Sự phi lý là hiện thực duy nhất trong cuộc đời mỗi con người chúng ta và nó sẽ đeo bám con người mãi cho đến khi con người xa lìa cõi sống này. Trước tình cảnh cuộc sống phi lý như thế, tự sát đã được Camus xem xét như là một vấn đề thật sự nghiêm túc, khi người ta thường coi việc tự sát là một cách hiệu quả nhất để rời xa cuộc sống phi lý.
Thế nhưng, cái chết không thể nào là một cách giải thoát, bởi vì chúng ta không thể chắc chắn liệu tự sát có thật sẽ chấm dứt sự phi lý hay không. Chúng ta chỉ biết chắc tự sát sẽ chấm dứt cuộc đời gắn liền với sự phi lý này.
Các triết gia hiện sinh dù yêu đời hay chán ghét cuộc sống đều không muốn chấm dứt sự phi lý theo cách ngớ ngẩn như thế và muốn tìm cách "vượt qua" sự phi lý bằng những luận giải hoặc là cho rằng Chúa sẽ cứu vớt sự tồn tại của con người khỏi sự phi lý (chủ nghĩa hiện sinh hữu thần) hoặc là con người tự biến mình thành một tồn tại đặc biệt, tự biết cách vượt qua sự phi lý của cuộc sống (chủ nghĩa hiện sinh vô thần).
Camus gọi cách chấm dứt sự phi lý như vậy của các nhà hiện sinh là "tự sát triết học" - một kiểu nói mỉa mai với ý nghĩa rằng việc làm đó cũng không khác gì là tự sát. Hành động tự sát xuất hiện khi con người hoặc là tin rằng cái chết hứa hẹn sẽ đem đến những điều tốt đẹp hơn vốn dĩ không có trong cuộc sống trần thế này, hoặc ít nhất là bởi họ cho rằng cuộc sống không còn gì đáng để nỗ lực và tiếp tục sống nữa. Tự sát triết học cũng tương tự như thế, vì các triết gia hiện sinh coi sự phi lý chỉ là một rào cản để con người bước chân đến được một tầm cao tồn tại mới, hoặc là một niềm tin ảo tưởng rằng có một tầm cao tồn tại hơn hẳn chính cuộc sống đang diễn ra hay có một đấng sáng tạo nào đó đang dẫn dắt mình đến với nó. Thành ra, con người luôn phải bấu víu vào những ảo tưởng để né tránh hiện thực phi lý của cuộc sống, và khi làm điều đó, họ chẳng khác nào đã "chết" về mặt tư tưởng cả.
Cuộc sống vốn phi lý và chúng ta không thể nào vượt khỏi sự phi lý ấy chừng nào chúng ta vẫn đang sống. Vậy chúng ta phải sống như thế nào đây trước cảnh đời trái ngang, đầy rẫy phi lý? Nếu như sự phi lý không thể giết chết chúng ta thì tại sao chúng ta lại không tiếp tục chung sống với nó? Phi lý đúng là nghiệt ngã và lạnh lẽo nhưng con người chúng ta vẫn có đầu óc, vẫn có sức mạnh trí tuệ lớn lao để ít nhiều cải tạo thế giới mình đang sống và quan trọng hơn hết là thay đổi thái độ sống trước nó. Trong mỗi khoảnh khắc dù còn chút hơi thở, con người vẫn có được sự tự quyết và tự chủ nhất định về hành động và suy nghĩ. Như vậy câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là "cuộc sống có ý nghĩa gì?", thay vào đó là "ta phải sống như thế nào nếu cuộc đời không có ý nghĩa?".
Dù cuộc đời vô nghĩa tưởng chừng rất đáng sợ, nhưng nếu như nỗ lực đấu tranh để thoát khỏi sự phi lý và lạnh lẽo ấy, thì ta bỗng dưng sẽ thấy cuộc đời trở nên đáng sống hơn bao giờ hết. Hãy cứ bình thường mà sống, tìm được cho mình một sự tự do về hành động, về tư tưởng và quyết liệt sống vì nó. Khi ấy ta sẽ có đam mê sống mãnh liệt để vượt qua muôn trùng gian khó, vượt thoát khỏi sự bủa vây của cái phi lý. "Quan trọng là phải sống", đó là châm ngôn để tồn tại giữa cõi đời phi lý này!
+ Thời gian: 19h30 Thứ bảy, ngày 09/07/2022
+ Link đăng ký tham gia talkshow: https://bit.ly/PhiloCamus
+ Diễn giả: Trần Vinh Anh
+ Dẫn chương trình: Phan Anh
+ Địa chỉ: Google Meet (Đường link tham gia talkshow sẽ được gửi vào email bạn đã đăng kí trong khoảng 9h-12h, Thứ bảy 09/07/2022)
------
Thông tin liên hệ: