Người Nhật sử dụng rong biển trong bữa cơm hàng ngày bởi hương vị đậm đà và giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời còn có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh và làm đẹp. Tuy nhiên theo báo cáo mới nhất, Nhật Bản lại đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng THIẾU RONG BIỂN trầm trọng.
Liệu trong những năm tới đây, bữa ăn của người Nhật sẽ dần vắng bóng rong biển?
Rong biển (tiếng nhật là Nori: 海苔) từ lâu đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu của nền ẩm thực Nhật Bản. Nó không chỉ là thành phần làm nên các món mỹ thực nổi tiếng của xứ xở hoa anh đào, mà còn là vị thuốc có lợi cho sức khỏe, và góp phần hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, tim mạch.
Từ ngàn năm trước, rong biển đã có mặt trong chế độ ăn uống của người Nhật, và được gọi như là một loại "siêu thực phẩm" nhờ hương vị đậm đà, giàu dưỡng chất, lại ít calo, dồi dào chất xơ và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, vào khoảng hơn nửa thế kỷ trước, rong biển từng rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tại quốc gia này. Năm nay, cuộc khủng hoảng ấy lại tiếp tục trở lại khi sản lượng phân phối rong biển của 2019 giảm hẳn 15% so với những năm trước. Các chuyên gia dự đoán rằng sản lượng rong biển của Nhật Bản có nguy cơ rơi xuống mức đáng báo động sau 41 năm, đồng nghĩa với việc giá cả của chúng sẽ tăng vọt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt này là bởi nhiệt độ nước biển tại khu vực gần bờ biển Nhật Bản đang ngày càng tăng cao. Trong khi để trồng được rong biển thông thường cần có mức nhiệt độ dao động ở khoảng 10-20 độ C. Vậy nên, hiện trạng nhiệt độ tăng cao sẽ khiến việc trồng rong biển của người nông dân càng thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, do thiếu hụt nguồn thức ăn mà nhiều năm gần đây loài cá Kurodai đã chuyển sang ăn rong biển được nuôi trồng, gây ra thiệt hại không nhỏ cho mùa màng của bà con nông dân.
Chủ cửa hàng rong biển Edomae - một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Nhật cho biết: "Hiện nay, mức giá trung bình của một miếng rong biển là từ 11 yên đến 12 yên. Tuy nhiên, năm nay do một số nguyên nhân mà tình trạng khan hiếm rong biển trở nên nghiêm trọng hơn. Giá một miếng rong biển cũng vì thế mà tăng đến 13 yên, 14 yên."