>>>Xem thêm: Giải trí với Ticketgo Youtube channel
Thông tin từ ban tổ chức:
Thời gian: Thứ sáu 26/06/2020
Thảo luận bàn tròn “Giữa quá khứ và tương lai”: 16:00
Chiếu phim “Hannah Arendt”: 19:00
Địa điểm: Viện Goethe, 56-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Hannah Arendt (1906-1975) là một nhà triết học và nhà lý thuyết chính trị Mỹ gốc Đức. Bà là một trong những nhà triết học chính trị quan trọng nhất của thế kỷ XX.
Hannah Arendt sinh ra ở Hanover, lớn lên ở Königsberg, học tại Đại học Marburg với Martin Heidegger, lấy bằng tiến sĩ triết học năm 1929 tại Đại học Heidelberg với Karl Jaspers.
Khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, Arendt phải chạy trốn khỏi Đức, sống lưu vong ở Tiệp Khắc và Thụy Sĩ trước khi định cư tại Paris. Khi Đức xâm chiếm Pháp vào năm 1940, bà trốn thoát và tìm đường đến Hoa Kỳ. Bà định cư ở New York cho đến khi qua đời. Bà trở thành một tác giả và biên tập viên và làm việc cho tổ chức Tái thiết văn hóa Do Thái (Jewish Cultural Reconstruction). Việc xuất bản cuốn “Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị” (The Origins of Totalitarianism) năm 1951 đã thiết lập danh tiếng của bà với tư cách là một nhà tư tưởng và một tác giả. Các tác phẩm lớn khác theo sau: “Điều kiện con người” (The Human Condition) năm 1958, cũng như “Eichmann ở Jerusalem” (Eichmann in Jerusalem) và “Về cách mạng” (On Revolution) năm 1963.
Các tác phẩm của bà bao gồm nhiều chủ đề, nhưng bà nổi tiếng nhất với những chủ đề liên quan đến bản tính của quyền lực và cái ác, cũng như chính trị, dân chủ trực tiếp, quyền uy và chủ nghĩa toàn trị. Trong tâm trí của đại chúng, bà được nhớ đến nhiều nhất vì cuộc tranh luận xung quanh phiên tòa xét xử Adolf Eichmann, bà cố gắng giải thích việc những con người bình thường trở thành người hành động trong các hệ thống toàn trị như thế nào, điều này bị một số người xem là một lời biện hộ, và bà nổi tiếng vì cách diễn đạt “sự tầm thường của cái ác”.
Viện Goethe hỗ trợ xuất bản và thuyết trình về triết học của Hannah Arendt. Chúng tôi làm điều này nhân kỉ niệm kết thúc của chiến tranh thế giới II, do đó chúng tôi tôn vinh việc nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa phát xít 75 năm trước.
Cuốn sách của Hannah Arendt, vốn là trọng tâm của chúng tôi trong năm nay: “Giữa quá khứ và tương lai” (Between Past and Future) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961. Đây là một tuyển tập các bài tiểu luận có cùng một ý tưởng trung tâm. Con người đang sống giữa quá khứ và tương lai bất định. Họ luôn phải tư duy để tồn tại, và mỗi con người bắt buộc phải học cách tư duy. Trong một thời gian dài chúng ta đều đã nhờ vào truyền thống, nhưng trong thời hiện đại, truyền thống này đã bị từ bỏ, không còn có sự tôn trọng dành cho truyền thống và văn hóa. Các bài tiểu luận cho thấy rõ danh tiếng của bà với tư cách là người bảo vệ nhân quyền, là lý thuyết gia về chủ nghĩa đế quốc và tội ác diệt chủng, là người ủng hộ giá trị nội tại của hành động chính trị.
Ý niệm về khủng hoảng là trọng tâm trong sự nghiệp của Arendt. Trong “Giữa quá khứ và tương lai”, tám bài tiểu luận thực hành suy tư về khủng hoảng trong tư tưởng chính trị. Các bài tiểu luận thứ ba và thứ tư có tựa đề lần lượt là “Quyền uy là gì?” và “Tự do là gì?” Hai văn bản tiếp theo có tựa đề “Khủng hoảng trong giáo dục” và “Khủng hoảng trong văn hóa”.
Mối quan hệ của hai khái niệm này – chính trị và khủng hoảng – có thể được tóm lược. Theo Arendt, chính trị về cơ bản là về mối quan hệ của con người với nhau, bản tính của sự liên kết của họ, các nguyên tắc kết hợp họ, và chính khuôn khổ của các dự án địa phương và tạm thời mà họ thực hiện cùng nhau. Mặt khác, khủng hoảng nói về sự tan rã và khả năng tái tổ chức của các cộng đồng người: đó là thời điểm khi tính thống nhất được xem là đương nhiên của cộng đồng bị đe dọa. Vì thế, dẫn đến việc khủng hoảng là trung tâm của chính trị. Vậy, khủng hoảng là gì? – Chúng ta hãy cùng nghe và thảo luận.
Nguyễn Thị Minh, người dịch cuốn sách đầu tiên của Hannah Arendt (Giữa quá khứ và tương lai) ra tiếng Việt, hiện là giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Hướng nghiên cứu chính của cô là nghiên cứu so sánh văn học, chuyển thể điện ảnh từ lý thuyết chủ thể và kí hiệu học. Cô đã tham gia các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Nhật Bản (2017, 2019) và Mỹ (2017-2020), tham gia tổ chức và trình bày báo cáo tại nhiều hội thảo trong và ngoài nước. Cô là dịch giả và đồng dịch giả của nhiều ấn phẩm triết học kinh điển. Cô cũng là người đồng sáng lập “The Ladder – không gian học thuật cho cộng đồng”, một không gian kết nối, chia sẻ của những người yêu mến tri thức, với mong muốn làm cho các tri thức hàn lâm trở nên gần gũi và đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam.)
Tôi đã theo đuổi kí hiệu học trong hơn 10 năm và dùng phương pháp này để nghiên cứu văn học và điện ảnh, đặc biệt là sự trình hiện hình ảnh người phụ nữ trong văn chương và điện ảnh từ góc nhìn so sánh. Kí hiệu học có hai nguồn gốc. Nhánh thứ nhất đi ra từ Ferdinand de Saussure và ngôn ngữ học. Nhánh thứ hai bắt nguồn từ Charles Sanders Peirce và triết học. Đó là lý do vì sao tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu và dịch triết học. Trong số các triết gia hiện đại, Hannah Arendt có thể được coi là một triết gia của khủng hoảng. Bà gợi ra một cách tư duy trong khủng hoảng: khi cái cũ mất đi, cái mới chưa hình thành. Tôi đặc biệt quan tâm đến ý tưởng của Hannah Arendt về việc chung sống cùng nhau và chăm lo cho thể giới này, điều tôi thấy rất quan yếu với nghiên cứu nữ giới. Arendt sẽ giúp tôi suy nghĩ và trả lời nhiều câu hỏi của Việt Nam ngày nay.
TS. Trần Ngọc Hiếu (*1979) giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy của anh là lý luận văn học, nghệ thuật đương đại và văn hóa Việt Nam.
Phạm Xuân Nguyên (*1958) nhà phê bình văn học, học ngành Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông đi nghĩa vụ quân sự năm 1978 với tư cách giảng viên tại Trường Quân sự. Năm 1983, ông phục viên trở lại Đại học Tổng hợp Hà Nội và tiếp tục việc học cho đến khi tốt nghiệp. Từ 1984 đến 2018 ông về công tác tại Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Từ tháng 12 năm 2010 ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhưng đến năm 2017 thì tuyên bố từ chức.
Phạm Xuân Nguyên tự học tiếng Anh, Pháp, Nga và đã chuyển dịch nhiều cuốn sách sang tiếng Việt. Ông là một nhà phê bình văn học có uy tín trên văn đàn cũng như trong cộng đồng yêu văn học. Bên cạnh đó, Phạm Xuân Nguyên còn tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận xã hội vì sự tự do của người cầm bút và của những quan điểm đa chiều.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện