Cùng tác giả với Gantz, Inuyashiki: Last Hero (Người Hùng Cuối Cùng) đại diện cho khối định kiến dân Nhật về một số thành phần thiếu niên trong xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0 và hòa bình đã làm rạn nứt tâm hồn chưa trải, họ lạc lối trên chính con đường của họ, dửng dưng trước tình người trong khi cha mẹ ông bà vẫn miệt mài làm việc xây dựng đất nước.
+ Thể loại: Psychological, Seinen, Sci-fi, Drama, Action
+ Tác giả: Oku Hiroya
+ Độ dài: 11 episodes (anime) | 85 chapter (manga)
Khá quen thuộc với phong cách Hiroya, tạo dựng nên một khung cảnh rất đời thường, một nhịp sống quen thuộc và gần gũi rồi nhóm lên tia hi vọng bằng chi tiết viển vông. Inuyashiki Ichiro là lão già 58 tuổi luôn thấp bé trước mọi thứ, trong công việc lẫn gia đình. Lão sống với mức lương còm nhưng vẫn cố chu cấp toàn tâm cho gia đình, trong khi vợ và con luôn ruồng rẫy và nhục nhã khi có người trụ cột yếu đuối.
Không bạn bè, người duy nhất bầu bạn là chú chó Hanako. Trong một lần dẫn nó đi dạo ở công viên, lão và một thiếu niên trông thấy vật thể lạ va chạm đất và nổ tung. Kể từ ấy, lão trở thành một cỗ máy chiến đấu mạnh không tưởng với lớp vỏ bên ngoài vẫn là con người. Inuyashiki quyết định trở thành người hùng cứu mọi người.
Cả câu chuyện xoay quanh cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, nét xưa cũ và cái mới méo mó, với hình ảnh đại diện là Inuyashiki & Shishigami.
+ Inuyashiki Ichiro:
Ngay từ khi mới xuất hiện, hình ảnh lão đã toát lên vẻ tồi tội. Dáng đứng lúc nào cũng run lẩy bẩy, đôi mày cụp xuống, tóc rụng khá sớm cho tuổi 58 và mỗi khi nói hàm lại kéo xệ xuống cùng đôi má. Sự phấn đấu làm việc lao lực tích đồng tiền quèn mua được căn nhà bị vợ con dè bỉu, khinh thường. Chừng ấy tuổi rồi mà còn bị khiển trách tại nơi làm việc, chừng ấy tuổi rồi mà còn phải ăn tối một mình ở cửa hàng tiện lợi. Tóm lại, cuộc đời lão chẳng có gì vẻ vang hay tươi sáng.
Ấy vậy mà, lúc biết mình đã biến thành cỗ máy con người, Inuyashiki lấy làm nhục nhã. Cái nhục đó là cái nhục bị tước đi quyền làm người, dù lối sống cũ phải luồng cúi đê hèn như sống trong cái hang. Thậm chí, Ichiro dè dặt cho rằng mình làm việc thiện chỉ vì ích kỉ muốn chứng tỏ bản thân không phải con quái vật máy móc. Nhưng sau này, khi biết mình có năng lực chữa trị ung thư, chống đạn, bắn súng từ tay không, thính tai,... Lão vui lắm. Lần đầu tiên cứu được người, Ichiro khóc trong vui sướng. “Phải rồi, ta còn là một con người, còn có tình cảm và tâm hồn” Bi kịch lớn nhất của số phận là không cảm nhận được tình yêu. Cuộc đời đã đặt Inuyashiki vào bao tình huống éo le trớ trêu, song, lão vẫn mò về hướng ánh sáng, là quyền được cưu mang con người.
+ Shishigami Hiro:
Cậu thanh niên cùng bị vật thể lạ đánh trúng và trở thành cỗ máy người. Khác xa với lão Inuyashiki, Shishigami lại chọn sử dụng sức mạnh để giết chết con người. Không động cơ, cậu ta nhắm mắt xoay vòng nhẩm theo lời bài hát, rồi chọn ngẫu nhiên một ngôi nhà nào đó và giết sạch người bên trong, kể cả trẻ con hay người già. Việc giết người với khả năng siêu việt mới có được dường như đã trở thành một thú vui để cậu ta giải khuây khi buồn chán. Ngay đến cả mẹ của cậu ta - người duy nhất mà cậu ta yêu thương (mà sau này thì có thêm cô bạn cùng lớp & bà của cô bé), khi biết bà mắc bệnh ung thư, dù thừa hiểu mình có khả năng chữa khỏi, Shishigami vẫn gằn giọng khóc sướt mướt ôm mẹ. Sự mâu thuẫn cứ lớn dần, một mặt bảo vệ mẹ mình, một mặt xả súng vô cớ vào một gia đình?
Suy cho cùng, cậu ta cũng là kẻ đáng thương hơn đáng tội. Được ban cho sức mạnh quá đỗi phi thường, không một định hướng nào được đặt ra, Shishigami như đứa trẻ thử thứ đồ chơi mới, làm những việc pháp luật ngăn cấm. Tình cờ cứu một gia đình thoát khỏi vụ cướp, lương tâm hắn đã le lói lên điều gì đó “Có lẽ mình sẽ ngưng giết người” nhưng cuộc sống lần nữa lại dập tắt đóm sáng đó. Tìm lại cái thiện khó khăn vô cùng, trong khi bóng tối cứ chực chờ nuốt chửng siêu ngã. Xã hội Hiro sống là một đống bùng nhùng hỗn tạp, giáo dục buông lỏng, người nháo nhào theo đồng tiền, làm quái gì có phút giây trầm lặng thử ngẫm về sai lầm giết người. Shishigami là một người trẻ trong vô vàn người trẻ khác đang lạc lối, cả một thế hệ lạc lối, lost generation.
Tyler Durden, thủ vai bởi Brad Pitt, trong phim Fight Club từng có câu: “ Mày không phải công việc của mày, không phải số tiền mày có trong ngân hàng, không phải hãng xe mày lái, không phải những gì mày có trong ví hay là cái quần kaki của mày, mày là tất cả thứ khỉ hát hò, nhảy múa trên thế giới này”. Câu nói này là đề cập đến vấn nạn chung - những thứ vật chất con người cố gắng sở hữu trở thành những thứ sở hữu họ, đến khi mất tất cả, con người mới có quyền làm điều mình muốn. Bối cảnh của Inuyashiki chính là thực trạng bấy giờ, sự bàng quan trước chuẩn mực đạo đức và sự ngoi ngóp gượng dậy đeo bám giá trị vẻ đẹp xưa cũ.
Vào 1995, bộ manga Sanctuary ra đời, mang tư tưởng chính trị cải tổ lại Nhật Bản lật đổ nền thống trị tham nhũng của Đảng dân chủ cũ kỉ của hai thanh niên Hojo và Asami, yakuza thâu tóm thế giới ngầm và chính trị gia trẻ tuổi nhất Nhật Bản. Đối lập hoàn toàn với Inuyashiki, ra đời 2014, cũng kể về sự đối đầu giữa con người hai giai đoạn, nhưng cái cũ le lói ánh sáng, còn cái mới ứ đầy bất mãn chế độ.
Xem Inuyashiki, ta ngỡ ngàng, lẽ nào mình đang sống giữa xã hội tồi tệ trơ trẽn đến thế? Đời thực không hề có anh hùng như Inuyashiki, nhưng sản sinh ra đáng kể đứa trẻ vô cảm như Shishigami. Rỏ xuống mạch truyện khung cảnh đời thường, rồi thắp lên niềm tin bằng sự viển vông, Inuyashiki vươn đến người đọc bằng cả hai cánh tay seinen và sci-fi. Nhưng chạm đến người đọc trước tiên là cánh tay phải seinen, nó băng qua mọi rào cản văn hóa, tư tưởng khác biệt của mỗi nền văn minh thế giới để đến với con người với bất an chung: giá trị tinh thần đi xuống nhường chỗ cho ham muốn vật chất.
---
Xem bài viết gốc tại: Link