Tâm lý học - Tại sao hôn nhân vẫn thất bại ngay khi cả hai chẳng ai là người có lỗi?

Những căng thẳng ngoài cuộc sống có thể khiến hôn nhân dễ thất bại. Chúng ta thường bao dung nhất với nửa kia khi ta lần đầu rung động. Ta vui vẻ tin tưởng lẫn nhau một cách vô điều kiện, bỏ qua những sai lầm và phóng đại những điểm tốt đẹp. Mọi thứ đều suôn sẻ và cả hai như dành cho nhau.

Lúc mới yêu, tất cả mọi thứ đều lãng mạn. Nhưng kết hôn có nghĩa rằng ta phải học cách sống, chấp nhận con người thật của nửa kia mỗi ngày. Chắc chắn rằng có những lúc cặp đôi sẽ nói những điều làm tổn thương đối phương. Những cặp đôi sống hạnh phúc không phải vì họ sinh ra để dành cho nhau, mà là họ học cách sống hòa hợp với nhau.

Tâm lý học - Tại sao hôn nhân vẫn thất bại ngay khi cả hai chẳng ai là người có lỗi?

Các dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình khi tư vấn cho các cặp vợ chồng thường tập trung vào kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp không chỉ là diễn đạt ý của mình sao cho không làm mất lòng đối phương mà còn cả việc học cách lắng nghe. Hơn nữa, kỹ năng giao tiếp còn có nghĩa là biết khi nào nên im lặng và để cơn giận qua đi.

Kỹ năng giao tiếp có thể giúp cải thiện chất lượng hôn nhân. Bạn sẽ học cách không kích động đối phương cũng như không phản ứng khi bị kích động. Khi đã loại bỏ được những hành vi tiêu cực, bạn sẽ dần xây dựng được sự tin tưởng.

Tuy nhiên, gần đây, hai nhà tâm lý học Lisa Neff và Benjamin Karney đã chỉ ra rằng việc giao tiếp tốt không chưa đủ. Nguyên nhân vì luôn có những yếu tố căng thẳng bên ngoài tác động đến hôn nhân nhiều hơn so với kỹ năng giao tiếp kém.

Neff và Karney chỉ ra 2 cách mà các yếu tố bên ngoài có thể len lỏi vào và phá hủy cuộc hôn nhân:
Đầu tiên là bằng việc xâm chiếm thời gian "dành cho nhau". Các cặp vợ chồng nuôi dưỡng mối quan hệ bằng việc dành thời gian làm cùng nhau những điều thú vị. Họ cùng nhau ăn tối, cùng chơi thể thao, cùng xem TV. Khi không có thời gian cho nhau, vợ chồng dần xa cách, mối quan hệ cũng vì thế nguội lạnh.

Với những gia đình có thu nhập tốt, họ có giờ giấc sinh hoạt ổn định thì thời gian ở cạnh nhau sẽ dễ có hơn. Nhưng đối với những người thu nhập thấp, họ thường xuyên phải làm thêm giờ tăng ca hoặc nhiều công việc cùng lúc. Điều đó dẫn đến họ có rất ít thời gian bên cạnh nhau.

Không chỉ vậy, chút thời gian ít ỏi đó họ lại còn bận rộn tranh cãi về những hóa đơn, các khoản nợ hay những rắc rối trong công việc. Thay vì bồi đắp tình cảm, họ lại buộc phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống này. Khi không còn thời gian để gây dựng, mối quan hệ rất dễ tan vỡ.

Thứ hai là khi có quá nhiều vấn đề xảy đến, sự căng thẳng bên ngoài hút cạn hết cảm xúc yêu thương của các cặp đôi. Khi đối phương nói ra những câu ác ý thì người kia cũng phải biết kiềm chế. Có đôi khi trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, cảm xúc trong bạn cũng cạn kết. Bạn bị yêu cầu phải làm thêm giờ, nhưng khi về nhà, vợ bạn lại bắt đầu đay nghiến, tại sao bạn về muộn. Bạn nói vợ đừng cằn nhằn nữa vì bạn đã rất mệt rồi. Nhưng dĩ nhiên, vợ bạn cũng có một ngày chẳng mấy tốt lành. Dần dần, cả hai bắt đầu to tiếng, cửa đóng sầm lại. Đó chính là lúc các vấn đề bên ngoài xâm nhập vào tổ ấm của bạn.

Trong nghiên cứu của mình, Neff và Karney nhận thấy cải thiện kỹ năng giao tiếp cần nhưng không giải quyết được vấn đề hôn nhân của những cặp đôi thu nhập thấp. Thay vào đó, việc cải thiện thu nhập sẽ giúp họ hài lòng hơn trong mối quan hệ. Những can thiệp này có thể bao gồm tư vấn về lập ngân sách và quản lý nợ. Quan trọng hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy khi một chuyên gia tư vấn có thể giúp một cặp vợ chồng được đào tạo các kỹ năng công việc mới, hỗ trợ chăm sóc trẻ và trợ cấp y tế, thì hôn nhân có nhiều khả năng sẽ duy trì ổn định từ 3 đến 5 năm sau đó.

Tâm lý học - Tại sao hôn nhân vẫn thất bại ngay khi cả hai chẳng ai là người có lỗi?

Giả định rằng nếu bạn cung cấp cho các cặp vợ chồng những công cụ thích hợp để giao tiếp thì họ có thể giải quyết vấn đề của mình một cách hiệu quả hơn. Nhưng nghiên cứu mới này cho thấy điều này không hẳn là đúng. Trên thực tế, yếu tố dự báo Số Một về sự đổ vỡ trong giao tiếp trong hôn nhân không phải là tính tình hay thậm chí là sức khỏe tâm lý của đối tác, mà đúng hơn là sự xuất hiện của những khó khăn tài chính và những căng thẳng lớn khác trong cuộc sống.

Không chỉ những cặp vợ chồng có thu nhập thấp mới dễ bị tác động bởi những căng thẳng từ bên ngoài: ngay cả những cuộc hôn nhân an toàn về tài chính, các vấn đề về gia đình và công việc vẫn có thể làm cạn kiệt cảm xúc, gây ảnh hưởng đến việc giao tiếp hiệu quả trong mối quan hệ vợ chồng. Khi thời gian bên cạnh nhau dùng để giải quyết các vấn đề bên ngoài, chẳng còn thời gian bồi đắp mối quan hệ sẽ khiến cuộc hôn nhân dần dần tan vỡ.

Những kết quả này gợi ý rằng các nhà tham vấn nên bớt tập trung vào những động năng bên trong của một mối quan hệ và thay vào đó, trước tiên hãy xem xét những căng thẳng từ bên ngoài đang gây căng thẳng cho mối quan hệ đó. Giảm bớt những căng thẳng từ bên ngoài có thể dọn đường giúp bạn thúc đẩy sự hài lòng trong mối quan hệ vợ chồng. Trong hôn nhân, một khi bạn kiểm soát được những căng thẳng bên ngoài thì những vấn đề bên trong sẽ dễ dàng giải quyết hơn.

Tài liệu tham khảo:

Neff, L. & Karney, B. R. (2017). Acknowledging the elephant in the room: how stressful environmental contexts shape relationship dynamics. Current Directions in Psychology, 13, 107-110.

Mai Lâm dịch

Nguồn: psychologytoday.com