Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức ghi dấu ấn với triển lãm “Phù Thế” - Nốt son của mỹ thuật Việt Nam năm 2022

Tại triển lãm “Phù Thế” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức – một trong những triển lãm nổi bật và đáng chú ý nhất năm 2022, nhiều ý kiến trong giới nghệ thuật đã nhận định rằng nền mỹ thuật Việt Nam đương đại đã được đánh dấu thêm một bước tiến mới. Người yêu nghệ thuật không chỉ có cơ hội được tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật đầy công phu và nội lực của nghệ sĩ Đức Nhà Sàn, mà còn có được những trải nghiệm thú vị với loạt hoạt động bên lề đặc trưng của Nhà Sàn Studio và diễn ra trong suốt 1 tháng của triển lãm như: Art talk cùng nghệ sĩ, hát Chèo cổ, hát Quan họ, hát Chầu văn, hát Ca trù, hát Tuồng… Chính vì những lý do, người ta từng ví xem triển lãm “Phù Thế” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức giống như một cách xem lại thước phim ghi lại toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa cổ và một thời kỳ hưng thịnh rực rỡ của cả một nền văn hóa dân tộc.

Cùng ticketgo.vn nhìn lại chuỗi các hoạt động bên lề đã diễn ra trong suốt triển lãm “Phù Thế” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức.

 

Nghệ sĩ Đức Nhà Sàn với niềm yêu thích sưu tầm đồ cổ và phục dựng văn hóa cổ

(Ảnh: Nhà Sàn Collective)

Với những thành viên của Nhà Sàn Collective, họ đã có cống hiến và đóng góp cho sự lớn mạnh của nghệ thuật Việt Nam hơn 10 năm nay. Những hoạt động của Nhà Sàn Collective mà trong đó không thể không nhắc đến sự cống hiến to lớn của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã sớm đem mỹ thuật Việt Nam vươn xa ra ngoài biên giới lãnh thổ của nghệ thuật nước nhà, đại diện cho tiếng nói của những khát vọng mà mỹ thuật Việt Nam muốn truyền tải và hướng tới. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam sớm trưởng thành và được dung dưỡng từ đây, đa số các nghệ sĩ đều nổi danh từ Nhà Sàn Collective và được nhiều nhà sưu tập cũng như các bảo tàng mỹ thuật ở nước ngoài biết đến và đánh giá rất cao.

Chuỗi trình diễn nghệ thuật truyền thống nằm trong khuôn khổ triển lãm “Phù Thế”

Với những hoạt động nghệ thuật diễn ra trong suốt chiều dài của triển lãm “Phù Thế”, đây được xem là cách mà nghệ sĩ gửi lời tri ân đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã đồng hành với ông trong suốt quãng đời làm nghệ thuật. Tuy những hoạt động trình diễn nghệ thuật trong triển lãm lần này mang tính chất không quá xa lạ với đời sống văn hóa của người Việt nhưng để đem nó vào một không gian hội họa thì ít ai dám làm như nghệ sĩ Mạnh Đức. Quan trọng hơn nữa, triển lãm như một cách kể chuyện về văn hóa cổ của Việt Nam với những người trẻ, giúp họ có dịp được nhìn lại một giai đoạn phục dựng văn hóa cổ của nghệ sĩ Đức bằng những tiết mục nghệ thuật mang tính cổ truyền. Để tránh sự hôn trầm và buồn chán mà đa số các triển lãm gặp phải, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã dàn dựng sân khấu triển lãm với những yếu tố mang đậm tính điện ảnh, đó có thể những ấn tượng của khán giả đến từ hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và bối cảnh.

 

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cùng với nghệ sĩ hàng đầu nước Đức Veronika Radulovic

(Ảnh: Họa sĩ cung cấp)

Con đường tranh của họa sĩ Đức Nhà Sàn (Ảnh: Họa sĩ cung cấp)

Những tác phẩm làm nên nốt son cho Mỹ thuật Đương đại Việt Nam 2022

(Ảnh: Họa sĩ cung cấp)

Hát Quan họ ngày 27/11/2022

Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30-9-2009, tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. 

Các "liền anh, liền chị" trong buổi diễn hát Dân ca quan họ Bắc Ninh

(Ảnh: Họa sĩ cung cấp)


Dân ca Quan họ Bắc Ninh là hình thức hát đối đáp (liền anh - liền chị), tồn tại ở 49 làng ở Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Quan họ có các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải và hát canh. Dân ca Quan họ có 213 giọng (làn điệu) khác nhau với hơn 400 bài ca, chủ yếu là phổ lời ca dao và thơ. Giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện ở tinh thần nhân văn sâu sắc và qua từng bài ca, lời ca và cách thức thể hiện. Thấu hiểu tinh thần và giá trị cốt lõi của hình thức ca hát này, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã thể hiện thấu triệt toàn bộ tinh hoa của nét đẹp văn hóa này trong triển lãm "Phù Thế".

Những vị khách nước ngoài rất hứng thú với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật bên lề trong triển lãm (Ảnh: Họa sĩ cung cấp)

Hát Chèo cổ ngày 4/12/2022

Với tâm thế là một trong những nghệ sĩ tiên phong hàng đầu thực hành các hoạt động nghệ thuật đương đại Việt Nam, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức chủ trương lưu giữ hồn cốt dân tộc trong những tiết mục cổ truyền, mở đầu chuỗi hoạt động của “Phù Thế” là hát Chèo cổ đậm chất tinh hoa văn hóa Bắc Bộ.

Nghệ sĩ Đức Nhà Sàn giúp khán giả giao lưu với nghệ sĩ hát Chèo cổ

(Ảnh: Họa sĩ cung cấp)

Chèo cổ là hình thức biểu diễn nghệ thuật mang chở tinh túy của văn hóa cổ truyền xứ Kinh Bắc (Ảnh: Họa sĩ cung cấp)

 

  

Đêm hát giao duyên Chèo cổ

Hát Chầu văn ngày 11/12/2022

Chầu văn là nét đẹp văn hóa ăn sâu trong tín ngưỡng của người dân Việt. Với những thanh đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu thì chầu văn chính là hình thức biểu diễn nghệ thuật để kết nối với thế giới tâm linh của họ. Đạo mẫu Tứ phủ của Việt Nam quan niệm thế giới chia làm bốn miền, Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ và Thoải phủ.

Đêm biểu diễn Chầu văn của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã đem đến cho công chúng cơ hội được tìm về một trong những hình thức biểu diễn nghệ thuật độc đáo trong tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu của người Việt. 

Ngày 01-12-2016, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Quan niệm thế giới tự nhiên được chia thành các phủ: trời, rừng, nước và đất dưới sự cai quản của các nữ thần, người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu thờ cúng các nữ thần cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thờ. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, làm ăn, buôn bán, những niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày. 

Các nghệ sĩ hát chầu văn với đặc trưng "tam phủ, tứ phủ" trong tín ngưỡng thờ Mẫu

 

Art talk “Phù Thế” ngày 8/12/2022 – Giao lưu và trò chuyện cùng nghệ sĩ

Hoạt động bên lề thuộc dự án triển lãm “Phù Thế”, khi nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức có dịp giao lưu, trò chuyện, chia sẻ với khán giả, bạn bè và đồng nghiệp những chặng đường ông từng đi qua, những thăng trầm, dấu ấn, vết son trong sự nghiệp làm nghệ thuật và sáng tạo hội họa của ông.

Ở Art Talk lần này, nhiều người đã có cơ hội hiểu hơn về quá trình hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Đức Nhà Sàn

Tại art talk, nghệ sĩ Đức cũng có dịp chia sẻ với công chúng quá trình sáng tác tác phẩm, những tác phẩm độc bản, là sự kết hợp tài tình giữa hội họa truyền thống và digital art với sự cân bằng bắt đầu từ con số 0 và cũng kết thúc bằng con số 0. Những tác phẩm nói lên cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ, là những tác phẩm tranh tổng hợp của cả thể loại tranh sơn mài truyền thống, điêu khắc, titan hay gốm sứ được phủ lên bằng những chất liệu bền vững có khả năng chống chọi với sự thử thách khắc nghiệt của thời gian.

Nghệ sĩ Đức Nhà Sàn đang chia sẻ những quan niệm về cổng số 0 trong Vũ trụ nghệ thuật "Phù Thế" của ông

Hát Ca trù ngày 18/12/2022

Ca trù được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 01-10-2009, tại Kỳ hợp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. 

Đoàn Ca trù Thái Hà trong đêm biểu diễn của nghệ sĩ Đức

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức trên tinh thần tôn trọng và kính ngưỡng các giá trị văn hóa quý báu còn sót lại này của dân tộc ta, cũng đã đưa biểu diễn ca trù vào chuỗi hoạt động của triển lãm "Phù Thế" lần này với ý nghĩa rất lớn. Ca trù được xem là nghệ thuật hát thơ hình thành từ thế kỷ 15. Nhóm trình diễn ca trù thường gồm một đào nương vừa hát vừa gõ phách, một kép đàn chơi đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu. Trong một số diễn xướng ca trù còn xuất hiện một vài điệu múa đan xen. Theo các nghệ nhân, ca trù có 56 điệu hát, mỗi điệu gọi là một thể cách. Ngày nay ca trù đang có nguy cơ mai một hoặc bị biến mất. Chính vì thế, đêm diễn ca trù đã trở thành tâm điểm chú ý rất lớn trong triển lãm "Phù Thế" lần này của nghệ sĩ Đức Nhà Sàn.

Tác phẩm "Ca trù" được họa sĩ Đoàn Ngọc Vững sáng tác dựa trên cảm hứng của buổi biểu diễn đêm 18/12, với chất liệu sơn mài tổng hợp trên ván gỗ

Trích đoạn "Tì bà hành" được biểu diễn trong phần cuối cùng của canh hát

Hát Tuồng ngày 25/12/2022

Tuồng là hình thức biểu diễn mang tính cổ xưa, nguyên thủy nhất của văn hóa Việt Nam bên cạnh múa rối nước, dân ca quan họ Bắc Ninh, chèo cổ, ca trù...

Nghệ sĩ Mạnh Đức giới thiệu nghệ sĩ Nguyễn Văn Thủy - Hóa trang nhân vật Tạ Ôn Đình trong đêm diễn Tuồng 25/12

 

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thủy cho khán giả xem màn hóa trang của nhân vật Tạ Đình Ôn do ông thể hiện 

Khán giả cũng có dịp được xem nghệ sĩ tuồng hóa trang trực tiếp tại đêm diễn 

Với người Việt từ thời xa xưa, tuồng vốn là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp có các yếu tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa… tham gia. Để phân biệt, với các loại kịch nói, kịch múa, opera… nghệ thuật biểu diễn được xếp vào loại kịch hát dân tộc. Theo nhiều học giả, tuồng xuất phát từ ca vũ dân tộc Việt Nam, song trong quá trình phát triển, tuồng đã tiếp nhận nhiều hình thức mang tính biểu diễn và hóa trang của Hí Kịch. Vì thế, tuồng của Việt Nam thường được xem là có một số nét giống với nghệ thuật hát Hí Kịch của Trung Quốc.

Với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, gìn giữ tinh hoa vốn cổ của ông cha ta, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống đã gắn liền với dân tộc qua bao thế kỉ, biểu diễn hát tuồng được tổ chức ở triển lãm “Phù Thế” của nghệ sĩ Mạnh Đức đã khẳng định thêm sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống sẽ sống mãi trong lòng người yêu nghệ thuật Việt Nam, để bộ môn nghệ thuật này luôn được xem là “quốc hồn”, “quốc túy” của người Việt.


Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thủy chụp ảnh lưu niệm cùng với các họa sĩ nổi tiếng đương đại Việt Nam

Theo nhiều học giả, tuồng xuất phát từ ca vũ dân tộc Việt Nam, song trong quá trình phát triển, tuồng đã tiếp nhận nhiều trình thức biểu diễn và hóa trang của Hí Kịch Trung Quốc. Tuồng – Một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm. 

Cùng chung số phận với cải lương, ca trù, chèo cổ..., tuồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhất là với giới trẻ. Là người nghệ sĩ lưu giữ và am hiểu về văn hóa cổ hàng đầu Việt Nam, ý thức sâu sắc được vấn đề đó, nghệ sĩ Mạnh Đức đã đưa toàn bộ những tiết mục đặc sắc nhất trong kho tàng lịch sử văn hóa của người Việt vào triển lãm của mình, với hy vọng phục dựng và đem đến cho công chúng cơ hội thưởng thức lại một thời kỳ văn hóa lịch sử rực rỡ của cha ông ta, phá tan đi sự hôn trầm và buồn chán trong đời sống văn hóa của người Việt.

Triển lãm "Phù Thế" đã khép lại, với những dư âm còn sót lại trong lòng người yêu nghệ thuật, triển lãm như một khúc vĩ thanh khép lại một năm 2022 đánh dấu sự phát triển rực rỡ của Mỹ thuật Việt Nam trong một năm vừa qua. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức mong muốn trong năm tiếp theo 2023, nghệ sĩ sẽ có cơ hội làm thêm một triển lãm nữa. Triển lãm tiếp theo tới này, ông định hướng đưa phần lớn yếu tố mang tính tôn giáo và tâm linh vào triển lãm cá nhân của mình. Chúng ta hãy cùng chờ đón xem một cái Tôi "Đức Nhà Sàn" hứa hẹn sẽ biến hóa và bùng nổ như thế nào trong những dự án nghệ thuật sắp tới của ông./.