The Booksmith Talk: Một chỉ dẫn cho người bị bối rối, Schumacher sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 5/4 tới đây, hân hoan chào đón các quý vị đến tham dự.
E. F. Schumacher (1911-1977) là một người Anh gốc Đức. Schumacher đạt được danh tiếng bất ngờ và trở thành "lãnh đạo" tinh thần của nhiều người quan tâm đến sinh thái và ủng hộ lối sống giản dị những năm trở lại với cuốn sách mang tên "Nhỏ là đẹp" - cuốn sách mang tính chất tuyên ngôn và khai phá của Kinh tế học Phật giáo. Nhưng có một cuốn sách quan trọng khác của ông dù đang ít người biết đến là "Một chỉ dẫn cho người bị bối rối" (A guide for the perplexed). "Cả đời ba sống chỉ để làm cuốn sách này", ông đã dặn dò cô con gái như thế khi trao tay cho cô bản thảo của cuốn sách.
"Một chỉ dẫn cho người bị bối rối" được viết giống như là một lời kêu gọi, hay có thể nói là một lời cầu xin chúng ta hãy luôn tỉnh táo trong một xã hội ám ảnh bởi chủ nghĩa khoa học duy vật luận, thứ chủ nghĩa đã hủy hoại những tàn dư cuối cùng của nền minh triết cổ đại. Ông chỉ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta có thể tìm thấy những bài học đời sống cốt tử và ý nghĩa qua các truyền thống tôn giáo vĩ đại của thế giới, chứ không phải khoa học.
Schumacher cáo buộc rằng, nhân danh tính khách quan khoa học, các khoa học gia, các triết gia đã quy giản con người, một hữu thể sống động, phức tạp thành những cỗ máy tinh vi, quy giản “các giá trị và ý nghĩa chẳng qua chỉ là những cơ chế bảo vệ và phản ứng”, nhất quyết tống khứ đi cái “chiều thẳng đứng” của trải nghiệm nhân sinh.
“Trong khi minh triết truyền thống luôn trình bày thế giới như là một cấu trúc ba chiều (được biểu tượng bởi cây thánh giá), trong đó phân biệt mọi lúc mọi nơi giữa các sự vật “cao cả” hơn và “thấp hèn” hơn, cũng như các trình độ hiện hữu, tư duy mới lại tranh cãi với thái độ cương quyết, nếu không nói là cuồng tín, đòi tống khứ đi cái chiều thẳng đứng.”
Bản đồ thiếu đi “chiều thẳng đứng”, thiếu đi những chỉ dẫn hướng tới cái “cao cả”, tránh những cái suy vong, “thấp hèn” thì không còn hữu dụng với con người nữa. Schumacher nhấn mạnh, nếu không có các khái niệm định tính về “cao cả” hơn và “thấp hèn” thì không thể nghĩ ra các hướng dẫn để sống vượt ra ngoài chủ nghĩa thực dụng cá nhân hoặc tập thể và ích kỷ.
Schumacher đưa ra rất nhiều trích dẫn từ các cổ văn để cho độc giả thấy các tôn giáo lớn tự cổ chí kim đều chỉ dẫn con người bước lên một hành trình hướng lên trên, hạnh phúc đích thực gắn với việc đi lên cao, phát triển những tính năng “cao cả” nhất. Sức mạnh của tự nhận thức, vốn rất hiếm có, chỉ riêng có ở con người khiến con người là một hữu thể có “kết thúc mở”. Mỗi cá nhân phải phát triển khả năng tự nhận thức để trở thành một con người thực thụ, một nhân cách đích thực, điều này khoa học không thể giúp ích, nhưng tôn giáo, theo nghĩa đích thực của từ này, lại giúp chúng ta rất nhiều. “Tôn giáo (Religion) là sự kết nối lại (re-legio) con người với Hiện thực, bất kể Hiện thực ấy được gọi là Thượng đế, Sự thật, Allah, Sat-Chit-Ananda hay Niết Bàn.”
Dĩ nhiên, cuốn sách “Một chỉ dẫn dành cho người bị bối rối” không dẫn dụ chúng ta đến một đức tin cụ thể nào, nhưng nó chỉ ra tầm quan trọng của một đức tin trong đời sống và bác bỏ những định kiến về tôn giáo trong xã hội hiện đại. Tôn giáo, Schumacher nhấn mạnh rõ, hay cảm thức tâm linh không nhất thiết phải gắn liền với các tổ chức và thiết chế tôn giáo, là một phần thiết yếu của công cuộc làm người, nhưng đã bị “vất xó” và bị xã hội hiện đại làm cho “ô uế” đến mức không còn hiện rõ chân tướng. Cuốn sách của ông còn tổng hợp rất nhiều trích dẫn minh triết đến từ các hiền nhân đông tây kim cổ như Socrates, Swami Ramdas, Shakespeare, Sứ đồ Paul và Lão Tử.
“Sống không cần tới các giáo hội, có thể hình dung được là chuyện khả dĩ, nhưng không thể sống được mà không có tôn giáo, tức là làm việc có hệ thống nhằm giữ được giao tiếp với các hiện hữu trình độ cao và phát triển hướng tới chúng, chứ không phải hướng tới cuộc sống tầm thường với tất cả niềm vui và đau khổ, cảm xúc và thỏa mãn, tinh tế hay thô thiển - dù nó có thể là gì đi chăng nữa. Cuộc thí nghiệm hiện đại sống không có tôn giáo đã thất bại, và một khi chúng ta hiểu được ra điều này, thì chúng ta biết được những nhiệm vụ "hậu hiện đại" của chúng ta thực ra là gì...”
The Booksmith sẽ giới thiệu và tổ chức thảo luận về cuốn sách này vào 19h30 ngày 05/04/2020. Hy vọng các bạn, đã đọc hoặc chưa từng đọc về E. F. Schumacher, có thể cùng đến tham gia tích cực.
Sự kiện không thu phí!
Link đăng ký tham gia: https://bom.to/Aqa1yU
(Link sẽ đóng khi có đủ 25 người đăng ký)