Thông tin từ ban tổ chức:
Khi F.M.Dostoevsky “đến” Việt Nam: du hành liên văn bản trong văn học và điện ảnh
---------
Năm 2021, với những quy mô khác nhau, nước Nga và nhiều nước trên thế giới tổ chức kỷ niệm 200 năm sinh F.M.Dostoevsky (1821 – 1881). Đánh giá về tầm quan trọng của ông đối với đời sống của chúng ta, có lẽ đúng như Stefan Zweig nói, “là một công việc khó khăn và mạo hiểm”, bởi “chiều rộng và sức mạnh của cá tính ông thoát ra ngoài mọi thể thức đánh giá hiện có”.
Thế giới bí ẩn, phức tạp bên trong con người mà Dostoevsky đã tài tình khơi mở và đào xới đến hôm nay vẫn không ngừng lôi cuốn chúng ta; và ý nghĩa phổ quát của những vấn đề triết học, đạo đức, tinh thần mà ông đặt ra và khai thác trong tác phẩm, dù một thế kỷ rưỡi đã qua, vẫn chưa mất đi tính thời sự và chắc rằng sẽ mãi làm nên “cuộc sống trong trường cửu” của ông.
Hoạt động chiếu phim và sinh hoạt khoa học "Khi Dostoevsky “đến” Việt Nam: du hành liên văn bản trong văn học và điện ảnh" hướng tới giới thiệu một khía cạnh trong tiếp nhận di sản Dostoevsky ở Việt Nam - đó là sự nối dài sức sống các tư tưởng của Dostoevsky trong những hình hài văn bản mới, những cuộc đời mới, ở một vùng đất mới, bên ngoài quê hương ông.
Mỗi đạo diễn, mỗi nhà văn thuộc những quốc gia, những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, khi tiếp nhận Dostoevsky, phải chăng là đang đi tìm một hình ảnh Dostoevsky của riêng mình, thông qua “liên văn bản” với Dostoevsky truy cầu lời giải cho những vấn đề của bản thân và thời đại mình? Những câu chuyện thuộc về nước Nga thế kỷ XIX sẽ thế nào khi chúng biến hoá thành câu chuyện xảy ra tại Việt Nam thời hiện đại, trong những thước phim của Lê Văn Kiệt, trong truyện của Hồ Biểu Chánh, Vũ Bằng, Nhất Linh, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh…?
Nói về những dịch chuyển liên văn hoá trong tiếp nhận tư tưởng Dostoevsky cũng là cơ hội để chúng ta nói về nhiều khía cạnh chuyên môn trong thực hành nghiên cứu so sánh, nghiên cứu liên văn bản, nghiên cứu tiếp nhận.
Nói về Dostoevsky trong tư cách một nhà văn cổ điển cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về cách thức lưu giữ, duy trì giá trị của văn chương cổ điển trong đời sống xã hội đương đại, đặt câu hỏi, liệu có phương tiện kỹ thuật nào, hình thức, phương tiện truyền thông nào… có thể kéo các độc giả, khán giả trẻ tuổi đến gần hơn với những tác gia, tác phẩm văn học kinh điển?
Tất cả những điều này sẽ được đặt ra và thảo luận trong buổi sinh hoạt khoa học.
---------
THÔNG TIN SỰ KIỆN:
Chiếu phim "Dịu Dàng" (2014, đạo diễn Lê Văn Kiệt), chuyển thể từ truyện "Cô gái nhu mì" (1876) của F.Dostoevsky.
Sinh hoạt khoa học "Khi F.M.Dostoevsky “đến” Việt Nam: du hành liên văn bản trong văn học và điện ảnh".
Khách mời tham dự buổi chiếu phim và sinh hoạt khoa học:
Diễn giả:
+ PGS. TS Trần Thị Phương Phương (ĐHKHXH&NV, ĐHQGTpHCM)
+ ThS. Lê Thị Tuân (Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN)
Khách mời tham dự:
+ Ông V.V.Stepanov (Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội)
+ PGS.TS. Đỗ Hải Phong (Đại học Sư phạm Hà Nội)
+ PGS.TS. Phạm Gia Lâm (Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN)
Các thầy cô giáo Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Hà Nội, ĐHSPHN, Viện Văn học, ĐHKHXH&NV TpHCM…
Và đặc biệt, một vị khách mời bí ẩn sẽ xuất hiện tại sự kiện mà BTC sẽ tiết lộ sau.
Host:
+ TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN)
+ TS. Nguyễn Thị Như Trang (Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN)
Ban Tổ chức sự kiện: Bộ môn Văn học Nước ngoài và Nghiên cứu so sánh, Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) và Bộ môn Văn học Nước ngoài, Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội)
Thời gian: 13h30 Thứ Bảy, ngày 6/11/2021
Địa điểm: Phòng Zoom.
Để tham gia sự kiện, các bạn vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY
Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện