Những cảm xúc tiêu cực đem lại cho chúng ta đặc ân lớn – nó giúp ta tự cứu bản thân mình. Chúng cũng là dấu hiệu buộc ta phải thay đổi những việc chúng ta đang làm – và chúng thật sự cần thiết cho cảm xúc tích cực.
Không ai hoài nghi về giá trị của tâm trạng tốt. Thực ra, cách đây 20 năm, dường như mọi người ở Mỹ lao vào cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ trạng thái thư thả của tâm trí, theo đuổi một nơi vĩnh cửu nằm giữa sự thoả mãn và sự sung sướng mê ly.
Tâm trạng xấu lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Những cảm xúc sinh ra các cảm giác khó chịu bị gọi là tội ác (giận dữ, ganh tỵ), không phải những tương tác lịch sự (ghen tuông, thất vọng) hoặc không lành mạnh (buồn chán, hổ thẹn). Chúng ta kìm nén chúng, trốn tránh và trách móc bản thân khi có những cảm xúc như thế.
Chính vì những cảm xúc này khó chịu, đáng ghét nên chúng bị xem là "tiêu cực". Mặc dù "tiêu cực" là sự dùng từ sai. Các cảm xúc vốn không tích cực hoặc tiêu cực. Mỗi cảm xúc mang lại sự thay đổi phức tạp về động lực, cơ thể, sự chú ý, nhận thức, niềm tin và hành vi: đổ mồ hôi, cười, khát vọng báo thù, trở nên lạc quan, nhớ lại kí ức cụ thể. Mỗi yếu tố của mỗi loại cảm xúc đều có một nhiệm vụ quan trọng để làm–cho dù là chuẩn bị cho ta nhắm đến những gì ta muốn (tức giận), thúc giục chúng ta cải thiện vị thế (đố kị), hoặc để ta chuộc lại những gì nói hớ (xấu hổ).
Chúng ta thường lầm tưởng về cảm xúc. Chúng rất hợp lí; chúng giúp ta đạt được mục tiêu quan trọng, là công cụ khắc hàng thế kỉ về trải nghiệm loài người vượt khỏi tiềm thức dẫn dắt ta đến nơi chúng ta cần đi. Chúng xác định vấn đề hay cơ hội và đưa ra giải pháp để sửa chữa hoặc đạt được. Chúng điều khiển sự sống; trong thực tế chúng ta sẽ biến mất từ lâu khi không có chúng.
Cảm xúc tiêu cực không chỉ quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta mà trớ trêu thay còn cho tâm trạng tốt. Để sống hiệu quả nhất trong thế giới và vượt qua mọi thách thức, ta cần trải qua đầy đủ các trạng thái tâm lí được thừa kế từ loài người.
Todd Kashdan, nhà tâm lý học ở Đại học George Mason, cùng với đồng tác giả Robert Biswa-Diener của quyển The Upside of Your Dark Side cho rằng "Khoa học của hạnh phúc đã quên rằng thế giới là một nơi không chắc chắn, phức tạp với đầy rẫy những kẻ phiền phức và đáng ghét." Biết lúc nào và làm sao để thể hiện tất cả cảm xúc của chúng ta, thì chúng ta có thể sống tốt hơn với bản thân và mọi người xung quanh.
TỨC GIẬN
Một người bạn gái cũ từng nói với tôi cô ấy không biết tôi quan tâm cô ấy nhiều đến mức nào cho đến khi tôi hét vào cô. Đó là kết quả nghiên cứu tổng hợp về những cảm xúc gây hiểu lầm nhất sau một hoặc hai thập kỉ. Sự tức giận là kết quả khi ta cảm thấy bị đánh giá thấp. Nó nhắc nhở ta phải khẳng định lại bản thân bằng cách đe dọa gây hại đến người khác hoặc chiếm lấy lợi ích nếu người khác không tôn trọng mình. Điều này giải thích rõ lý do tại sao bạn có thể nổi giận khi người khác cố gắng một cách không cần thiết để giúp đỡ bạn; họ không có mục đích xấu, nhưng họ đã đánh giá thấp bạn.
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Aaron Sell, cho thấy người đàn ông mạnh mẽ và phụ nữ xinh đẹp trong quá trình tiến hóa đều có quyền lực gây hại đến quyền lợi người khác thì dễ bị nổi giận hơn người cùng vai phải lứa. Sell cho rằng "Lợi ích ban đầu của sự giận dữ là giúp ta tránh bị lợi dụng."
Nếu bạn biết mình xứng đáng được gì, và ai khác nhìn sự việc theo cách khác, thì sự tức giận sẽ nổi lên. Nhịp tim tăng, bạn bắt đầu đổ mồ hôi, bạn nghĩ về tất cả mọi thứ có thể nói thẳng với đối phương. Khi thực sự tức giận, bạn không thể kiềm chế được năng lượng cơ thể của bạn. Trên khắp các nền văn hóa, con người sử dụng phép ẩn dụ cho sự tức giận: Bạn là một ấm trà hoặc ngọn núi lửa, sẵn sàng bùng nổ.
Sự giận dữ có thể được xem như cảm xúc đánh mất kiểm soát cao nhất, có lẽ vì gây ra những hành động chống lại những chuẩn mực về sự quan tâm và nhã nhặn của chúng ta. Nhưng Maya Tamir, nhà tâm lí học ở đại học Hebrew tại Jerusalem quan sát được "bất kì cảm xúc nào, khi thực sự mãnh liệt sẽ chiếm lấy lý trí."
Trong thực tế, sự thất vọng vì bị mất giá trị dẫn đến sự tức giận thường giúp bạn đạt được điều bạn muốn. Đó là công cụ đáng tin để chiếm ưu thế trong các cuộc thương lượng. Chắc chắn là cơn giận phát triển thành cơn thịnh nộ có thể làm một tình huống leo thang, nhưng nuốt nỗi đau vì bị làm mất giá trị có thể dẫn đến trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác. Và bằng việc hành động như thể đe doạ, sự tức giận có thể chặn trước sự leo thang. Tôi hét lên, bạn lùi lại, cả hai chúng ta đều tốt.
Sự tức giận thúc đẩy một cá nhân hành động. Khi hầu hết cảm xúc "tiêu cực" khuyến khích chúng ta tránh các tình huống – hãy nghĩ về nỗi sợ – thì sự tức giận thường kích thích phương pháp tiếp cận. Sự tức giận làm tăng sự tự tin, lạc quan và liều lĩnh, cần thiết khi sự lựa chọn thay thế là đánh mất điều gì đó quan trọng với bạn. Sự giận dữ cũng mang giá trị danh dự, thể hiện với người khác rằng bạn có sức mạnh về nguồn lực và ý chí. Những người hay thể hiện sự tức giận được cho là có vị thế cao hơn, giỏi giang hơn và đáng tin hơn.
Cách thể hiện sự tức giận thay đổi theo từng nền văn hóa. Tamir nhớ lại một việc ngay khi cô ấy quay về Israel sau khi học tại Mỹ, khi cô đang xếp hàng chờ chụp hình bằng lái. Bỗng có người hỏi cô đang làm gì, Mitar liền trả lời. Người đó nói "À, sao cô không lại đó và la to?!". Đừng làm điều này tại Nhật Bản.
Sự tức giận không chỉ có lợi cho cá nhân, nó còn góp phần cho tiến bộ xã hội. Nó kích thích quyền công dân và phong trào nam nữ bình quyền. Nó có thể mang đến sự công bằng, công lý, sự táo bạo và tính sáng suốt. Áp lực không thể bị nhận thấy nếu không có nó. Nếu bạn luôn ngăn cản sự thất vọng khi người bạn đời của bạn làm gì đó phật ý bạn, vấn đề sẽ không nhẹ nhàng đi mà còn ăn mòn mối quan hệ đó từ bên trong.
XẤU HỔ, TỘI LỖI, BỐI RỐI
Vài năm trước, Ilona de Hooge là một trợ lý giáo sư tâm lý học. Cô nói "Tôi đã cho rằng mình làm rất tốt. Nhưng cuối cùng tôi thất bại hoàn toàn và bị sa thải". Cô tự trách móc mình trong suốt một tháng "Tôi cảm giác như mình chẳng làm điều gì đúng cả, mình thật vô dụng. Dù tôi thất bại chỉ ở một khía cạnh của cuộc sống, nhưng tôi cảm thấy như là: OK, giờ mình là kẻ thất bại trong mọi thứ". Nhưng sau vài tuần, trải nghiệm "đã thúc đẩy tôi tìm kiếm công việc khác mà mình làm tốt hơn" De Hooge bây giờ là một giảng viên marketing ở đại học Erasmus, cô ấy nghiên cứu về cảm giác xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, bối rối.
Con người thực sự khó mà thành công và sẽ không thể tồn tại mà không có gắn kết cộng đồng. Sống giữa những người đòi hỏi mọi người tôn trọng triệt để những chuẩn mực như: đừng xì hơi ở nơi công cộng, đừng đấm vào mũi người khác. Khi ta vi phạm chuẩn mực, ta cần một cách để kéo mình quay về hành vi thích hợp. Chính sự hổ thẹn, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ đã giúp ta ý thức tự giác.
Đầu tiên, chúng làm ta cảm thấy mình vô giá trị. De Hooge nói rằng cô thấy mình hoàn toàn vô dụng sau khi bị cho thôi việc, một đặc điểm của sự hổ thẹn. Ngược lại, cảm giác bối rối không gây ra cảm giác lớn như vậy. Khi De Hooge một lần nọ bị ngã xe đạp và gãy tay, cô kể "Tôi thấy như là: À, tôi đã làm điều gì đó thật ngu ngốc và mọi người đang nhìn mình". Cô đã không cảm thấy suy sụp, nhưng cô cảm giác mình thật ngu ngốc khi gây ra sai lầm đó. Sau khi thốt ra một lời vô ý, bạn tự nhủ sẽ không bao giờ lặp lại điều đó. Trải nghiệm và dự đoán về nỗi đau trong tương lai là một rào cản đối với hành vi gây tổn thương và ngu ngốc.
Cảm giác không thoải mái của sự bối rối, đặc biệt là xấu hổ khiến bạn tự xem lại những gì dẫn đến trạng thái đó và bạn cần làm gì sửa chữa bản thân. Cô cho rằng "Con người có thể rút ra bài học từ sai lầm chỉ khi họ thừa nhận họ đã làm sai".
Những cảm xúc cũng khuyến khích bạn chuộc lỗi. Khi cảm thấy ngượng ngùng, tội lỗi, hoặc xấu hổ, bạn cố gắng để sửa chữa những gì bạn làm sai, bằng cách giữ thể diện hoặc bằng cách giúp đỡ người khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy bạn sẽ trở nên rộng rãi hơn và chịu hợp tác, thậm chí với người lạ. Những tên tội phạm cảm thấy tội lỗi ít có khả năng trở lại trong tù. Bệnh nhân cảm thấy xấu hổ trong chuyến thăm của bác sĩ sẽ cải thiện hành vi sức khỏe của họ. Người chồng biết họ đã làm sai sẽ mua hoa.
Một cách vô tình, bạn đỏ mặt khi ngượng, bạn xuống tinh thần với nỗi xấu hổ. Nhà tâm lí học Dacher Keltner của đại học California, Berkeley cho rằng đó là dấu hiệu bạn dễ bị tổn thương và kết thúc tích cực là: nó khiến mọi người yêu quý bạn.
Sau khi mắc một sai lầm, thể hiện sự xấu hổ hoặc tội lỗi làm người khác thích bạn hơn. Họ xem bạn là người có đạo đức hơn, thông cảm với bạn hơn và giúp đỡ bạn nhiều hơn. Trái lại, việc duy trì trạng thái không cảm xúc báo hiệu rằng bạn không hiểu bạn đã phạm một quy tắc xã hội hoặc bạn không quan tâm.
Đỏ mặt kèm với sự ngượng ngùng là "một lời xin lỗi không lời". Keltner nói những hành vi đó giảm khả năng bị nhận những lời chỉ trích hà khắc. Nó là một cảm xúc khó giả mạo, độc đáo ở con người, được tiến hoá để quảng bá tính cách tốt của chúng ta.
Nhưng chúng ta không nhất thiết là làm chuyện gì đó sai trái thì mới cảm thấy xấu hổ. Nó lộ ra khi chúng ta tán tỉnh người tình, gặp được thần tượng nhạc rock, hay nhận một vòng tròn "Chúc mừng sinh nhật". Sự chú ý ta nhận được hoặc thiếu kịch bản xã hội có thể làm ta đỏ mặt để mời gọi một lời phán xét rộng lượng từ người khác hoặc báo hiệu thiếu sự đe dọa.
Có nhiều kiểu xấu hổ khi xấu hổ và nhiều kiểu ngượng ngùng khi ngượng ngùng (cả hai đều nhận biết bởi đỏ mặt), nhưng những cảm xúc này mới giúp ta có thể sống bên nhau. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ không thể tin tưởng nhau – hoặc tin tưởng bản thân.
GHEN TỴ VÀ GHEN TUÔNG
Niels van de Ven vẫn nghĩ những lần chơi bóng chày khi còn nhỏ. "Một đồng đội mà tôi khá thích luôn là cầu thủ xuất sắc hơn tôi". Điều này cực kì làm nản lòng trong những môn thể thao như bóng chày. Anh ta khó chịu vì bạn bè có những thứ anh ta không có, nhưng anh ta không muốn từ bỏ. Anh luyện tập chăm chỉ hơn. Luyện những cú đánh ngay cả ở trên gi.ường vào giờ ngủ. Anh kể "Tôi từng vô tình té vào gi.ường mạnh tới nỗi tấm ván gãy ra". Và rồi anh cũng đã tiến bộ.
Phần nhiều những thành công của chúng ta: về tài chính, tình cảm, danh dự phụ thuộc vào gia thế và các nguồn lực trong một nhóm, nó từng như vậy xuyên suốt lịch sử con người. Bạn không cần chạy nhanh hơn con gấu, chỉ cần chạy nhanh hơn bạn bè của bạn. Hạnh phúc bị ảnh hưởng lớn bởi sự so sánh giữa bản thân chúng ta với người khác. Bạn không cần phải là người thông minh nhất hoặc giàu nhất, chỉ cần thông minh và giàu hơn những người hàng xóm của bạn. Cảm giác khó chịu khi thua kém những người xung quanh bạn thể hiện qua sự thù địch, mắc cỡ, oán giận – một hỗn hợp tạo nên lòng đố kị. Lòng đố kị gây ra những hậu quả đáng tiếc, nhưng đồng thời cũng có những lợi ích nhất định. Để làm giảm cảm giác thua kém, lòng đố kị thúc đẩy ta tăng cường vị thế bản thân hoặc giảm thiểu vị thế người khác. Cách bất biến để tăng vị thế bản thân là trở nên thành công hơn. Van de Ven, hiện là nhà nghiên cứu tâm lí học ở đại học Tilburg, đã phát hiện thấy, gây ra sự ghen tỵ đã nâng cao sự kiên trì và thành tích ở các đối tượng trong một nhiệm vụ sáng tạo – còn hơn cả sự ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ làm ta thoải mái trong một lúc nào đó, nhưng vết châm của lòng đố kị làm cháy lên tham vọng đạt được thành công. Chúng ta cũng có thể trở nên thành công hơn bằng cách cạnh tranh với người mà mình ganh tỵ. Sự ghen tỵ làm tăng sự chú ý và kí ức với những người cùng giới với mình.
Những gì Van de Ven thấy là một dạng đố kị vô hại: Ông nhận thấy bạn của ông giỏi hơn, và ông tập trung vào những gì cần làm để đạt đến mức đó. Nhưng khi ai đó có những thứ mà bạn nghĩ họ không xứng đáng có được, bạn sẽ đố kị ác ý. Nhà tâm lý học Garrod Parrot ở trường đại học Geogretown, đưa ra ý kiến Một "cảm giác bất mãn sôi lên làm bạn thù ghét người mà bạn sinh lòng đố kỵ, kèm theo là cảm giác thua thiệt".
Lòng đố kỵ ôn hoà về cơ bản là một nguồn lực sáng tạo, thì đố kỵ ác ý lại mang tính huỷ hoại mặc dù đó là điều tốt nếu một kẻ ba hoa cần bị hạ bệ. Tăng sự chú ý đến một đối thủ cho phép bạn học hỏi từ anh ta, cũng có thể cho phép bạn sỉ nhục một ai đó đạt được thành công bất chính, bằng cách chú ý đến những lỗi lầm và hành vi sai trái của anh ta và lợi dụng chúng.
Lòng đố kị dễ bị nhầm lẫn với ghen tuông, nhưng hai cái đó khác nhau. Lòng đố kị là một khao khát về những thứ người khác có. Còn sự ghen tuông xuất hiện khi một kẻ thứ ba đe doạ đến một mối quan hệ có giá trị. Cũng như lòng đố kỵ, sự ghen tuông có tính tiêu cực, nhưng trước một vụ ngoại tình có thật, thì nó thúc đẩy sự sinh tồn. Xuất phát từ nỗi đau sợ bị bỏ rơi, nó buộc các cặp đôi phải kiểm tra và sửa chữa lại mối quan hệ của họ.
SỢ HÃI VÀ LO LẮNG
Trong một buổi tối, khoảng 10h, Samantha (tên giả) 30 tuổi, đang đi về nhà. Khi băng qua công viên thì có một người đàn ông ngồi trên ghế gọi cô. Khi lại gần, hắn vật cô xuống và kề dao vào cổ, hét lên "Tao sẽ giết mày, ả điếm!". Thay vì hoảng loạn, cô bình tĩnh nhìn vào mắt hắn và nói về tiếng nhạc từ dàn hợp xướng của một nhà thờ gần đó "nếu muốn giết tôi, anh phải bước qua các thiên sứ của tôi trước". Hắn liền thả Samantha đi.
Samantha mắc một rối loạn hiếm gặp, phá hủy những hạch hạnh nhân trong não, loại bỏ khả năng cảm nhận sự sợ hãi. Kết quả là cô trải qua những tình huống nguy hiểm tính mạng với phong thái tự tin như thế. Tính không biết sợ đã giữ mạng sống cho cô.
Nỗi sợ hãi thực chất là tấm chắn bảo vệ, một phản ứng thích hợp trước những dấu hiệu đe doạ, nâng cao nhận thức và chuẩn bị cho cơ thể bỏ trốn. Đôi khi con người vượt qua nỗi sợ và trở nên điên cuồng hoặc tê liệt, nhưng dấu hiệu của nỗi sợ ban đầu thường là hai mắt và mũi mở to, được điều chỉnh để thu thập thông tin cảm giác. Không ngạc nhiên khi những đối tượng trong một nghiên cứu chọn nghe nhạc gây sợ hãi khi chơi game chiến đấu với kẻ thù và người ngoài hành tinh.
Nỗi sợ kích thích những hình ảnh sinh động những thứ sẽ xảy đến và làm sao để thoát ra khỏi tình huống đó. Chạy trốn? Chiến đấu? Giả chết? Sự tập trung của bạn thu hẹp, tim đập nhanh, các giác quan của bạn hoạt động mạnh. Tất cả những thứ không liên quan đến sự an toàn của bạn mất đi.
Trong khi phản ứng sợ hãi mang tính tự động hoá, nó bắt nguồn sâu xa trong bộ não, và được gìn giữ trong các loài xuyên suốt lịch sử tiến hoá, thì nhiều nỗi sợ cụ thể là do học được. Ví dụ như trẻ em phải được dạy không được đến gần ổ điện.
Không phải tất cả các mối đe doạ đều mang tính chết chóc, một vài mối đe doạ chỉ đơn thuần giết danh dự của bạn. Những nỗi sợ về hậu quả xã hội cũng là điều tốt, đó là lý do tại sao chúng ta quá quan tâm đến đạo đức và cách cư xử. Bạn không muốn chọc giận sếp hoặc làm bản thân bối rối. Nếu không biết sợ, chúng ta hiển nhiên trở thành những kẻ vô cùng liều lĩnh. Có những hoàn cảnh mà khả năng đánh giá rủi ro của chúng ta bị giảm – vd, khi say, ở vị trí quyền lực, còn là thanh thiếu niên. Việc mạo hiểm không cần thiết có thể dẫn đến bất kì điều gì, từ t.ình d.ục không an toàn đến suy thoái kinh tế. Đôi lúc chúng ta không sợ những thứ, như về khí hậu thay đổi, vì hậu quả chưa đủ cụ thể.
Khi chúng ta lo sợ nhưng không thể trực tiếp giải quyết các mối đe dọa đó, hay thậm chí không xác định được chúng, thì nỗi sợ trở thành sự lo lắng. Bằng việc kích thích thu thập thông tin, sự lo lắng cải thiện hiệu suất của những người thông minh, dù trong công việc hay trường học. Nó làm cho con người năng động và biết cảnh giác. Các nhà nghiên cứu tin rằng nỗi lo không chỉ duy trì cuộc sống mà còn cần thiết trong các hoàn cảnh đòi hỏi sự thận trọng và tinh thần tự giác.
Nỗi lo về cách sống của chúng ta có thể chỉ ra những cách mà chúng ta không sống thật với chính mình, những cách mà hành động của chúng ta không phù hợp với các giá trị sâu sắc nhất của mình. Sự lo lắng có thể phục vụ một mục đích khắc phục, đưa chúng ta quay về lối sống chân thực.
SỰ HỐI TIẾC VÀ THẤT VỌNG
Ted Ligety đến Vancouver vào năm 2010 để giành huy chương Olympic trong cuộc thi trượt tuyết lớn. Và anh đã ra về tay không "Sau cuộc đua tôi mới biết rằng mình đã giảm tốc độ ở đồi. Tôi cảm thấy thực sự thất vọng, nhưng dù sao nó cũng giúp tôi thay đổi thái độ". Anh đã ép mình tập luyện chăm chỉ hơn, sau bốn năm thì đạt được huy chương vàng.
Cảm giác hối tiếc xuất hiện khi chúng ta nghĩ về những gì mình sẽ đạt được nếu chúng ta đã làm việc gì đó khác đi. Nó dựa vào giả thiết không thật- suy nghĩ về những thực tế thay thế. Giả thiết không thật cho phép ta phân tích quá khứ và tương lai và hiểu nhân quả: Nếu tôi không làm A, B đã không xảy ra; nếu tôi làm X, Y sẽ xảy ra. Nó làm tăng việc học hỏi và lên kế hoạch.
Vì phạm một sai lầm là cơ hội học hỏi tuyệt vời, nên các cảm xúc của chúng ta nhấn mạnh những sai lầm đó cho chúng ta, gây thêm cảm giác hối hận. Tôi tự hỏi "Làm sao tôi có thể làm điều đó vậy? Mình thật ngu ngốc, phải chi ngày đó mình biết như bây giờ". Chúng ta được tiến hóa để nhận thấy những lỗi lầm của mình và khắc ghi. Có một nguyên nhân chúng ta tự hành hạ bản thân khi thất bại: Nghiên cứu chỉ ra rằng khi giày vò lỗi lầm, sự hối tiếc làm chúng đáng nhớ hơn và có hiệu quả hơn trong việc làm ta thay đổi. Nó có thể là cảm xúc tiêu cực nhất thường gặp, dõi theo mọi tình huống từ sự lựa chọn bạn đời của chúng ta cho đến lựa chọn hàng thanh toán.
Todd Kashdan vẫn suy ngẫm về cơ hội dự một lớp học với Carl Sagan ở trường cao đẳng. Anh lên lịch cho cuộc phỏng vấn với nhà thiên văn học để được chấp nhận nhưng quá lo lắng mà không đến. "Thật đáng xấu hổ khi tôi để nỗi lo lắng lấy mất kinh nghiệm tuyệt vời đấy. Và đó một thử thách lớn cho mỗi lần tôi đối mặt với nỗi sợ khi ra quyết định vì cách tôi thể hiện bản thân."
Sự hối tiếc có một "người bạn tri kỉ" đáng tin cậy giữ chúng ta khỏi rắc rối: hối tiếc mong đợi. Các nghiên cứu cho thấy khi nỗi hối tiếc này không làm chúng ta tê liệt thì sự sợ hãi về tương lai này làm cho chúng ta chịu đeo bao cao su, uống rượu ít hơn, và ăn uống điều độ hơn.
Sự hối tiếc cũng thúc đẩy chúng ta sửa chữa những gì mà mình gây ra, dù là trả lại một món hàng hay xin lỗi một người bạn. Yếu tố phân biệt giữa sự hối tiếc và thất vọng, đó là sự thất vọng thúc đẩy chúng ta từ bỏ một mục tiêu hơn là tiếp tục. Sự hối tiếc xuất hiện khi một kết quả sẽ là tồi tệ hơn nếu chúng ta không hành động khác đi, ám chỉ trách nhiệm cá nhân; còn nỗi thất vọng phát sinh khi kết quả tệ hơn chúng ta kì vọng, tạo cảm giác bất lực. Dù gây khó chịu, sự thất vọng vẫn có lợi ích của nó – tránh một mục tiêu không thể đạt được. Nó cũng thu hút sự đồng cảm và hỗ trợ. Kết quả là những người khác có thể giúp đỡ chúng ta nhiều hơn.
Bày tỏ sự hối tiếc cũng có lợi, nó mang mọi người lại gần nhau hơn. Chia sẻ nỗi hối tiếc của mình khiến bạn trở nên khiêm nhường (ai cũng phạm sai lầm) và dễ tổn thương. Nó cũng cho thấy bạn quan tâm đến những hậu quả mình gây ra.
Các nhà tâm lý học Laura King và Joshua Hicks tin rằng hối tiếc là cần thiết cho sự phát triển cái tôi. Những người sống trưởng thành hơn: Họ chịu đựng được sự mơ hồ và nhìn cuộc sống một cách tinh tế hơn, họ đồng cảm nhiều hơn và mở lòng cho kinh nghiệm mới, và chúng tạo thành các mối quan hệ mạnh mẽ hơn. Chỉ bằng cách nhận ra những gì bạn đã mất, bạn có thể tiếp thu một bài học, chưa kể đến việc rút ra khỏi mục tiêu cũ của bạn và theo đuổi những mục tiêu mới. Về lâu dài, sự hối tiếc thực sự có thể tạo ra một loại hạnh phúc thỏa mãn hơn, mới hơn, một trong số đó là kiên trì hơn và phức tạp hơn.
SỰ BỐI RỐI, THẤT VỌNG, BUỒN CHÁN
Khi Sidney D’Mello, một nhà tâm lý học tại Notre Dame đang học cách để lập trình máy tính, ông thường xuyên soạn và chạy một chương trình, và nhận được một thông báo lỗi ngay lập tức. Tất cả mọi thứ có vẻ ổn, nhưng có gì đó không hoạt động. Ông gặp phải những thông tin mới mà không phù hợp với cái cũ- một thông báo lỗi khi bạn không mong đợi gợi nên bất ngờ, và nếu vẫn không được, bạn trở nên bối rối. Cả thế giới trở thành một nơi khó chịu, kỳ lạ, nơi mà nhận thức và logic không còn đáng tin cậy. Vũ trụ như vỡ tung.
Nhưng sự bối rối có thể hiệu quả; nó buộc bạn phải có sửa lại mọi thứ một cách có phương pháp. D’Mello đã tạo ra một mô hình tinh thần của chương trình của ông và chạy thử nghiệm sau khi kiểm tra để xác định sản lượng mỗi đầu vào. "Đó là toàn bộ quá trình phong phú, tư duy trừu tượng, thử nghiệm, và nhìn thấy một hệ thống phức tạp hoạt động như thế nào" D’Mello nói, "đó là bản chất của việc học sâu sắc."
D’Mello nghiên cứu bằng cách nào học sinh học lý luận khoa học. Sự khó chịu của cảm giác bối rối giúp giải quyết vấn đề. Các nhà nghiên cứu giáo dục bàn về "những khó khăn đáng mong muốn", buộc học sinh dấn thân vào tài liệu học và xử lý thông tin sâu sắc. D’Mello viết rằng mục tiêu của giáo viên là nên tìm cho mình những "những vùng bối rối tối ưu."
Khi bối rối, bạn trở nên thất vọng, thậm chí tức giận. Đáng chú ý hơn, sự bối rối, thất vọng và giận dữ đều làm cau mày, cho thấy mục tiêu bị chặn. Thất vọng thúc đẩy bạn phải mạnh mẽ hơn, chiến đấu để giải quyết những điều phi lý.
Nếu bạn cứ tiếp tục cố gắng và chẳng đi đến đâu, sự nhàm chán xảy ra sau đó. Chán nản đẩy bạn tìm kiếm các vấn đề thú vị hơn. Trạng thái này gây khó chịu đến nỗi con người sẽ tự sốc điện bản thân họ để tránh ngồi một mình trong 15 phút cùng với các ý nghĩ của họ. Nếu bạn không tình cờ có pin trên tay, bạn có thể thích mơ mộng hoặc những thách thức mới. Ý tưởng tuyệt vời biết đâu sẽ xuất hiện.
NỖI BUỒN VÀ SỰ ĐAU KHỔ
Năm 1995, Jane và Flicka Rodman đi bộ đường dài Crest Trail Thái Bình Dương từ Canada đến Mexico. Trong chuyến đi hai ngàn dặm, cặp đôi trẻ đã dạo một vòng dọc theo một con đường để gặp gỡ bạn bè. Bỗng người lái xe đã đi lệch ra khỏi đường, tông chết cả hai. Mẹ của Flicka, Barbara Perry, đắm mình vào hai dự án để khỏa lấp đi nỗi buồn. Cô lập Quỹ Jane và Flicka cho Hiệp hội Trail Crest Thái Bình Dương, và tổ chức một chuyến đi du lịch bụi kéo dài hai tuần hàng năm. Ở đây cô và bạn bè của cặp đôi này đi bộ theo đường mòn trải dài. Mỗi đêm quanh lửa trại, Barbara đọc tờ tạp chí của Flicka, bản báo cáo của anh về khu đường mòn. Nụ cười và nước mắt hòa lẫn.
Thất bại trong việc nếm mùi đau khổ, nỗi buồn (và tức giận) sau một thảm kịch như vậy sẽ là không thể tưởng tượng được. Nó sẽ không làm Barbara giúp các tổ chức đã giúp con trai cô rất nhiều, và cô ấy cũng sẽ không mang những người bạn của con trai mình đến với nhau. "Đặc biệt là khi có một sự mất mát vô nghĩa xảy đến" Barbara nói, "sẽ có một nhu cầu để làm một điều gì đó tích cực".
Nỗi buồn là phản ứng trước một mất mát có thật hay mất mát tiềm tàng và báo hiệu sự phục hồi là cần thiết. Kết quả là, nó sẽ thúc đẩy sự thay đổi, và các loại nỗi buồn khác nhau kích thích những cách khắc phục khác nhau. Trong một nghiên cứu, đối tượng tưởng tượng mất một người thân vì ung thư, không thể thực hiện một mục tiêu quan trọng, hay như chỉ cần đi đến cửa hàng tạp hóa, sau đó liệt kê tất cả những điều họ muốn làm. Những người cảm nhận một sự mất mát mối quan hệ vạch ra các hoạt động mang tính xã hội nhất, và những người cảm thấy thất bại liệt kê các hoạt động liên quan đến công việc nhiều hơn.
Nỗi buồn làm cho bạn có chừng mực hơn, suy nghĩ cụ thể hơn. Nó làm giảm sự cả tin, hay quên, và nhạy cảm với các khuôn mẫu. Nó cũng làm cho bạn nhạy cảm hơn với các chuẩn mực xã hội, tăng sự lịch sự nhã nhặn và công bằng. Ngược lại, hạnh phúc có thể dẫn đến suy nghĩ hời hợt, ngạo mạn, và liều lĩnh. Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực như buồn bã trớ trêu thay có thể làm giảm trầm cảm; nó không làm phức tạp vấn đề bằng cách làm con người cảm thấy tồi tệ vì họ có cảm xúc tồi tệ.
Nỗi buồn cũng có chức năng như một tín hiệu báo cho người khác biết chúng ta có thể cần sự giúp đỡ. Một số nhà khoa học tin rằng khóc làm cho những biểu lộ trên khuôn mặt của nỗi buồn trở nên đặc biệt rõ ràng. Trầm cảm, một trạng thái buồn bã và tuyệt vọng kéo dài, hiện nay bị xem là một chứng rối loạn. Nhưng nó có thể là một phản ứng lành mạnh trước những hoàn cảnh sống khó khăn. Nó có thể được tiến hoá như một cách để con người loại bỏ những hoạt động gây mất tập trung và nghiền ngẫm về bất kì vấn đề phức tạp nào đang ám ảnh họ.
Cho dù tránh né nỗi buồn hay sự giận dữ, sự bối rối hoặc chán chường, việc tạo khoảng cách giữa bản thân chúng ta với những cảm xúc tiêu cực của chúng ta gây tê liệt hoạt động và sự phát triển hàng ngày. Nó cũng tách chúng ta ra khỏi kinh nghiệm trọn vẹn của loài người. "Dù bạn không bao giờ tìm kiếm sự đau buồn" Barbara Perry nói, "thì nó là một trong những kinh nghiệm phát triển lớn nhất bạn sẽ có. Nó làm bạn là một con người sâu sắc hơn".
Nhắc lại sự tuyệt vọng cô cảm thấy sau khi mất con trai, cô nói, "Bạn phải tìm ra được chỗ đứng của mình bất cứ nơi nào bạn có thể". Cô cười lớn: "Đôi khi là neo vào vách đá chết tiệt".
---
Mèo lười dịch.
Nguồn: psychologytoday.com