Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Khi chơi đã thành “nghề” thì không thể gọi là không công phu được. Cứ thử đến gặp mấy nhà chơi cây thế, chơi sách, chơi chim… chẳng hạn thì biết. Và khi người chơi ý thức được “công việc chơi” của mình thì không thể qua loa cưỡi ngựa xem hoa được. Sưu tập là một thú chơi như vậy.
Người Hà Nội vốn có nhiều thú ăn chơi, sưu tập. Mảnh đất kinh kỳ hội tụ tinh hoa văn hóa đặc sắc của cả nước, vì vậy thú chơi cũng vì thế mà trở nên ngày càng phong phú và đa dạng.
Có người chơi đồ cổ, giống hoa, chơi tem, nhãn diêm, nhãn thuốc lá, bưu ảnh. Có người sưu tập sách, bài Tarot, chơi tranh. Thú sưu tập nhiều người chơi, ít công phu hơn chẳng hạn như chơi tem.
Thú sưu tập bài Tarot của những người yêu thích chiêm tinh học (Ảnh: Internet)
Một bộ sưu tập công phu, dù là tĩnh vật, cũng không bao giờ là vật chết. Nó luôn lung linh, sống động hơi thở từ bàn tay người chơi, từ hồn người chơi và lan tỏa ra xung quanh. Bởi người sưu tập là người ưa có thêm bạn, ưa tìm thêm bạn, say sưa với đàm đạo, trao đổi, thích thú với cái mới lạ, tôn trọng cái độc nhất vô nhị, tìm hiểu cặn kẽ cái gốc tích của sự vật, hiện tượng…có khi chỉ từ một vật thông thường mà thấy được cả cái triết lý cao sâu ở trong đó.
Sưu tập cũng là tự nâng cao giá trị bản thân mình, không thông kim bác cổ thì chí ít cũng rất sành, cũng rạch ròi cái mảng của mình. Có nhà sưu tập có cả một chiếc bình gốm nơi cung điện vua Trần, một cái bát thời Hai Bà Trưng, một chiếc đĩa đèn đời Tiền Lý, một cái thạp thời Lý, một chiếc đĩa đời Lê. Để hiểu những bảo vật ấy người sưu tập phải có kiến thức để phân biệt, nhận định, để hiểu được nền văn hóa giai đoạn đó, thời kỳ sinh ra vật ấy. Có nhà sưu tập tranh, từ những tờ tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ đến tranh của các họa sĩ khuyết danh, vô danh, những họa sĩ từng nổi tiếng một thời và không loại trừ sưu tập tranh của những họa sĩ đương đại, cùng thời. Vào một căn nhà nào đó gặp Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ, Tạ Thúc Bình, Nguyễn Phan Chánh, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng… người ta có cảm giác như thoát ra khỏi đời thường, mà lạc vào không khí của một vòm trời khác.
Thú chơi dòng tranh dân gian Đông Hồ vẫn ẩn sâu trong tiềm thức của người Hà Nội
(Ảnh: Internet)
Mỗi con người thường để lại trong tác phẩm của mình một phần tâm hồn, tài hoa và trí tuệ. Một mớ tóc vấn trần dài như mây như suối, có đuôi gà ẻo lả cong như một câu hỏi ngàn đời của người con gái ấy, người thiếu phụ ấy. Một bình hoa mà nguyên mẫu đã không còn một chút dư hương, nhưng hình hài tuy tan mà bóng vẫn còn nguyên vẹn với tâm hồn tươi trinh vĩnh viễn. Một mảng phố cổ đã bị hủy diệt, thay vào đó là những cái hộp đá rửa xám xịt nghèo nàn, công thức. Một con đèo trắng bạc hoa lau đã chìm vào quá khứ khi có những bước chân đã mải thị thành mà quên hẳn dặm về có ngọn lửa rừng sưởi ấm.
Họa sĩ nào đó có ngờ đâu đứa con tinh thần của mình đẫm khói cà phê, sẽ có ngày được lau bằng nước củ hành tây, sáng lại, ra mắt cuộc đời một lần nữa trong phút phục sinh?
Người thợ gốm nào qua đời, nắm xương đã tàn đã thành tro bụi, đã trở về với cát bụi, có ngờ đâu sản phẩm của mình, qua lửa lò nghìn độ, lại được nâng niu bằng những bàn tay có độ nhiệt không gì so sánh.
Người Hà Nội có người có thú chơi hoa, cây cảnh, cây thế, cá vàng để tạo một khung cảnh thiên nhiên nhỏ, có môi trường trong lành cho mình, có người sưu tầm tranh nguyên bản của các họa sĩ, chứ không bao giờ cắt ở họa báo ra, có người chơi sách, có đọc thực chứ không chỉ bày bán trên giá.
Thú chơi của người Hà Nội bắt nguồn từ cái gốc văn hóa bản địa và sự phục hồi văn hóa truyền thống (Ảnh: Internet)
Nghề chơi hay thú chơi nào cũng cần nhiều thời gian, thậm chí là sự đầu tư tốn kém cả về thời gian, tiền bạc và công sức, và cần có sự hiểu biết sâu sắc nhất định về thú chơi mà mình ưa thích. Người chơi cây thế phải biết thế cây là gì, cây nào thì trồng chậu nào, cây nào thì có thể dễ uốn, kỹ thuật ghép cây, chăm bón thế nào.
Thú chơi hoa lê, hoa mận sau Tết đậm chất Hà thành của người Hà Nội thể hiện ước vọng về một khát khao duy trì Tết và những nét đẹp văn hóa bản địa (Ảnh: Internet)
Người chơi chim được quen một cụ cao tuổi có thú chơi phong lan, địa lan. Sáng sáng cụ phải quấn bông nõn vào hai ngón tay chỏ và giữa, tẩm nước điếu, lồng từng lá lan vào kẽ hai ngón tay, tuốt đi tuốt lại nhẹ nhàng vài lần cho hết muội, sau đó lại thay bông, lần này tẩm nước mưa, cũng tuốt như vậy, rồi tưới nước cho lan tươi, có nước rửa mặt tưới càng tốt, nếu không thỉnh thoảng phải tưới bằng nước vo gạo pha loãng. Công phu là thế. Khi lan nở, cụ pha trà mời mấy ông bạn già đến thưởng thức ấm trà bên chậu lan, tưởng như trà được ướp hương lan ngay trong vườn, cái vườn nhỏ mấy thước vuông thôi, thiên nhiên được ấp ủ trong trà hay hương trà lan tỏa vào thiên nhiên, có giò lan đang nở hay lay động trong sương mờ…
Thú chơi hoa địa lan được nhiều người dân Hà thành ưa chuộng những năm gần đây (Ảnh: Internet)
Lại có người không được sung túc lắm, nhà cửa chật chội như hàng vạn người Hà Nội khác, anh chơi hoa. Vài bông hoa. Có khi chỉ cần một bông thôi nhưng cứ thay đổi nhau vài ngày một lần, cắm hoa trong cái bình nhỏ, làm cho căn phòng sáng sủa tươi mát hẳn lên, mặc dù có khi hy sinh tiền đó để lấy tiền mua hoa, thưởng hoa. Hoa hồng, cẩm chướng, xu xi, đồng tiền, có khi là hoa súng, hoa cúc, hoa lưu ly cũng đủ để tạo nên thú chơi hoa…
Có người tìm về những thú chơi cổ truyền mang hơi hướng xa xưa để tìm về một "kinh thành văn hóa" (Ảnh: Tác giả)
Có khi không chọn được bông hoa vừa ý anh hái một nhánh lá đuôi phượng, địa y, lá măng, dương xỉ mọc hoang dại ở góc tường cớm nắng nào đó, bẻ một nhánh lá trắc bách diệp có màu xanh bạc hoặc xin một nhánh vạn niên thanh lá có hình trái tim…cắm vào cái lọ cái bát nho nhỏ, cũng đủ có được một thiên nhiên trong căn phòng bé nhỏ.
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, miễn sao đặt được cái tâm của mình vào trong đó (Ảnh: Internet)
Nghề chơi cũng lắm công phu, là tử công phu. Càng công phu càng tao nhã bao nhiêu thì tâm hồn con người, trí tuệ con người càng được nâng cao bấy nhiêu, càng thêm điều kiện để có thêm bạn bè, thêm tri âm tri kỷ giữa cuộc đời ồn ào này vậy. Bách nhân bách tính, nét đẹp và bản sắc của người Hà Nội vốn phong nhã, thanh lịch, hào hoa. Cách chơi cũng nói lên bản chất, tâm hồn và phong thái, lối sống. Cuộc sống hiên đại, tân tiến nhưng những lối chơi truyền thống vẫn hiện diện trong đời sống như một bản sắc văn hóa cần được gìn giữ và phát huy, trước khi nó bị mai một./.