Triển lãm ảnh và mô hình “Sông kể chuyện Nhựa”

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Đại sứ quán Hà Lan phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP), Viện Goethe và các đối tác giảm rác thải nhựa khác tổ chức Triển lãm truyền thông “Sông kể chuyện nhựa” tại Viện Goethe. Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương và Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cũng như trình chiếu các đoạn phim ngắn lồng ghép những thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Triển lãm sẽ giúp người xem có được cái nhìn tổng thể hơn về hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam để cùng nỗ lực hành động vì môi trường tốt đẹp.

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 15/02 – 15/03/2022

Địa điểm: Viện Goethe Hà Nội, 56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

-----------------------

Trong thời gian trưng bày Triển lãm, Viện Goethe sẽ phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường xây dựng mô hình triển lãm ảo trên ứng dụng Gathertown nhằm tiếp cận nhiều hơn công chúng quan tâm cũng như hỗ trợ các hoạt động bên lề trong khuôn khổ triển lãm.

Ghi chú dành cho bạn:
– Triển lãm trực tiếp tại Viện Goethe Hà Nội sẽ được chính thức mở tới cuối tháng 2, 2022. Ban Tổ chức đang xem xét khả năng gia hạn triển lãm và sẽ sớm thông báo tới các bạn trong thời gian sớm nhất có thể.
– Triển lãm trực tuyến trên ứng dụng GatherTown sẽ mở đến 15/03/2022.

Các sự kiện bên lề
– 14:00, 03/02/2022
Hội thảo chia sẻ kiến thức của EU: “Thúc đẩy các sản phẩm thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững”
– 08:30, 03/04/2022
Hội thảo kỹ thuật của Đối tác hành động vì nhựa và sức khỏe (PHA): “Các sản phẩm nhựa dùng một lần và tác động đến sức khỏe”

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh:

Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương

với thâm niên hơn 20 năm trong nghề, là một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng với mảng khắc họa chân dung có bản sắc riêng.

Trong những bức hình của Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương, người xem luôn bị cuốn hút bởi cái hồn và cái tình trong từng khung hình. Thứ ánh sáng và sắc màu của mỗi bộ ảnh do Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương thực hiện luôn có sắc thái riêng. Chính vì thế, những ai đã trót đem lòng yêu mến những khung hình, thứ ánh sáng và sắc màu có thiên hướng hội họa của anh thì chỉ cần nhìn thôi họ cũng có thể gọi tên người thực hiện chúng!

Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương là người đàn ông dung dị với đôi mắt đầy nhân hậu, luôn dành một tình yêu rất đặc biệt không chỉ cho nhiếp ảnh mà còn cả thiên nhiên. Với anh, từng nhành cây, ngọn cỏ đều có tâm hồn. Có lẽ chính vì thế mà, mỗi tác phẩm nhiếp ảnh của anh đều chứa đựng một tâm hồn như chính cách nhìn của anh với vạn vật xung quanh. Khi tác nghiệp để thực hiện triển lãm ảnh SÔNG KỂ CHUYỆN NHỰA do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức phối hợp cùng các đối tác giảm chất thải nhựa, anh Trương Đại Dương chia sẻ: “Tôi muốn mọi thông điệp đưa tới người xem là những bức hình chân thực và có câu chuyện của chúng. Những khoảnh khắc đẹp và mang thông điệp rõ ràng sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chúng ta chỉ cần nỗ lực từ những điều nhỏ nhất, giống như những hạt mưa phùn của mùa xuân, cứ rả rích, rả rích, không cần xối xả mà đất vẫn thấm đượm và cây cối nảy mầm, sinh sôi…”

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng

“Tôi đã đến nhiều hòn đảo, ở những bờ biển không có dân cư sinh sống tôi vẫn dễ dàng nhặt được rác thải nhựa sinh hoạt mà trên bao bì với nhiều ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau. Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Chúng ta có xứng đáng với hành tinh này hay không? Chúng ta đang để lại gì cho thế hệ mai sau? Một đại dương đầy cá hay một đại dương đầy nhựa? Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta nhận ra rằng đại dương của chúng ta đã và đang trở thành một bãi rác chung.

Chúng ta có thể đến từ nhiều quốc gia, nơi chốn khác nhau nhưng: Chúng ta chỉ có một hành tinh, Chúng ta chỉ có một đại dương, Vì vậy chúng ta chỉ có chung một nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ giảm rác thải nhựa đổ ra đại dương. Máy ảnh của tôi đã ghi lại những vùng toàn rác.

Những con người, những dòng sông oằn mình trong rác. Khi những bức ảnh được chia sẻ, rất nhiều nơi đã được dọn dẹp, tôi được bạn bè gửi lại những bức ảnh tại chính những nơi đó, chỉ khác là ko còn rác. Tôi nhận ra một điều rằng: Chỉ HÀNH ĐỘNG ta mới có thể làm nên thay đổi.

Tôi muốn nêu một thử thách để các quý vị có thể hành động. Đó là thử thách một ngày không sử dụng nhựa dùng một lần. Và thách đố tiếp những người thân quen của mình. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ có ngày không có rác thải nhựa, thế giới có ngày không rác thải nhựa. Nhưng trước hết mỗi chúng ta hãy có cho mình một ngày không rác thải nhựa.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.