Thời đại Bách gia chư tử - kỷ nguyên hoàng kim của triết học Trung Quốc cổ đại đã xuất hiện nhiều học thuyết lớn, trong đó có Âm Dương gia - một trong những học phái chủ lưu, có ảnh hưởng lớn đến tư duy chính trị - xã hội đương thời.
* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH
1. Thời gian: 19h30 Chủ nhật, ngày 17/10/2021
2. Hình thức: Livestream trên fanpage Philosapiens
Link: https://www.facebook.com/PhilosapiensCircle
3. Diễn giả: Nguyễn Văn Bắc
4. Dẫn chương trình: Thủy Tiên
Trâu Diễn (305 - 240 TCN) được coi là người đặt nền móng sáng lập ra Âm Dương gia. Ông là người từng chịu ảnh hưởng của Nho gia. Tương truyền từ nhỏ ông là một học trò theo tư tưởng Nho giáo, nhưng về sau vì thấy Nho giáo (đề cao nhân nghĩa và vương đạo) không mang lại hiệu quả trong một xã hội mà "thiên hạ đang trong tình cảnh hợp tung liên hoành, xem tấn công và thảo phạt là tài năng", nên ông chuyển qua nghiên cứu về học thuyết duy vật, khám phá bản chất của thế giới, sự hình thành của vạn vật trong trời đất bao la vô tận. Đó chính là học thuyết Âm Dương gia.
Âm Dương gia được xây dựng trước hết trên cơ sở của triết lý Âm Dương đã có từ thời thượng cổ. Âm và Dương là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập ban đầu (khí vô hình) tạo nên toàn bộ vũ trụ. Quy chiếu vào thế giới vạn vật, có thể thấy vô vàn những cặp đại diện cho Âm và Dương: Trời - Đất; nam - nữ; thủy - hỏa; Mặt Trời - Mặt Trăng,...
Học thuyết về Âm - Dương dựa trên hai thực thể đối lập sơ khai để lý giải sự vận động và phát triển của vũ trụ và vạn vật. Âm Dương vận động dựa trên những quan hệ nội tại bền vững: vừa đối lập, tương phản, mâu thuẫn, ước chế nhau; lại đồng thời nương tựa, bổ khuyết, liên hệ chặt chẽ với nhau trong chỉnh thể để cùng tồn tại. Âm và Dương vừa vận động chuyển hóa lẫn nhau theo quy luật phản phục - "âm tiêu dương trưởng" hoặc "dương tiêu âm trưởng", "dương cực sinh âm, âm cực sinh dương", đồng thời lại luôn tìm cách trở về trạng thái quân bình hài hòa giữa hai mặt. Những đặc tính này đã phản ánh sự biến hóa khôn lường kỳ diệu của vạn vật trong vũ trụ.
Âm Dương gia còn được đặt nền tảng trên cơ sở học thuyết Ngũ hành. Xét về nguồn gốc mà nói, Ngũ hành thực chất cũng là sự thoát thai từ học thuyết Âm Dương, nhưng là sự thoát thai tạo lập ở mức độ cao hơn, phổ quát hơn, bổ sung cho những hạn chế của Âm Dương trong việc lý giải sự phức tạp phong phú vô cùng của vạn vật trong vũ trụ. Ngũ hành lý giải tất cả vật chất trong cõi sống dựa trên năm yếu tố cơ bản ban đầu đại diện cho năm loại trạng thái vận động và tồn tại (hành chất): Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Năm yếu tố này vận động dựa trên hai nguyên lý cơ bản là tương sinh (nuôi dưỡng, nương tựa lẫn nhau để cùng sinh thành, phát triển) và tương khắc (chế ước, ngăn trở, loại trừ nhau để duy trì trạng thái cân bằng).
Sự tổng hợp của hai học thuyết Âm Dương và Ngũ hành đã bao quát được những muôn hình vạn trạng của vũ trụ ở những tầng sâu. Sự kết hợp hai học thuyết là nền tảng cho Âm Dương gia hình thành và phát triển. Khác với Nho gia cốt lõi nằm ở đạo đức để cai trị và thiết lập trật tự xã hội, Âm Dương gia hoạt động dựa trên nền tảng sự lí giải về vũ trụ, vạn vật (cả bản chất và hiện tượng). Nhưng không có nghĩa rằng học thuyết này đứng ngoài chính trị - xã hội. Nó vẫn tham gia tích cực vào việc xây dựng các đạo lý trị quốc qua nhiều thời đại (như Tề, Yên, Tần, Hán). Tuy rằng còn mang nhiều hạn chế của tư duy cổ đại (trực quan và mang xen cả những lớp mây mờ huyền bí…) nhưng nhìn chung, Âm Dương gia đã đạt được những giá trị lịch sử nhất định, đánh dấu cho sự phát triển trong tư duy phức hợp ở con người cổ đại.
Author: Ngọc
Designer: chq.