NoirTalk: Học gì? Học ra sao? -Dành cho người thực hành Nhiếp ảnh

Buổi trò chuyện dành cho tất cả những người đang và sẽ thực hành nhiếp ảnh, chuyên và không chuyên, sáng tạo nghệ thuật và thương mại. Sự kiện được tổ chức bởi Noirfoto phối hợp cùng Sunday Art Club.

Nhiếp ảnh là một công cụ nghệ thuật rất phổ biến ngày nay. Trong quá trình hình thành và phát triển chỉ mới hơn 100 năm, nhiếp ảnh không ngừng chứng minh khả năng sáng tạo riêng biệt và không hạn chế của mình.

Tuy nhiên, khi so sánh với các ngôn ngữ tạo hình khác như mĩ thuật truyền thống hay nhiều môn nghệ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh có một lịch sử rất non trẻ. Do đó, truyền thống đào tạo nhiếp ảnh chuyên nghiệp hoàn toàn không thể so sánh được với các bộ môn nói trên. Ngành nhiếp ảnh thậm chí chưa xuất hiện trong nhiều trường đại học và học viện mỹ thuật và thiết kế lớn ở các nước trên khắp thế giới. Nhiếp ảnh có thể là một bộ môn trong chương trình học, nhưng không dễ để trở thành một ngành học, dù là nhiếp ảnh nghệ thuật hay thương mại.

Đối với những người thực hành không chuyên nghiệp hay quyết định không học theo chương trình học bậc cao, việc nghiên cứu và học tập để phát triển như một người thực hành nhiếp ảnh càng khó hình dung. Khi nghĩ tới hội hoạ, ta liền nghĩ tới nhiều môn có thể học từ cơ bản như hình hoạ, lý thuyết màu sắc và hình dạng, nghiên cứu thiên nhiên, phối cảnh, giải phẫu, bố cục… cho tới các kĩ thuật chất liệu chuyên biệt như màu nước, sơn dầu, sơn mài… và môn nghiên cứu như lịch sử nghệ thuật, mỹ học...

Vậy với một người thực hành nhiếp ảnh, đặc biệt là sau khi đã phần nào làm chủ các kỹ thuật chụp ảnh, bước tiếp theo là gì? Điều gì thực sự làm nên sự khác biệt của ngôn ngữ Nhiếp ảnh với các ngôn ngữ tạo hình khác? Ta phải học gì và như thế nào để có thể sáng tạo bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, trong nghệ thuật hay thương mại?

Buổi trò chuyện cùng nhiếp ảnh gia - nghệ sĩ, nhà cố vấn nhiếp ảnh Phạm Tuấn Ngọc và nghệ sĩ thị giác, giảng viên lịch sử nghệ thuật và thiết kế Hương Mi Lê sẽ giúp các bạn thực hành nhiếp ảnh phần nào giải đáp các thắc mắc nói trên.

Sự kiện được dẫn dắt bởi người điều phối là Trần Vân Khánh, một trong những người sáng lập Sunday Art Club.

>> Sự kiện diễn ra trên nền tảng Zoom, tại đường link dưới đây:

https://us02web.zoom.us/u/kd9LeuTkYW

Người tham dự không cần đăng ký trước. Phòng sự kiện mở từ 14:00, việc trao đổi của các diễn giả và người điều phối bắt đầu từ 14:15. Điều phối phòng sẽ duyệt người tham dự từ phòng chờ trong suốt sự kiện.

NoirTalk: Học gì? Học ra sao? -Dành cho người thực hành Nhiếp ảnh

* Về diễn giả:

1. Phạm Tuấn Ngọc

Sinh năm 1982 ở Hà Nội, Ngọc hiện đang sống và làm việc tại tp. Hồ Chí Minh. Ngọc là một nhiếp ảnh gia - nghệ sĩ, một chuyên gia in ảnh thủ công, người sáng lập Noirfoto Darkroom–Gallery–Studio, và một cố vấn nhiếp ảnh. Ngọc tập trung nghiên cứu và thực hành các kỹ thuật tạo hình ảnh và bản in trong giai đoạn đầu của lịch sử nhiếp ảnh, thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dựa trên các hoá chất và phương tiện thủ công. Thực hành này dựa trên niềm tin vào giá trị nghệ thuật, lịch sử, bảo tồn, khoa học và văn hoá của nhiếp ảnh truyền thống, giá trị của tay nghề kỹ thuật tinh xảo và kiến thức tích lũy, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số.

2. Hương Mi Lê

Sinh năm 1991 ở Hà Nội, Mi là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign. Mi cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế. Mi đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy... Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam. Bên cạnh đó, Mi là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:

Fanpage: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom

Event: https://www.facebook.com/events/427726145066638/