Nhớ nét đẹp văn hóa Bắc Bộ, tìm về Việt Phủ Thành Chương

Có hai thứ làm nên tên tuổi của Thành Chương. Thứ nhất là những bức tranh vẽ trâu, bởi chính họa sĩ cũng không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về trâu, nhưng công chúng và đồng nghiệp đều công nhận Thành Chương là người có số lượng tranh vẽ về trâu nhiều nhất Việt Nam. Điều thứ hai làm nên tên tuổi của ông, đó là Việt Phủ - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá của cả cội nguồn nước Việt. Họa sĩ Thành Chương từng chia sẻ: “Muốn hiểu về Thành Chương, nhất định phải tìm đến Việt Phủ”. Đúng như vậy, đến với Việt Phủ Thành Chương, công chúng như được chiêm ngưỡng và thưởng lãm một quần thể kiến trúc với nhiều hạng mục công trình mang đậm văn hóa làng quê Việt Nam cổ, công trình độc đáo có một không hai càng khẳng định thêm một lần nữa chỗ đứng vững chắc và tên tuổi của người họa sĩ đặc biệt này.

Ở Việt Phủ Thành Chương, du khách như thể được quay về với quá khứ xa vời của đời sống tâm linh và thường nhật của các tộc người Việt cổ xưa, từ bình dân đến quyền quý. Ở đó, bạn sẽ thấy được làng quê Bắc Bộ thu nhỏ trong đặc trưng văn hóa Kinh Bắc, được chiêm ngưỡng những di sản bảo vật theo dòng lịch sử của từng vùng đất, cặn kẽ từ nếp ăn chốn ở đến chốn thờ tự. Ở đó, bạn sẽ được hòa nhập vào một không gian tĩnh lặng xanh mướt cỏ cây, như lạc vào cõi tâm linh của riêng mình. Như một dấu ấn đặc sắc, Việt Phủ Thành Chương được xem là điểm đến có một không hai trên mảnh đất cong cong hình chữ S giúp cho Con Rồng Cháu Tiên được một lần quay đầu chiêm nghiệm lại cội nguồn lịch sử cha ông.

Họa sĩ Thành Chương và hành trình đi tìm văn hóa Việt trong những bức vẽ của mình

Sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ với 7 anh chị em, họa sĩ Thành Chương chính là con trai trưởng của cố nhà văn Kim Lân. Từ nhỏ, họa sĩ Thành Chương đã được cha ông – nhà văn Kim Lân hướng theo nghề vẽ.

Ngay từ khi 6 tuổi, Thành Chương đã cầm bút vẽ, ham vẽ và thể hiện một năng khiếu đặc biệt với vô số các giải thưởng. Có thể khẳng định, vẽ đã trở thành một lối sống, một cách nhìn, một lối tư duy nghệ thuật riêng của ông.

 

Họa sĩ Thành Chương qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Hải An (Ảnh: Họa sĩ)

 

Thành Chương là một họa sĩ danh tiếng, một bậc thầy của hội họa Việt Nam đương đại, ông bắt đầu sự nghiệp từ năm 7 tuổi, khi đó người họa sĩ tài năng hiếm có này đã lần đầu tiên nhận được giải thưởng quốc tế khi vẽ về đôi gà tồ trong cuộc thi hội họa cho thiếu nhi tổ chức tại Anh. Kể từ thời điểm đó, nền mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự bứt phá vượt bậc của một tài năng, một thần đồng hội họa Việt Nam mang tên Thành Chương.

 

Thế giới gà trong tranh Thành Chương (Ảnh: Họa sĩ)

 

Trí tưởng tượng kỳ lạ và phong phú bậc nhất đã được Thành Chương hiển lộ một cách trọn vẹn và quyến rũ bằng phong cách hội họa dân gian đương đại đặc trưng riêng biệt của một nghệ sĩ lớn. Trong thế giới ấy, họa sĩ tái hiện tuổi thơ xao động và thẳm sâu ăm ắp những tâm tư, cảm xúc bên trong đời sống nội tâm một cách biến ảo, đầy màu nhiệm và lấp lánh màu sắc dị bản.

Với bảng màu nguyên sặc sỡ gay gắt đầy nội lực, Thành Chương có khuynh hướng sử dụng những sắc màu đậm chất dân gian Việt Nam ít ai dám dùng như đỏ son, hồng điều, cánh sen, xanh nõn chuối, xanh cánh chả, vàng kim, vàng hòe…để khẳng định tài năng phối màu đa nhiệm có một không hai của mình. Ngôn ngữ hội họa của Thành Chương an vui nhưng cũng đầy trắc ẩn với những motif đã trở thành thương hiệu như chú trâu, cậu bé mục đồng, khắc khoải với những hình ảnh vầng trăng, thẩn thơ với cây sáo, hay lãng mạn phiêu diêu trên một bầu trời xa xăm như cánh diều.

 

Thế giới trong tranh Thành Chương đầy màu nhiệm và lấp lánh màu sắc dị bản (Ảnh: Họa sĩ)

 

Đó còn là một thế giới của những xum họp gia đình, những đôi vợ chồng hạnh phúc, những cặp tình nhân mê đắm, những đứa con yêu thương, những ái ân bất tận của tình mẫu tử, phụ tử, của bạn hữu, của những con người kiêu hãnh… Thành Chương đã đem những vẻ đẹp vô tận của đời sống vào tranh, đó có thể là bầu trời an yên của hiện tại, đầy ắp mộng mơ của hạnh phúc hay những hy vọng lấp lửng không rõ điểm bắt đầu. Và với thế giới hội họa đầy biến ảo của ông, chúng ta thêm một lần nữa nhận ra rằng: tất cả chỉ kết thúc khi đôi mắt của trí tưởng tượng trong chúng ta đóng sập lại.

 

 

Tranh của Thành Chương vừa quen vừa lạ. Quen là ở chỗ người xem cảm nhận rõ những đề tài gần gũi với đời sống làng quê Việt Nam như hình ảnh những chú trâu, người ngửa mặt, trẻ em chăn trâu, mục đồng… Thế nhưng họa sĩ lại biến hóa tranh với màu sắc sặc sỡ, cách thể hiện độc đáo, lạ mắt, khiến những bức tranh của Thành Chương trở nên mới mẻ hơn trong cách thể hiện. Tranh của Thành Chương vì thế mà chứa đựng một tinh thần dân gian sâu sắc, từ chủ đề nội dung cho đến cách biểu hiện, dùng màu sắc, cách dùng nét và mảng phẳng, nhiều tính trang trí ước lệ… Có thể gọi đó là tranh dân gian Việt Nam hiện đại.

 

Vốn có năng khiếu hội họa của một thần đồng, cộng với niềm đam mê và quá trình rèn luyện khổ tâm, họa sĩ Thành Chương trở thành một trong những “hiện tượng” và niềm tự hào của hội họa Việt Nam đương đại. Thành Chương nổi tiếng bởi những bức tranh với màu sắc sặc sỡ, mang đậm phong cách dân gian Việt Nam hiện đại. Ông có sở trường vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu. Họa sĩ thể hiện nội của bản thân một cách mạnh mẽ trong những bức tranh tràn đầy năng lượng. Vì gắn bó tuổi thơ với những chú trâu, họa sĩ Thành Chương thường được người yêu nghệ thuật gắn với thương hiệu “Ông vua mục đồng của Việt Nam”.

 

 

Thành Chương là thế hệ họa sĩ gạo cội, có ảnh hưởng nhất định đối với thế hệ họa sĩ trẻ Thời kỳ Đổi mới. Sự trở về làng ào ạt với những chú trâu, bò, nón lá, niềm vui đồng dao, tình cảm ngây thơ – naïve của hội họa thời kỳ này cũng có phần nào đó ảnh hưởng từ ngôn ngữ hội họa của Thành Chương. Nói tới mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, người ta không thể không nhắc tới tên tuổi của ông. Bằng ngôn ngữ và phong cách cá nhân riêng biệt, ông đã để lại dấu ấn trong mỹ thuật Việt Nam hôm nay. Thành Chương – ông chính là một trong những họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian – hiện đại Việt Nam.

 

 

Thành Chương đã ghi danh tên tuổi của mình vào hàng ngũ một trong những họa sĩ Việt Nam có tầm ảnh hưởng xuất sắc nhất mọi thời đại. Các tác phẩm hội họa xuất chúng của Thành Chương có mặt ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Thành Chương cũng là họa sĩ châu Á đầu tiên có tác phẩm được lựa chọn in tem phát hành bởi Liên Hợp Quốc (2001), đó là bức tranh “Tình yêu” được chọn là 1 trong 6 tác phẩm in bộ tem kỷ niệm Năm tình nguyện thế giới 2001 của Liên Hợp Quốc. Riêng bộ phim sử dụng bức tranh “Tình yêu” của Thành Chương được in với số lượng 2,3 triệu con tem. Trong bức thư cảm ơn họa sĩ Thành Chương, những người thực hiện bộ tem kỷ niệm Năm tình nguyện thế giới 2001, đã viết: “Ông sẽ đứng trong đội ngũ những nghệ sĩ như Venmeer, Legre, Henry, Moar, Salvador Dali, Pablo Picasso, Andrew Wyeth, Hans Emi, Leroy Neiman và Romero Brito… những người đã có tác phẩm được dùng làm biểu tượng của Liên Hiệp quốc”.

Đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật mang tên Thành Chương lại đạt đến tầm cỡ mới khi ông hoàn thành công trình văn hóa mang tên Việt Phủ Thành Chương – nơi tôn vinh và lưu giữ một cách đặc sắc nhất những giá trị tinh hoa văn hóa của một tinh thần Việt.

Việt Phủ Thành Chương – Nơi hội tụ di sản văn hóa và tinh hoa nghệ thuật của cội nguồn dân tộc

Tháng 6/2018, CNN Travel – Kênh truyền hình Mỹ hàng đầu thế giới chọn giới thiệu Việt Phủ Thành Chương cho “Hanoi Destination” với lời dẫn: “Với những ao sen bình yên và cây si, cây đa xanh tươi bao quanh, Việt Phủ Thành Chương là một trong những điểm đến văn hóa phong phú nhất ở Việt Nam. Nằm trên núi Sóc, ngoại ô Hà Nội, Việt Phủ kể câu chuyện lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và các di vật dân gian”.

 

 

Tọa lạc tại Sóc Sơn, Hà Nội, với tổng diện tích lên tới 8000 ha, Việt Phủ Thành Chương được xem là một công trình kiến trúc đồ sộ mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Việt Phủ được xem là một trong những công trình tiêu biểu mang hồn cốt văn hóa Việt – nơi lưu giữ vẻ đẹp hoài cổ hàng đầu ở thủ đô Hà Nội. Ở đây bạn có thể ngắm nhìn và cảm nhận được toàn bộ vẻ đẹp kiến trúc của văn hóa Bắc Bộ một thời đã xa. Công trình được khởi công từ năm 2001 và đến năm 2004 thì hoàn thành tại dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía Bắc.

Ngay từ cổng vào, khu Việt Phủ đã gợi ra vẻ đẹp của cánh cổng làng Thổ Hà (Đường Lâm, Ba Vì) xưa cũ. Cổng có 3 cửa, gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Chiếc cổng được điêu khắc hoa văn tỉ mỉ, tinh xảo với những đường nét khéo léo. Bên cạnh là cây đa cổ thủ nhiều năm tuổi, mang đậm hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt.

 

Việt Phủ Thành Chương là nơi hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hóa Bắc Bộ (Ảnh: Họa sĩ)

 

Nhiều người cho rằng, văn hóa Việt căn cốt là văn hóa làng xã thế nhưng giờ đây trong hơi thở của thời đại mới, văn hóa làng xã có thể không còn được như xưa, làng quê sẽ phát triển theo hướng đô thị hóa và cuộc sống văn minh. Khi xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở nhiều đô thị, thật hiếm tìm được công trình kiến trúc nào còn giữ được cái “căn cốt” làng xã, văn hóa Kinh Bắc – Bắc Bộ của Việt Nam như Việt Phủ Thành Chương. Biệt Phủ - vì thế được xem là cả một sự hy sinh, cố gắng mà người họa sĩ tài ba này dâng hiến cho bản sắc văn hóa của dân tộc.

  

Nếu đã chán ngán cuộc sống ồn ào, bon chen nơi phố thị, Việt Phủ Thành Chương sẽ đưa bạn trở về đoạn sử đã cũ, nhuốm màu lịch sử, chốn thanh tịnh, yên bình của làng quê Việt Nam những năm 90 (Ảnh: Họa sĩ)

 

Với sự kỳ công của những kỹ sư hàng đầu, họa sĩ Thành Chương đã đầu tư rất nhiều tâm huyết mà khó có thể đo đếm để xây dựng “đứa con tinh thần” độc đáo này. Họa sĩ đã dành hết số tiền bán tranh để xây dựng Việt Phủ, với mong muốn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt Nam ngàn đời bền vững. Chính vì sự hy sinh lớn lao này, Việt Phủ của họa sĩ đã được tuần báo The New York Times tôn vinh là một trong những điểm du lịch mà du khách nên ghé thăm và không nên bỏ qua khi đến Hà Nội. Nơi đây lưu giữ những nét đẹp văn hóa tâm hồn Việt kéo dài qua nhiều thế kỷ, nơi lưu giữ các di sản văn hóa vật thể lẫn các giá trị tinh thần phi vật thể.

 

Vẻ đẹp của Biệt Phủ do họa sĩ tài hoa xây dựng đẹp không bút nào tả xiết (Ảnh: Họa sĩ)

 

Việt Phủ Thành Chương ôm trọn vào không gian rộng lớn của mình hơn 30 công trình kiến trúc chính như tái hiện lại nguyên vẹn những tinh hoa đời sống của người Việt cổ và trở thành di sản văn hóa tinh thần của cả cội nguồn dân tộc. Trong đó, những điểm thu hút du khách đầu tiên phải kể đến chính là lối kiến trúc đặc trưng của 13 ngôi nhà cổ và những địa danh với những cái tên vô cùng mỹ miều như: Nhà Thanh Tĩnh, nhà Mạc Hương, nhà Tường Vân, nhà Giếng Cổ, cổng Hương, quán Xuân Phong, nhà Đại Khoa, hồ Bán Nguyệt, tháp Sơn Tĩnh, ao Thiên Hương, tháp Thiên Hương, trà Hương Quán… Bên cạnh đó, Việt Phủ còn có các không gian khác như: Thủy Đình múa rối nước, nhà sàn Mường, nhà Thanh Tĩnh, nhà tranh vách đất, gian thờ Phật, Điện Mẫu, Đền thờ Đức Thánh Trần, một thoáng Chăm Pa và không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân (thân sinh của họa sĩ Thành Chương).

 

Không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân (Vợ nhặt) (Ảnh: Họa sĩ)

 

Họa sĩ Thành Chương tự tay trang trí không gian tưởng niệm cha mình (Ảnh: Họa sĩ) 

 

  

Toàn cảnh Việt Phủ Thành Chương (Video: Youtube)

 

Với màu thời gian theo bề dày và dòng chảy của lịch sử, những lớp gạch trầm tích phủ mái ngói rêu phong in dấu thời gian, trên mỗi phiến đá hay mái ngói đều mang theo ý nghĩa và giá trị riêng của nó. Việt Phủ là tâm huyết dồn nén của họa sĩ Thành Chương khi ông đã dày công sưu tầm những nét đẹp văn hóa lịch sử từ các triều đại Đinh – Lý – Trần – Lê…

  

Vẻ đẹp cổ kính khơi gợi nỗi nhớ về văn hóa làng xã Bắc Bộ in sâu trong tiềm thức người Việt (Ảnh: Họa sĩ) 

Con đường dẫn vào phủ cũng được lát đều đặn từ gạch Bát Tràng nổi tiếng. Lạc vào bên trong bạn càng có cảm giác như mình đang xuyên không đến từng thời kỳ của nước Đại Việt ta ngày trước. Trở về lịch sử với nhà tranh mái lá, chum nước và những phiến đá rêu phong nhuốm màu sử cũ.

Lạc vào khuôn viên khác, bạn cũng có thể cảm nhận nét văn hóa độc đáo của đời sống Bắc Bộ xa xưa những năm 1945. Khung cảnh lúc này khiến chúng ta liên tưởng về những tác phẩm văn học nghệ thuật như: Chí Phèo, Vợ Nhặt… Ngôi nhà bằng đất cùng những vật dụng thô sơ vẫn còn đó. Nhà đất là một trong những ngôi nhà mà chúng ta chỉ có thể biết đến thông qua những tư liệu, sách vở… nó đã gắn liền với hình ảnh nông thôn Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ.

Bên trong ngôi nhà trưng bày hiện vật từ thời cổ xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng nông thôn Bắc Bộ (Ảnh: Họa sĩ)

Không chỉ chạm khắc những nét đẹp mộc mạc, cầu kỳ, Việt Phủ Thành Chương còn rất đầu tư cho các hạng mục công trình những kiến trúc xa hoa của giới thượng lưu triều Nguyễn. Việt Nam ta vốn có văn hóa thờ cúng tổ tiên, dù mỗi gia đình có thể theo một tín ngưỡng riêng nhưng chủ yếu vẫn là thờ phụng gia tiên tiền tổ. Vì vậy nên mỗi căn nhà ở Việt Phủ đều được bài trí ban thờ cúng rất chỉnh chu, điều này thể hiện văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt qua nhiều đời, dù ở giai cấp nào, tầng lớp nào, họ cũng đều ghi nhớ về nguồn cội, vì vậy nên họ luôn dành một vị trí tốt nhất trong nhà để lập ban thờ cúng.

Ngoài những vẻ đẹp kiến trúc nhà cửa, Việt Phủ cũng không quên tôn vinh và ca ngợi những nét đẹp của phong tục, tập quán trong tín ngưỡng của Việt Nam như các công trình tượng Phật A Di Đà, đền thờ Đức Thánh Trần, điện Mẫu… nối liền trong khuôn viên Việt Phủ. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi này cũng là địa điểm cúng bái cầu phước đầu năm của người dân quanh đây.

Nhiều người yêu nét đẹp truyền thống tìm về Việt Phủ để khẳng định sức sống bền vững và mạch nguồn văn hóa của dân tộc (Ảnh: Bùi Thiên Sơn Photography)

 

Họa sĩ cũng không quên xếp rất nhiều những chú chó đá ở Biệt Phủ, từ gốc cây, cột đá, từ mảnh vườn, góc sân, cửa lớn, cửa bé đều có một vài con chó đá sứt mẻ, lên vết rạn thời gian ngồi chễm chệ. Trước miếu thờ Thiên, họa sĩ cũng không quên đặt 30 chú chó đá với nhiệm vụ “giữ nhà”, trên dưới khoảng 30 con, ngồi gác cổng với đủ vẻ mặt khác nhau: con mếu máo, con nghệt mặt, con xí xớn, con cười toe toét…

 

Chỉ khi bạn bước đến vương quốc nghệ thuật này, chỉ khi bạn bước đi và hòa vào những gì hiển hiện nơi đây, bạn mới có thể cảm nhận được sự kỳ diệu và thẳm sâu của đời sống và văn hóa ngàn năm của người Việt (Ảnh: Họa sĩ)

 

Điều kỳ diệu chính là họa sĩ Thành Chương đã không mang tất cả những di vật vô giá kia đặt vào trong một nơi chốn, giống như người ta từng làm với hầu hết các bảo tàng, mà ông đã đặt tất cả trong một không gian, một thiên nhiên, một sự sắp đặt như chính đời sống của con người và nền văn hóa này của ngàn xưa. Và tất cả những gì chúng ta đang chiêm ngưỡng, hay đang chạm vào, như chạm vào những đồ dùng trong ngôi nhà của mình, đã được trở về với đời sống của chính  nó. Đó là cách ông làm cho mọi cổ vật có từ hàng trăm năm, đến hàng ngàn năm như đang được thức dậy, phả ra những hơi thở tươi non và nồng ấm của cuộc sống. Sự kỳ diệu của Việt Phủ Thành Chương là ở đó, và tài năng lớn cũng như tư tưởng của Thành Chương là ở đó. Từ một con đường bình dị đến một thửa ruộng bên cạnh Việt Phủ cho đến chiếc cổng, rồi đến những ngôi nhà, những cái cây, những hồ sen, nhà thủy đình, những vật dụng, những tượng Phật… đã làm nên vương quốc này một cách chính xác như lịch sử đời sống và văn hóa của người Việt. Hồ nước ấy phải là sen, súng ấy. Ngôi nhà ấy phải là cái cây ấy, bàn ghế ấy phải là giường tủ ấy… Sự phục sinh sáng tạo những gì đã hiện hữu trong hàng ngàn năm văn hiến của nước Việt đã làm nên đặc trưng và chính là một kỳ tích của Việt Phủ Thành Chương. Mỗi cái cây ở đây đều gắn liền với đời sống tình cảm, và đời sống tâm linh bao đời của người Việt. Việc họa sĩ Thành Chương lựa chọn những cái cây cũng chính là việc ông lựa chọn những biểu tượng văn hóa thông qua từng cái cây đó, và cũng chính là thông điệp của ông và dân tộc ông về một đời sống của hòa bình và hòa hợp. Trong một thời đại của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra ngày một sâu rộng và mạnh mẽ, biết bao những di sản vô giá của văn hóa, nghệ thuật và tinh thần sống của người Việt đang ngày một bị phá hủy và nhiều thứ có nguy cơ biến mất, thì Việt Phủ Thành Chương trở thành một chốn thanh bình và an toàn nhất cho những di sản vô giá ấy của dân tộc.

 

Kiến trúc làng xã, đền chùa là căn cốt của văn hóa Việt (Ảnh: Họa sĩ)

 

Khi những gì có trong Việt Phủ, chúng ta không tránh khỏi sự kinh ngạc về tình yêu lớn lao của họa sĩ Thành Chương. Ông đã hiến dâng toàn bộ tài sản, sức lực và tâm trí để xây dựng nên di sản văn hóa này. Nếu như không có một nơi như thế này, chúng ta sẽ mất đi những di sản văn hóa và giá trị tinh thần vô giá mà không bao giờ tìm lại được. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ bị cắt rời với quá khứ vĩ đại của dân tộc mình. Và Việt Phủ Thành Chương đã trở thành cây cầu nối hiện tại với quá khứ và tương lai.

Khi bạn ngồi xuống bất cứ một chiếc ghế cổ nào trong những ngôi nhà cổ ở Việt Phủ Thành Chương, là bạn đã bắt đầu cuộc trò chuyện với thế giới cổ xưa. Bạn đã nhận được một nguồn sinh lực lớn lao, bí ẩn từ đời sống tinh thần, văn hóa của ngàn năm tích tụ lại và giờ đang lan tỏa, giao hòa cùng bạn. Một trong những điều riêng biệt và vĩ đại của văn hóa truyền thống Việt là sự hòa đồng không tách biệt giữa cỏ cây, muông thú, con người và Thần Phật. Việt Phủ Thành Chương là nơi duy nhất cho đến bây giờ đã phục sinh điều vĩ đại và đặc biệt ấy.

Họa sĩ Thành Chương đã làm một cuộc sắp đặt lớn bằng toàn bộ những gì có trong Việt Phủ của mình. Mọi thứ hiện diện ở nơi này, từ một bậc đá đến một ngôi nhà đều được đặt vào vị trí của mình một cách sáng tạo và sống động nhất. Chúng ta không cảm nhận thấy sự xa cách, tách biệt và vô cảm của những gì có ở trong Việt Phủ này. Tất cả những thứ đó không đẩy chúng ta ra xa, làm cho chúng ta mang cảm giác hoài cổ mà đưa chúng ta lại gần, rất gần như một sự chia sẻ và hòa đồng kỳ lạ.

Một góc mỹ lệ trong không gian của Việt Phủ (Ảnh: Họa sĩ)

Với óc sáng tạo tuyệt vời phong phú, cùng sự thấu hiểu những yếu tố cơ bản giữa kiến trúc và văn hóa đặc trưng, họa sĩ Thành Chương đã táo bạo khai mở không gian và tính sử dụng của những kiến trúc nhà truyền thống có từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, mà vẫn giữ nguyên nét tinh tế, đặc trưng kiến trúc, văn hóa, tâm hồn, cũng như hiện thực lịch sử của người Việt bao đời. Thành Chương không chỉ là người sưu tập, gìn giữ những ngôi nhà cổ của người Việt ở nhiều vùng địa lý và văn hóa khác nhau để dựng lên những thứ đó như những hình mẫu lạnh lẽo, mà ông đã dựng lên một vương quốc thu nhỏ, một không gian văn hóa tràn nhập sự sống tinh thần và dân dã của người Việt. Không chỉ sưu tập, trưng bày, ông còn tặng cho chúng một đời sống đích thực. Đó chính là kỳ tích có một không hai trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Có một thông điệp bên cạnh những thông điệp mà Việt Phủ Thành Chương gửi cho chúng ta, đó là sự giữ gìn bản sắc dân tộc trong một đời sống hiện đại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận định: “Có một con đường dẫn ta đến nơi trú ngụ của tâm hồn Việt. Đó chính là con đường dẫn đến Việt Phủ Thành Chương. Việt Phủ Thành Chương, đấy không phải là một  bảo tàng thông thường, mà là những hơi thở rực ấm của một nền văn hóa”.  (Ảnh: Họa sĩ)

 

Nền kiến trúc truyền thống Việt Nam đang bị công cuộc đô thị hóa phá hủy. Nhiều người cho rằng truyền thống của người Việt không còn phù hợp với đời sống hiện đại nữa, và đó là một quan điểm sai lầm. Họa sĩ Thành Chương đã cho chúng ta thấy trong những ngôi nhà truyền thống của người Việt vẫn đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của con người trong thế kỷ 21 văn minh này. Đó là cách mà họa sĩ Thành Chương làm cho phong vị kiến trúc truyền thống của người Việt với sự trầm tĩnh, giản dị và có chiều sâu tâm hồn hòa đồng vào đời sống hiện đại một cách sinh động, nhuần nhuyễn và duyên dáng. Nơi đây, như một sự may mắn lớn lao và như một phép màu, cho chúng ta cảm giác như được sống với tổ tiên, ông bà chúng ta vậy.

Ngôi nhà làm bằng đất trong Việt Phủ Thành Chương không có một dấu vết nào của những mô hình vô cảm mà chúng hiện lên thật gần gũi, thân thiện và hòa đồng. Ví như trong những ngôi nhà được xây dựng bằng đất, với những vật dụng quen thuộc, chúng ta như ngửi thấy mùi khói bếp đã bay lên trong một chiều của ngàn năm trước. Chúng ta như cảm thấy tổ tiên chsung ta vừa đi qua cái cổng ngõ ấy, vừa xay lúa giã gạo, vừa uống trà và trò chuyện. Và những vật dụng trong ngôi nhà ấy đã truyền cảm hứng vào mỗi hồn người con đất Việt toàn bộ lịch sử ngàn năm của chúng. Thành Chương là một họa sĩ khác thường với việc sáng tạo ra một tác phẩm sắp đặt khổng lồ khi du khách có thể được sống trong hiện thực và tinh thần của những sinh hoạt văn hóa từ ngàn đời nay của người Việt. Mỗi chúng ta khi bước chân vào Việt Phủ sẽ cảm thấy như được sống trong một thế giới khác, một thế giới như một giấc mơ, một thế giới mà không có tài năng lớn và tình yêu lớn của một họa sĩ hàng đầu thì chúng ta sẽ tự phá hủy đi tất cả mà không hề nhận ra.

Với kiến trúc, nội thất đậm chất văn hóa Việt, từ những mái ngói âm dương, những cánh cửa gỗ đến từng món đồ trang trí trong Việt phủ đều mang đậm chất văn hóa làng quê Việt Nam cổ (Ảnh: Họa sĩ)

Giữa những bức tranh tạo nên trường phái hội họa dân gian hiện đại kỳ bảo bậc nhất, Thành Chương và hàng ngàn cổ vật ở chốn này không hề có một sự cách biệt nào. Đó là sự chuyển tiếp kỳ ảo. Những tác phẩm hội họa của ông đại diện cho nền hội họa Việt Nam hiện đại nhưng lại ngập tràn hơi thở và tinh thần sâu thẳm của quá khứ.

Trong sự sáng tạo đầy cá tính và tiên phong ấy, Thành Chương đã cho chúng ta thấy toàn bộ đời sống bình dị nhưng lộng lẫy và đầy khát vọng lớn lao của con người trên xứ sở này. Đó là giấc mơ về một đời sống thanh bình và nhân ái, nhưng cũng đầy cá tính riêng biệt.

Năm 2004, Việt Phủ Thành Chương vinh dự được đón Hoàng Hậu Sylvia và phái đoàn Hoàng gia Thụy Điển – đoàn khách quốc tế cấp cao đầu tiên đến thăm Việt Phủ. Khi đó công trình vừa mới hoàn thành và Hoàng Hậu đã trở thành vị khách cao quý đầu tiên của thế giới đặt chân đến nơi này.

 

Hoàng hậu Sylvia (Ảnh: Internet)

 

Cùng ngắm những  bức ảnh chụp lại Việt Phủ Thành Chương ở nhiều không gian và góc độ khác nhau:

 

Không gian đậm chất cổ xưa được tái hiện ngay ở thủ đô Hà Nội (Ảnh: Họa sĩ)

 

Cổng sau của Việt Phủ (Ảnh: Họa sĩ)

 

Bảo tháp Thiên Hương - một trong những kiến trúc độc đáo ở Biệt Phủ (Ảnh: Họa sĩ)

 

Kỳ lân, chó đá được họa sĩ bày biện xếp đặt khéo léo và đậm chất dân gian (Ảnh: Họa sĩ)

 

Mái đình làng biển được tái hiện tinh xảo trên từng chi tiết của Việt Phủ (Ảnh: Họa sĩ)

 

Cảnh sông nước tuyệt sắc, màu nước xanh như pha mực đưa du khách lạc vào cõi Tiên

(Ảnh: Họa sĩ)

 

Bình phong, sập gụ, tủ chè, hương án, hoành phi, câu đối... trong không gian tâm linh mờ ảo (Ảnh: Họa sĩ)

 

Chất liệu đá được họa sĩ ưa chuộng trong việc kiến tạo những chi tiết nhỏ ở không gian mở (Ảnh: Họa sĩ)

 

Không gian xanh tươi, kết hợp với kiến thức phong thủy khiến quần thể di tích này dễ dàng làm say đắm lòng người (Ảnh: Họa sĩ)

 

Giờ đây trong cuộc sống của thời đại mới, văn hóa làng xã có thể không còn như xưa. Làng quê sẽ phát triển theo hướng cuộc sống văn minh. Và đời sống văn hóa cũng sẽ biến đổi như đời sống vật chất. Thế nhưng dòng chảy văn hóa làng xã, cái sợi chỉ xuyên suốt của văn hóa Việt thì sẽ vẫn âm thầm xuyên suốt từ ngàn xưa cho đến mai sau. Họa sĩ Thành Chương đã thực sự lưu giữ hồn cốt văn hóa Việt trong công trình của mình. Như nhà thơ nổi tiếng Hàn Quốc Koun - ứng cử viên giải Nobel khi đến Việt Phủ đã viết: “Có hai thứ ở Việt Nam tôi phải cúi đầu thán phục. Thứ nhất là của thiên nhiên tạo ra: Vịnh Hạ Long. Thứ hai là của con người làm ra: Việt Phủ Thành Chương”. Nơi đây viết nên những câu chuyện ngắn gọn, khúc triết đủ để trao cho bạn niềm cảm hứng và những hiểu biết sơ khởi về dòng chảy văn hóa Việt với tất cả vẻ đẹp huyền nhiệm, duyên dáng của nó./.