Cùng với Albert Camus, Jean-Paul Sartre và Samuel Beckett, Louis-Ferdinand Céline được xem là một trong những tác giả lớn của văn học Pháp thế kỷ XX đề cập đến sự phi lý của nhân loại. Dù sử dụng nhiều ngôn ngữ nói và tiếng lóng, ông vẫn tạo cho riêng mình một phong cách viết rất trau chuốt với nhiều quy tắc về cú pháp và chấm câu đặc biệt.
Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline, Tọa đàm: "Cái chết - tài sản duy nhất mà con người sở hữu" sẽ chính thức diễn ra tại Thư viện L’Espace vào ngày 3 tháng 9 tới đây.
1. Thời gian: 18h00 Thứ ba, ngày 03/09/2019
2. Địa điểm: Thư viện L’Espace
3. Ngôn ngữ tọa đàm: Tiếng Việt
4. Cách thức tham dự: Vào cửa tự do!
5. Diễn giả: M. Dương Tường (Dịch giả)
Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Năm 1955, Dương Tường giải ngũ về Hà Nội sinh sống. Ngày ngày ông vào các cửa hàng sách cũ ở phố Bà Triệu, phố Sinh Từ, phố Sơn Tây...sục sạo tìm sách. Ông tiếp tục tự học ở thư viện, có bao nhiêu thời giờ rảnh ông đều "vùi đầu" ở thư viện để đọc sách. Có thể nói thư viện đã là trường đại học và ông là một sinh viên ưu tú nhất do trường đại học vĩ đại này đào tạo nên. Một Dương Tường uyên bác của hôm nay.
Ông là một nghệ sĩ đa tài, người ta biết đến ông với nhiều vai trò: dịch giả, nhà thơ, phóng viên, nhà phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh...
Các tác phẩm do Dương Tường dịch đã được xuất bản Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Brontë), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Phố những cửa hiệu u tối (Patrick Mondiano), Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust)... và mới đây nhất là tác phẩm Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline.
Dương Tường được đánh giá là một trong số ít dịch giả văn học có tầm ở Việt Nam xét ở nhiều phương diện.
6. Giới thiệu về cuốn sách:
Câu chuyện là những hồi tưởng của bác sĩ Ferdinand Bardamu về những năm tháng thơ ấu của mình trong một gia đình tư sản nhỏ vào khoảng những năm 1990. Thời thơ ấu của Ferdinand gắn liền với những lời trách móc cay đắng của cha mẹ, việc học của anh là một chuỗi những thất bại. Một cuộc đời tưởng chừng như đã vô vọng bỗng dưng sang trang mới nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh với một nhà phát minh lập dị... Đọc Chết chịu để thẩm và để thấu một câu chuyện không đầu không cuối, một tiếng kêu hận thù và tuyệt vọng, một Paris đầu thế kỷ XX đầy biến động trước những tiến bộ khoa học, nơi mỗi người dân phải đấu tranh để kiếm sống, để tồn tại...
Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt bởi dịch giả Dương Tường, người đã dành gần 60 năm cuộc đời cho nghề biên dịch. Buổi tọa đàm sẽ là dịp để dịch giả Dương Tường chia sẻ với độc giả những khó khăn, thử thách khi dịch cuốn sách được xem như "cách tân của văn chương Pháp thế kỷ XX" khi nó phá vỡ mọi quy tắc cú pháp truyền thống.