Nhật Bản Đương Đại - GAMBARI - Lòng kiên nhẫn và Tinh thần quyết tâm của người Nhật

Sau Cuộc Cải cách Minh Trị năm 1868, Nhật Bản nhanh chóng bắt tay vào hiện đại hóa và sau Thế chiến II, người Nhật đã tái thiết đất nước hoang tàn của họ thành một cường quốc kinh tế.

Thậm chí ngày nay, người Nhật vẫn thường được coi là siêng năng, đôi khi đến mức “nghiện việc”, đặc tính minh họa điển hình nhất cho “Gambari”, danh từ của động từ “Gambaru”.

BỐI CẢNH CỦA GAMBARI

Gambaru là một từ thường được sử dụng ở Nhật Bản, với ý nghĩa là làm tốt nhất có thể và kiên trì theo đuổi. Ví dụ, sinh viên gambaru (học chăm chỉ) để vượt qua kỳ thi tuyển sinh. Vận động viên cũng gambaru (luyện tập chăm chỉ) để giành chiến thắng trong cuộc thi hoặc giành huy chương. Nhân viên gambaru (làm việc chăm chỉ) để nâng cao doanh số bán hàng của công ty. Ngoài ra, khi một người quyết tâm bắt đầu một điều gì đó, họ có xu hướng nghĩ "gambaru" (phải chăm chỉ) trong giai đoạn đầu của dự án. Khi một cô gái đến từ một thị trấn nhỏ, để tìm kiếm một công việc mới trong thành phố, cô hứa với bạn bè, cha mẹ và giáo viên rằng cô sẽ gambaru, ngụ ý là cô sẽ không làm họ thất vọng.

Nhật Bản Đương Đại GAMBARI – Lòng kiên nhẫn và Tinh thần quyết tâm của người Nhật

Từ này cũng được bạn bè sử dụng như lời chào, thường ở dạng (bắt buộc là) gambare hoặc gambatte. Nghĩa trong tình huống này thường khá mơ hồ. Người Nhật sử dụng cách diễn đạt này ít nhất một lần một ngày khi nói lời tạm biệt và viết lời cuối thư. Bằng cách này, họ khuyến khích lẫn nhau với ý nghĩa “Hãy tiếp tục công việc khó khăn của bạn cho đến khi đạt được mục tiêu.” Thuật ngữ bao hàm ý phấn đấu đạt thành tích, động lực và định hướng tới sự hòa hợp trong nhóm (Wagatsuma, 1983, tr. 5). Từ này cũng được sử dụng bởi các thành viên nhóm để khuyến khích lẫn nhau trong các hoạt động chung. Ví dụ, trong các ngày hội thao ở trường, ta có thể thấy trẻ em nói to “gambare” hoặc “gambatte” để cổ vũ bạn bè chạy thi.

Vào năm 1998, khi đội bóng đá Nhật Bản tham gia kỳ World Cup tổ chức tại Pháp, khán giả Nhật Bản cổ vũ đội bóng của họ với khẩu hiệu “Gambare, Nippon!” (Cố lên, Nhật Bản!). Trong suốt giải đấu, khẩu hiệu này đã được sử dụng hàng ngày trên các quảng cáo và chương trình truyền hình. Ngoài ra, cách đây vài năm, sau trận động đất lớn ở Kobe, khẩu hiệu “Gambarõ Kobe” (gambarõ là thể ý chí của gambaru) đã khuyến khích người dân Kobe xây dựng lại thành phố và cuộc sống của họ. Hầu hết người Nhật sử dụng từ này thường xuyên, trên báo, khắp mọi nơi. Gambari có rất nhiều dạng ngữ pháp khác nhau tùy thuộc tình huống và có nhiều nghĩa, từ nghĩa bề mặt đến nghĩa sâu sắc hơn.

NGUYÊN NHÂN SÂU XA CỦA GAMBARI

Ba lý do có thể được cho là nguồn gốc của gambari - đó là: trồng lúa, điều kiện địa lý và cơ hội bình đẳng được nâng cao vị thế xã hội tại Nhật.

Theo Amanuma (1987, trang 140), trồng lúa đã để lại dấu ấn vĩnh viễn trong tính cách người Nhật. Đó là hình thức nông nghiệp truyền thống và chuyên sâu nhất ở Nhật Bản, kể từ khi được du nhập từ Trung Quốc trong thời kỳ Jõmon. Hình thức canh tác này cần thời gian lao động tập trung cao độ trong một số mùa nhất định, đặc biệt là trong giai đoạn trồng lúa và thu hoạch. Những phong tục nông nghiệp cổ xưa như vậy, làm việc trong thời gian ngắn, tập trung toàn bộ sức lực, được cho là đã giúp xây dựng tinh thần gambari Nhật Bản (sđd., Trang 143).

Ngoài ra, theo Miyazaki (1969, tr. 269-272), khí hậu và địa lý khắc nghiệt đã tạo ra tính cách tích cực đặc trưng của Nhật Bản: Khí hậu của Nhật Bản có nhiệt độ và độ ẩm cao. Ngoài ra, điều kiện địa lý thực sự khó khăn, vì có rất nhiều thiên tai như lũ lụt, bão và động đất. Các dãy núi dốc xuyên ngang qua vùng trung tâm đồng bằng hẹp ngang. Đất liền hai bên bị kẹp giữa biển Nhật Bản và Thái Bình Dương, bờ biển có rất nhiều sườn núi dốc và đồng bằng nhỏ. Vì vậy, hầu hết các con sông chảy xiết và nước thường xuyên tràn bờ do lượng mưa dồi dào. Những điều kiện địa lý đầy thách thức này không bao giờ mang cho người Nhật cảm giác bình thản và thư giãn; ngược lại, khiến cho họ siêng năng và làm việc không ngừng nghỉ.

Cuối cùng, cơ hội bình đẳng để nâng cao vị thế xã hội của một người cung cấp khiến người Nhật càng gắn bó với gambaru. Sau Cải cách Minh Trị, rất nhiều cải cách về cơ cấu giai cấp và hệ thống giáo dục đã diễn ra. Hệ thống giai cấp thời Edo, được gọi là shi-nõ-kõ-shõ (samurai, nông dân, thợ thủ công, thương gia) đã sớm bị bãi bỏ, và với Bản bố cáo Gakusei (“khuyến học”) được ban hành vào năm 1872, khoảng 80% trẻ em đã có cơ hội đến trường. Hơn nữa, vào năm 1947, các sắc lệnh giáo dục bắt buộc được ban hành và hầu như tất cả trẻ em đều được đi học, cho mọi người cơ hội học lên cao hơn và đạt được vị trí tốt hơn trong xã hội. Amanuma (1987, tr.154) cho rằng chuỗi cải cách này đã giúp cho người Nhật nâng cao vị trí của họ trong xã hội thông qua những nỗ lực của chính mình, hay chính là gambari:

“Nhiều người Nhật đạt được những thành tựu tuyệt vời, xuất thất từ những gia đình bình thường, thậm chí còn nghèo. Ví dụ, các Thủ tướng như Hirofumi Ito và những người đứng đầu công ty Honda và Mitsubishi đều xuất thân từ các tầng lớp thấp hơn. Vì vậy, nhiều sinh viên trong thời Minh Trị đã kiên quyết gambaru, với mơ ước trở thành Thủ tướng hoặc bác sĩ trong tương lai. (Kato, 1978, pp. 183–188)”.

Thậm chí ngày nay, học sinh học rất chăm chỉ để vượt qua kỳ thi đầu vào của các trường đại học danh tiếng hơn. Vì sau khi vào các trường như vậy, các em sẽ được tôn trọng và chắc chắn có được việc làm tại một công ty tốt. Xã hội dựa trên thành tích và các cơ hội bình đẳng tạo ra nhờ hệ thống giáo dục đã xây dựng một thế giới cạnh tranh và củng cố tinh thần gambari của người Nhật.

---------------------

Lược dịch từ bài gốc: Gambari: Japanese patience and determination. The Japanese Mind - Understanding Contemporary Japanese Culture (Page 83-193). Edited by Roger J.Davies & Osamu Ikeno. Tuttle Publishing. 2002)