Vừa qua, Netflix đã cho ra mắt bộ phim mới với tên gọi Squid Game (Trò Chơi Con Mực) xoay quanh chủ đề cuộc chiến sinh tồn giữa bối cảnh trải nghiệm các trò chơi dân gian của Hàn Quốc.
Chỉ mới vài ngày sau khi lên sóng, Squid Game (Trò Chơi Con Mực) đã xâm chiếm hàng loạt Bảng xếp hạng trong vài ngoài nước, đồng thời làm mưa làm gió trên khắp các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Twitter,...tạo nên cơn sốt chưa từng thấy trước nay.
Đồng thời, Squid Game cũng trở thành bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đạt vị trí số 1 trong Top 10 chương trình truyền hình hàng đầu của Netflix tại Hoa Kỳ. Thậm chí, những trò chơi trong bộ phim còn trở thành chủ đề hot trend trên TikTok với mỗi video thu về hàng triệu lượt xem.
Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng trở về tuổi thơ với loạt trò chơi dân gian của Việt Nam gay cấn và căng não chẳng kém những trò trong Squid Game nhé!
Tùy theo mỗi vùng miền mà có cách chơi khác nhau. Sau đây là 2 cách chơi bịt mắt bắt dê phổ biến nhất:
+ Cách chơi thứ 1:
Cả nhóm cùng oẳn tù tì hoặc chọn một người xung phong bịt mắt đi bắt dê, khăn bịt mắt, những người xung quanh đứng thành vòng tròn rộng.
Người chơi chạy xung quanh người bịt mắt cho đến khi người đó hô "đứng lại" thì phải đứng lại không được di chuyển, lúc này người bịt mắt đi quanh vòng tròn và bắt một người bất kỳ, người chơi cố tạo ra tiếng động để người bịt mắt mất phương hướng khó phán đoán. Cho đến khi người bịt mắt bắt được và đoán đúng tên một ai đó thì người đó phải thế chỗ cho người bịt mắt. Nếu không bắt được ai lại hô bắt đầu để mọi người di chuyển.
+ Cách chơi thứ 2:
Chọn hai người vào chơi, một người làm dê, một người đi bắt dê. Cả hai cùng đứng trong vòng tròn và bịt bịt mắt, đứng quay lưng vào nhau. Sau đó nghe theo hiệu lệnh người làm dê vừa di chuyển vừa kêu "be be" để người bắt dê định hình phương hướng và đuổi bắt. Những người đứng xung quanh hò reo tạo không khí sôi động. Người săn bắt được dê thì dê được thay chỗ làm người săn và một người khác ở hàng rào vào làm dê, người săn thắng cuộc trở lại làm hàng rào.
Luật chơi trò bịt mắt bắt dê: Mắt phải được bịt kín + Người chơi chỉ được cổ vũ, không được nhắc hoặc mách cho bạn đi bắt dê & không được đi ra khỏi vòng tròn.
Trốn tìm là trò chơi phổ biến của trẻ em, số lượng người chơi không hạn chế (nhưng ít nhất là ba). Mục đích của trò này là một người đi tìm còn những người kia sẽ đi lẩn trốn. Người bị chỉ định là "người tìm" thường phải nhắm mắt và úp mặt vào một vật lớn như bức tường hoặc thân cây rồi đếm lớn tiếng: 5, 10, 15, 20, 25... cho đến khi đạt 100 thì người tìm mở mắt rồi bắt đầu đi vòng quanh tìm những người kia. Trong khi "người tìm" còn đếm thì những người còn lại sẽ có thời gian chạy trốn.
Trò chơi kết thúc bằng nhiều cách. Người tìm khi phát hiện một người trốn thì có thể hô lớn tên đương sự và vị trí của họ, kể như người trốn bị loại. Một biến thể khác là người trốn khi bị phát hiện phải đứng yên bất động ở vị trí đó. Biến thể khác nữa là người trốn dù bị phát hiện nhưng nếu nhanh chân chạy trở lại vị trí đầu tiên và đập tay vào vật mà người tìm úp mặt lúc khởi đầu đếm thì coi như "sống". Nếu người tìm chạy về trước và đập tay vào chỗ đếm khởi đầu thì người trốn đó bị loại. Người nào trốn tránh được lâu nhất là kẻ thắng.
Trò chơi thường gồm hai người chơi, mỗi người ngồi ở phía ngoài cạnh dài hơn của hình chữ nhật và những ô vuông bên nào thuộc quyền kiểm soát của người chơi ngồi bên đó.
Bàn chơi Ô ăn quan được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.
Từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ di chuyển dân theo phương án để có thể ăn được càng nhiều dân và quan hơn đối phương càng tốt. Người thực hiện lượt đi đầu tiên thường được xác định bằng cách oẳn tù tì hay thỏa thuận. Khi đến lượt, người chơi sẽ dùng tất cả số quân trong một ô có quân bất kỳ do người đó chọn trong số 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của mình để lần lượt rải vào các ô, mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất và có thể rải ngược chiều xuôi chiều kim đồng hồ tùy ý.
Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy; tình huống này được gọi là hết quan, tàn dân, thu quân, kéo về hay hết quan, tàn dân, thu quân, bán ruộng.
Công cụ để chơi bi rất đơn giản, chỉ là những viên bi. Bi là viên hình cầu có đường kính khoảng 0,5 cm đến hơn 1 cm nhưng cá biệt có thể lớn hơn. Bi có thể làm từ đất nung (có thể sơn các màu sặc sỡ), gạch, đá hoặc thủy tinh bằng phương pháp thủ công hay sản xuất công nghiệp. Bi đất nếu làm thủ công thường có chất lượng không cao: dễ vỡ, không tròn...nên trẻ em thường chế tác một vài viên bi chất lượng tốt dùng làm bi cái khi chơi. Có hai cách phổ biến là:
+ Tìm hoặc đập một viên đá nhỏ rồi dùng dao đẽo gọt cho có dạng gần hình cầu. Sau đó dùng một vật có lỗ tròn, đường kính như đường kính của viên bi định làm và miệng lỗ cứng để mài viên đá đó thành bi, gọi là xoáy bi. Vật thường dùng để xoáy bi là vỏ đạn súng trường/tiểu liên, thậm chí vỏ trai, ốc nhồi mài đều xuống nền sân cứng cũng tạo thành lỗ xoáy bi.
+ Dùng một viên bi đất có sẵn rồi cũng xoáy cho thật tròn sau đó nung trong lửa thành sành.
Với những cách như vậy, làm một viên bi cái mất khá nhiều thời gian nhưng thu được viên bi bền, cứng và tròn để chơi.
Tại miền Nam bi được làm bằng thủy tinh có pha các màu sặc sở trong lòng viên bi trông rất đẹp mắt. Bi được sản xuất đại trà bằng phương pháp công nghiệp, giá thành rẻ, nên trẻ em không phải tự xoáy bi cho riêng mình.