Tại sao Nhật Bản tiếng Anh lại là JAPAN, trong khi họ tự gọi mình là NIHON?

Tại sao Nhật Bản tiếng Anh lại là Japan, trong khi họ tự gọi mình là Nihon? Nếu vậy thì từ Japan bắt nguồn từ đâu?

Đầu tiên, tôi muốn nói rằng, nguồn gốc của từ liên quan đến rất nhiều thứ, vì vậy thường không có bằng chứng cụ thể cho quá trình thay đổi của từ. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đa số công nhận cho từ này.

Từ "Japan" bắt nguồn từ sự chuyển đổi ngữ âm của từ tiếng Trung 日本 (Nhật Bản)(1)

Tại sao Nhật Bản tiếng Anh lại là Japan, trong khi họ tự gọi mình là Nihon

Người phương Tây đầu tiên nhắc đến Japan một cách chi tiết là Marco Polo. Thực sự thì Marco Polo chưa bao giờ đến Nhật Bản, mà biết đến nó trong khi ông ở Trung Quốc. Sự hiểu biết của ông về Nhật khá sai lệch và hoang đường vì ông biết thông qua truyền thuyết mà người Trung Quốc kể về Nhật Bản. Người Trung Quốc không xem Nhật Bản là nơi đáng để đến, nên những điều họ biết về Nhật khá là khiêm tốn. Có rất nhiều câu truyện kể về mặt trời bắt nguồn từ một hòn đảo kỳ lạ, nơi người dân ở đó rất lùn và có một cái cây thần tên là Fusou (Phù Tang)(2). Marco Polo nghe những câu chuyện này và về sau mô tả Nhật Bản là một vùng đất có những cung điện xây bằng vàng và ngọc trai. Điều này đúng với một số ngôi đền đầu thời Fujiwara, nhưng người Trung Quốc và Marco Polo phóng đại nó như là El Dorado của phương Đông vậy.

Marco Polo gọi vùng đất này là "Cipeng" , bắt nguồn từ tiếng Trung là 日本 (Nhật Bản) và còn được đọc là "Ziben, Zipeng, Riben"... tùy theo thổ ngữ và phương ngữ địa phương. "Cipeng" có thể bắt nguồn từ phương ngữ phương nam.

Hầu hết người phương Tây biết đến sự hiện diện của Nhật Bản thông qua Marco Polo, và vì vậy tên của Nhật Bản được biết đến như "Cipeng" hoặc "Cipang". Ví dụ như Christopher Columbus, người được truyền cảm hứng rất nhiều từ Marco Polo, đã gọi Nhật Bản như vậy. "Cipeng" cũng có thể được viết là "Zipeng", "Jipeng" và "Gipeng" vì không có tiêu chuẩn chính thức. Âm hiện đại phổ biến nhất của "Cipeng" là "Zipang". Về sau, với việc giao thương và thuộc địa hoá của Bồ Đào Nha tại Đông Nam Á vào thế kỉ 16, việc dùng âm "J" của tiếng Bồ Đào Nha trở nên phổ biến hơn. Bắt nguồn từ phương ngữ phía Nam Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á gọi Nhật Bản là "Japun". Vì lí do này, giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha phát âm từ "Cipeng" thành "Jiapeng" hay "Jiapang".

Tại sao Nhật Bản tiếng Anh lại là Japan, trong khi họ tự gọi mình là Nihon

Người Bồ Đào Nha là những người châu Âu đầu tiên tiếp xúc với Nhật Bản, khi họ đặt chân đến Tanegashima năm 1542. Họ gửi những giáo sĩ Dòng Tên đến vùng đất này để truyền giáo cho dân địa phương. Việc này đã rất thành công, vì người Nhật đang trong thời kì nội chiến và cải cách, những kiến thức về khoa học, vũ khí... mà người "Nanban"(3) mang lại đã thúc đẩy những cuộc chiến tranh. Bồ Đào Nha đã thiết lập quan hệ độc quyền về thương mại với Nhật Bản cho đến khi họ bị thay thế bởi người Hà Lan dưới thời Tokugawa Ieyasu. Trong thế kỉ 16, khi phương Tây bắt đầu có cái nhìn khách quan hơn về Nhật Bản, Bồ Đào Nha là nước hiểu biết nhất về nó. Theo ghi chép sớm nhất, phát âm của từ Nhật Bản bằng tiếng Anh là "Giapan", được dịch từ một lá thư từ giáo sĩ Dòng Tên. Tên của Nhật Bản ở các nước châu Âu, từ Giaponne của Ý đến Japan của Anh có thể bắt nguồn từ nó.

* Bonus: 

Tại sao nếu là El Dorado của phương Đông thì người Trung Quốc nghĩ nó không đáng để đến hay giao thương?

>> Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng những câu truyện về Nhật là do người Trung Quốc không quan tâm đến Nhật Bản cho lắm nên khá thiếu kiến thức về nó. Còn El Dorado, là 1 truyền thuyết được sinh ra trong thời kỳ con người ta tò mò về những vùng đất mới và mong muốn được khám phá.

Theo Nguỵ Chí thời Tam quốc, người Hán và người Nhật đã có tiếp xúc từ thời Hậu Hán. Khi đó, người Nhật còn trong thời kì Yayoi, theo Shaman giáo và có lối sống khá nguyên thủy. Đối lập, triều Hán là một trong những triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Hoa. Vì vậy, ấn tượng người Nhật Bản là những người man di kéo dài đến tận triều Thanh.

Cuối cùng, những ấn tượng này còn lan truyền mạnh mẽ hơn những câu truyện truyền thuyết về xứ sở Phù Tang. Về sau, người Trung Quốc vẫn tin rằng họ vĩ đại hơn và người Nhật Bản phải phục tùng Thiên mệnh và Thiên tử. Người Trung cũng tin rằng Nhật Bản chỉ là vùng đất cằn cỗi với bọn giặc lùn, hơn là tin rằng nó là vùng đất trong huyền thoại. Ngược lại, Marco Polo lại sẵn sàng tin những truyền thuyết này hơn.

Hơn nữa, vào thời kì trung đại, ấn tượng về Nhật Bản của người Trung thay đổi: cướp biển, hay Oa khấu. Oa khấu thường tấn công và cướp bóc dọc bờ biển Trung Quốc và Triều Tiên. Từ đó, thái độ của người Trung từ thờ ơ chuyển thành chán ghét và ngăn cấm tư thương với Nhật Bản.

___

Chú thích:

(1) Nhật Bản, 日: âm là nhật hay nhựt, tức là mặt trời, 本: âm là bản, bổn, bôn, tức là gốc cây, cội nguồn, nguồn gốc...

(2) Fusou/Phù Tang: tương truyền ngoài Đông Hải, có cây dâu, là nơi mặt trời mọc.

(3) Nanban, hay Nam man, theo tư tưởng Hoa di, trung tâm là Hoa Hạ có văn minh lễ nghĩa, còn xung quanh là man di mọi rợ, có đông di, nam man, tây nhung, bắc địch. Người Nhật ban đầu gọi người phương Tây là Nanban do họ đến bằng những con thuyền ở phương Nam.

(4) Có tài liệu nói Marco Polo gọi Nhật là Cipangu