Sách hay đọc dịp nghỉ lễ “Thú ăn chơi của người Hà Nội” – Cuốn bút ký để đời của cố nhà văn Băng Sơn về một kinh thành văn hóa

Đó là một Hà Nội trầm mặc, cổ kính với cây bàng cổ thụ ở vườn hoa Chí Linh, là trời hoa phượng đỏ thắm nơi đường Cổ Ngư, là con đê lồng lộng gió sông Hồng, là chợ Đồng Xuân với món bún thang dậy mùi tuyệt vời, là xanh um những hàng cây sấu tròn xoe, là mùa thu hoa cúc trắng ngần quanh hồ Gươm, là con ngõ Tràng An nghi ngút khói hương tịch mịch...Không gian văn hóa, lịch sử Hà Nội còn được thể hiện sâu đậm qua hình ảnh vua Lê Thái Tổ uy nghi cầm kiếm nhìn ra phương Bắc...

 

Vài nét về nhà văn Băng Sơn

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/ 1932, mất ngày 3/9/2010. Băng Sơn có sở trường viết tùy bút, ông từng là một trong 5 cây bút có sức viết dồi dào nhất (ngũ hổ) của làng viết văn, viết báo Hà Nội. Ông đã đi khắp dải đất hình chữ S nhưng chỉ thích sống ở Hà Nội. Mặc dù không sinh ra tại Hà Nội nhưng ông đã sống và gắn bó với mảnh đất này gần như suốt cả cuộc đời mình. Con trai cố nhà văn Băng Sơn, nhà báo Trần Phương Quang nhớ lại những hồi ức về cha mình: “Hình ảnh đặc trưng nhất của cha tôi là mái tóc dài và chiếc xe đạp. Có lẽ vì ngày ngày nhẩn nha đạp xe nên từng ngõ ngách, từng gốc cây ông đều thuộc và nắm bắt được những gì tinh túy nhất. Tất cả ông dành hết cho Hà Nội, thu nạp chất liệu vào mình để rồi lúc nào đó đưa lại vào các trang văn”.

Ông là tác giả của nhiều tập sách như Thú ăn chơi người Hà Nội, Nghìn năm còn lại, Nước Việt hồn tôi, Đường vào Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường...Nhà văn Băng Sơn từng nhận được nhiều giải thưởng như: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới (2 lần), giải thưởng Văn học của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam... Năm 2009, nhà văn Băng Sơn được đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức thường niên vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 nhân dịp sinh nhật cố họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Từ những trang viết trường tồn với thời gian…

3 cuốn “Thú lang thang của người Hà Nội” và “Thú ăn chơi của người Hà Nội” (2 tập) được tái bản với thiết kế bìa “đậm chất Hà Nội”. Dù giữ nguyên gốc so với lần xuất bản đầu, thế nhưng 3 cuốn sách vẫn được công chúng quan tâm và đón nhận nồng nhiệt. Điều này chứng tỏ sức sống trường tồn của một Hà Nội qua những trang tản văn, tùy bút của một người đã từng gắn bó máu thịt với thủ đô.

Bộ ba tác phẩm nổi tiếng về Hà Nội của cố nhà văn Băng Sơn (Ảnh: Internet)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nhận xét: “Văn của Băng Sơn không giống ai, khác với những nhà văn như Tô Hoài, Vũ Bằng, Thạch Lam hay gần đây là Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà. Giọng điệu của Băng Sơn nhẹ nhõm, ngôn ngữ ông sử dụng thì bình dị và rất đời thường. Thi thoảng ông cũng làm chữ, cũng véo von nhưng đó chỉ coi như là những nét điểm xuyết chấm phá”.

“Về Hà Nội thì có viết mãi cũng không hết. Hà Nội là thủ đô đã trải qua thời gian dài được bồi đắp, bên dưới lớp phù sa là lấp lánh nét văn hóa, là sự phong phú dày dặn của phong tục đời sống. Người trẻ vẫn sẽ tiếp tục viết về Hà Nội, nhưng những tùy bút, tản văn của Băng Sơn sẽ không bao giờ chết” – nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nói thêm.

Đôi lần có dịp được tiếp xúc với nhà văn Băng Sơn lúc sinh thời, ấn tương của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến về ông là ở sự hiền lành chất phác không phá cách, và cả sự tỉ mẩn, tìm tòi nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc tìm kiếm chất liệu văn chương.

Qua những trang sách dành trọn tình yêu cho mảnh đất kinh kỳ, người đọc cảm nhận được tình yêu rất lớn của Băng Sơn dành cho Hà Nội, không phải do ông viết về cái gì đó lớn lao hay vĩ mô mà khởi nguồn từ những điều vô cùng đời thường và dung dị. Đó là thú chơi, thú ăn tinh tế của người Hà Nội hay những người bạn tâm giao, những con phố, cây xanh ở hồ Gươm… Nghiên cứu sâu văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, Băng Sơn viết nhiều bài có giá trị về cách ăn uống mang tính văn hóa cao độ trên mảnh đất kinh kỳ này. Các bài tùy bút tản mạn như “Ăn gì ngày Tết?”, “Quà Hà Nội và người Hà Nội ăn quà”, “Phở”, “Bún chả”, “Bún thang”, “Chả cá”…đến “Mắm đồng”, “Rau húng láng”, “Gia vị”… Băng Sơn cũng thể hiện và bày tỏ sự thích thú khi lang thang qua những con phố Hà Nội, mơ màng ngắm những đám mây bay và đắm say trong hương thơm nồng nàn của hoa sữa.

Hà Nội những năm thập niên 90 (Ảnh: Internet)

Đến việc lưu giữ tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội trong tập bút ký

Nói đến Hà Nội thì phải nhắc đến văn hóa ẩm thực. Người Tràng An thanh lịch vốn có một gu ẩm thực cực kỳ tinh tế và nổi tiếng cầu kỳ, tinh xảo. Thế nhưng, cũng có những món ăn đạm bạc, giản dị nhưng đã đi vào huyền thoại của những người con ở mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Trong tập đầu của “Thú ăn chơi của người Hà Nội”, khi viết về văn hóa ẩm thực của mảnh đất ngàn năm văn hiến này, nhà văn Băng Sơn gọi đó là những thức quà không thể thay thế đối với những người con xa quê, điển hình như “Canh sấu mùa hè”. Chỉ là bát canh rau muống, nước luộc thanh thành, vắt thêm chút chanh, dầm quả me hay dầm thêm vài quả sấu là ta đã có một bát canh chua giải nhiệt mùa hè như Băng Sơn viết: “Người Hà Nội ăn rau muống quanh năm, nhưng có lẽ chỉ mùa này, quả sấu đầu mùa mới làm món nước rau luộc ngon đến thế, không kể sợi rau xanh rờn còn được chấm vào bát nước mắm dầm sấu, có cùi sấu màu vàng nhạt pha màu xanh nhạt cùng vị chua không gắt như chanh như dấm”.

“Người Hà Nội ăn rau muống quanh năm, nhưng có lẽ chỉ mùa này, quả sấu đầu mùa mới làm món nước rau luộc ngon đến thế, không kể sợi rau xanh rờn còn được chấm vào bát nước mắm dầm sấu, có cùi sấu màu vàng nhạt pha màu xanh nhạt cùng vị chua không gắt như chanh như dấm”

(Ảnh: Facebook Uyên Lê)

 

Bàn tay thiếu nữ Hà thành khéo léo làm được đủ món từ bún nem bún chả, bánh chưng bánh dầy đến thịt đông ngày Tết. Thế nhưng hãy khoan nói đến những cao lương mỹ vị hay những món cần đến sự tỉ mỉ công phu, trong cái tiết trời đỏng đảnh khó chiều của mùa hè, “bát canh sấu ngọt mà thanh, chua mà dịu, trong vắt vẫn đậm đà” như cứu tinh cho một ngày lao động hăng say và mệt mỏi. Người ta thưởng thức canh sấu không chỉ để cảm thấy sảng khoái trong một trưa hè oi bức, mà còn để nhớ lâu hơn một thức quà đặc trưng của Hà Nội khi mùa về: “Nhớ đĩa rau luộc xanh rờn mềm mại đựng trong lòng đĩa sứ trắng tinh thanh khiết, ngọn rau muống chấm vào bát nước mắm dầm sấu, chua một vị chua đầu hè gợi nhớ, một vị chua riêng biệt của Hà Nội xanh um những hàng cây tròn xoe, đẹp như tranh…”

Phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa tinh thần và lối sống đặc trưng của người Hà Nội

Nếu như tập đầu của “Thú ăn chơi của người Hà Nội”, nhà văn Băng Sơn tập trung đi sâu khai thác nét đẹp văn hóa ẩm thực Hà Nội với cốm Vòng, bún chả, bún thang hay phở bò thì sang đến tập thứ hai, nhà văn khai thác khía cạnh văn hóa tinh thần và những lề lối, tập tục đã thành tục lệ của người thủ đô sành điệu. Thông qua các trang viết của ông, có thể thấy ông có một niềm yêu thích đặc biệt với Tết. Ta có thể thấy nhà văn tỉ mẩn bóc tách từng lớp phong tục đầu xuân của kinh thành Thăng Long rồi trầm trồ trước nét thanh lịch rất duyên trong từng tập quán.

Ngày ba mươi Tết không thể thiếu “hương mùi già”. Ngày Tết, người Hà Nội bao thế kỳ nay vẫn duy trì tập tục tắm tất niên. Cây rau mùi thường ngày được nêm vào món ăn như một thứ gia vị, thường xuất hiện trong những bát phở, bún, hay cả những “đĩa rau sống cho bún riêu, chả cá, canh dưa, bát măng hầm, bát bóng thả, đĩa có hình bầu dục bầy con cá bỏ lò…” Đến độ tháng Chạp, cây mùi ra hoa và biến thành mùi già. Người Hà Nội từ lâu đã tin rằng tắm nước mùi già vào chiều cuối năm sẽ giúp thanh tẩy, loại bỏ đi những muộn phiền và sự xui rủi của năm cũ, tất cả để con người có thể cảm thấy một nguồn năng lượng tích cực để đón chào một năm mới. Băng Sơn viết: “Hương thơm của lá mùi già không bao giờ làm ai khó chịu, hắt hơi, dù đứng sát ngay bên cạnh. Nó cứ như có như không, nó mơ hồ lãng đãng như sương bạc… Nhưng nó thơm, chính hương thơm này mới là Tết…”

 

Mỗi dịp Tết đến xuân về là người Hà Nội lại chuẩn bị nắm lá mùi già để xông tẩy thanh lọc bản thân trước thềm năm mới (Ảnh: Internet)

Trong tùy bút “Tết Thăng Long Hà Nội” viết năm 1992, “Một hình ảnh khó quên là trước Tết vài tuần, có những ông già lực lưỡng, vác cái cưa ngang và chiếc búa quả vả đi bổ củi thuê, góp lửa cho nồi bánh chưng. Cưa vèo vèo, bổ phăm phăm, những cây gộc, những phiến củi tạ, chỉ giây lát thành những thanh củi đẹp mắt, ngon như miếng giò lụa khổng lồ…Nồi bánh chưng luộc bằng bếp dầu, bếp điện và cả bằng nồi áp suất, thuận tiện thì có, nhưng cái vui cái đẹp, sự hồi hộp, niềm náo nức thì không, cũng mất đi luôn cái nồi nước lá mùi già thơm nức để tắm tất niên, đặt kèm bên bếp lửa sôi lục bục suốt đêm, hồng đôi má coi bánh giúp mẹ”.

Tết Thăng Long Hà Nội, đặc trưng nhất, “tưng bừng nhất có lẽ là sau ngày ông Táo lên chầu trời. Con cá chép bay lên chín tầng mây thì ở hạ giới, chợ hoa bắt đầu họp. Đầu tiên là quất, hoa đào, cây cảnh, những ngày sau đó mới có hoa cắt… Phật thủ Lạng Sơn vàng ươm, xanh óng, quả đủ hình thù, làm mâm ngũ quả cứ thơm ngát suốt mấy ngày Tết, thơm gần hết tháng giêng. Lá dong bạt ngàn. Cái chợ lá ở ngõ Thanh Hà đầy ắp, rồi tỏa đi khắp chợ cùng quê. Đã thấy nhiều em gái, nhiều thiếu nữ ngồi rửa lá dong bên máy nước, giúp đỡ mẹ một công việc khá quan trọng. Lá sạch bánh mới không thiu, rằm tháng giêng vẫn ngon như thường. Nồi bánh chưng là quan trọng, và cũng là nặng nhọc nhất, hồi hộp nhất”.

“Những mâm cỗ cúng giao thừa lác đác trên nhiều đường to ngõ nhỏ. Khói hương nghi ngút, thơm ngát, người lễ vái khấn khứa tâm thành. Lộ thiên thôi, thế mới là cúng trời cúng đất, mới dễ thấu đến cõi huyền vi”.

Trong tùy bút “Bánh cuốn bà Hai Tầu”, nhà văn tái hiện lại một thú ăn chơi trong những đêm đông giá lạnh có thêm ý vị của người Hà Nội, đó là ăn ngô nướng. Nhà văn ghi chép lại trong tập bút ký những chi tiết thật quý giá, chỉ là một thói quen ăn uống của người Hà Nội mỗi trời chuyển sang đông, mà sao nó lại hiện lên thân thương và gẫn gũi đến vậy.

Ngô nướng được xem như món quà bình dân mùa đông. Trên vỉa hè một ngõ nhỏ ở nhiều con phố của thủ đô, hình ảnh cô bán hàng ngồi bên cạnh chậu than hoa rực hồng, một tay xoay tròn khéo léo những bắp ngô mới thu hoạch căng tràn sữa, một tay quạt nhè nhẹ cho hơi lửa bốc lên vừa đủ nướng chín các thứ quà buổi tối mùa đông, xung quanh là những thực khách với ánh mắt háo hức chờ đợi bên những câu chuyện rì rầm và âm thanh lép bép của lò than…tất cả tạo nên một không gian ấm cúng lạ kỳ. Ngô để nướng không được quá già, quá non, mà phải là bánh tẻ. Cảnh ngô nướng đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người yêu văn hóa kinh kỳ Hà Nội: “Ôi những mùa đông, những đêm đông Hà Nội, có những buổi sao mà rét thế, đúng là đại hàn chi cực. Ở nhiều ngã ba đầy gió, chỗ chân cột đèn hay dưới một mái hiên, có những đốm lửa lập lòe, vài bóng người ngồi chạm vào nhau, không nhìn rõ mặt, rõ hình mà chỉ thấy lấp loáng ánh lửa than hồng từ đấy bay ra, loang ra một hương thơm ấm áp, ánh than cứ hồng lên, chớp lên theo tay quạt. Đó là hàng ngô nướng.

“Hà Nội mùa đông, quán đêm thơm nồng mùi ngô nướng xém”

(Ngẫu hứng phố - Trần Tiến) (Ảnh: Internet)

Cầm một bắp ngô nướng màu vàng nhạt, trong trong, có những chấm đen huyền chạy dọc theo hàng hạt ngô, cái ấm của lửa than, của ánh bếp lấp loáng trong màu mắt nhìn không rõ của cô bán ngô…nó thấm vào tay ta, vào toàn thân ta. Hạt ngô mềm, dẻo, ngọt bùi và nhất là thơm. Người Hà Nội ăn ngô nướng không ngoạm cả cái ngô mà cạp theo thứ tự từng hàng. Ngón tay cái phải đưa đều từ hàng nọ sang hàng kia như nhấn trên dây đàn, không vang lên âm thanh mà bừng lên sự ấm áp ngọt bùi thơm thảo. Hương ngô nướng nhè nhẹ bay ra, bay xa như thức tỉnh một thứ hương đồng nội xa xôi có ổ rơm, có tiếng gió hú ở ống tre tròn nơi đầu hồi nhà, có tiếng xuýt xoa vì rét, có bước chân ai đi vội bên lũy tre um tùm đầy tiếng gió kẽo kẹt”.

Gần 600 trang sách được chia làm hai quyển, "Thú ăn chơi của người Hà Nội" là một cuộc du hành đến mọi ngóc ngách, con đường to nhỏ của kinh thành Thăng Long, mà đi đến đâu cũng thấy văn hóa ngàn năm văn hiến yên bình và có giá trị. Hẳn trong lòng nhà văn Băng Sơn phải có một tình yêu thiết tha với Hà Nội mới có thể nhìn thấy cái đẹp ẩn mình trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất, từ gia vị ngày Tết đến bát nước chấm thường nhật, đến cả thú chơi hoa hay chuyện giày dép của người thiếu nữ. Giữa một xã hội xô bồ với còi xe inh ỏi và những đề án gây xôn xao không dứt, “Thú ăn chơi của người Hà Nội” như một nốt nhạc trầm, để nhắc ta nhớ về một tình yêu với Hà Nội đậm chất văn hóa và thanh lịch.