Phố Hàng Hòm - Con phố lưu giữ nét đẹp hàng đầu của Thủ đô

“Hà Nội - 36 phố phường” là cụm từ phổ biến đối với người dân Thủ đô nhằm nói lên nét đặc trưng của vùng đất “kinh kỳ kẻ chợ” với “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”. Trong thực tế, ngay từ thời Trần, khu vực hành chính của Hà Nội có đến 61 phường, tuy nhiên sang đến thời Lê thì chỉ còn lại 36 phường và tổ chức hành chính này đã không biến động trong suốt gần ba thế kỷ. Mang đậm dấu ấn của một Hà Nội cổ kính, bình dị, khu phố cổ luôn là điểm đến thu hút đối với các du khách gần xa. Là một phần linh hồn của khu phố cổ, phố Hàng Hòm dù chỉ là con phố nhỏ nhưng vẫn khiến người ta phải đặt chân đến ít nhất một lần.

 

 

Là một trong những nét đẹp và niềm tự hào của người dân Hà thành, gồm 36 con phố nhỏ san sát giao nhau, những ngôi nhà nhỏ bé liền kề nằm hai bên mép đường, con đường chật hẹp lúc nào cũng đông đúc người người qua lại, phố Cổ như một nốt lặng về một Hà Nội xưa hoài niệm trong cả bản hòa ca vui nhộn về một Hà Nội nay nhộn nhịp, huyên náo.

Phố Hàng Hòm với chiều dài 120m, rộng 6m được biết đến là con phố tí hon nhất trong khu phố cổ. Chỉ với vài bước chân, các du khách đã có thể đi qua phố Hàng Quạt, đến phố Hàng Hòm và sang cả địa phận của phố Hàng Gai. Phố Hàng Hòm nhỏ xíu tới mức, chỉ cần một chút không để ý du khách đã đi qua từ lúc nào không hay.

Phố Hàng Hòm là một trong số những con phố đáng chú ý trong số 36 phố cổ của Hà Nội (Ảnh: Pinterest)

Phố Hàng Hòm nằm trong quần thể phố cổ Hà Nội, có điểm đầu giao với phố Hàng Quạt - Hàng Nón, điểm cuối giao với phố Hàng Gai - Hàng Bông. Phố Hàng Hòm xưa nằm trên đất thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiền Tú. Năm 1849 đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lược sử

Phố Hàng Hòm nằm ở trên đất cũ của thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương thời Nguyễn, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố Hàng Hòm dài 120m, đến năm 1954 khi quân Pháp rút đi cũng chỉ bao gồm 32 ngôi nhà bên số chẵn và 24 nhà bên số lẻ.

Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số người dân thôn Hà Vĩ đã lên Thăng Long, lập nghiệp ở thôn Cổ Vũ Thượng. Họ mang theo nghề truyền thống của quê hương mình là làm đồ gỗ phủ sơn ta. Thôn Hà Vĩ xưa thuộc tổng Tín Yên, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vì vậy khoảng đầu thế kỷ XX, cư dân phố Hàng Hòm đa số là dân làng Hà Vĩ, Thường Tín, rồi sau thêm cả dân đến từ làng Đa Sĩ, Thanh Oai và một gia đình gốc Hoa ở số nhà 16. Họ sản xuất và bán đồ gỗ sơn, chủ yếu gồm hòm đựng quần áo và tráp đựng giấy bút, về sau làm bằng gỗ tạp và sơn bằng sơn tây nên rẻ và nhẹ hơn. Hòm da có khoá chuông thì bán ở phố Hàng Buồm. Sau khi lập thành phố nghề, người dân Hà Vĩ đã lập ngôi đình mang tên quê hương mình, nay thuộc nhà số 11 phố Hàng Hòm để thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (1470 - ?), người làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Ông đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, đời vua Lê Hiến Tông và là một Hiến sát sứ. Trong một lần đi sứ sang nhà Minh, ông đã học hỏi được các kỹ thuật sơn dầu, sơn bóng, sơn quang tinh xảo của Trung Quốc để truyền dạy cho dân làng, giúp nghề sơn, đặc biệt là kỹ thuật sơn mài, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Từ làng Bình Vọng, nghề sơn tỏa ra các làng quanh vùng như Duyên Trường, Hạ Thái, Hà Vĩ...

 

Phố Hàng Hòm ngày xưa - Rue des Caisses (Ảnh: Pinterest)

Từ ngày xưa, phố Hàng Hòm đã nổi tiếng là nơi buôn bán đồ gỗ sơn, cái tên Hàng Hòm cũng từ hoạt động nơi đây mà thành. Sản phẩm đồ gỗ sơn của phố Hàng Hòm rất đa dạng, từ hòm, tráp bằng gỗ sơn then (đen), hòm đựng quần áo, tráp đựng giấy bút đến hòm gỗ mộc sơn bằng sơn tây màu cánh dán rất sang. Ngày nay, hoạt động làm đồ gỗ sơn vẫn được duy trì tại phố Hàng Hòm với những sản phẩm cầu kì hơn chút, bắt mắt các du khách hơn, được mọi người mua về sử dụng và làm quà.

Ngoài hòm còn có đồ sơn mài với sơn then (đen) và sơn màu cánh gián có vẽ hoa lá, rồi câu đối, tráp đựng trầu và ngai thờ. Già nửa phố là những hộ làm hòm, chỉ có đôi ba nhà làm đồ sơn mài. Việc sản xuất và tiêu thụ lúc đầu rất đơn giản: hàng làm ngay bên trong nhà, bên ngoài là cửa hiệu bày bán. Những gia đình ít vốn thì thuê buồng ở phía sau rẻ tiền hơn và nhận việc về làm gia công.

Tuy là con phố tí hon, thế nhưng phố Hàng Hòm lại mang đậm dấu ấn của Hà Nội xưa với những ngôi nhà cũ kĩ, phủ lên mình màu rêu xám của thời gian, có những ngôi nhà tuổi đời lên tới vài trăm năm, trên tường có cả những vết nứt, vết đổ theo năm tháng. Đặc biệt, phải kể đến hoạt động làm đồ gỗ sơn vẫn được gìn giữ và phát triển đến tận ngày nay.

Những ô cửa sổ bất hủ đã đi cùng năm tháng (Ảnh: Pinterest)

Sau khi quân Pháp sang, chính quyền thực dân đặt tên phố là “Rue des Caisses”, dịch đúng nghĩa đen “Phố Hàng Hòm”. Cho đến đầu thế kỷ XX đây vẫn còn là một phố cổ, nhà xây giống như ở các phố Cầu Gỗ, Hàng Quạt, Hàng Cân: phía mặt phố thò ra thụt vào không thẳng hàng, gác thấp bé và làm theo kiểu “chồng diêm”. Thực sự hồi đó chỉ có ít ngôi nhà được cải tạo và lên tầng.

Vào khoảng những năm 1930 trở đi, dân phố Hàng Hòm đã mở rộng sản xuất các loại đồ da bền đẹp theo kiểu dáng mới và phù hợp để mang hành lý đi xa như va li, cặp da, túi du lịch... Ngoài ra có thêm mấy hộ gia đình chuyên làm khăn xếp, mũ tây và giày vải thêu từ bên các phố Hàng Gai, Hàng Trống mang cửa hiệu sang đây.

Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, sau đó phố lại được mang tên cũ Hàng Hòm. Trong cuộc chiến ác liệt cuối 1946 đầu 1947, cả phố đã bị tàn phá vì thuộc vùng mặt trận giữa hai bên. Giao tranh suốt ngót ba tháng; quân Pháp đã bắn đại bác vào khu này, chỉ còn nguyên vẹn mỗi ngôi nhà số 36. Đến thời tạm chiếm, phố xá đã được xây dựng lại và hầu như mất hết dấu tích nhà cổ.

Tuy nổi tiếng là con phố tí hon nhất khu phố cổ nhưng những ngôi nhà cũ kỹ ở phố Hàng Hòm đã góp phần tạo nên nét đẹp chung cho phố phường Hà Nội (Ảnh: Pinterest)

 

Sau 1954, dân phố dần dần mở thêm một số nghề khác. Trong thời chống Mỹ, phố không hề hấn gì nhưng mãi đến thập kỷ 1990, những công trình xây dựng hiện đại mới bắt đầu mọc lên trên phố này với khách sạn, nhà hàng và du lịch là hướng kinh doanh chính. Khách ăn vặt ngày nay vẫn thường đến với các hàng quán bình dân ở phố Hàng Hòm và đầu ngõ Hàng Chỉ.

Năm 1962, Hợp tác xã Mạnh Tiến được thành lập, chuyên nhận gia công hòm đựng quần áo và va ly gỗ phục vụ người thường xuyên đi công tác. Giai đoạn Toàn quốc kháng chiến (1946 - 1947), phố Hàng Hòm cùng các phố Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Thiếc đã bị bom đạn giặc Pháp tàn phá. Thời kỳ Pháp tạm chiếm (1947 - 1954), phố Hàng Hòm được xây dựng lại theo kiểu kiến trúc mới. Do biến động xã hội, số gia đình làm nghề sản xuất hòm đựng quần áo ít dần, và nghề này kết thúc vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX.

Vương vấn nét buồn xưa... (Ảnh: Pinterest)

Các di tích lân cận

  • Chùa Kim Cổ: số 73 phố Đường Thành
  • Đền Dâu: số 64 phố Hàng Quạt
  • Đền Phù Ủng: số 25 phố Lý Quốc Sư
  • Đình Cổ Vũ: số 85 phố Hàng Gai
  • Đình Đông Thổ: số 2 phố Hàng Nón
  • Đình Yên Thái: trong ngõ Tạm Thương.
  • Đình Hà Vĩ:

Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, một số người dân làng Hà Vĩ, phủ Thường Tín có nghề làm đồ gỗ sơn đã ra Hà Nội lập nghiệp ở đây. Di tích hiện còn ngôi đình ở số nhà 11, bên trong đình thờ ông tổ nghề sơn là tiến sĩ Trần Lư. Số nhà 11 này gồm phần bên ngoài là đình, hai bên có bệ ngồi của các quan viên; phần bên trong là đền thờ chư vị, cứ tuần rằm thường tổ chức hầu đồng. Người gốc Hà Vĩ vẫn giữ tập quán và phong tục hàng giáp đến lễ bái ở đình. Hàng năm đình mở hội vào đầu tháng 2 âm lịch, có tế lễ và rước kiệu thành hoàng đi quanh phố; dân làng Hà Vĩ cũng ra dự, mang cả đồ thờ theo, xong đám hội lại đem về.

Không chỉ có đồ gỗ sơn thu hút, phố Hàng Hòm ngày nay còn thuận theo nhu cầu của các vị khách sản xuất thêm hàng đồ da cần cho những người đi xa như va li, cặp da, túi du lịch đa dạng màu sắc và kiểu dáng, rất dễ lựa chọn.

Với những ngôi nhà bạc màu theo thời gian, hoạt động làm đồ gỗ sơn vẫn còn được gìn giữ và phát huy, phố Hàng Hòm cũng với những con phố khác của khu phố Cổ chính là sự hiện diện của một Hà Nội xưa cổ kính trong lòng Hà Nội phồn hoa ngày nay.