Sự kiện chiếu phim và thảo luận: Phim nhân học - Tajen

Buổi chiếu phim "Tajen" là sự kiện đầu tiên nằm trong chuỗi Chiếu phim nhân học và thảo luận do nhóm Kula Vietnam và gấu-thiên-thể tổ chức, diễn ra tại Sàn Art.

* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian: 14h00 - 17h30 Chủ Nhật | Ngày 02/10/2022

2. Địa điểm: Sàn Art, Millennium Building, Văn phòng B6.16 - 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM (vào cổng Nguyễn Hữu Hào)

3. Ngôn ngữ: Phim Tiếng Anh, phụ đề Tiếng Việt; thảo luận Tiếng Việt

4. Cách thức tham gia: Sự kiện vào cửa miễn phí!!

Link đăng ký: https://forms.gle/n1mYP1sX5RLbd4sH6

(Vì không gian có hạn, bọn mình sẽ chỉ ưu tiên 20 bạn đăng ký trước!)

Sự kiện chiếu phim và thảo luận: Phim nhân học - Tajen

5. Giới thiệu về phim "Tajen" (2017):

"Tajen" là một từ vựng tiếng Bali nghĩa là chọi gà (đá gà). Tại Bali, chọi gà vừa là một hoạt động truyền thống thu hút nhiều người tham dự, vừa bị xem là hành vi phạm pháp khi đặt dưới những quan điểm về trị an và quyền động vật. Vào thập niên 1970, nhà nhân học Clifford Geertz đã đến Bali để nghiên cứu về chọi gà và xuất bản công trình kinh điển "Chơi tất tay: ghi chú về chọi gà ở Bali" để lại nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Nhân học.

Gần 50 năm sau, các nhà nhân học và nhà làm phim đã trở lại Bali để khám phá lại một hoạt động vốn đã trở nên kinh điển trong nghiên cứu Nhân học, nay được xem xét trong bối cảnh đương đại với nhiều đổi thay so với thập niên 1970. Trong phim tài liệu "Tajen" (năm 2017), các nhà làm phim sử dụng những thể nghiệm của phương pháp tri giác (sensory) để đưa người xem dự phần vào khung cảnh đẫm mùi bạo lực và cuồng nhiệt của những buổi hội đá gà, tiếp tục dẫn dắt người xem khám phá những cấu trúc xã hội đằng sau hoạt động gây nhiều tranh cãi này.

Bộ phim do đội ngũ các nhà làm phim và nhà nhân học thực hiện: Robert Lemelson, Alessandra Pasquino, Briana Young và Julia Zsolnay.

6. Về chuỗi chương trình "PHIM TÀI LIỆU NHÂN HỌC VÀ NHỮNG THỰC TẠI":

Chương trình giới thiệu đến người tham dự những thước phim tài liệu sử dụng lý thuyết của ngành Nhân học nói riêng và Khoa học Xã hội nói chung, từ đó phân tích các vấn đề về văn hóa, xã hội của nhiều cộng đồng trên thế giới, đặt ra sự liên hệ và suy tư về đời sống của con người trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại. Đồng thời, chuỗi chương trình hướng đến các thảo luận về phương pháp làm phim tài liệu theo lý thuyết nhân học, các thảo luận về trình hiện thực tại và mối liên hệ của phim nhân học với các hình thức thể nghiệm của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

7. Về diễn giả:

Phan Trương Hưng Thịnh - người sáng lập dự án Kula Vietnam, một nhóm nghiên cứu độc lập, liên ngành trong lĩnh vực Nhân học. Dựa trên ý tưởng về nghi lễ vòng tròn Kula của thổ dân trên quần đảo Trobriand, vốn nhấn mạnh việc cho hơn là nhận lại, dự án Kula Vietnam mong muốn lan tỏa tri thức và kết nối cộng đồng. Nhóm hướng tới những thể nghiệm mới về ghi chép điền dã dân tộc học, phim Nhân học và lý thuyết Nhân học đặt trong sự kết nối với đời sống nhân sinh hiện nay.

Trương Trần Trung Hiếu - người đồng sáng lập các dự án Tản Mạn Kiến Trúc và gấu-thiên-thể, với mong muốn kết nối các thảo luận luận về di sản, văn hóa, nghệ thuật đương đại trong sự tham chiếu với các lý thuyết khoa học xã hội và nhân văn.

---

Thông tin liên hệ:

Fanpage: https://www.facebook.com/SanArtVN

Event: https://www.facebook.com/events/1111740679546054