Phật giáo đã trải qua một chặng đường lịch sử hơn 2500 năm và cho đến nay vẫn được nhân loại mến mộ bởi những giá trị nhân văn tốt đẹp: tinh thần bác ái, từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha,...
* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH
1. Thời gian: 19h30 Chủ nhật, ngày 19/09/2021
2. Hình thức: Livestream trên fanpage Philosapiens
Link: https://www.facebook.com/PhilosapiensCircle
3. Diễn giả: Trương Quốc Long Phương
4. Dẫn chương trình: Thủy Tiên
Người sáng lập Phật giáo là Đức thái tử Siddhārtha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), sinh năm 563 TCN, con của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) nước Kapilavastu ở chân núi Himalaya. Là một thái tử, từ nhỏ, Tất Đạt Đa đã sống trong nhung lụa và chưa hề biết thế nào là đau đớn và bất hạnh. Cho đến năm 17 tuổi, khi được trải nghiệm sâu sắc về nỗi đau khổ Sinh - Lão - Bệnh - Tử của nhân thế, Ngài đã quyết định từ bỏ cuộc sống đế vương và người vợ hiền của mình (công chúa Yasodhara/ Da Du Đà La) để ra đi tìm kiếm con đường diệt khổ. Đến năm 35 tuổi, Đức Phật đã ngộ ra chân lý về bản chất của tồn tại và nguồn gốc của mọi sự khổ đau (thể hiện qua các thuyết "Tứ diệu đế", "Duyên khởi",...), từ đó đề ra con đường giải thoát chúng sinh.
Giáo lý Phật giáo rất giàu tính chất triết học, được xem xét trên nhiều bình diện: bản thể luận (bản chất của tồn tại), nhận thức luận (bản chất của nhận thức), duy thức học (bản chất của ý thức), đạo đức học,... Khi luận bàn về bản chất của tồn tại, Đức Phật cho rằng thế giới là vô thường, tức luôn biến đổi không ngừng; trong thế giới không có cái gì vĩnh hằng, cố định, bất biến, bất tử như Thượng đế, linh hồn, bản chất, tự ngã,... Vạn vật đều do "nhân duyên" hòa hợp mà thành. "Pháp" do nhân duyên sinh khởi cũng do nhân duyên mà diệt, nên bản chất của thế giới là không có tự tính, cũng tức là không có gì "thường còn, thường hằng, thường trú" (tồn tại vĩnh viễn, bất biến, mãi mãi ở đó). Thế giới là vô thường được xem là tiền đề quan trọng nhất của triết học Phật giáo.
"Ngã" là một thuật ngữ vốn bắt nguồn từ đạo Bà La Môn (đạo này cho rằng Brahman - Phạm Thiên chính là bản thể hằng hữu, vĩnh cửu của vũ trụ), được hiểu là chỉ những thuộc tính cố định, bất biến, không bao giờ đổi thay của tạo vật. Đức Phật đã phản bác tiền đề "Ngã" của đạo Bà La Môn bằng cách đề ra "phản đề" "vô ngã". Bởi vì vạn vật "vô thường" nên không có gì được gọi là "ngã", "tự ngã" hay "hữu ngã"; thế giới luôn biến đổi, hư hoại chứ không tồn tại cái gì là bất biến, vĩnh hằng: có sống thì có chết, có sinh thì có diệt, có đến sẽ có đi… Con người chẳng qua là sự tập hợp của 5 uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho nên con người không phải là một thực thể lâu dài, bất tử - điều mà con người luôn khao khát. Bởi vì vô minh, không quán trí tuệ: "Thế giới là vô thường", "Thế giới là vô ngã", ở con người đã khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không bao giờ giải thoát.
Con người hạnh phúc, khổ đau, phiền não… xét cho cùng đều do chính tâm con người tạo ra. Tự bản thân giác ngộ được cuộc sống là thường biến, trên đời chẳng có gì là mãi mãi, đoạn trừ lòng dục, tham, sân, si, từ bỏ "ngã" hay "ngã sở hữu" để cho "chấp ngã" không sanh khởi… mới là con đường để thoát khỏi những muộn phiền khổ đau ở thế gian.
Author: Xuân Kỳ
Designer: Châu