ngày này bị trùng với lễ Hạ trần, Ngày của Mẹ sẽ được dời sang chủ nhật đầu tiên của tháng Sáu). Trong ngày này, cả gia đình cùng quây quần trong bữa tối, và một chiếc bánh kem đặc biệt hình bó hoa sẽ được làm để dành tặng cho người mẹ.

Ngày của mẹ ở Đức

Ngày Của Mẹ bắt đầu từ năm 1922, và cũng được tổ chức vào chủ nhật thứ hai của tháng 5. Vào ngày này, các bà mẹ sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn, công việc trong nhà sẽ do con cái của họ đảm nhiệm. Cả nhà cùng nhau đi chơi, sau đó trở về nhà và quây quần bên bữa cơm thật ngon. Vào cuối ngày, con cái sẽ tặng những món quà ý nghĩa cho mẹ.

Ngày của mẹ ở Argentine

Ngày Của Mẹ ở nước này lại rơi vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 10. Cũng giống như Đức, vào ngày này, các bà mẹ ở Achentina sẽ được tặng hoa, nghỉ làm việc và vui vẻ bên cùng gia đình. 

Ngày của mẹ ở Nam Tư

Ở Nam Tư, ngày của mẹ được tổ chức vào tháng mười hai cuối năm. Trẻ em sẽ lẻn vào phòng ngủ của cha mẹ và lấy dây trói mẹ mình lại. Khi tỉnh dậy, người mẹ sẽ phải hứa tặng cho bọn trẻ những món quà để mình được cởi trói và chăm sóc chúng chu đáo hơn.

Ngày của mẹ ở Iran

Ban đầu, “Ngày của Mẹ” được kỷ niệm vào ngày 16 tháng 12 hàng năm. Sau khi cách mạng Iran nổ ra vào năm 1979, chính quyền Hồi giáo đã đổi lại thành ngày 20 tháng 6 của lịch Hồi giáo, sử dụng ngày lễ này như là một công cụ để giảm thiểu các phong trào đòi nữ quyền và đề cao mô hình gia đình truyền thống.

“Ngày của Mẹ” ở Iran, theo truyền thuyết, là ngày mà Fatimah, con gái duy nhất của nhà tiên tri Mohamed chào đời, theo tôn giáo dòng Shia. Trong ngày này, những bà mẹ làm tròn trách nhiệm của mình trong gia đình sẽ được tôn vinh, đặc biệt là những bà mẹ sinh ra những đứa con mạnh khỏe.

Ngày của mẹ ở Nam Phi

Ngày của mẹ cũng được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm. Người Nam phi rất tôn trọng các bà mẹ, bởi vậy họ không ngại ngần nói những lời cảm ơn trực tiếp với mẹ của mình về tình yêu con và sự chăm sóc chu đáo. Hoa và thiếp là món quà ý nghĩa nhất trong ngày của mẹ.

Ngày của mẹ ở Canada

Ở Canada, Ngày của mẹ trở thành một ngày lễ quan trọng chỉ sau giáng sinh và ngày Valentine và được tổ chức trong ngày chủ nhật thứ hai trong tháng Năm. Trong ngày này, giá cả của những bông hoa và thiệp mừng rất đắt. Những người kinh doanh mặt hàng này đã kiếm được một món tiền lớn. Ngày của mẹ cũng được tôn vinh và quảng cáo rất rầm rộ trên các phương tiện truyền thông.

Ngày của mẹ ở Úc

Tại Australia, ngày quan trọng này bắt đầu được kỷ niệm vào năm 1924, khi Janet Heyden, một phụ nữ sống ở Sydney đã khuấy động phong trào bằng cách tổ chức cho các em học sinh đến tặng quà những mẹ già cô đơn ở một trại dưỡng lão.

Hoa cẩm chướng là loài hoa biểu trưng cho ngày của mẹ ở Úc. Bông hoa cẩm chướng vàng dùng để tặng người mẹ đang còn sống. Còn hoa cẩm chướng trắng được dành tặng một người mẹ đã quá cố. Tại các trường học, từ bậc tiểu học trở xuống, mọi học sinh đều được hướng dẫn làm quà tặng mẹ. Vào ngày này, trẻ em thường dậy sớm làm tặng mẹ đồ ăn sáng và mang đến bên giường ngủ để mẹ thức dậy và thưởng thức.

Ngày của mẹ ở Thái Lan

Ngày của Mẹ ở Thái Lan được quyết định chọn vào ngày kỷ niệm sinh nhật của Hoàng hậu Sirikit, đó là ngày 12 tháng 8 hằng năm và chính thức trên toàn Thái Lan.
Ở Thái hoa được tượng trưng cho Ngày của Mẹ là hoa nhài hoặc hoa lài. Vì chúng tượng trưng cho tình yêu thuần khiết và sâu đắm của người mẹ chan chứa trong lòng mẫu tử bao dung, hiền hòa.

Ngày của mẹ đã trở thành Quốc lễ của người dân Thái Lan, đây là dịp để những đứa con cảm tạ tấm lòng và đức hy sinh của mẹ. Những đứa con dù ở xa cũng trở về chăm sóc mẹ, tặng hoa (hoa nhài), quà và quỳ lạy đấng sinh thành của mình như một cách tỏ long biết ơn.

Ngày của mẹ Philipines


Ở Philipines, người mẹ được tôn vinh và gọi là “ánh sáng của gia đình”, điều khiển mọi hoạt động trong gia đình. Trong ngày này, các bà mẹ được thư giãn, đưa đi xem phim, đưa đi chơi hoặc đi siêu thị, hay được dành thời gian riêng cho mình, trong khi những đứa con và các ông bố sẽ phải làm việc nhà thay mẹ.

Ngày của mẹ ở Việt Nam

Trước đây, thường chỉ có ở miền Nam mới tổ chức ngày Lễ Vu Lan (lễ báo hiếu) để tỏ lòng biết ơn tới cha mẹ, nhưng những năm gần đây do sự lan rộng của Internet và các phương tiện thông tin đại chúng, ngày lễ đã được phổ biến cả nước và được mọi người hưởng ứng. Vào ngày lễ Vu lan, những ai còn mẹ sẽ cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ, những ai không còn mẹ sẽ cài lên ngực trái bông hồng màu trắng, tất cả đều tỏ lòng biết ơn đến mẹ của mình. Ngoài ra, trong ngày này những đứa con cũng dành mẹ món quà ý nghĩa, từ vật chất đến tinh thần.

Ngoài Lễ Vu lan, ở Việt Nam những người con còn tặng quà cho mẹ trong ngày Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) và ngày Quốc tế Phụ nữ (8 tháng 3).