Niccolo Machiavelli - Con người và Nghệ thuật cai trị của quân vương

Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469- 1527) sinh ra tại thành phố Florence nước Ý. Ông là một triết gia, một nhà ngoại giao kiệt xuất thời kì Phục Hưng. Dù có nhiều điều tiếng không hay về ông nhưng hầu hết những nhà nghiên cứu đương đại đều coi ông là người sáng lập ra hệ tư tưởng chính trị học hiện đại và có đóng góp rất lớn cả đối với khoa học quân sự và ngoại giao.

* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian: 19h30 Chủ nhật 18/07/2021

2. Hình thức: Livestream trên fanpage Philosapiens

Link: https://www.facebook.com/PhilosapiensCircle

3. Diễn giả: Trần Vinh Anh

4. Dẫn chương trình: Thủy Tiên

Niccolo Machiavelli - Con người và Nghệ thuật cai trị của quân vương

Khi Machiavelli còn trẻ, Florence đang trong giai đoạn huy hoàng- giàu có, sôi động- dưới sự cai trị của gia đình Medici quyền lực. Ông đã được thừa hưởng nền giáo dục về văn hóa, lịch sử Hy Lạp và La Mã. Không nhiều tài liệu nói về thời thanh xuân của Machiavelli nhưng trải qua một chuỗi các sự kiện về chính trị, cùng với sự nhiệt huyết và trí tuệ của Machiavelli, ông đã lên được đỉnh cao khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Ngoại giao ở tuổi 29. Ông đã có những năm tháng huy hoàng phụng sự nền cộng hòa Florence, nhưng đồng thời cũng gặp khá nhiều trắc trở về sau này.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của Machiavelli là cuốn "Quân vương" với nhiều quan điểm chính trị của ông về thuật trị nước, dù nó cũng đã gây nhiều "lùm xùm" nhất. Cuốn sách có nhiều khái niệm cơ bản về triết học chính trị, về bản chất của con người, bản chất của vương quốc, những nguyên lý trị vì và về người trị vì theo quan điểm của Machiavelli - được rút ra từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời huy hoàng của một nhà ngoại giao.

Một trong những chủ đề triết học quan trọng của "Quân vương" chính là "Con người". Ở chương XVII- Machiavelli đã viết: "… bản chất con người là vô ơn, thiếu nhất quán, giả tạo, hèn nhát và tham lam: nếu thành công thì họ theo còn không thì họ sẽ chống". Một số quan điểm mạnh mẽ và thẳng thắn khác như: "lợi ích" là mục tiêu hàng đầu, không phải chỉ với người cai trị mà với cả con người trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên, vị Quân Vương cần có "Nghệ thuật trị vì" để trị vì những "Con người" như vậy. Machiavelli khuyên rằng: "Quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo". Phải mạnh mẽ, quyết đoán, và khôn ngoan. "Vũ lực" và "lừa dối" nhiều khi là công cụ cần thiết để trị vì.

Những quan điểm của Machiavelli đưa ra trần trụi hơn so với những gì mà người ta thường ca tụng về con người và cuộc sống, nhưng không thể phủ nhận những điều ông nói là sai thực tế. Francis Bacon (1561-1626) đã trả lại sự công bằng cho "Quân vương" khi nhận xét: "Chúng ta chịu ơn Machiavelli và những tác giả đã viết về những điều mà con người làm chứ không phải điều con người nên làm".