Triển lãm cá nhân của họa sĩ Khổng Đỗ Duy: Ký Ức Không Phôi Phai

Triển lãm tranh tại HÀ NỘI | Triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ KHỔNG ĐỖ DUY : KÝ ỨC KHÔNG PHÔI PHAI.

Thông tin từ ban tổ chức:

KÝ ỨC KHÔNG PHÔI PHA

Hoạ sĩ : Khổng Đỗ Duy

Khai mạc 17h thứ 6 ngày 12/1/2024

HỘI HOẠ KHỔNG ĐỖ DUY - NƠI KHÔNG THỂ PHÔI PHA

Người ta sống không thể thiếu hoài niệm. Hoài niệm giúp chúng ta trân trọng quá khứ, bình tĩnh đón tương lai và rằng, hoài niệm, tự thân đã có một giá trị của sự từng trải. Phải từng trải, thậm chí đến một độ tuổi nào đó, người ta mới hay hoài niệm, nhận ra giá trị của hoài niệm. Ấy cũng là khi chúng ta trưởng thành về cách nghĩ, lối sống, đúc rút được nhiều bài học. Có phải thế không mà Khổng Đỗ Duy chọn cho mình giai đoạn chín nhất về nghề để làm triển lãm cá nhân với tiêu đề: Ký ức không phôi pha?

Nếu trước đây, Khổng Đỗ Duy, với sức trẻ của mình, ưa xê dịch, thích vẻ đẹp ngoại giới với cây cỏ, biển hồ... thì giờ đây, anh thích những thứ có xu hướng nội tại, thậm chí thuộc về quá khứ. Nghĩa là anh không vẽ từ ngoài vào mà giờ đây, anh vẽ từ phía trong ra. Nếu trước đây, anh vẽ với bút pháp tung tẩy, có xu hướng trừu tượng, biểu hiện... thì gần đây anh vẽ thiên về ước lệ, tượng trưng. Chính vì vậy, sự khái quát trong các tác phẩm của anh cũng trở nên cô đọng, xúc tích. Thay vì vẽ những vẻ đẹp của cây cối, kiến trúc, núi non... Khổng Đỗ Duy tìm về vẻ đẹp của ký ức, của thời quá vãng đã qua. Đó có thể là một chiếc máy khâu cũ của thời mậu dịch, đã từng nuôi sống cả gia đình. Là chiếc đèn bão từng theo cha ra đồng đặt đó, kéo tôm. Là khay trầu bà ăn. Là cành đào Tết bên chậu hoa thuỷ tiên mà ông đã gọt củ, ươm mầm... để bung nở đúng tiết Giao thừa tinh khiết.

Những thứ vốn không chỉ đẹp về tạo hình mà bên trong nó chứa đựng những câu chuyện về đời người, về phong tục tập quán, về lịch sử văn hoá, về cốt cách Á Đông. Cũng vì muốn truyền tải những câu chuyện lớp lang ấy, Khổng Đỗ Duy đã chọn cho mình một lối biểu đạt hội hoạ thật trúng, thật đúng và sâu sắc. Đó là một bảng mầu đậm hồn cốt dân tộc. Từ mầu hồng điều, xác pháo đến nâu sồng, cánh dán, nâu đất rồi đen sơn then. Dải mầu từ nhạt đến đậm, từ nóng đến lạnh... ngập tràn trong tranh của hoạ sĩ... khiến chỗ nào cũng bắt gặp hồn vía dân gian. Tiếp đó, hoạ sĩ lại khéo lồng ghép các hình ảnh trong một dạng thức có tính đồng hiện. Chúng ta có thể bắt gặp bên cạnh các trật tự tĩnh vật, một ánh trăng hạ tuần le lói ở góc tranh. Hay vài nhịp cầu Long Biên cùng hiện hữu với tấm bình phong, hoa đào, phích nước. Sự sắp đặt các đối tượng dầy đặc, lớp lang... đẩy hoạ sĩ vào thế khó phải giải quyết bài toán về bố cục. Ranh giới giữa chi tiết và tổng thể, giữa chính và phụ... chưa khi nào mong manh như lúc này. Thật khéo thay, hoạ sĩ đã lược bò gần như hoàn toàn viễn cảnh xa gần, tận dụng vẻ đẹp mảng miếng để khi cần chơi những mảng thật đặt, những mầu thật duyên... nhằm ấn định trường nhìn một cách hiệu quả. Vì vậy, ở nhiều tác phẩm, dù Khổng Đỗ Duy dùng các thủ pháp trừu tượng thì nó vẫn chỉ là yếu tố phồng nền, là nhạc đệm cho đối tượng chính. Do vậy, nó không hề lấn át chủ đề mà vẫn ăn nhập... thậm chí nó như một gạch nối ngầm, đầy duyên dáng giữa phong cách hội hoạ trước đây và bây giờ của hoạ sĩ.

Cùng với các tác phẩm hội hoạ, triển lãm Ký ức không phôi phai của Khổng Đỗ Duy còn bầy thêm nhiều tác phẩm gốm. Đây là điều khá thú vị, gây ngạc nhiên cho những ai đã biết về hoạ sĩ. Chất men gốm đậm bản sắc Hương Canh giản dị, thô nhám được Khổng Đỗ Duy đẩy cao thêm một nấc khi đưa thêm vào nhiều hoạ tiết đồng tiền cổ một cách hài hoà, đồng điệu. Những chiếc bình mang lại cảm giác như vừa mới khai quật, bao bọc trong bùn đất nhưng lại vang vọng tiếng nói từ ngàn xưa.

Những ngày cuối năm như thế này, khi mà Tết đang cận kề, người ta càng có dịp để lắng lòng mình, nhìn về một năm đã qua, hướng tới một năm nhiều ước vọng và càng xốn xang khi ngắm tranh của Khổng Đỗ Duy. Xốn xang bởi mầu, bởi bố cục, bởi hình ảnh xưa cũ và bởi cái tình đầy ắp trong tranh. Sự thăng hoa, tràn ngập hạnh phúc trong hội hoạ của Khổng Đỗ Duy cũng như những ẩn ý, chắt lọc tượng trưng mà hoạ sĩ gửi gắm khiến tranh của anh không chỉ là câu chuyện về hoài niệm mà thực sự đó là những câu chuyện về văn hoá, là cách mà hoạ sĩ giao cảm với truyền thống, kính cẩn với cha ông. Tranh của Khổng Đỗ Duy vì thế không còn là cái vỏ hình thức sắc mầu mà đã chất đầy nhiều ẩn ý, thông điệp, chiều kích tâm lý. Đây chính là điều không thể "phôi pha" khi ngắm tranh Khổng Đỗ Duy trong triển lãm lần này.

-Hoạ sĩ: Lê Thế Anh-

Triển lãm mở cửa từ 12-17/1/2024, vào cửa tự do

9h-18h hàng ngày

Trân trọng kính mời quý vị!!!

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện.

( Nguồn Khong Do Duy)